Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Cứu giá dầu, cuộc chiến chật vật của OPEC và Nga

Vào tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng với Nga và một số nước sản xuất dầu lớn khác ngoài khối đã nhất trí cùng nhau kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng. Đây là động thái nhằm “hút” sạch lượng dầu dư thừa trên toàn cầu - nhân tố đẩy giá “vàng đen” giảm sâu tới mức khó tưởng tượng trong năm ngoái.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được giữa OPEC và Nga dường như đã thiết lập được một mức “sàn” cho giá dầu thế giới từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, chiến lược này vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là tình trạng thừa dầu của thế giới, ít nhất là đến thời điểm này.

Thế giới vẫn thừa nhiều dầu

Bất chấp việc OPEC và Nga cắt giảm sản lượng, lượng dầu tồn kho ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác vẫn bám trụ ở mức cao. Điều này khiến các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn lo ngại về triển vọng giá dầu.

Chiến lược của OPEC và Nga “đến nay chưa phát huy tác dụng”, ông Matt Smith, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc ClipperData, nhận định. “Họ vẫn còn cách mục tiêu một khoảng xa. Lượng dầu tồn kho hầu như chưa giảm xuống”.

Tại Mỹ, quốc gia có dữ liệu về tồn kho dầu được cập nhật thường xuyên và đáng tin cậy nhất, lượng dầu tồn kho hiện ở mức 516,3 triệu thùng. Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), con số này không chỉ cao hơn mức trung bình lịch sử, mà thậm chí còn cao hơn 6% so với thời điểm khi OPEC và Nga mới đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 11 năm ngoái.

“Lượng dầu tồn kho chưa hề giảm xuống. Đó là lý do vì sao cần phải tiếp tục việc cắt giảm sản lượng”, ông Andrew Slaughter, Giám đốc điều hành Trung tâm Giải pháp năng lượng Deloitte, nhận định.

Điều khiến OPEC quan tâm nhiều hơn là lượng tồn kho dầu trên toàn cầu. Nhưng theo CNN, bức tranh lớn này cũng không hề tươi sáng hơn.

Lượng dầu tồn kho tại các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tăng thêm 24 triệu thùng trong quý 1 năm nay, lên mức kỷ lục 1,2 tỷ thùng - theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

“Bất chấp OPEC nghiêm chỉnh tuân thủ việc cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất dầu chính tin rằng lượng dầu tồn kho chưa hề giảm xuống”, IEA viết trong một báo cáo ra trong tháng 5.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đồng tình rằng chiến lược của OPEC đến nay mới chỉ đem lại kết quả hạn chế. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng “chưa hề có ảnh hưởng rõ rệt đối với lượng dầu tồn kho”, các nhà phân tích của Fitch viết trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm tuần trước.

Sau cuộc họp của OPEC vào hôm thứ Năm, giá dầu thô tại thị trường Mỹ, đã sụt 5% xuống dưới mức 49 USD/thùng, phản ánh sự hoài nghi của giới đầu tư đối với chiến lược của khối.

Trước khi diễn ra cuộc họp, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng Saudi Arabia, “thủ lĩnh” không chính thức của OPEC, và Nga sẽ gây sức ép buộc các nước khác phải giảm sản lượng sâu hơn, hoặc gia hạn thỏa thuận lâu hơn, thay vì chỉ thêm 9 tháng.

Chiều ngày 29/5 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York đứng dưới mức 50 USD/thùng.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến khiến OPEC gặp khó

Vậy đâu là lý do khiến mức cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày của OPEC và các đối tác ngoài khối không thể khiến lượng dầu tồn kho của thế giới giảm xuống?

Nhiều người lo ngại rằng OPEC - khối có cả một lịch sử dài không tuân thủ hạn ngạch sản lượng của chính mình - sẽ không thực hiện đúng cam kết đưa ra. Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng lần này, OPEC không “nói dối”.

Mặc dù vậy, giới phân tích nói rằng Saudi Arabia và Nga thực ra đã khiến mức thừa dầu của thế giới gia tăng khi hai nước này đẩy mạnh xuất khẩu dầu trước khi đạt thỏa thuận vào tháng 11/2016. Với sản lượng bị đẩy lên từ trước, thì việc cắt giảm sản lượng sau đó không có nhiều tác dụng.

Một vấn đề khác là lượng dầu mà OPEC xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng, bất chấp sản lượng bị cắt giảm. Từ đầu năm đến nay, tháng nào Mỹ cũng nhập nhiều dầu từ OPEC hơn so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của ClipperData. “Điều này hơi khó hiểu một chút. Không biết làm thế nào họ vừa tuân thủ đầy đủ thỏa thuận giảm sản lượng mà lại không khiến lượng dầu xuất khẩu giảm đi”, ông Smith từ ClipperData nhận định.

Ngoài ra, sự trở lại của các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng là một trở lại đối với sự khởi sắc của giá dầu. Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, nhất là các mỏ dầu ở vùng Permian Basin, đã chứng tỏ vững vàng hơn những gì OPEC dự đoán.

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ công ty Baker Hughes cho biết các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đến nay đã tăng số giàn khoan hoạt động suốt 19 tuần liên tiếp, lên 722 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015.

Thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC

Các nhà đầu tư lạc quan cho rằng OPEC cần thêm thời gian để đưa cung-cầu trên thị trường dầu về trạng thái cân bằng. Họ nói lượng dầu tồn kho sẽ giảm xuống nhờ việc cắt giảm sản lượng diễn ra song song với nhu cầu tiêu thụ xăng gia tăng ở Mỹ trong mùa hè.

Ông Khalid al-Falih, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia tin rằng thị trường dầu thế giới sẽ cân bằng trong quý 1/2018. Dĩ nhiên, thời hạn dự báo này đã bị lùi lại so với dự báo trước đó của chính ông Khalid rằng thị trường sẽ cân bằng trong năm 2017.

Ngân hàng Goldman Sachs đồng tình rằng mức tồn kho dầu của các nước OECD sẽ trở lại mức bình thường vào đầu năm 2018 nhờ OPEC có thêm 9 tháng cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thế cân bằng sẽ duy trì được lâu, nhất là khi giá dầu tăng khiến các nhà khai thác dầu đá phiến tăng sản lượng.

“Khi thỏa thuận này kết thúc, và đồng thời sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh, thì thị trường sẽ lại thừa cung”, ngân hàng Morgan Stanley viết trong một báo cáo ra hôm thứ Sáu tuần trước.

Đó là lý do vì sao Morgan Stanley hạ dự báo giá dầu vào cuối năm 2018 còn 55 USD/thùng, từ mức 60 USD/thùng đưa ra trước đó.

Goldman Sachs cũng cảnh báo rằng nếu OPEC nối lại cuộc chiến giành thị phần, thì thế giới sẽ lại thừa mứa dầu. “Đây chính là thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC: nếu họ quay trở lại mức sản lượng cũ vào năm 2018 để tăng thị phần, thì giá dầu sẽ lại sụt giảm”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.

Đọc tiếp »

Giới đầu tư Bitcoin mất 4 tỷ USD trong 4 ngày

Gần 4 tỷ USD giá trị của đồng tiền ảo Bitcoin đã “bốc hơi” trong 4 ngày qua, khi một đợt điều chỉnh khiến giá Bitcoin lao dốc khoảng 19% kể từ mức cao kỷ lục.

Hãng tin CNBC cho biết, vào hôm 24/5, giá đồng Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.791,69 USD/Bitcoin.

Tuy nhiên, đến ngày 29/5, giá đồng tiền ảo này cao nhất trong ngày chỉ còn 2.267,73 USD/Bitcoin, đồng nghĩa với mức giảm hơn 520 USD, tương đương giảm 18,7%, kể từ mức kỷ lục - theo dữ liệu từ CoinDesk.

“Đợt điều chỉnh này diễn ra khá nhanh chóng. Nhưng giá Bitcoin hôm nay vẫn cao hơn thời điểm cách đây 1 tuần. Tôi cho rằng giá Bitcoin chỉ giảm tạm thời do hoạt động chốt lời sau đợt tăng chóng mặt vào tuần trước”, ông Bobby Lee, Giám đốc điều hành (CEO) của sàn giao dịch Bitcoin BTCC, nói với CNBC.

Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đã giảm từ mức 40,49 tỷ USD vào hôm thứ Năm tuần trước, xuống còn hơn 37 tỷ USD vào ngày thứ Hai, tương đương với mức sụt giảm giá trị khoảng 3,5 tỷ USD.

Có một số nhân tố đẩy giá Bitcoin tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay, trong đó có việc Nhật Bản hợp pháp hóa sử dụng Bitcoin trong thanh toán. Trong dài hạn, những người ủng hộ Bitcoin tin rằng đồng tiền ảo này sẽ được sử dụng rộng rãi và thậm chí có thể đe dọa sự thống trị của tiền giấy.

Có vẻ như giới đầu tư lại đang “lên dây cót” cho một đợt tăng giá mới của Bitcoin. Theo số liệu từ CryptoCompare, số vị thế đầu cơ giá lên đồng Bitcoin bằng giao dịch ký quỹ đã tăng lên mức gân 22.000 vào ngày thứ Hai từ mức gần 19.000 vào ngày thứ Năm tuần trước.

Một số dự báo gần đây cho rằng giá Bitcoin có thể đạt mức 6.000 USD/Bitcoin trong năm nay.

“Đang có nhiều vốn mới chảy vào Bitcoin, nhờ nhu cầu gia tăng mạnh từ các nhà đầu tư ở châu Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá Bitcoin tăng lên mức khoảng 6.000 USD vào cuối năm nay”, ông Aurelien Menant, CEO sàn giao dịch Gatecoin, nói với CNBC.

Đọc tiếp »

Tỷ phú địa ốc Trung Quốc “bỏ túi” gần 10 tỷ USD nhờ sốt nhà

Từ đầu năm tới nay, tài sản ròng của tỷ phú Hui Ka Yan, chủ tịch tập đoàn bất động sản China Evergrande, Trung Quốc, đã tăng gần 10 tỷ USD lên khoảng 21,3 tỷ USD, CNN dẫn số liệu từ hãng nghiên cứu Hurun Report Thượng Hải.

Tài sản của Hui Ka Yan tăng gần gấp đôi nhờ cổ phiếu Evergrande tăng gấp 3 kể từ đầu năm. Trong đó, kết thúc phiên giao dịch hôm qua (29/5), cổ phiếu này tăng kỷ lục 23% trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Hui Ka Yan hiện là cổ đông chính của Evergrande với 72% cổ phần, theo số liệu của FactSet. Còn theo Hurun, tỷ phú này cũng sở hữu nhiều tài sản khác với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD - trong đó bao gồm cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Evergrande Quảng Châu.

Theo Rupert Hoogewerf, nhà sáng lập của Hurun, việc tài sản của một tỷ phú tăng đột biến trong thời gian ngắn như vậy tại Trung Quốc là chuyện hiếm gặp. Một trường hợp hiếm hoi khác là tỷ phú Wang Wei với tài sản ròng tăng vọt lên 27,5 tỷ USD hồi tháng 3 vừa rồi khi công ty vận chuyển SF Express của ông niêm yết cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán Thâm Quyến.

Sau phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu bất động sản đã mang về cho 3 tỷ phú Hui Ka Yan, Yang Huiyan và Wu Yajun tổng cộng 5,4 tỷ USD. Trong đó, Yang Huiyan của công ty bất động sản Country Garden Holdings Co. có thêm 1,3 tỷ USD, còn Wu Yajun của Longfor Properties Co. có thêm 400 triệu USD, theo số liệu của Bloomberg. Còn Hui Ka Yan kiếm bộn nhất khi cổ phiếu của Evergrande tăng tới 23%.

Mới đây, Evergrande cũng chi một khoản lớn để mua lại cổ phiếu từ nhà đầu tư cho kế hoạch niêm yết tại thị trường đại lục Trung Quốc. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu công ty này tăng vọt.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính bền vững trong mô hình kinh doanh của Evergrande, vốn phất lên với “núi” nợ khổng lồ, Bloomberg cho biết. Tính đến cuối năm 2016, nợ ròng của công ty này lên tới 49,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.

Trong một báo cáo công bố tháng trước, hãng xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo chi phí lãi cùng cổ tức chi trả cho cổ đông cao có thể sẽ khiến gây áp lực lớn cho công ty này.

2017 là năm bội thu của cổ phiếu bất động sản Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm tới các công ty bất động sản như Evergrande với nhiều dự án tại các thành phố nhỏ ở nước này, Andrew Sullivan thuộc công ty chứng khoán Haitong Securities International ở Hồng Kông, cho biết.

Giới chức trách Trung Quốc cũng đã phải đưa ra nhiều chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường tại các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Tháng trước, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt. Trong tháng 4, giá nhà đất tại các thành phố này chỉ tăng khoảng 0,3%, bằng một nửa so với tốc độ tăng của tháng trước đó, theo Wall Street Journal.

Đọc tiếp »

Sẽ ký nhiều hợp đồng tỷ USD trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

“Trong chuyến thăm này, doanh nghiệp hai nước sẽ ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng trị giá hàng chục tỷ USD”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg nhân chuyến thăm Mỹ chính thức từ 29-31/5, theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, Việt Nam tôn trọng quyết định của Tổng thống Trump về việc rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và hai bên đang cân nhắc “những cơ chế mới” để thúc đẩy thương mại song phương.

Mặc dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, ông cho rằng tự do hóa thương mại, hội nhập và liên kết kinh tế vẫn là xu thế chủ đạo tại châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Minh chứng cho điều này là rất nhiều sáng kiến liên kết đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở cấp độ khu vực, liên khu vực và toàn cầu.

Ông nói: “Có thể thời điểm này, việc theo đuổi các thỏa thuận tự do thương mại đa phương như TPP chưa được Hoa Kỳ ưu tiên. Chúng tôi tôn trọng quyết định của Hoa Kỳ, nhưng tôi tin là xu thế tự do hóa, liên kết kinh tế vẫn được Hoa Kỳ thúc đẩy trong các thỏa thuận song phương”.

“Với Hoa Kỳ, dù tiến trình liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới diễn biến thế nào, Việt Nam vẫn nhất quán tăng cường hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp hai nước”, Thủ tướng khẳng định.

Việt Nam và Mỹ đã chứng kiến kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 47 tỷ USD vào năm 2016, từ mức gần như không có gì vào năm 1994 - thời điểm mà cựu Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam.

Mỹ hiện chiếm 14% kim ngạch thương mại của Việt Nam, so với mức 21% của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt bắt đầu tiếp cận thị trường vốn Mỹ

Sau khi đặt chân tới New York vào chiều 29/5 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 30/5 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ chính thức.

Tiếp ông Robert H. McCooey Jr, Phó chủ tịch Sàn chứng khoán Nasdaq - hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam, và ngược lại ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, làm ăn tại thị trường Mỹ, trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Trong khi đó, ông Robert H. McCooey Jr cho biết Nasdaq vừa ký kết bản ghi nhớ với VNG, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet, công nghệ thông tin và nội dung số tại Việt Nam về việc dự kiến niêm yết cổ phiếu của VNG tại Nasdaq.

Ông cho rằng, việc Nasdaq ký kết dự kiến niêm yết với VNG sẽ là bài học kinh nghiệm tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, qua đó, mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn Mỹ thông qua Nasdaq.

Đánh giá cao sự hợp tác này, Thủ tướng mong muốn với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, Nasdaq tiếp tục mở rộng hợp tác và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ VNG và các doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết trên Nasdaq.

Chiều cùng ngày tại New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Mỹ.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực của các doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt -Mỹ phát triển toàn diện, nâng cao uy tín cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.

Thủ tướng thông báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, tái khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn, dù ở xa hay gần, trong các hoàn cảnh khác nhau thì mỗi người đều quan tâm đến sự phát triển của đất nước, đều tự hào là người Việt Nam.

Đọc tiếp »

Triều Tiên có thể đã đạt bước tiến lớn trong chế tạo tên lửa

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên được thực hiện với một loại tên lửa mới trang bị hệ thống dẫn đường chính xác, giúp quả tên lửa rơi cách mục tiêu chỉ 7 mét - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thông tấn Triều Tiên KCNA tuyên bố ngày 30/5.

KCNA nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát vụ phóng thử tên lửa diễn ra vào sáng sớm ngày 29/5 tại bờ biển phía Đông của nước này. Cũng theo KCNA, việc chuẩn bị cho vụ phóng lần này được tự động hóa nhiều hơn so với khi phóng những quả tên lửa cùng lớp “Hwasong” hay còn gọi là Scud trước kia, nên giảm đáng kể thời gian phóng.

Giới phân tích nói rằng nếu những tuyên bố trên của Triều Tiên là thật, thì đây có thể là một bước tiến lớn trong chương trình tên lửa của Triều Tiên. KCNA nói ông Kim Jong Un kêu gọi tiếp tục phát triển thêm nhiều vũ khí chiến lược hùng mạnh, nhưng bài báo không đề cập đến việc liệu loại tên lửa vừa được thử có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hay không.

“Chúng tôi không thể biết đó có phải là một sự bịp bợm hay không, nhưng về cơ bản Triều Tiên đang nói là họ có thể bắn tên lửa vào trúng mục tiêu. Đây là một tin đáng sợ đối với nước Mỹ”, giáo sư Suh Kune Y thuộc Khoa Kỹ thuật hạt nhân, Đại học Quốc gia Seoul, phát biểu. “Nếu đúng vậy, thì Triều Tiên đã đạt tới giai đoạn cuối cùng của chế tạo tên lửa”.

Loại tên lửa mà Triều Tiên thử lần này xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh hôm 15/4 kỷ niệm sinh nhật cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành, KCNA nói. Theo giới chức Hàn Quốc, quả tên lửa đã bay 450 km về phía Nhật Bản, còn Nhật thì nói quả tên lửa có thể đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Đây là vụ phóng thử tên lửa thứ 9 của Triều Tiên từ đầu năm, diễn ra chỉ 2 ngày sau khi nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết “tăng cường các biện pháp” nhằm buộc Triều Tiên phải chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang loay hoay tìm cách ngăn các hành động gây hấn của Triều Tiên, trong đó Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn đối thoại với Bình Nhưỡng, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại tỏ lập trường cứng rắn hơn.

KCNA tuyên bố Triều Tiên sẽ không khuất phục trước sức ép từ G7.

“Hội nghị thượng đỉnh G7 là một nơi mà những nước sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa chụm đầu vào nhau để bàn cách gây áp lực đối với các nước yếu và những nước khiến họ không hài lòng”, bản tin của KCNA có đoạn viết. “Mỹ và những kẻ theo đuôi chúng đã sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng chúng có thể cướp đi sự phòng thủ hạt nhân của Triều Tiên, sự sống và phẩm giá của chúng ta, bằng lệnh trừng phạt và sức ép”.

KCNA cũng cho biết ông Kim Jong Un đã “bày tỏ sự tin tưởng rằng vụ phóng thử tên lửa lần này đánh dấu một bước tiến lớn hơn về phía trước trong tinh thần gửi một ‘gói quà’ lớn hơn đến với người Mỹ” nhằm trả đũa sự gây hấn quân sự của Mỹ.

Theo giới chuyên gia, Triều Tiên có thể đã cố tình phóng tên lửa xuống vùng biển mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tuyên bố chủ quyền nhằm gây sự bất hòa giữa hai nước và cản trở sự hợp tác của Mỹ với hai quốc gia này.

Sau vụ phóng, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Triều Tiên đã thể hiện sự bất tôn lớn đối với người láng giềng Trung Quốc của họ bằng cách phóng thêm một tên lửa đạn đạo nữa, nhưng Trung Quốc đang rất cố gắng”. Hiện ông Trump đang hối thúc Trung Quốc hợp tác để tăng cường sức ép đối với Bình Nhưỡng.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao nước này nói các bên cần “giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sớm nhất có thể và đưa bán đảo Triều Tiên trở lại hướng đi đúng là đối thoại hòa bình”.

Đọc tiếp »

Vốn Trung Quốc vào Đông Nam Á đang tăng mạnh

Từ thập niên 1980, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào khu vực Đông Nam Á chủ yếu là từ Nhật Bản. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, lượng vốn FDI từ Trung Quốc chảy vào khu vực này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Bloomberg dẫn số liệu từ Maybank Kim Eng cho biết, trong năm 2015, các công ty Trung Quốc đã rót 14,6 tỷ USD vốn FDI vào Đông Nam Á, tăng gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp gần 10 lần từ mức chỉ 156 triệu USD cách đây 1 thập kỷ. Ngoài ra, vốn FDI từ Trung Quốc vào Đông Nam Á cũng có mặt ở nhiều lĩnh vực hơn, từ sản xuất, khai mỏ và nông nghiệp cho tới dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại như quảng cáo và lữ hành.

Với hàng nghìn tỷ USD dự trữ, Trung Quốc đang mạnh tay thâu tóm tài sản ở nước ngoài trong bối cảnh nước này vươn lên thành một cường quốc toàn cầu. Việc Trung Quốc “để mắt” tới khu vực Đông Nam Á, theo Bloomberg, một phần do nguồn nhân công giá rẻ trong khu vực, một phần do kế hoạch của Chủ tịch nước này - ông Tập Cận Bình về thiết lập lại tuyến thương mại con đường tơ lụa nối giữa châu Á và châu Âu.

“Đông Nam Á là một điểm hút FDI hấp dẫn đối với Trung Quốc vì thị trường phát triển nhanh và rộng lớn ở đây”, nhà phân tích Lee Ju Ye thuộc Maybank ở Singapore nhận định.

“Các nước trong khu vực này cũng cần vốn đầu tư nước ngoài để bù đắp cán cân tài khóa và đáp ứng các nhu cầu đầu tư hạ tầng. Trung Quốc đem đến nguồn vốn và năng lực chuyên môn sẵn sàng, và đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng nhờ sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Lee phát biểu.

Mới trong tháng này, ông Tập đã cam kết chi 540 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 79 tỷ USD, và khuyến khích các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đóng góp thêm 300 tỷ Nhân dân tệ vốn ở nước ngoài để ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường, tức kế hoạch con đường tơ lụa.

Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse ước tính rằng kế hoạch trên có thể dẫn lượng vốn đầu tư lên tới 502 tỷ USD vào 62 quốc gia, bao gồm các nước Đông Nam Á, trong vòng 5 năm. Tại Đông Nam Á hiện nay, điểm đến hàng đầu của vốn FDI từ Trung Quốc chính là Singapore.

Một nghiên cứu của ngân hàng Citigroup cho thấy vốn đầu tư của Trung Quốc vào 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã đạt 13,5 tỷ USD vào năm ngoái, lần đầu tiên vượt qua lượng vốn FDI từ Nhật Bản chảy vào 5 quốc gia này.

Tuy nhiên, trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên nói chung, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi. Theo Maybank, trong năm 2015, nguồn vốn FDI lớn nhất vào ASEAN chính là các nước ASEAN, tiếp đó là Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, và Mỹ.

Đọc tiếp »

Philippines gặp kháng cự mạnh từ phiến quân thân IS

Quân đội Philippines đến ngày 31/5 vẫn chưa thể giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi trên đảo Mindanao thuộc miền Nam nước này khỏi sự chiếm giữ của Maute, một nhóm phiến quân đã thề trung thành với tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo tin từ Reuters, phiến quân Maute vẫn đang chống trả các cuộc tấn công trên mặt đất và không kích của lực lượng chính phủ, sử dụng vũ khí đánh cắp và chiến binh mới gia nhập nhóm là các tù nhân vượt ngục.

Trong hơn một tuần qua, nhóm Maute đã chứng tỏ là một đối thủ đáng gờm của quân đội Philippines.

Các chiến binh của nhóm này đã bám trụ giữa trung tâm thành phố bất chấp bị dội bom. Giới quan sát đã kỳ vọng quân đội Philippines sẽ sớm chấm dứt sự chiếm đóng của Maute ở thành phố gồm 200.000 dân này, nhưng kỳ vọng đó dường như đã bị dập tắt.

Ngày 31/5, quân đội Philippines đã lần đầu tên triển khai máy bay hỗ trợ cự ly gần SF-260 để yểm trợ trực thăng chiến đấu và lực lượng mặt đất nhằm nỗ lực dồn phiến quân vào khu vực trung tâm thành phố. Phiến quân hiện vẫn đang chiếm giữ khoảng 1/10 diện tích Marawi.

Phát ngôn viên quân đội Philippines Restituto Padilla nói rằng nhóm Maute đang chống cự bằng súng và đạn đánh cắp từ một đồn cảnh sát, một nhà tù, và sử dụng một xe bọc thép của cảnh sát.

“Chúng đã lấy được một xe bọc thép của cảnh sát. Bên trong xe có đạn”, ông Padilla nói.

Theo phát ngôn viên này, phiến quân đã chọn mô hình chiến tranh đô thị, bởi vũ khí có sẵn trong thành phố, trong khi nhà dân và các cửa hàng là nơi có thể lấy thức ăn. Khi chiếm thành phố, Maute còn phóng thích tù nhân trong nhà tù địa phương, và nhiều tù nhân trong số này đã nhanh chóng gia nhập nhóm khủng bố.

Ban đầu, quân đội Philippines tuyên bố đã kiểm soát được tình hình, nhưng tốc độ chậm chạp của những nỗ lực trong việc giải phóng Marawi đã làm dấy lên những câu hỏi về chiến thuật của quân đội.

Sự nghi ngờ này càng có cơ sở khi nhóm Maute tung lên mạng xã hội những bức ảnh các phần tử phiến quân tươi cười, tạo dáng với súng trường bên cạnh một chiếc xe bọc thép của cảnh sát do Mỹ sản xuất, trong trang phục màu đen và băng cuốn đầu như của phiến quân IS. Trong khi đó, quân đội Philippines nói rằng đây chỉ là một chiêu bài tuyên truyền của nhóm Maute.

Chính phủ Philippines hiện đang rất lo ngại về sức mạnh của nhóm Maute, trong khi thông tin tình báo nói rằng nhóm này có thể đã hợp lực với các nhóm cực đoan khác và chiêu mộ binh sỹ nước ngoài. Nhà chức trách tin rằng mục đích của Maute và các nhóm tay chân khi chiếm Marawi là nhằm được IS công nhận là chi nhánh Đông Nam Á của tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Đã có 89 phần tử phiến quân, 21 binh sỹ, và 19 dân thường thiệt mạng trong vụ Maute chiếm Marawi. Các chuyên gia an ninh nói rằng vụ chiếm thành phố này là một dấu hiệu cho thấy các phần tử cực đoan ở miền Nam Philippines giờ đây đã được tổ chức chặt chẽ hơn và có nguồn tài chính mạnh lên.

Đọc tiếp »