Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Ông chủ Facebook hứa tặng 3 tỷ USD giúp chống bệnh tật

Nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan vừa đưa ra lời hứa dành hơn 3 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới để giúp thế giới tìm ra các phương thuốc trị bệnh.

“Liệu chúng ta có thể cùng nhau nỗ lực để tìm ra phương thuốc điều trị, ngăn ngừa hoặc quản lý tất cả các loại bệnh trong cuộc đời con cháu của chúng ta?” hãng tin Bloomberg dẫn lời Chan phát biểu tại một sự kiện ngày 21/9 ở San Francisco. Sự kiện này được vợ chồng Chan-Zuckerberg tổ chức để công bố sáng kiến mang tên Chan Zuckerberg Innitiative của họ.

“Mark và tôi tin rằng điều này là có thể”, Chan nói.

Chan, một bác sỹ nhi khoa, rơi nước mắt khi nói về việc cô đã phải nói với nhiều người làm cha mẹ rằng đứa con của họ không thể khỏi bệnh hoặc mắc những căn bệnh nan y như bạch cầu.

Chan và Zuckerberg dự định sẽ làm việc với các nhà khoa học, bác sỹ, kỹ sư và các trường đại học để đạt được mục tiêu của họ, một phần thông qua xây dựng các công cụ và công nghệ để phục vụ cho việc chữa bệnh. Chương trình này sẽ được giám sát bởi Cori Bargmann, nhà thần kinh học tại Đại học Rockefeller ở New York.

“Đây là một mục tiêu lớn và khi mới bắt đầu, chúng tôi thấy đây là một công việc táo bạo”, Zuckerberg nói. “Nhưng khi đã vào việc rồi, một trong những điều đầu tiên khiến tôi chú ý chính là việc thuốc chữa bệnh mới chỉ trở thành một bộ môn khoa học hiện đại khoảng hơn 1 thế kỷ nay”.

Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, vợ chồng Chan và Zuckerberg tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Khoản đầu tư đầu tiên trong sáng kiến trên sẽ là 600 triệu USD rót cho một trung tâm nghiên cứu có tên Biohub trong vòng 10 năm. Tại trung tâm này, các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau sẽ cùng làm việc để giải quyết nhiều vấn đề khoa học. Biohub cũng sẽ hợp tác với các trường đại học hàng đầu của Mỹ như Đại học Stanford, Đại học California ở San Francisco và UC Berkeley.

Sau khi sinh con gái đầu lòng, Zuckerberg và Chan đã cam kết hiến tặng 99% tài sản cho hoạt động từ thiện trong phần còn lại của cuộc đời, với mục tiêu là các hoạt động thúc đẩy bình đẳng và chữa bệnh.

Khi được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, lời hứa này có trị giá khoảng 45 tỷ USD. Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu của Facebook đã tăng thêm 20%.

Nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft Bill Gates, người giàu nhất thế giới và là một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng, cũng đã xuất hiện tại sự kiện do vợ chồng Chan-Zuckerberg tổ chức ngày 21/9 để ủng hộ sáng kiến từ thiện của họ.

Gates đã tài trợ hơn 30 tỷ USD cho quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation do vợ chồng ông sáng lập và điều hành. Quỹ này có các hoạt động chống đói nghèo và bệnh tật trên toàn cầu.

“Chỉ có nhờ khoa học chúng ta mới có thể có được vắc-xin phòng HIV hoặc vắc-xin phòng sốt rét”, Gates nói. “Chúng ta đang rất cần những phát minh khoa học như vậy. Tầm nhìn của họ, sự hảo tâm của họ thực sự là nguồn cảm hứng cho một thế hệ các nhà từ thiện mới, những người có thể làm nên những điều tuyệt vời”.

Zuckerberg, người giàu thứ 5 thế giới, nói có thể sáng kiến của anh sẽ đầu tư vào những công cụ giúp tìm hiểu và chữa trị nhiều căn bệnh, chẳng hạn phần mềm trí tuệ ảo để hiểu về cách thức hoạt động của não bộ, theo dõi dòng máu chảy liên tục để phát hiện bệnh sớm, và một bản đồ về tất cả các loại tế bào trong cơ thể nhằm giúp các nhà nghiên cứu tạo ra các loại thuốc.

“Phải mất nhiều năm để những công cụ đầu tiên được tạo ra, và phải mất thêm nhiều năm nữa để những công cụ như vậy có thể được sử dụng để chữa bệnh một cách thực sự”, anh nói.

Đọc tiếp »

Bạo lực lại bùng phát ở Mỹ vì cảnh sát bắn chết người da màu

Một người đã thiệt mạng trong đêm bạo lực thứ hai liên tiếp vào ngày 21/9 ở thành phố Charlotte thuộc bang North Carolina của Mỹ. Cảnh sát trong trang phục chống bạo động đã dùng bình xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán đám đông người biểu tình phản đối vụ cảnh sát bắn chết một người da màu trước đó một ngày.

Theo tin từ Reuters, tình trạng khẩn cấp đã được công bố tại Charlotte. Cảnh sát trưởng thành phố này, ông Kerr Putney, đã xác nhận về việc một người đã bị bắn chết trong cuộc bạo loạn vào đêm ngày thứ Tư theo giờ địa phương, nhưng không nói rõ người này có tham gia biểu tình hay không.

Cuộc biểu tình hòa bình đã biến thành bạo lực sau khi hàng trăm người biểu tình tuần hành vào trung tâm thành phố và đụng độ với lực lượng cảnh sát. Trong khi cảnh sát bắn đạn cao su và xịt hơi cay để giải tán đám đông, người biểu tình đã ném pháo hoa và gạch đá về phía cảnh sát, đồng thời còn đập phá và tấn công vào một cửa hàng tiện ích.

Bạo lực nổ ra ở Charlotte một lần nữa cho thấy mâu thuẫn dai dẳng giữa cảnh sát và cộng đồng người da màu ở Mỹ. Vào hôm thứ Ba, cảnh sát Charlotte đã nổ súng bắn chết Keith Scott, một người đàn ông da màu 43 tuổi, sau khi người này bị cho là không chịu giao nộp súng theo lệnh của cảnh sát. Người nhà Scott thì nói người này chỉ đang cầm một quyển sách chứ không phải vũ khí.

“Chúng ta đã quá mệt mỏi với việc cảnh sát giết hại người da màu. Charlotte vốn luôn bình yên. Nhưng giờ đã đến lúc chúng ta phải phá vỡ sự yên tĩnh đó”, Blanche Penn, một nhà hoạt động cộng đồng lâu năm phát biểu trong cuộc tuần hành đêm thứ Tư.

16 cảnh sát đã bị thương trong đêm ngày thứ Ba và sáng ngày thứ Tư trong các cuộc đụng độ với người biểu tình ở Charlotte.

Không chỉ ở Charlotte, biểu tình cũng đang diễn ra ở Tulsa, bang Oklahoma nhằm yêu cầu bắt giữ một viên cảnh sát bắn chết một người đàn ông da màu không có vũ khí vào tuần trước.

Những vụ việc này một lần nữa làm dấy lên những câu hỏi về sự phân biệt chủng tộc của lực lượng chấp pháp Mỹ, đồng thời làm “nóng” cuộc tranh luận về cách đối xử của cảnh sát Mỹ đối với người da màu trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống nước này vào tháng 11.

Một quan chức Nhà Trắng nói rằng ngày 21/9, Tổng thống Barack Obama đã có các cuộc điện đàm với thị trưởng của Charlotte và Tulsa.

Căng thẳng giữa cảnh sát và người da màu ở Mỹ bùng phát cách đây hai năm khi cảnh sát bắn chết một người da màu có tên Michael Brown ở Ferguson, bang Missouri. Mới đây, biểu tình vào bạo lực cũng nổ ra ở một loạt thành phố tại Mỹ sau mấy vụ liên tiếp cảnh sát bắn chết người da màu.

Mới cách đây hơn 1 tháng, bạo lực đã nổ ra ở thành phố Milwaukee thuộc bang Wisconsin sau khi cảnh sát nổ súng bắn chết một người đàn ông da màu có vũ khí. Nhà chức trách Milwaukee khi đó cũng phải công bố tình trạng khẩn cấp.

Theo một nghiên cứu mới được tờ báo The Guardian của Anh công bố, số người chết dưới tay cảnh sát Mỹ giết chết trong vòng chưa đầy một tháng còn lớn hơn cả số người chết dưới tay cảnh sát ở các quốc gia khác trong nhiều năm gộp lại.

Chẳng hạn, trong vòng 24 năm qua, chỉ có 55 người bị cảnh sát Anh giết chết. Còn ở Mỹ, riêng 24 ngày đầu năm 2015, con số này là 59.

Đọc tiếp »

Thủ đô Venezuela tê liệt vì tài xế xe bus biểu tình

Tài xế xe bus ở thủ đô Caracas của Venezuela đã khiến thành phố này tê liệt trong vòng 8 giờ đồng hồ bằng cách dùng xe chặn đường nhằm phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ.

Theo tin từ BBC, hàng trăm tài xế xe bus đã biểu tình ở Caracas để đòi trả lương cao hơn và được bảo vệ khỏi tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng.

Nhiều người trong số họ nói cần có thêm tiền để bảo dưỡng xe và phàn nàn về tình trạng khan hiếm phụ tùng thay thế, như lốp xe, pin, dầu nhớt…

Trong khi đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela đã bác bỏ đề nghị của phe đối lập nước này về tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong năm nay nhằm phế truất Tổng thống Nicolas Maduro.

Quyết định này được xem là một thất bại đối với phe đối lập, bởi nếu cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào năm sau, thì dù ông Maduro bị phế truất, người phó của ông sẽ lên thay, đồng nghĩa với việc không đạt được sự thay đổi thực chất.

Nếu ông Maduro bị phế truất trước ngày 10/1/2017, thì theo quy định bầu cử sớm sẽ được tiến hành, mở ra cơ hội cho phe đối lập.

Ủy ban Bầu cử Quốc gia Venezuela nói cuộc trưng cầu dân ý có thể diễn ra vào đầu năm 2017 nếu phe đối lập thu thập được chữ ký của 4 triệu cử tri trong vòng 3 ngày trong tháng 10.

Venezuela, quốc gia Nam Mỹ sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, hiện đang chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Người dân nước phải đối mặt cùng lúc với siêu lạm phát, thiếu thốn hàng hóa nghiêm trọng, và nạn cướp bóc diễn ra hàng ngày.

Cuộc khủng hoảng này được các chuyên gia cho là xuất phát chủ yếu từ các biện pháp quản lý kinh tế sai lầm, trong khi Tổng thống Maduro nói đây là kết quả một cuộc chiến tranh kinh tế của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Cuộc biểu tình của tài xế xe bus ở Caracas được cho là ảnh hưởng đến một nửa số xe bus tại thành phố 3 triệu dân này. Một phát ngôn viên các giới tài xế nói họ sẽ tiếp tục biểu tình trong ngày 22/9 nếu Chính phủ không đưa ra câu trả lời.

Đọc tiếp »

Trường đại học nào tốt nhất thế giới năm 2016?

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Vượt London, Bangkok thành điểm hút du khách nhất thế giới

Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã vượt qua thủ đô London của Anh để trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới trong năm nay. Theo hãng tin Reuters, đây là kết quả một xếp hạng thường niên được hãng thẻ thanh toán Mastercard công bố ngày 22/9.

Ngành du lịch đã trở thành một điểm sáng hiếm hoi của Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ nhì khu vực Đông Nam Á vốn phải đối mặt với niềm tin người tiêu dùng suy giảm và xuất khẩu chững lại kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014.

Tháng trước, một loạt vụ nổ bom liên hoàn đã xảy ra ở miền Nam Thái Lan, và cảnh sát nước này cho rằng thủ phạm chính là các phần tử ly khai Hồi giáo. Tuy nhiên, những vụ nổ này dường như không có nhiều ảnh hưởng đến ngành du lịch của Thái Lan.

Theo xếp hạng các điểm đến du lịch toàn cầu Mastercard Index of Global Destination Cities, Bangkok đứng đầu trong số 132 thành phố được xếp hạng, vượt qua những cái tên “nặng ký” khác như London, Paris và Dubai.

“Đây không phải là một phút lóe sáng. Bangkok có một vị thế vững mạnh để giữ vị trí điểm đến số 1 trong một thời gian dài”, chuyên gia kinh tế trưởng Yuwa Hedrick-Wong của Mastercard nói với Reuters.

Theo ông Hedrick-Wong, Bangkok “mang lại những giá trị ‘đáng đồng tiền bát gạo’, nhất là đối với du khách đến từ các quốc gia có thu nhập cao”.

Theo dự báo của Mastercard, Thái Lan sẽ đón con số du khách kỷ lục 33 triệu lượt trong năm nay, nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của lượng du khách đến từ Trung Quốc. Trong đó, Bangkok dự kiến đón 21,47 triệu du khách quốc tế, so với con số 19,88 triệu lượt du khách nước ngoài dự kiến đặt chân tới London.

Trong top 5 của xếp hạng còn có Paris dự kiến đón 18,03 triệu lượt du khách trong năm 2016, Dubai (15,27 triệu), và New York (12,75 triệu).

“Ô nhiễm khiến Bangkok không phải là một nơi lý tưởng để ở lâu dài, nhưng ẩm thực ở đây thì tuyệt đỉnh”, du khách người Anh James Donnelly, 31 tuổi, hiện đang thăm Bangkok trên đường tới Việt Nam, nói với Reuters.

Tại khu vực châu Á, thành phố Osaka của Nhật Bản là điểm đến có tốc độ tăng trưởng du khách nước ngoài mạnh nhất trong 7 năm qua, với mức tăng hơn 24%. Thành phố này thu hút một số lượng ngày càng lớn du khách từ các quốc gia láng giềng, nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc - Mastercard cho biết.

Năm ngoái, London là điểm đến hút du khách nhất thế giới trong xếp hạng của Mastercard, tuy nhiên hãng thẻ này không nêu lý do tại sao sức hấp dẫn của London suy giảm trong xếp hạng năm nay.

Bangkok và London đã thay nhau dẫn đầu xếp hạng Mastercard Index of Global Destination Cities kể từ khi xếp hạng này được công bố.

Đọc tiếp »

“Kế lạ” của Trung Quốc để người dân sinh con thứ hai

Trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt một cuộc khủng hoảng dân số với tỷ lệ sinh trì trệ và dân số lão hóa nhanh, một thành phố ở nước này đã nghĩ ra một biện pháp mới lạ: trực tiếp kêu gọi công chức trẻ đi đầu trong việc sinh con thứ hai.

Theo tin từ Reuters, chính quyền thành phố Nghi Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi công chức trẻ sinh thêm con để ngăn sự sụt giảm của tỷ lệ sinh. Tại Nghi Xương, tỷ lệ sinh giảm mạnh đã bắt đầu có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế.

“Quả bom hẹn giờ” dân số Trung Quốc đã trở thành một vấn đề ngày càng cấp bách ở nước này, khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm xuống mức thấp nhất 1/4 thế kỷ. Ngành sản xuất của Trung Quốc vốn dĩ đã rơi vào trì trệ lại chịu thêm tác động bất lời từ tình trạng khan hiếm nhân công giá rẻ do lực lượng lao động suy giảm.

“Các đồng chí trẻ cần phải đi đầu trong việc sinh con thứ hai, còn các đồng chí lớn tuổi cần giục các đồng chí trẻ hành động”, lá thư ngỏ của chính quyền Nghi Xương viết. Lá thư nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng dân số trong độ tuổi lao động của thành phố và tăng tỷ lệ sinh từ mức dưới mức 1 con tính trên mỗi phụ nữ hiện nay.

“Nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, thì sự phát triển kinh tế và xã hội của thành phố chúng ta, cũng như đời sống của các gia đình, sẽ chịu rủi ro và thiệt hại lớn”, lá thư cảnh báo. Lá thư này được đóng dấu bởi các ban ngành hữu quan của thành phố, bao gồm sở y tế.

Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố nới lỏng quy định về kế hoạch hóa gia đình, cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai như một biện pháp nhằm giải tỏa những áp lực về suy giảm dân số trong độ tuổi lao động.

Chính sách một con kéo dài suốt hơn 3 thập kỷ của Trung Quốc được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lực lượng lao động suy giảm mất dần khả năng hỗ trợ dân số già ngày một gia tăng hiện nay. Theo dự báo, đến giữa thế kỷ này, 1/3 dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi trên 60.

“Tỷ lệ sinh thấp đã làm trầm trọng thêm rủi ro mà chính sách một con mang lại, dẫn tới dân số lão hóa, sự suy giảm lực lượng lao động, và quá trình đô thị hóa bị chậm lại, khiến năng suất lao động và hiệu quả nói chung của thành phố suy giảm”, lá thư của Nghi Xương viết.

Người Trung Quốc có những phản ứng trái chiều về lá thư này. “Công việc của chúng tôi ổn định hơn nên việc sinh hai con cũng dễ dàng hơn. Những người công việc bận rộn sẽ phải hy sinh nhiều hơn nếu họ muốn sinh con thứ hai”, một công chức có tên Yan Liu ở Thượng Hải nói.

“Thật nực cười”, một người dùng mạng xã hội Weibo viết. “Trước đây, Chính phủ cấm không cho sinh con thứ hai, giờ họ lại tìm cách buộc người dân làm vậy”.

Đọc tiếp »

“Giải mã” tên gọi của 14 thương hiệu nổi tiếng

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới tách làm đôi

Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk sẽ tách ra thành hai công ty chịu trách nhiệm hai mảng kinh doanh riêng bao gồm vận tải và năng lượng. Kế hoạch này là một phần trong chương trình đại cải tổ tập đoàn Maersk, theo tin từ Bloomberg.

Nhận xét về động thái mới nhất của Maersk, trong thư gửi khách hàng của mình, các chuyên gia phân tích thuộc Goldman Sachs viết: “Việc Maersk chia tách tập đoàn sẽ giúp phát huy tối đa những thế mạnh sẵn có, tập trung thêm nhiều nguồn lực tài chính và nhân sự vào mảng vận tải vốn được coi như lợi thế cạnh tranh nổi trội của Maersk. Maersk sẽ rút dần khỏi mảng năng lượng, điều đó sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí”.

Đầu tháng 7/2016, CEO của Maersk, ông Soren Skou đã công bố về kế hoạch kinh doanh sắp tới của tập đoàn. Theo đó, tập đoàn sẽ hạn chế tối đa đặt mua tàu mới mà thay vào đó sẽ đẩy mạnh thâu tóm các công ty vận tải nhỏ hơn để tận dụng tốt nhất tài nguyên và hạ tầng sẵn có, ông Skou tin hiện nay thế giới đã có đủ số lượng tàu vận chuyển cần thiết nên không cần thiết phải đóng mới tàu nữa.

Maersk sẽ chuẩn bị có thêm 27 tàu biển theo đơn đặt hàng từ trước đó, nhưng trong ngắn hạn sẽ không có thêm đơn hàng đặt mua tàu nào để tránh gây ra tình trạng thừa thãi tàu, ông Skou khẳng định.

Từ khi tập đoàn vận tải biển lớn thứ 6 của Hàn Quốc, Hanjin Shipping, sụp đổ, Maersk đã nhận được thêm rất nhiều đơn hàng.

Giới đầu tư tài chính Đan Mạch đánh giá cao động thái mới nhất của Maersk. Sau khi thông tin trên được công bố ra thị trường, cổ phiếu Maersk đã tăng 4,2%. Từ đầu năm 2016 đến nay, cổ phiếu Maersk tăng 11%.

Đồn đoán về kế hoạch cải tổ tập đoàn này đã xuất hiện trên thị trường tài chính Đan Mạch từ khoảng giữa tháng 6/2016, cùng thời gian này, CEO của tập đoàn khi đó là ông Nils Smedegaard Andersen bị sa thải.

Ngay khi thông tin về kế hoạch chia đôi tập đoàn được xác nhận, cổ phiếu Maersk tăng 12% trong một phiên giao dịch. Giới đầu tư cho rằng giá trị của Maersk sẽ tăng lên rất nhiều khi các bộ phận kinh doanh khác nhau hoạt động độc lập.

Cùng với kế hoạch chia tách tập đoàn, Maersk công bố thay giám đốc tài chính và giám đốc chiến lược để cải tổ đội ngũ quản lý.

Nhiều tổ chức tài chính Đan Mạch đã lập tức khuyến nghị khách hàng nên mua thêm cổ phiếu của Maersk bởi họ tin kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn sẽ mang lại nhiều thành công, ước tính trong 3 năm tới, mỗi năm tập đoàn tiết kiệm được khoảng 600 triệu USD chi phí.

Ban điều hành của Maersk tin rằng họ sẽ cần phải tìm được chiến lược tốt hơn để quản lý hoạt động kinh doanh năng lượng.

Đọc tiếp »

“Soi” học phí của những trường đại học tốt nhất thế giới

Đại học Oxford của Anh, trường vừa được Times Higher Education xếp hạng là trường đại học tốt nhất thế giới, có mức học phí bậc đại học chỉ bằng một phần so với học phí của các trường hàng đầu tại Mỹ.

Theo trang CNN Money, học phí bậc đại học ở Oxford chỉ vào khoảng 9.000 Bảng, tương đương khoảng 11.700 USD, mỗi năm. Mức học phí này chỉ tương đương khoảng 1/4 so với học phí của các trường hàng đầu thế giới khác như Harvard, Stanford, hay Học viện Công nghệ California…

Tuy nhiên, mức học phí nói trên chỉ được Oxford áp dụng đối với sinh viên Anh và từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Sinh viên từ các khu vực khác trên thế giới phải trả từ 15.295 Bảng (19.860 USD) đến 22.515 Bảng (29.230 USD) học phí mỗi năm ở trường này.

Mặc dù vậy, đây vẫn là mức học phí “mềm” hơn so với các trường đại học nổi tiếng nhất ở Mỹ.

Tờ báo Times Higher Education mới đây đã xếp Oxford là trường đại học tốt nhất thế giới năm 201 6-2017, đánh dấu lần đầu tiên một trường đại học của Anh đứng đầu xếp hạng của tờ báo này.

Học viện Công nghệ California, trường từng 5 lần đứng đầu xếp hạng trên, bị tụt xuống vị trí thứ hai.

Anh có thể là một địa chỉ du học có học phí thấp hơn so với ở Mỹ, nhưng thực ra học phí các trường đại học ở Anh hiện nay đã tăng nhiều so với trước kia.

Học phí đối với hầu hết sinh viên tại các trường đại học Anh đã tăng gấp 3 lần vào năm 2012 do thay đổi trong chính sách của Chính phủ nước này. Các trường như Oxford và Cambridge đã phải nỗ lực nhiều để việc tăng học phí không cản trở những sinh viên có điều kiện kinh tế kém hơn.

Những năm gần đây, các trường này đã khuyến khích việc tuyển đầu vào một tỷ lệ lớn hơn sinh viên là học sinh từ các trường trung học công lập. Trước đây, các trường đại học hàng đầu của Anh có tiếng là tuyển một tỷ lệ lớn sinh viên là học sinh từ các trường tư thục vốn chỉ dành cho con nhà giàu.

Tuy vậy, vẫn có tới khoản 40% sinh viên Oxford hiện nay đến từ các trường trung học tư thục, trong khi chỉ có khoảng 7% trẻ em ở Anh theo học những trường như vậy.

Dưới đây là học phí năm học 2016-2017 của các trường đại học hàng đầu thế giới xếp sau Oxford trong xếp hạng mà Times Higher Education công bố:

2. Học viện Công nghệ California: 45.846 USD
3. Đại học Stanford: 47.331 USD
4. Đại học Cambrige, Anh: 9.000 Bảng (11.684 USD)
5. Học viện Công nghệ Massachusetts: 48.140 USD
6. Đại học Harvard: 43.280 USD
7. Đại học Princeton: 45.320 USD
8. Đại học Hoàng gia London, Anh: 9.000 Bảng (11.684 USD)

Đọc tiếp »

Trung Quốc chính thức nối lại nhập khẩu thịt bò Mỹ sau 13 năm

Món thịt bò Mỹ sẽ sớm xuất hiện trở lại trên thực đơn ở Trung Quốc, vì nước này vừa chính thức tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ kéo dài suốt 13 năm qua.

Theo trang CNN Money, đây được xem là một thắng lợi đối với các nhà chăn nuôi gia súc ở Mỹ vốn mong muốn tranh thủ nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc nối lại nhập khẩu thịt bò Mỹ cũng đi kèm một số điều kiện. Thịt của những con bò trên 30 tháng tuổi vẫn bị cấm, và thịt bò Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các quy định về xuất xứ và kiểm dịch của Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc không nói khi nào thì hoạt động nhập khẩu thịt bò Mỹ sẽ chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, Liên đoàn Xuất khẩu thịt Mỹ gọi quyết định này của phía Trung Quốc là “bước đi quan trọng đầu tiên”.

Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ từ năm 2003 do lo ngại bệnh bò điên.

Hôm 20/9, phát biểu trước một nhóm doanh nghiệp Mỹ tại New York, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa Trung Quốc sẽ sớm nhập khẩu trở lại các sản phẩm thịt bò từ Mỹ. Ông Lý Khắc Cường cũng gọi đây là một bằng chứng cho thấy mong muốn chân thành của Bắc Kinh về cải thiện quan hệ thương mại với Washington.

Mỹ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn thịt bò mỗi năm, thu về khoảng 6,3 tỷ USD. Mexico là thị trường xuất khẩu thịt bò lớn nhất của Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada.

Về phần mình, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu thịt bò lớn thứ nhì thế giới. Từ năm 2010-2015, nhập khẩu thịt bò của nước này tăng gần 10 lần.

Nhu cầu thịt nhập khẩu đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc trong bối cảnh tầng lớp trung lưu nước này giàu lên, trong khi các nhà chăn nuôi gia súc trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Các nhà sản xuất thịt Trung Quốc đang hy vọng sẽ xuất khẩu được một khối lượng lớn thịt bò sang Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu thịt bò Australia, Uruguay và New Zealand.

Đọc tiếp »

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Ông chủ Zara đoạt ngôi giàu nhất thế giới của Bill Gates

Tỷ phú ngành bán lẻ thời trang Tây Ban Nha Amancio Ortega, nhà sáng lập thương hiệu Zara, ngày 8/9 đã vượt qua “ông trùm” công nghệ người Mỹ Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới trong xếp hạng của Forbes.

Tạp chí này cho biết giá cổ phiếu của tập đoàn Inditex - hãng mẹ của các thương hiệu thời trang Zara, Massimo Dutti, và Pull&Bear - tăng 2,5% trong phiên giao dịch cùng ngày, nâng giá trị tài sản ròng của Ortega thêm 1,7 tỷ USD. Nhờ đó, khối tài sản của vị tỷ phú này nhảy từ 77,8 tỷ USD lên 79,5 tỷ USD.

Theo số liệu của Forbes, Gates - nhà sáng lập hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft - hiện là chủ nhân của khối tài sản ròng ước tính khoảng 78,5 tỷ USD.

Là con trai của một công nhân đường ray ở La Coruna, Tây Ban Nha, Ortega có cuộc sống bình dị và khép kín. Ông khởi nghiệp với nghề nhân viên bán hàng ở thị trấn quê nhà trước khi kinh doanh riêng. Bắt đầu với số vốn chưa đầy 100 USD, Ortega cùng người vợ đầu tiên là Rosalia Mera sản xuất đồ lót, đồ ngủ và những bộ trang phục dạ hội ngay trong phòng khách ở nhà.

Năm 1975, cặp vợ chồng quyết định mở một cửa hiệu mang tên Zara. 8 năm sau, Ortega mở rộng thương hiệu với 9 địa điểm trên khắp Tây Ban Nha. Năm 1984, ông mở một kho hàng rộng hơn 900 mét vuông.

Không giống như hầu hết các nhà bán lẻ khác, Inditex không phụ thuộc vào quảng cáo. Thay vào đó, Ortega dồn phần lớn nguồn lực để biến công ty của mình thành nhà bán lẻ hoạt động hiệu quả nhất thế giới.

Hồi đầu thập niên 2000, trong khi những đối thủ như Gap và H&M mất tới 5 tháng để thiết kế, sản xuất, phân phối và bán sản phẩm mới, Zara chỉ mất 3 tuần để thực hiện các công đoạn này. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty của Ortega có thể đáp ứng các xu hướng thời trang nhanh chóng hơn so với các hãng thời trang khác, đồng thời phải chi ít tiền hơn cho việc giữ hàng trong kho.

Ortega đưa Inditex thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), trở thành công ty đại chúng vào năm 2001. Cùng năm đó ông lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes với khối tài sản ròng 6,6 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Bill Gates đã là người giàu nhất thế giới, sở hữu tài sản ròng 58,7 tỷ USD.

Từ năm 2001-2002, khi hầu hết các tỷ phú bị mất tiền vì bong bóng công nghệ nổ tung, tài sản của Ortega tăng thêm 2,5 tỷ USD và ông nhảy lên vị trí người giàu thứ 25 thế giới.

Bảy năm sau đó, ông lại có những bước nhảy vọt trong xếp hạng tỷ phú giữa lúc thế giới chìm trong khủng hoảng tài chính.

Từ năm 2009-2013, khi kinh tế Tây Ban Nha lâm khủng hoảng nợ và suy thoái, tài sản cá nhân của Ortega tăng thêm 39 tỷ USD.

Vào tháng 10/2015, đã có thời điểm Ortega lần đầu tiên soán ngôi giàu nhất thế giới. Khi đó, giá cổ phiếu Inditex đạt mức cao chưa từng có, đẩy giá trị tài sản ròng của ông lên 80 tỷ USD. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này đã giảm trở lại, và Gates trở lại “ngôi vương” của xếp hạng giàu.

Forbes nói rằng, Gates và Ortega sẽ còn thay nhau nắm giữ vị trí người giàu nhất thế giới trong thời gian tới, khi mà giá cổ phiếu các công ty họ nắm giữ có sự thay đổi.

Tuy nhiên, trong xếp hạng của hãng tin tài chính Bloomberg, Gates hiện vẫn là người giàu nhất thế giới. Dữ liệu từ Bloomberg Billionaires Index tính đến cuối ngày 8/9 theo giờ Mỹ cho thấy Gates hiện có tài sản ròng ở mức 89,7 tỷ USD, so với mức 79,2 tỷ USD của Ortega.

Theo Forbes, đến nay, Gates đã tài trợ gần 31 tỷ USD dưới dạng cổ phiếu và tiền mặt cho hoạt động từ thiện. Nếu Gates không làm từ thiện nhiều như vậy, thì khó ai có thể soán ngôi giàu của ông.

Đọc tiếp »

Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân thành công

Triều Tiên chính thức tuyên bố thực hiện thành công vụ thử hạt nhân thứ 5 - BBC đưa tin.

Tuyên bố này được truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải chỉ vài giờ sau khi một vụ động đất mạnh 5,3 độ richter được ghi nhận gần khu vực hạt nhân của nước này.

Hàn Quốc cho rằng đây là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, làm dấy lên những lo ngại rằng Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ thực sự trong lĩnh vực hạt nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gọi vụ thử này là một hành động “tự hủy diệt” cho thấy “tính liều lĩnh điên rồ” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jonng-un. Trong khi đó, Mỹ đã cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” của vụ thử.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng tránh có thêm hành động khiến tình hình xấu thêm.

Triều Tiên thì nói thiết bị được thử là một “đầu đạn hạt nhân mới được chế tạo”, đồng thời “khoe” đã đạt tới khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo.

Quân đội Hàn Quốc cho rằng sức mạnh vụ thử hạt nhân lần này của Triều Tiên lớn gấp hai lần so với vụ thử trước đó diễn ra hồi tháng 1 năm nay. Giới phân tích cho rằng điều này có thể đồng nghĩa với việc Triều Tiên đã tiến thêm một bước gần hơn tới vũ khí hạt nhân có thể sử dụng.

Tổng thống Park đã phải rút ngắn một chuyến công du nước ngoài khi hay tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Bà nói vụ thử này là một “thách thức nghiêm trọng” đối với cộng đồng quốc tế và “sẽ chỉ dẫn tới thêm lệnh trừng phạt và sự cô lập” đối với Bình Nhưỡng.

“Hành động gây hấn như vậy sẽ đẩy Triều Tiên tiến sâu hơn vào con đường tự hủy diệt”, bà Park phát biểu.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói nước này “tuyệt đối không thể bỏ qua” cho vụ thử hạt nhân này của Triều Tiên và sẽ “phản đối quyết liệt” với Bình Nhưỡng về vụ thử. “Chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên đang trở thành một nguy cơ lớn hơn đối với sự an toàn của Nhật Bản và xói mòn nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới”, ông Abe nói.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với bà Park và ông Abe sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Một tuyên bố của thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói ông Obama “tái khẳng định cam kết không thể phá vỡ của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh Mỹ ở châu Á và trên thế giới”. “Tổng thống Mỹ nói sẽ tiếp tục tham vấn các đồng minh và đối tác trong những ngày tới để đảm bảo rằng hành động gây hấn của Triều Tiên sẽ bị đáp trả bằng những hậu quả nghiêm trọng”, ông Earnest cho biết.

“Hôm nay, Triều Tiên một lần nữa thử hạt nhân, bất chấp sự phản đối rộng rãi của quốc tế. Chính phủ Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vụ thử này”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết.

Vụ thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên đã được lường trước. Trong mấy tuần gần đây, hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động gia tăng ở khu vực hạt nhân Punggye-ri của nước này.

Triều Tiên thường thể hiện sức mạnh quân sự trong những dịp lễ quan trọng của đất nước. Ngày 9/9 là quốc khánh Triều Tiên.

Đọc tiếp »

8 năm, 4 ngân hàng bơm 9 nghìn tỷ USD vào kinh tế toàn cầu

4 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã khoảng hơn 9 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng, lạm phát và tạo việc làm.

Theo hãng tin CNN, số tiền này tương đương với tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được tạo ra tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong vòng 6 tháng.

“Nếu đưa một nhóm chuyên gia kinh tế từ thời điểm năm 2008 đến thời điểm hiện tại và được thông báo rằng các ngân hàng trung ương đã mua vào 9 nghìn USD tài sản mà vẫn phải tìm cách để kích thích lạm phát, thì chắc là họ sẽ không tin”, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Pearce thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định.

Các ngân hàng trung ương lớn đã bắt đầu ồ ạt in tiền khi nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Kế hoạch của họ rất đơn giản: bơm tiền vào hệ thống sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chi tiêu của các hộ gia đình.

Vào những thời điểm bình thường, các ngân hàng trung ương chỉ cần cắt giảm lãi suất để thúc đẩy cho vay. Nhưng lãi suất thấp kỷ lục, thậm chí là lãi suất âm, đã không thể làm được điều này. Bởi vậy, các ngân hàng trung ương phải tìm một “liều thuốc” mạnh hơn bằng cách thử nghiệm việc mua vào trái phiếu, thông qua đó bơm tiền ồ ạt ra thị trường.

Các chuyên gia có những quan điểm khác nhau về cách làm này.

“Tác dụng chính có vẻ như là tạo ra mức lãi suất thấp hơn trong dài hạn và đẩy giá tài sản tăng”, ông Pearce nói. “Nhưng hầu như không có bằng chứng nào cho thấy điều này đã thúc đẩy tăng trưởng hay lạm phát một cách đáng kể”.

Trong số 4 ngân hàng trung ương này, chỉ riêng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bơm 3,9 nghìn tỷ USD thông qua ba đợt mua tài sản. Gói nới lỏng định lượng (QE) đầu tiên của FED được tung ra đầu vào tháng 11/2008, không lâu sau khi thị trường tài chính toàn cầu suy sụp, và gói thứ ba kết thúc vào tháng 10/2014.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) học theo cách làm của FED vào tháng 3/2009, bơm 375 tỷ Bảng, tương đương 500 tỷ USD, trong ba đợt kích cầu. Tháng 8 năm nay, BoE nối lại chương trình bơm tiền vào thị trường sau khi cử tri Anh bỏ phiếu chọn ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), giáng một đòn vào triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Từng mua trái phiếu trong thời gian từ 2001-2006 để chống giảm phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) áp dụng trở lại chính sách này vào tháng 4/2013. Từ đó đến nay, BoJ đã chi 2,5 nghìn tỷ USD để mua tài sản theo dữ liệu của Capital Economist.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào cuộc muộn, mới chỉ bắt chương trình mua tài sản vào tháng 3/2015. ECB dự kiến đến tháng 3/2017 sẽ chi 1,7 nghìn tỷ Euro, tương đương 2 nghìn tỷ USD, để mua vào tài sản. Ngày 8/9, ECB tuyên bố sẽ bơm tiền nhiều hơn mức này, và qua mốc tháng 3/2017 nếu cần thiết.

Đọc tiếp »

Mỹ cảnh báo việc dùng Note 7 khi đi máy bay

Hành khách đi máy bay đã được nhà chức trách Mỹ lên tiếng cảnh báo không bật hoặc xạc điện thoại Samsung Galaxy Note 7 khi ở trên máy bay.

Hãng tin BBC cho biết, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng khuyến cáo hành khách không đưa loại điện thoại này vào trong hành lý ký gửi.

Tuần trước, hãng điện tử Hàn Quốc Samsung tuyên bố triệu hồi điện thoại Galaxy Note 7 sau khi có tin thiết bị này bị nổ trong hoặc sau khi được xạc pin.

Hai hãng hàng không Qantas và Virgin Australia cũng đã khuyến cáo hành khách không được xạc hay sử dụng Galaxy Note 7 trên các chuyến bay.

Samsung đã xác nhận có vấn đề về pin khiến loại điện thoại này phát nổ. Tuy nhiên, xác định những chiếc điện thoại nào bị ảnh hưởng trong số những chiếc Galaxy Note 7 đã bán là một công việc khó khăn.

“Do những sự việc gần đây và những mối quan ngại mà Samsung đưa ra về thiết bị Galaxy Note 7, FAA khuyến cáo mạnh mẽ hành khách không bật hay xạc thiết bị này khi ở trên máy bay, và không cất thiết bị này trong hành lý ký gửi”, tuyên bố ngày 8/9 của FAA có đoạn viết.

Trước đó, cũng trong ngày 8/9, hãng Qantas nói đã “đề nghị hành khách dùng Galaxy Note 7 không bật hay xạc thiết bị này trên các chuyến bay của hãng”.

Galaxy Note 7 được trình làng vào tháng trước và đã nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng và giới phê bình cho tới khi sự cố cháy nổ xảy ra.

Theo một số ước tính, đã có khoảng 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 được bán trên toàn cầu.

Samsung nói rằng khách hàng mua Galaxy Note 7 sẽ được đổi máy mới và hãng sẽ mất khoảng 2 tuần để chuẩn bị máy mới đổi cho khách.

Tổ chức Airlines for America của ngành hàng không Mỹ cho biết “đang theo dõi chặt chẽ” vấn đề Note 7 và các hãng hàng không nước này sẽ đưa ra các quyết định riêng của mỗi hãng về việc sử dụng thiết bị này trên máy bay.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 9/9 tại thị trường Seoul, giá cổ phiếu của Samsung có thời điểm giảm gần 3%.

Đọc tiếp »

Cuộc gặp chớp nhoáng của Obama và Tổng thống Philippines

Phía Mỹ thì nói hai nhà lãnh đạo đã có một “cuộc thảo luận ngắn” tại phòng chờ dành cho các nhà lãnh đạo trước giờ dự tiệc.

Ông Obama và ông Duterte được cho là đã tách riêng khi rời phòng chờ để bước vào vào khu vực diễn ra tiệc tối, và sau đó không hề nói chuyện với nhau trong bữa tiệc kéo dài ít nhất 1 giờ 20 phút.

“Họ là những người cuối cùng rời khỏi phòng chờ. Tôi không biết họ đã gặp nhau bao lâu”, Ngoại trưởng Philippines Pefecto Yasay - người đi cùng Tổng thống Duterte - nói với báo giới.

“Tôi rất vui vì cuộc gặp diễn ra”, ông Yasay phát biểu.

Một quan chức Nhà Trắng nói hai nhà lãnh đạo đã trao đổi “những chuyện vui vẻ” trong một “cuộc thảo luận ngắn” trước bữa tối.

Cách đây ít hôm, ông Duterte đã bất ngờ tuyên bố sẽ không chấp nhận việc Tổng thống Mỹ nói về những lo ngại liên quan đến cuộc chiến chống ma túy của Philippines. Duterte cũng tuyên bố sẽ “nguyền rủa” ông Obama nếu Tổng thổng Mỹ làm vậy.

Ngay sau đó, phía Mỹ đã hủy kế hoạch cuộc gặp được lên lịch từ trước giữa Obama với Duterte. Tiếp đó, Duterte đã lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc về phát ngôn của mình.

Kể từ khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines, khoảng 2.400 nghi phạm ma túy ở nước này đã bị cảnh sát giết chết. Liên hiệp quốc đang lo ngại có sự vi phạm nhân quyền trong chiến dịch chống ma túy của Philippines, khi cảnh sát giết các nghi phạm không thông qua xét xử đầy đủ.

Duterte nổi tiếng là một nhà lãnh đạo có nhiều phát ngôn gây tranh cãi, tuy nhiên, ông cũng được nhiều người dân Philippines ủng hộ nhờ lập trường cứng rắn đối với ma túy.

Đọc tiếp »

Người Việt vẫn chưa được vào casino, nhà đầu tư nước ngoài kém vui

Việc Việt Nam chưa dỡ bỏ lệnh cấm người dân trong nước vào casino có thể sẽ cản trở vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, hãng tin CNBC dẫn lời giới phân tích trong một bản tin mới đây.

Trong dự thảo nghị định được công bố gần đây, Bộ Tài chính giữ nguyên quy định chỉ người nước ngoài và người Việt Nam có hộ chiếu nước ngoài mới được vào cửa sòng bạc. Trước đó đã có đề nghị gỡ bỏ quy định này, làm dấy lên hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ nới lỏng quy chế về đối tượng được vào các casino.

Việc Bộ Tài chính giữ nguyên quy định trên được cho là xuất phát từ những mối lo ngại của dư luận về tệ cờ bạc, rửa tiền, và các hoạt động phi pháp khác.

“Chúng tôi cứ nghĩ là Chính phủ ít nhất sẽ cho phép người dân vào cửa casino để chơi những trò chơi nhỏ. Hóa ra, mọi chuyện không như chúng tôi nghĩ”, ông Michael Kokalari, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Việt Nam của công ty CIMB phát biểu.

Trước khi dự thảo nghị định mới được đưa ra, còn có những đồn đoán cho rằng Bộ Tài chính sẽ quy định áp phí vào cửa casino đối với người dân, tương tự như chính sách của Singapore, hoặc quy định về mức tài sản tối thiểu đối với những người muốn vào sòng bạc nhằm ngăn những người thu nhập thấp đánh bạc.

“Với những đồn đoán từ trước như vậy, thì nội dung dự thảo nghị định quả thực là một tin xấu cho các nhà đầu tư tổ hợp sòng bạc - nghỉ dưỡng quốc tế, vốn từng xem Việt Nam là một trong những cơ hội mới mẻ và hấp dẫn”, ông Grant Govertson, thành viên sáng lập công ty nghiên cứu Union Gaming Group ở Macau, nhận xét.

“Điều này dập tắt bất kỳ mối quan tâm nào của các công ty sòng bạc lớn về đầu tư vào các dự án tổ hợp sòng bạc-nghỉ dưỡng ở Việt Nam”, ông Shaun McCamley, trưởng bộ phận châu Á của công ty tư vấn quản lý Global Markets Advisors, đánh giá.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Nielsen đưa ra hồi tháng 5, gần 60% dân số Việt Nam hiện đang ở độ tuổi dưới 35 và số người tốt nghiệp đại học đã tăng 60% trong vòng 1 thập kỷ qua. Ngoài ra, hãng tư vấn Boston Consulting Group dự báo dân số thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ năm 2014-2020, từ 12 triệu người lên 33 triệu người.

“Việt Nam được xem là một cơ hội đầu tư lớn, đầy tiềm năng, nếu Chính phủ cho phép người dân vào sòng bạc. Las Vegas Sands bấy lâu nay là công ty sòng bạc lớn thể hiện rõ nhất mong muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Govertson phát biểu.

Hiện có khoảng 7 casino được cấp phép ở Việt Nam, tất cả đều phụ thuộc vào khách nước ngoài. Một trong số này là Crown International Games Club ở Đà Nẵng, một điểm đến thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc giàu có.


Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chống tham nhũng, nhiều khách chơi bạc VIP ở đại lục đã chuyển từ các sòng bạc ở Macau ra các casino khác ở nước ngoài.

Trong dự thảo nghị định lần này, Bộ Tài chính cũng giữ nguyên quy định hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn vận hành casino ở Việt Nam. Theo đó, mức vốn tối thiểu đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này là 4 tỷ USD.

“Không một nhà đầu tư sòng bạc nào lại rót số tiền như vậy vào một thị trường mà người dân ở đó không được vào cửa casino”, ông McCamley nói.

Các điều kiện khác bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế doanh thu từ hoạt động đánh bạc 35%, và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.

“Tất cả những yếu tố trên của Việt Nam sẽ là tích cực đối với các thị trường casino láng giềng như Campuchia và Lào. Hai nước này có môi trường đầu tư thân thiện hơn đối với các sòng bạc”, Govertson nhấn mạnh. Tuy vậy, ông vẫn hy vọng các quy định của Việt Nam có thể được nới lỏng trong tương lai.

Đọc tiếp »

Khi Lego muốn “đuổi” bớt khách hàng

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Mỹ - Nga đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Syria

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh

Thời gian gần đây, nhiều thông tin mới công bố cho thấy do mức lương lao động tại Trung Quốc tăng cao, lực lượng lao động sụt giảm, ngành sản xuất hàng hóa của Trung Quốc đối diện với sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ phía các nước như Việt Nam hay Mexico. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố bất lợi trên không ngăn được việc Trung Quốc đã tăng được thị phần xuất khẩu trên quy mô toàn cầu.

Theo số liệu và tính toán của IMF được Bloomberg trích đăng mới đây, tính đến cuối năm 2015, xuất khẩu của Trung Quốc hiện chiếm 14,6% thị phần xuất khẩu của toàn thế giới. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với con số 12,9% năm 2014 và cao nhất tính từ năm 1980.

Dù Trung Quốc tăng được thị phần xuất khẩu nhưng tỷ lệ đóng góp của ngành sản xuất Trung Quốc tính trong tổng quy mô nền kinh tế đang giảm. Dịch vụ và tiêu dùng đang đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Trung Quốc.

Yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng, theo phân tích của đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng HSBC - ông Frederic Neumann, chính là việc chính phủ nước này đã chuyển đổi định hướng sang sản xuất nhiều mặt hàng có công nghệ cao hơn, ví như hàng điện tử. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu không còn cần thiết phải tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nước khác nhau tại châu Á mà chỉ cần đặt hàng từ Trung Quốc cũng đủ.

Sự thay đổi này của Trung Quốc đã và đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu của rất nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đang trợ cấp mạnh tay cho nhiều ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, sản xuất robot, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu này đã được nhắc đến chi tiết trong kế hoạch hành động của chính phủ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025.

Cùng lúc đó, chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng mạnh khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong 10 ngành quan trọng, trong đó bao gồm sản xuất máy móc, robot, công nghệ đường sắt và thiết bị y tế.

Tình hình xuất khẩu của Trung Quốc đến cuối năm 2015 được đánh giá là khá khả quan, nhưng xu thế này đã không thể được duy trì trong năm 2016.

Suốt nhiều tháng của năm 2016, xuất khẩu của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ. Ngày 10/9, Trung Quốc sẽ công bố số liệu xuất khẩu tháng 8/2016, giới chuyên gia đã dự báo về mức giảm 4% so với cùng kỳ 2015. Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 ước đã giảm 5,4%.

Ngoài ra, theo phân tích của trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại quỹ Medley Global Advisors, ông Andrew Polk, dù Trung Quốc đã chuyển dịch thành công sang sản xuất với công nghệ cao hơn nhưng sẽ còn lâu Trung Quốc mới sản xuất được các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Ông nhấn mạnh xuất khẩu Trung Quốc có thể cao về con số, nhưng không thực sự ấn tượng về giá trị.

Đọc tiếp »

Trung Quốc “đe” các nghị sỹ dân chủ của Hồng Kông

Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng bất kỳ ai đòi độc lập cho Hồng Kông đều có thể bị trừng trị.

Lời cảnh báo cứng rắn này được Trung Quốc đưa ra sau khi một số nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi của Hồng Kông, bao gồm các thủ lĩnh sinh viên biểu tình, trúng cử Hội đồng Lập pháp của vùng lãnh thổ.

Theo tin từ BBC, Chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh việc Bắc Kinh “cương quyết phản đối” bất kỳ hoạt động đòi độc lập nào cho Hồng Kông trong hoặc ngoài Hội đồng Lập pháp.

Nhiều người Hồng Kông đang ngày càng quan ngại về việc Bắc Kinh can thiệp vào nền chính trị của vùng lãnh thổ này.

30 ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã trở thành nghị sỹ trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, theo kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào ngày Chủ nhật vừa rồi, tăng từ con số 27 nghị sỹ ủng hộ dân chủ trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc các nghị sỹ dân chủ có thể phủ quyết những thay đổi lớn trong hiến pháp của Hồng Kông.

Có ít nhất 6 ứng cử viên trẻ ủng hộ Hồng Kông độc lập trở thành nghị sỹ trong cuộc bầu cử này.

Trong số này có Nathan Law, 23 tuổi, người đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc biểu tình mang tên “Phong trào chiếc ô” hồi năm 2014. Law cũng là người đồng sáng lập Đảng Demosisto cùng với Joshua Wong - một thủ lĩnh sinh viên nổi tiếng khác của Hồng Kông.

Một số ứng cử viên đã bị cấm tranh cử trong cuộc bầu cử lần này ở Hồng Kông vì không chứng minh được rằng họ không còn ủng hộ Hồng Kông giành độc lập.

Chính phủ Trung Quốc phản đối mạnh việc trao thêm quyền độc lập chính trị cho Hồng Kông.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau của Trung Quốc nhấn mạnh rằng các ứng cử viên đã công khai kêu gọi Hồng Kông độc lập trong chiến dịch tranh cử.

“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông thực hiện các hình phạt theo quy định của pháp luật”, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố trên.

Dù là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, Hồng Kông hoạt động theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Nguyên tắc này cho phép Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, mức độ tự trị cao và duy trì hệ thống kinh tế và xã hội của mình cho tới năm 2047.

Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa rồi là cuộc bầu cử đầu tiên ở Hồng Kông kể từ cuộc biểu tình đường phố hồi năm 2014. Trong cuộc biểu tình rầm rộ đó, người biểu tình, chủ yếu là giới trẻ, đổ ra các đường phố chính của Hồng Kông đòi Trung Quốc trao thêm quyền tự trị cho vùng lãnh thổ, khiến nhiều khu vực của thành phố rơi vào tình trạng tê liệt kéo dài suốt nhiều tuần.

Đọc tiếp »

Saudi Arabia tính hủy hàng loạt siêu dự án vì thiếu tiền

Quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới Saudi Arabia đang đẩy mạnh các nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách, bằng cách hủy một loạt dự án lớn trị giá tổng cộng hơn 20 tỷ USD và cắt 1/4 ngân sách dành cho các bộ - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Theo hãng tin này, do giá dầu giảm sâu, Saudi Arabia hiện đang gánh mức thâm hụt ngân sách cao nhất trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nguồn tin đề nghị giấu tên nói rằng Chính phủ Saudi Arabia đang rà soát hàng nghìn dự án với tổng trị giá khoảng 260 tỷ Riyal, tương đương 69 tỷ USD, và có thể sẽ hủy 1/3 số dự án này. Việc cắt giảm các dự án có thể sẽ tác động đến ngân sách Saudi Arabia trong vài năm.

Cũng theo nguồn tin, một kế hoạch khác của “đại gia” dầu lửa vùng Vịnh bao gồm sáp nhập một số bộ trong Chính phủ và giải thể một số bộ khác nhằm tiết kiệm ngân sách.

Saudi Arabia đã và đang thực thi những biện pháp chưa từng có tiền lệ để ngăn đà phình to của thâm hụt ngân sách. Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia lên tới 16% GDP, buộc nước này phải mạnh tay cắt giảm trợ giá xăng dầu và điện nước, đồng thời giảm chi tiêu nhiều tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ giảm xuống dưới mức 10% GDP vào năm 2017.

Hoàng tử Mohammed hiện đang là người chỉ đạo kế hoạch cải tổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử của Saudi Arabia nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào dầu lửa. Kế hoạch này được đưa ra sau khi giá dầu thế giới giảm mạnh 2 năm trở lại đây.

Kế hoạch của hoàng tử Mohammed bao gồm bán cổ phần trong tập đoàn dầu lửa quốc doanh khổng lồ Aramco và thiết lập quỹ đầu tư lợi ích quốc gia lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, các nỗ lực cân bằng ngân sách đang cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab. Trong quý 1 năm nay, GDP không bao gồm dầu thô của nước này đã suy giảm.

“Việc Chính phủ Saudi Arabia giảm chi tiêu sẽ dẫn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn ở khu vực tư nhân, và điều này đã bắt đầu được thể hiện trong các chỉ số kinh tế năm nay”, ông John Sfakianakis, Giám đốc nghiên cứu kinh tế thuộc Gulf Research Center, nhận định. “Đó là một con dao hai lưỡi khi mà Chính phủ Saudi Arabia phải cân đối chi tiêu do doanh thu từ dầu sụt giảm”.

Đọc tiếp »

Tiệc trà đêm Obama - Tập Cận Bình và cách làm PR mới của Trung Quốc

Với hàng loạt bất đồng đang tồn tại trong quan hệ Bắc Kinh - Washington, Trung Quốc đã dùng một cuộc thưởng trà để cố gắng xóa đi bầu không khí gượng gạo trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước này Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo tờ Washington Post, vào tối hôm Chủ Nhật vừa rồi, sau một loạt cuộc gặp song phương giữa quan chức Mỹ-Trung trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ông Tập đã mời ông Obama đi dạo.

Khi hai nhà lãnh đạo đang rảo bước giữa đêm trong một công viên ven hồ, ông Tập mời ông Obama dừng chân tại một quán nhỏ để dùng trà.

Cảnh Chủ tịch Trung Quốc uống trà cùng Tổng thống Mỹ, trước ống kính của các nhà báo đi cùng, đã phản ánh một chiến lược quan hệ công chúng (PR) mới mà Bắc Kinh theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền.

Trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường bị xem là khuôn mẫu, thận trọng, và quan liêu. Trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, họ thường chỉ nói hoặc đọc những gì đã được chuẩn bị sẵn từ trước trên giấy.

Nhưng nay, khi Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên toàn cầu, giới chức nước này đang nỗ lực tạo ra ấn tượng chân thực, gần gũi hơn về các nhà lãnh đạo của mình.

Tuy nhiên, kể từ khi lên cầm quyền, ông Tập đã cho phát đi những hình ảnh thể hiện mình là một con người tự nhiên, dễ mến, một nhà lãnh đạo tự tin không ngại tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Giới chức Trung Quốc từng sắp xếp để có những bức ảnh ông Tập đi ăn bánh bao trong một nhà hàng ở Bắc Kinh và xắn quần, tự cầm ô che mưa như một người dân thường.

Sau nhiều thập kỷ là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc giờ đây háo hức thể hiện sức mạnh và đòi hỏi được tôn trọng hơn bao giờ hết. Bởi vậy, hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc ngồi dùng trà bên cạnh nhà lãnh đạo Mỹ tối Chủ Nhật vừa rồi, một cách bình đẳng, thoải mái và tự tin, rõ ràng là một hình ảnh mà Bắc Kinh mong muốn.

Một đoạn băng video do người quay phim của Nhà Trắng ghi lại cho thấy ông Tập nói với ông Obama những chuyện “không đâu vào đâu” trong lúc thưởng trà. Nhà lãnh đạo Trung Quốc hỏi ông chủ Nhà Trắng có tập thể dục không. Rồi ông Tập nói về thời tiết: “Tôi nghĩ ngày mai trời sẽ không đẹp thế này”.

Và dĩ nhiên, Chủ tịch Trung Quốc cũng nói về trà.

“Trà này gọi là trà Long Tỉnh”, ông Tập nói, và kể cho Tổng thống Mỹ về lịch sử của loại trà này: xuất xứ từ một ngôi làng có tên Long Tỉnh, và rằng Long Tỉnh có nghĩa là “giếng rồng”.

“Thật là thú vị”, ông Obama đáp lại một cách lịch sự.

Tuy nhiên, theo Washington Post, từ đoạn video có thể thấy rõ, điều quan trọng nhất đối với ông Tập trong cuộc thưởng trà này với ông Obama không phải là trà Long Tỉnh hay những gì mà hai nhà lãnh đạo đã nói.

Điều quan trọng nhất, chính là tiếng lách tách của máy ảnh vây quanh hai nhà lãnh đạo, nắm bắt khoảnh khắc được sắp đặt kỹ lưỡng giữa Mỹ và Trung Quốc, cường quốc của thế kỷ trước và cường quốc được cho là đang nổi lên của thế kỷ tới, ngồi bên nhau.

Đọc tiếp »

Nguy cơ hàng loạt “tàu ma” trong vụ Hanjin phá sản

Không được vào cảng, những con tàu container của hãng vận tải biển phá sản Hanjin đành vật vờ ngoài khơi.

Sau khi Hanjin nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở Seoul vào tuần trước, thì 85 con tàu đã rời bến của hãng này bỗng rơi vào một tình huống “dở khóc dở cười”. Các cảng biển ở Mỹ, châu Á và châu Âu đồng loạt từ chối cho tàu của Hanjin vào cảng vì lo những con tàu này không thanh toán được cước phí và hàng hóa của tàu có thể bị các chủ nợ bắt giữ, gây xáo trộn hoạt động của cảng.

Hanjin, hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc, có tất cả 97 tàu container, giữ một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các loại hàng hóa từ xe hơi, tới quần áo, TV và đồ chơi trong thương mại toàn cầu. Vụ phá sản của hãng này xảy ra đúng lúc ngành vận tải biển thế giới đang bận rộn chở hàng để chuẩn bị cho mùa mua sắm sôi động cuối năm.

“Tàu của chúng tôi có thể trở thành những con tàu ma. Thực phẩm và nước ngọt trên các con tàu đang cạn dần giữa lúc chúng lênh đênh ở hải phận quốc tế”, ông Kim Ho Kyung, một nhà quản lý thuộc tổ chức công đoàn của Hanjin, cho biết.

Hôm thứ Ba, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố bơm cho Hanjin 90 triệu USD vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để giúp vực dậy hãng này. Ngoài ra, nhà chức trách cũng đang xem xét bơm thêm 90 triệu USD vốn vay lãi suất thấp nữa nếu Hanjin có tài sản thế chấp.

Trong khi đó, Bộ Hải dương và Nghề cá của Hàn Quốc ước tín Hanjin cần tới khoảng 540 triệu USD để trang trải các khoản chi phí chưa trả như tiền nhiên liệu, phí bốc dỡ container…

Về phần mình, Hanjin đã bắt đầu cung cấp thực phẩm, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác cho thủy thủ trên 6 con tàu của hãng đang neo đậu ở một số cảng gồm Rotterdam và Singapore. Hanjin cho biết khoảng 85 tàu của hãng đang bị từ chối tại 50 cảng ở 26 quốc gia.

Thuyền trưởng một tàu Hanjin đang ở hải phận quốc tế gần Nhật Bản nói rằng con tàu này đã được phép vào một cảng Nhật trong ngày 7/9 để dỡ hàng, nhưng được yêu cầu phải ra khỏi cảng ngay sau đó.

Vị thuyền trưởng đề nghị giấu tên này cho biết lời đề nghị xin tiếp tế thực phẩm và nước ngọt cho tàu đã bị từ chối. Ông nói cần có biện pháp để đảm bảo an toàn cho các thủy thủ, và nói thêm rằng họ không biết họ sẽ phải đợi bao lâu ngoài biển.

Trong lúc các luật sư của Hanjin đang cố gắng thực hiện thủ tục pháp lý ở 43 quốc gia để tàu của hãng không bị chủ nợ bắt giữ, một số thuyền trưởng tàu Hanjin đã lái tàu về phía Singapore, Hamburg hoặc Busan, những cảng mà họ hy vọng tàu sẽ được vào và dỡ hàng.

Mỗi tàu container của Hanjin có khoảng 24 thủy thủ và có đủ thực phẩm, nước ngọt và các mặt hàng thiết yếu khác đủ dùng trong vài tuần. Trong khi đó, một chuyến đi qua Thái Bình Dương từ Busan tới Los Angeles mất 10 ngày, còn một chuyến qua kênh đào Suez tới Rotterdam có thể mất cả tháng.

Những khó khăn mà Hanjin đang phải đối mặt cho thấy ngành vận tải biển toàn cầu đang ở trong tình trạng sức khỏe xấu. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thương mại thế giới giảm sút, khiến ngành vận tải biển lao đao theo.

Toàn ngành này đã thua lỗ kể từ cuối năm 2015 và được dự báo lỗ khoảng 5 tỷ USD trong năm nay trong bối cảnh thừa tàu - theo công ty nghiên cứu Drewry Maritime Research.

Đọc tiếp »

Australia 25 năm không suy thoái lần nào

Nền kinh tế Australia đã tăng trưởng tốc độ nhanh nhất trong 4 năm, đánh dẫu chuỗi 25 năm không hề suy thoái. Hãng tin Reuters cho biết, xuất khẩu tăng trưởng mạnh đã giúp Australia bù đắp nhu cầu yếu của thị trường nội địa.

Thống kê mới nhất cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng 1 năm tính đến hết quý 2 năm nay của Australia tăng 3,3%, so với mức tăng 2,9 % đạt được trong vòng 1 năm tính đến hết quý 1.

Tăng trưởng GDP quý 2 của Australia được hỗ trợ bởi việc đẩy mạnh chi tiêu công của Chính phủ nước này trước cuộc bầu cử Quốc hội, kết hợp với mức tăng khiêm tốn trong chi tiêu của các hộ gia đình và hoạt động xây xựng. Những yếu tố này đã bù đắp sự suy giảm mạnh trong đầu tư vào lĩnh vực khai mỏ - nhân tố cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế giàu tài nguyên Australia trong hơn 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, trong cả năm qua, thương mại mới là nhân tố hỗ trợ tích cực nhất đối với tăng trưởng kinh tế Australia. Hàng trăm tỷ USD được rót vào các dự án khai mỏ ở Australia trước đây đã giúp xuất khẩu tài nguyên của nước này tăng mạnh.

Thương mại đóng góp ít nhất 2,2 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng GDP của Australia trong vòng 1 năm tính đến hết tháng 6.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường nội địa chỉ tăng 1,2% trong cả năm, trong đó tiêu dùng của các hộ gia đình tăng 1,6%.

Các con số thống kê cũng cho thấy nền kinh tế Australia chưa đủ “nóng” để thúc đẩy lạm phát. Chỉ số giá chính của nước này chỉ tăng 0,3% trong cả năm.

Theo giới phân tích, lạm phát của Australia đã ở mức quá thấp trong thời gian quá dài, nên Ngân hàng Trung ương nước này (RBA) có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 11. Hồi tháng 8, RBA đã hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục 1,5%.

Tổng cục Thống kê Australia (ABS) cho biết GDP cả năm của nước này ước tính đạt 1,65 nghìn tỷ Đôla Australia, tương đương 1,26 nghìn tỷ USD. GDP bình quân đầu người của quốc gia 24 triệu dân này đạt khoảng 68.929 Đôla Australia.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của Australia vượt trội so với mức tăng 1,2% của Mỹ, 1,6% của Liên minh châu Âu (EU), 2,2% của Anh, và 3,2% của Đức.

Đọc tiếp »

Thủ tướng Australia lo khủng bố gõ cửa

“Khi IS bị đẩy lùi, khi lãnh địa của chúng bị thu hẹp, chúng sẽ có các hoạt động khủng bố bên ngoài khu vực Trung Đông”, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull bình luận khi đề nghị giúp đỡ các nước Đông Nam Á nhiều hơn trong việc ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực.

Theo tin từ BBC, dự kiến, ông Turnbull sẽ thảo luận vấn đề an ninh với các nhà lãnh đạo khác tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Lào từ ngày 6-8/9.

Ông Turnbull đã phát tín hiệu mong muốn mở rộng thỏa thuận hợp tác chống khủng bố giữa Australia với Indonesia, Malaysia và các quốc gia láng giềng khác.

Động thái này diễn ra sau khi tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đe dọa thực hiện các vụ tấn công kiểu “con sói đơn độc” ở Sydney và Melbourne, hai thành phố hàng đầu của Australia.

Thủ tướng Australia nói rằng cần đánh giá nghiêm túc những lời cảnh báo này sau khi IS hứng chịu những thất bại lớn ở Iraq và Syria. “Chúng ta cần hết sức cảnh giác với hành đồng của những kẻ khủng bố hành động đơn độc, những kẻ vì nhiều lý do có thể đã bị cực đoan hóa”, ông cảnh báo.

Chính phủ Australia hiện đang có các biện pháp nhằm ngăn chiến binh ngoại quốc được chiêu mô từ Đông Nam Á và Australia sang đầu quân cho IS tại các sào huyệt của tổ chức khủng bố này. Thủ tướng Turbull cho rằng để làm được điều này cần có sự chia sẻ thông tin tình báo tích cực hơn.

Ông Turnbull nêu vụ đánh bom ở Bali hồi năm 2002 như một ví dụ về nguy cơ khủng bố đối với khu vực Đông Nam Á. Trong vụ tấn công đó, có 202 người thiệt mạng, bao gồm 88 người Australia và 27 người Anh.

“Khi có hoạt động khủng bố trong khu vực của chúng ta, nhất là trong các vụ tấn công quy mô lớn, thì người Australia thường đối mặt rủi ro và chịu tổn thất sinh mạng”, Thủ tướng Australia nói.

“Tất cả chúng ta cùng sống trong khu vực này và cần phải có một nỗ lực mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa khủng bố. Australia cam kết nỗ lực và tôi mong muốn có một số cuộc thảo luận thẳng thắn, mang tính xây dựng về vấn đề này”.

Đọc tiếp »

Dự trữ ngoại hối Trung Quốc xuống thấp nhất 4 năm

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 15,89 tỷ USD trong tháng 8/2016, cao hơn nhiều so với con số giảm 2 tỷ USD mà giới phân tích dự báo trước đó.

Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 15,89 tỷ USD trong tháng 8/2016 xuống 3.185 tỷ USD.

Trong tháng 7/2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 4,1 tỷ USD. Với mức giảm sâu trong tháng 8/2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất từ tháng 12/2011, khi đó, dự trữ ngoại hối Trung Quốc là 3,181 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm không phát đi thông điệp đáng lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Mức giảm này dù cao nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các tháng của năm 2015.

Tính toán của chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, ông Julian Evans Pritchard, cho thấy trong tháng trước, 50 tỷ USD đã bị rút ra khỏi Trung Quốc. Con số này vào tháng 7/2016 là 43 tỷ USD. Kỳ vọng vào khả năng Mỹ nâng lãi suất càng khiến lượng tiền bị rút ra nhanh hơn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc buộc phải hành động để giữ ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Việc đồng Nhân dân tệ hạ giá và việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong thời gian qua khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá.

Tháng 12/2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm kỷ lục 107,9 tỷ USD. Đến tháng 1/2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 99,5 tỷ USD.

Từ đó đến nay, chính phủ Trung Quốc đã liên tục thắt chặt kiểm soát dòng vốn và đồng thời ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Trong năm 2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng được 3 trong 8 tháng.

Cũng trong tháng 8/2016, số liệu mới công bố cho thấy chỉ số niềm tin kinh doanh Trung Quốc (MNI) đã 1,2 điểm xuống 54,3 điểm, sau khi giữ ổn định trong vài tháng qua. Chỉ số này cho thấy đánh giá của doanh nghiệp về những gì đang diễn ra hiện tại cũng như kỳ vọng của họ vào tương lai.

Dù nhiều thông tin mới công bố không mấy tích cực nhưng nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn vượt qua được thời kỳ khó khăn và hồi phục trong những năm tới. Năm 2010, chính phủ Trung Quốc từng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi GDP của nước này và đến hiện tại vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách đó.

Đọc tiếp »

“Tứ đại gia” ngân hàng Trung Quốc sa thải nhân sự hàng loạt

Bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc có đợt sa thải nhân sự mạnh nhất trong ít nhất 6 năm trở lại đây. Theo Bloomberg, đợt cắt giảm này cho thấy nhu cầu nhân sự có thể đã đạt đỉnh tại các nhà băng đông nhân viên nhất thế giới.

Số liệu từ các báo kết quả kinh doanh cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, số nhân viên tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), và ngân hàng Bank of China đã giảm 1,5% so với cuối năm 2015, còn 1,62 triệu nhân viên.

Số nhân viên tại ABC, ngân hàng đông nhân viên nhất thế giới, đã giảm xuống dưới ngưỡng nửa triệu người.

Việc các ngân hàng Trung Quốc sa thải nhân sự trong hai quý đầu năm không phải là chuyện bất thường, nhưng đợt cắt giảm 25.000 nhân viên trong 6 tháng đầu năm nay tại 4 ngân hàng lớn nhất nước này là mạnh tay nhất kể từ ít nhất năm 2010.

Giới phân tích cho rằng những thay đổi đang diễn ra trong ngành ngân hàng Trung Quốc sẽ hạn chế triển vọng tăng trưởng việc làm của ngành này trong tương lai.

“Các ngân hàng Trung Quốc đã trải qua nhiều năm mở rộng, với nhiều điểm giao dịch được mở, đẩy số nhân viên lên mức đỉnh”, ông Polar Zhang, một nhà phân tích thuộc BOC International ở Bắc Kinh, nhận định. Ông Zhang dự báo số nhân viên của các ngân hàng Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tiến bộ công nghệ và các nỗ lực cắt giảm chi phí.

“Tứ đại gia” ngân hàng nói trên của Trung Quốc chiếm 4 vị trí trong top 5 nhà băng niêm yết có số lượng nhân viên đông nhất thế giới, dẫn trước những ngân hàng nổi tiếng của phương Tây như Wells Fargo, HSBC, JPMorgan Chase và Citigroup - Bloomberg cho biết. Ngân hàng Sberbank của Nga chiếm vị trí còn lại trong top 5.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng lớn từ Citigroup tới Deutsche Bank cũng đã sa thải nhân viên và cắt giảm chi phí.

Tuy không phải gánh những khoản phạt hàng tỷ USD vì gian lận như nhiều ngân hàng phương Tây, các ngân hàng Trung Quốc đang chịu sức ép lớn từ sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế trong nước và khối nợ xấu gia tăng.

Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng lớn tại Trung Quốc đang giảm xuống trong bối cảnh Chính phủ nước này nới quy chế kiểm soát ngành tài chính và các công ty tài chính trực tuyến và di động như Ant Financial chiếm thị phần.

Ngoài việc sa thải nhân viên, các ngân hàng Trung Quốc còn cắt giảm lương thưởng. Tổng mức chi trả lương, thưởng, phụ cấp, chế độ sau nghỉ việc tại 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đã giảm 2,6 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Mingsheng Banking Corp., một ngân hàng tầm trung của Trung Quốc, mức giảm là 22%.

Doanh thu đi ngang và áp lực gia tăng về chất lượng tài sản đồng nghĩa với việc “các ngân hàng sẽ phải tiết giảm chi phí nhiều hơn nữa”, nhà phân tích Wei Hou thuộc công ty Stanford C. Bernstein & Co ở Hồng Kông nhận định.

Đọc tiếp »

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “sắp đánh vào sào huyệt IS”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát tín hiệu rằng nước này và Mỹ đã sẵn sàng đánh bật tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi sào huyệt của nhóm này ở Raqqa, Syria.

Theo BBC, ông Erdogan nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra ý tưởng phối hợp hành động tấn công vào sào huyệt của IS khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc cách đây ít hôm.

Ông Erdogan nói Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “không có vấn đề gì” trong việc phối hợp hành động như vậy.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một chiến dịch ở Syria, tấn công cả IS và phiến quân người Kurd.

Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa xác nhận những gì mà ông Erdogan nói, nhưng một quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng điều quan trọng là “các lực lượng địa phương” cần tham gia vào cuộc chiến để giáng “một thất bại lâu dài” vào IS.

“Các hành động mà Thổ Nhĩ Kỳ hiện có ở khu vực biên giới với Syria, với sự hỗ trợ của Mỹ, mang lại hiệu quả tích cực trong việc cô lập Raqqa”, vị quan chức nói. “Đó là một bước quan trọng trong mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là giải phóng Raqqa khỏi sự kiểm soát của IS”.

Lực lượng dân quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã đẩy IS khỏi thị trấn biên giới Jarablus của Syria, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn lo việc kiểm soát bước tiến của lực lượng người Kurd - các nhóm mà Ankara cho là khủng bố.

“Ông Obama muốn làm một điều gì đó về Raqqa. Chúng tôi nói về phía chúng tôi thì việc này không có vấn đề gì”, ông Erdogan phát biểu. “Tôi nói với ông ấy rằng binh sỹ của chúng tôi sẽ họp và bàn bạc để quyết định xem cần phải làm gì”.

Việc Raqqa rơi vào tay IS là một dấu mốc quan trọng trong sự nổi lên của IS khi nhóm này chiếm những vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria. Raqqa hiện được xem là thủ phủ của IS.

Hiện có khoảng từ 250.000-500.000 người dân được cho là vẫn sống ở Raqqa và đã xuất hiện nhiều câu chuyện về việc IS đối xử tàn bạo với dân thường ở đây.

Gần đây, IS liên tục hứng những thất bại lớn ở Syria và Iraq, khiến lãnh địa của chúng bị thu hẹp đáng kể.

Thủ tướng Australia Malcolm Turbull ngày 7/9 phát tín hiệu mong muốn mở rộng thỏa thuận hợp tác chống khủng bố giữa Australia với các nước ở khu vực Đông Nam Á. Động thái này diễn ra sau khi IS đe dọa thực hiện các vụ tấn công kiểu “con sói đơn độc” ở Sydney và Melbourne, hai thành phố hàng đầu của Australia.

Ông Turnbull nói rằng cần đánh giá nghiêm túc những lời cảnh báo này sau khi IS hứng chịu những thất bại lớn ở Iraq và Syria. “Khi IS bị đẩy lùi, khi lãnh địa của chúng bị thu hẹp, chúng sẽ có các hoạt động khủng bố bên ngoài khu vực Trung Đông”, ông nói.

Đọc tiếp »