Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte sẽ dẫn tới thay đổi gì?

Chuyến thăm Trung Quốc vào tháng tới của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể làm thay đổi các mối quan hệ liên minh ở khu vực Đông Á, bởi từ khi lên cầm quyền ông Duterte đã có hàng loạt phát ngôn gây tranh cãi nhằm vào Washington và tỏ ý “làm thân” với Bắc Kinh - hãng tin Reuters nhận định.

Mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ vốn là một trụ cột trong chiến lược tái cân bằng quân sự của Mỹ về phía châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, liên minh này đã chịu sức ép lớn kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền cách đây 3 tháng. Trước sự chỉ trích của Mỹ nhằm vào chiến dịch chống ma túy khiến hàng nghìn nghi phạm thiệt mạng của Philippines, Duterte phản ứng mạnh, thậm chí buông lời xúc phạm cả Tổng thống Mỹ.

Nhà lãnh đạo Philippines cũng đã tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn, đồng thời bày tỏ mong muốn lập liên minh với Nga và Trung Quốc, hai đối thủ của Mỹ trên trường quốc tế.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Duterte nói ông nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc khi ông phàn nàn với hai nước này về Mỹ. Duterte cho biết trong một cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Lào hồi tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng tình với ông khi ông chỉ trích Mỹ.

“Tôi đã gặp Medvedev và tôi nói với ông ấy rằng: ‘Họ [Mỹ] đang làm khó tôi, họ chẳng hề tôn trọng tôi, họ chẳng biết xấu hổ gì cả’. Ông ấy đáp: ‘Người Mỹ là thế. Tôi sẽ giúp ông’”.

Đáng chú ý, việc Duterte xích lại gần Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai nước có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng trên biển Đông.

“Kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền, Trung Quốc và Philippines đã có nhiều tương tác thân mật, đem lại một loạt kết quả tích cực”, đại sứ Trung Quốc tại Manila Zhao Jianhua phát biểu. “Những đám mây đang tan dần. Mặt trời đang mọc lên ở phía chân trời, và sẽ chiếu ánh sáng đẹp đẽ trong chương mới của mối quan hệ song phương”.

Theo dự kiến, Duterte sẽ thăm Bắc Kinh từ ngày 19-21/10 và sẽ có các cuộc hội đàm với cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường.

Các nguồn tin ngoại giao và kinh doanh ở Manila cho hay tháp tùng ông Duterte trong chuyến thăm này sẽ có khoảng hơn 20 doanh nhân Philippines. Bởi vậy, hai bên kỳ vọng nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng sẽ được ký kết, thúc đẩy thêm mối quan hệ giữa hai nước.

Vấn đề biển Đông

Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của chuyến thăm vẫn nằm ở việc hai bên sẽ xử lý ra sao tranh chấp trên biển Đông. Trung Quốc đã quyết liệt phủ nhận phán quyết mà tòa án quốc tế đưa ra hồi tháng 7 phủ nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề này.

Duterte muốn Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài và cho phép đi vào khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Tuy nhiên, ông không nhất quyết đòi Trung Quốc thực thi phán quyết và tuyên bố muốn đàm phán với Bắc Kinh về tranh chấp trên biển Đông.

“Thái độ của Duterte đồng nghĩa với việc chúng tôi phải cân nhắc lại chính sách của mình”, một nguồn tin quan chức Trung Quốc nói với Reuters. “Chúng tôi phải đáp lại thái độ lịch sự của ông ấy”.

Nếu ngư dân Philippines có thể quay trở lại đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, thì đó sẽ là một thắng lợi lớn đối với Duterte và tỷ lệ ủng hộ của người dân Philippines dành cho ông vốn dĩ đã cao có thể còn tăng thêm. Theo một cuộc thăm dò mới đây, tỷ lệ cử tri Philippines ủng hộ Tổng thống Duterte đang ở mức cao kỷ lục 92%, bất chấp ông vấp phải sự phản đối của quốc tế về chiến dịch chống ma túy đẫm máu.

“Khi Duterte thăm Trung Quốc vào tháng tới, lịch trình của ông ấy sẽ tập trung vào các lĩnh vực thương mại, đầu tư và hợp tác nghề cá với Trung Quốc, bao gồm việc tiếp cận Scarborough”, một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines đề nghị giấu tên nói.

“Chương mới” quan hệ Mỹ-Philippines?

Một bài viết mới đây của tờ Thời báo Hoàn cầu nói chuyến thăm của ông Duterte tới Trung Quốc có thể mở ra một chương mới trong mối quan hệ song phương.

“Một sự tương tác mới và tích cực giữa Trung Quốc và Philippines, trái ngược hẳn với thời [Tổng thống Benigno] Aquino, có thể sẽ được mở ra”, bài báo viết. “Duterte có chính sách ngoại giao và phong cách khác hẳn với người tiền nhiệm. Ông ấy có vẻ muốn cân bằng quan hệ ngoại giao với các nước khác thay vì quá phụ thuộc vào Mỹ”.

Thời gian gần đây, Duterte đã có hàng loạt tuyên bố “dằn mặt” Mỹ. Ông nói hai nước sẽ không có cuộc tuần tra hải quân chung nào trong 6 năm nhiệm kỳ của ông và kêu gọi Mỹ rút lực lượng đặc nhiệm khỏi miền Nam Philippines.

Giới chức Mỹ vẫn khẳng định mối quan hệ liên minh với Manila là bền chặt. Nhưng các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ đó đã chịu tác động xấu từ những phát ngôn như vậy của Tổng thống Philippines.

“Giờ là lúc các quan chức ở Washington cần phải lo ngại thực sự về tương lai mối quan hệ Mỹ-Philippines”, ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông thuộc viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak Institute của Singapore, phát biểu. “Nhất là về những vấn đề quân sự như tập trận chung và quyền tiếp cận của Mỹ với các căn cứ của Philippines, và liệu Duterte có tìm cách đạt thỏa thuận với Bắc Kinh về biển Đông theo đó cho phép Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này”.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến từ Trung Quốc tỏ ra thận trọng với Duterte bởi sự khó lường của nhà lãnh đạo này. Dù tỏ ý “làm thân” với Trung Quốc, tháng trước Philippines tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Lào rằng Manila “vô cùng quan ngại” về việc Trung Quốc có vẻ đang chuẩn bị cho hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

“Phải chờ xem ông ấy thực sự sẽ làm gì. Dù những tín hiệu từ Duterte là tốt, chúng tôi vẫn nên chờ xem”, nhà nghiên cứu Luo Liang thuộc Học viện Quốc gia về Nghiên cứu biển Đông ở Trung Quốc, phát biểu.

Đọc tiếp »

Anh sắp khởi động tiến trình Brexit, đồng Bảng rớt giá mạnh

Tỷ giá đồng Bảng Anh giảm mạnh đầu giờ giao dịch ngày 3/10 sau khi có tin Thủ tướng nước này Theresa May sẽ khởi động tiến trình đưa Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU), tức Brexit, trước cuối tháng 3 năm sau.

Theo tin từ tờ Financial Times, áp lực giảm giá đối với đồng Bảng Anh đang gia tăng mạnh, khiến tỷ giá đồng tiền này so với đồng tiền chung châu Âu Euro rớt xuống mức thấp nhất trong 3 năm.

Phát biểu tại hội nghị Đảng Bảo thủ cầm quyền vào cuối tuần vừa rồi, bà May cho biết Anh sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon - đồng nghĩa với việc khởi động tiến trình đàm phán Brexit với các nước trong EU - “không muộn hơn cuối tháng 3/2017”.

Kế hoạch khởi động tiến trình Brexit như vậy sẽ dẫn tới kết quả là Anh ra khỏi EU vào năm 2019, bởi tiến trình này dự kiến sẽ kéo dài 2 năm.

Tỷ giá đồng Bảng có lúc giảm 0,9% so với đồng Euro vào đầu giờ phiên giao dịch sáng đầu tuần tại London, tức chiều nay theo giờ Việt Nam, còn 0,8742 Bảng đổi 1 Euro, mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Tỷ giá đồng Bảng so với đồng USD giảm 0,8%, xuống mức 1 Bảng đổi 1,288 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 15/8.

Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (USCFTC) cho thấy các quỹ đầu cơ đã tăng gấp đôi mức bán khống đồng Bảng lên mức 5 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 27/9 so với tuần trước đó. “Tâm lý bi quan về tỷ giá đồng Bảng lại đang nổi lên”, ngân hàng ANZ nhấn mạnh.

Thủ tướng May cho biết Chính phủ Anh sẽ đạt một thỏa thuận với EU với tư cách một nước Anh “độc lập, có chủ quyền”. Bà nói cử tri Anh đã đưa ra quyết định rõ ràng và Chính phủ sẽ phải “tiếp tục phần việc còn lại”.

Trong bài phát biểu tại ngày đầu tiên của hội nghị Đảng Bảo thủ ở Birmingham hôm 2/10, bà cũng nói việc ra khỏi EU sẽ chấm dứt việc áp dụng luật của khối này tại Anh.

Bà chỉ trích những người “vẫn còn chưa chịu chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý” và nói thêm: “Việc của Chính phủ không phải là nghi ngờ, phanr đối, hay đảo ngược lại mọi chuyện mà chúng tôi đã được người dân chỉ cho là phải làm, mà là tiếp tục công việc đó”.

“Chúng ta sẽ trở thành một quốc gia thực sự độc lập, có chủ quyền, một quốc gia không còn là một phần trong một liên minh chính trị với những siêu thể chế có quyền vượt trên quốc hội và tòa án quốc gia”, bà May phát biểu. “Và điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có thêm quyền tự do để tự đưa ra quyết định về vác vấn đề khác nhau, từ chuyện dán nhãn thực phẩm cho tới cách mà chúng ta chọn để kiểm soát di cư”.

Đọc tiếp »

Trung Quốc tung biện pháp hạ “sốt” bất động sản

Lo ngại sự hình thành bong bóng địa ốc, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc vừa công bố một loạt biện pháp mới nhằm chặn đà tăng mạnh của giá nhà.

Theo tin từ CNBC, vào cuối tuần vừa rồi, nhiều thành phố Trung Quốc đã siết các quy định về mua nhà. Trong đó, thủ đô Bắc Kinh đã nâng mức đặt cọc đối với các giao dịch bất động sản.

Người mua nhà lần đầu ở Bắc Kinh sẽ phải đặt cọc số tiền tương đương 35% giá trị giao dịch, từ mức 30% trước đó. Người mua căn nhà thứ hai sẽ phải đặt cọc ít nhất một nửa giá tiền của căn nhà.

Tại thành phố Chính Châu, những cư dân có hộ khẩu đã sở hữu hai bất động sản và những người không có hộ khẩu đã mua một căn nhà ở thành phố này sẽ chỉ được phép mua thêm nhà có diện tích tối đa 180 mét vuông.

Những biện pháp trên được tung ra sau khi tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin cảnh báo trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNN rằng thị trường bất động sản nước này đang trong tình trạng “bong bóng lớn nhất trong lịch sử”. Ông Wang cũng nói rằng Bắc Kinh khó tránh khỏi việc gây “sốt” địa ốc ở một số thành phố khi thực thi các biện pháp kích cầu tăng trưởng kinh tế trên diện rộng.

“Tôi không nhận thấy có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Chính phủ đã áp dụng đủ cách, từ hạn chế giao dịch cho tới tín dụng, nhưng chẳng cách nào mang lại hiệu quả”, ông Wang nói.

Thành Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, người dân chỉ được phép mua một căn nhà duy nhất ở một số quận nhất định, còn những người mua căn nhà thứ hai phải đặt cọc tối thiểu 40% giá trị giao dịch.

Tại thành phố Tế Nam, chính quyền không cho phép người dân mua căn nhà thứ ba. Ngoài ra, mức đặt cọc đối với những người mua nhà lần đầu cũng tăng lên 30% từ 20% trước đây.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Thiên Tân ngừng cho phép những người không có hộ khẩu địa phương mua căn nhà thứ hai tại khu vực trung tâm thành phố.

Một loạt địa phương khác như Hợp Phì, Chương Châu, Vũ Hán và Tô Châu cũng đã tung các biện pháp nhằm hạ sốt bất động sản.

Dữ liệu công bố mới đây cho thấy giá trung bình của nhà mới xây tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng 9,2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 7,9% trong tháng 7. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc giá nhà trung bình toàn quốc đã tăng 1,5% trong tháng 8 so với tháng 7.

Trong đó, thị trường bất động sản tại nhiều thành phố Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu quá nóng. Tại Thượng Hải và Bắc Kinh, giá nhà đã tăng 31,2% và 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá nhà tại Hạ Môn và Hợp Phì tăng tới 43,8% và 40,3%.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng giá nhà ở nhiều thành phố nhỏ của Trung Quốc hiện chỉ tăng rất yếu, 1-2% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí là không tăng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng sự tăng giá nhà chóng mặt ở các thành phố lớn của nước này là đáng lo ngại. Việc người Trung Quốc đổ xô đi mua nhà được cho có thể là một dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển của dòng vốn từ các kênh đầu tư khác sang thị trường địa ốc, đặc biệt kể từ sau đợt sụt giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán nước này hồi mùa hè năm ngoái.

Đọc tiếp »

600 triệu du khách Trung Quốc được dự báo sắp tiêu 72 tỷ USD

Gần 600 triệu du khách Trung Quốc sẽ đi nghỉ tại các địa điểm trong và ngoài nước trong tuần nghỉ lễ quốc khánh lần thứ 67 của nước này. Trong kỳ nghỉ, dự kiến du khách Trung Quốc sẽ chi tiêu tổng cộng khoảng 72 tỷ USD.

Theo trang tin Quartz, quốc gia Bắc Phi Morocco bất ngờ nổi lên thành một điểm đến mới được du khách Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh năm nay. Một báo cáo do công ty du lịch Ctrip và Học viện Du lịch Trung Quốc thực hiện cho thấy số hồ sơ du khách xin cấp visa đi Morocco do Ctrip xử lý trong kỳ nghỉ năm nay đã tăng 3.500 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, top 10 điểm đến hút du khách Trung Quốc nhất trong kỳ nghỉ quốc khánh năm nay tiếp tục có sự góp mặt của những địa chỉ quen thuộc như Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Ngoài ra, số du khách Trung Quốc đến Anh, Campuchia, Nga và New Zealand cũng tăng mạnh, với mức tăng khoảng 60% mỗi nước.

Những bức ảnh chụp ở Morocco của du khách Trung Quốc đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội Weibo.

“Có nhiều du khách ở Morocco đến nỗi những địa điểm đổi tiền ở nước này chỗ nào cũng thấy người Trung Quốc”, một du khách Trung Quốc đang ở Morocco viết trên Weibo.

Báo cáo của Ctrip và Học viện Du lịch Trung Quốc dự báo sẽ có tổng cộng 589 triệu người Trung Quốc đi du lịch trong kỳ nghỉ quốc khánh, còn gọi là “Tuần lễ vàng” năm nay, tăng 12% so với năm ngoái. Trong đó, có khoảng 6 triệu du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, một con số cao chưa từng thấy.

Việc người Trung Quốc đổ đi du lịch nước ngoài có thể xuất phát từ việc các quy định cấp visa được nới lỏng và đồng Nhân dân tệ của nước này tăng giá.

Morocco mới đây đã gia nhập danh sách cùng với 57 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nới quy định cấp visa hoặc miễn visa cho công dân Trung Quốc, trong đó có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á.

Hôm 1/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chính thức đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Điều này đồng nghĩa với việc Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới, ngang hàng với các đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.

Theo dự báo, đồng Nhân dân tệ sẽ mạnh lên thêm trong thời gian tới và có thể khuyến khích người dân nước này chi tiêu nhiều hơn khi đi du lịch nước ngoài.

Báo cáo nói trên dự báo tổng mức chi tiêu của du khách Trung Quốc trong kỳ nghỉ quốc khánh năm nay có thể đạt 478 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 72 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức chi tiêu của du khách Trung Quốc ở nước ngoài có thể giảm nhẹ so với năm 2015 do nền kinh tế nước này giảm tốc.

Đọc tiếp »

Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan, sẽ kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp của đất nước thêm 90 ngày để củng cố quyền lực sau cuộc khủng hoảng chính trị vào tháng 7/2016.

Theo Financial Times, thông tin này ngay lập tức tác động tiêu cực đến đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỹ. Từ khi khủng hoảng chính trị xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira đã liên tục hạ giá. Tuyên bố mới nhất của ông Erdogan khiến đồng tiền này còn mất giá mạnh hơn, hiện đồng Lira ở dưới ngưỡng tâm lý quan trọng là 3 Lira/USD.

Một quan chức thuộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quyết định mới nhất của Tổng thống Erdogan sẽ giúp họ có thêm thời gian để xây dựng nền dân chủ. Khi đất nước ở trong tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Erdogan sẽ có khả năng toàn quyền đưa ra các quy định, luật lệ mới mà không cơ quan nào có thể phản bác.

Từ khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ của ông Erdogan đã bỏ tù hàng chục nghìn người với cáo buộc trung thành với ông Fethullah Gulen, một người Thổ Nhĩ Kỳ nay đang sống lưu vong ở nước ngoài. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Fethullah Gulen có một mạng lưới rất lớn những người ủng hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và chính ông đứng sau cuộc đảo chính vào tháng 7 vừa qua.

Cách đây không lâu, ông Erdogan từng tuyên bố với cử tri Thổ Nhĩ Kỳ và nhà đầu tư nước ngoài rằng quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp của đất nước sẽ chỉ được áp dụng tạm thời để giúp ổn định đất nước. Quyết định kéo dài tình trạng đó của ông Erdogan đã khiến giới đầu tư rất thất vọng.

“Chúng tôi không hiểu ông ấy muốn đất nước ở trong tình trạng khẩn cấp là bởi thực sự ông ấy cảm thấy có mối hiểm họa nào đó hay chỉ muốn thâu tóm toàn bộ quyền lực càng lâu càng tốt”, đại diện giấu tên của một quỹ đầu tư có trụ sở tại châu Âu hoài nghi. Gần đây, quỹ này đã bán toàn bộ các tài sản tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã tiếp tục hạ xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức dưới ngưỡng khuyến nghị đầu tư. S&P hiện cũng giữ mức xếp hạng tương tự đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, chỉ duy nhất Fitch vẫn giữ xếp hạng tín nhiệm ở mức “đầu tư” đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đọc tiếp »

Mỹ dừng đàm phán với Nga về Syria

Mỹ ngày 3/10 tuyên bố dừng đàm phán với Nga về một thỏa thuận ngừng bắn cho Syria - động thái được xem là sự xác nhận cuối cùng rằng kế hoạch hòa bình đạt được cách đây 3 tuần cho Syria đã sụp đổ. Trước đó, Moscow tuyên bố từ bỏ thỏa thuận với Washington về tiêu hủy chất phóng xạ plutonium.

Theo tờ Financial Times, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Nga “không sẵn sàng hoặc không thể” buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad tuân thủ kế hoạch hòa bình, mà thay vào đó Nga đã quyết định tăng cường hành động quân sự nhằm vào phe đối lập Syria.

Tuyên bố trên của Mỹ được đưa ra sau khi quân Chính phủ Syria vào hôm Chủ nhật đã tiến vào các khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm đóng ở thành phố Aleppo. Trước đó, trong mấy ngày liên tiếp, Nga và lực lượng Chính phủ Syria đã dội bom ác liệt vào thành phố chủ yếu nằm trong tay lực lượng nổi dậy này.

Trước khi Mỹ ra tuyên bố hủy đàm phán với Nga về vấn đề Syria, Nga tuyên bố hủy một thỏa thuận với Mỹ về tiêu hủy chất phóng xạ plutonium hạng vũ khí. Diễn biến này được xem là một dấu hiệu mới của mối quan hệ xấu đi giữa Moscow với phương Tây.

Giới chức Mỹ nói rằng họ đã “đàm phán tích cực” với Nga về Syria cho tới hết cuối tuần vừa rồi, nhưng Nga thể hiện quyết tâm duy trì các cuộc không kích mà nước này đang tiến hành ở Syria.

Hãng thông tấn Interfax dẫn một nguồn tin ngoại giao Nga nói Moscow “thất vọng” vì quyết định của Mỹ.

Cuộc đàm phán với Nga về một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria được xem là nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình ở Syria trong 4 tháng cầm quyền cuối cùng của ông Obama.

Mỹ đề xuất hợp tác với Nga tiến hành không kích các nhóm thánh chiến ở Syria, một điều mà Nga mong muốn từ lâu. Đổi lại, Mỹ muốn Nga khiến chính quyền Assad dừng chiến dịch quân sự tại một số khu vực tranh chấp với lực lượng nổi dậy ở Syria.

Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày được công bố, thỏa thuận ngừng bắn này đã bị đe dọa, bắt đầu từ việc máy bay Mỹ tấn công lực lượng Syria ở phía Đông nước này - một vụ việc mà Lầu Năm Góc nói là do nhầm lẫn. Tiếp đó, máy bay Nga và Syria không kích Aleppo, bao gồm ném bom vào một đoàn xe chở hàng cứu trợ.

Cùng với sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ và Nga không ngừng đưa ra những lời cáo buộc lẫn nhau kiểu như thời chiến tranh lạnh.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Samantha Power cáo buộc Nga “hành động dã man” và gây tội ác chiến tranh ở Syria, trong khi Nga nói Lầu Năm Góc đã cản trở thỏa thuận ngừng bắn do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đàm phán.

Về phần mình, ông Kerry cố gắng duy trì đàm phán trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở Aleppo và một số nơi khác của Syria, ông dường như không đạt được bước tiến nào với Moscow và vấp phải sự chỉ trích từ một số nghị sỹ Mỹ.

Việc thỏa thuận ngừng bắn cho Syria chính thức sụp đổ có thể dẫn tới việc chính quyền Obama cân nhắc tăng cường hỗ trợ phe đối lập ở Syria. Tuy nhiên, đến nay, Nhà Trắng vẫn bác bỏ hầu hết các ý tưởng về tăng cường sự dính líu của Mỹ vào cuộc xung đột ở Syria, đặc biệt là những đề xuất về đối đầu trực diện hơn với chính quyền Assad hoặc Nga.

Khi lý giải về quyết định rút khỏi thỏa thuận tiêu hủy plutonium với Nga, Tổng thống Putin viết trong một sắc lệnh rằng động thái này phản ánh “sự nổi lên của một nguy cơ đối với sự ổn định chiến lược, đồng thời là kết quả của những hành động kém thân thiện của Mỹ nhằm vào Nga”.

Trong mấy năm qua, những bất đồng về kỹ thuật đã phủ bóng lên thỏa thuận có từ năm 2000 này. Tuy nhiên, Putin đã nói thẳng việc Moscow rút khỏi thỏa thuận là do mối quan hệ lạnh giá với Washington.

Mối quan hệ Nga-Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh kể từ khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Đọc tiếp »

Mỹ “ngậm bồ hòn làm ngọt” với Tổng thống Philippines

Giới chức Mỹ đang cố gắng hết sức để phớt lờ những tuyên bố mang tính “dằn mặt” Washington của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, đồng thời hài lòng với việc Duterte chưa biến lời nói thành hành động bằng cách giảm quan hệ quân sự với Mỹ.

Trao đổi với hãng tin Reuters ngày 3/10, nguồn tin là hai quan chức Mỹ nói nếu Washington cũng có những động thái cho thấy mối quan hệ rạn nứt với Manila, thì điều đó sẽ gây ra nhiều vấn đề ở khu vực nơi Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng. Nguồn tin cũng nói Mỹ chưa hề tính đến chuyện có biện pháp đối với Philippines như cắt giảm viện trợ đối với nước này.

Ngoài ra, Mỹ cũng không muốn nói hay làm bất kỳ điều gì có thể khuyến khích Duterte thực hiện những tuyên bố mà ông đã đưa ra.

“Ông ta giống như Donald Trump”, một quan chức cấp cao thuộc khu vực Đông Nam Á nói khi so sánh giữa Tổng thống Philippines với ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa. “Ông ta thích gây chú ý. Càng được chú ý, ông ta càng mạnh miệng. Cách tốt nhất là phớt lờ ông ta”.

Giới chức quân sự Mỹ cho biết họ biết rõ về các tuyên bố của Duterte, nhưng các đối tác ở Philippines đã trấn an rằng mọi việc vẫn diễn ra bình thường. “Không ai thực sự mất ngủ vì các phát biểu của ông ấy”, một quan chức quân sự đề nghị giấu tên nói.

“Tất cả chỉ là hăm dọa thôi”, một quan chức quân sự thứ hai của Mỹ phát biểu, nói rằng những tuyên bố hùng hồn của Duterte “chưa ảnh hưởng gì đến chúng tôi”.

Là một đồng minh của Washington, Philippines giữ một vai trò chủ chốt trong chiến lược tái cân bằng chính sách đối ngoại về phía châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Vị trí quan trọng của Philippines trong chiến lược của Mỹ càng gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng ở biển Đông và Philippines cũng chính là một quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh ở vùng biển này.

Tuy vậy, giới chức Mỹ hiện đang đặc biệt quan ngại về việc hơn 3.100 nghi phạm đã bị cảnh sát Philippines tiêu diệt trong chiến dịch chống ma túy kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền cách đây 3 tháng.

“Mỹ không thể cắt quan hệ với Philippines, bởi vậy Mỹ cần phải tìm ra một cách để làm việc với Duterte, trong khi vẫn thể hiện sự phản đối nhằm vào chính sách nhân quyền của Philippines”, ông Frank Jannuzi, một cựu chuyên gia về châu Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phát biểu.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã dành cho Philippines hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự và hỗ trợ phát triển. Philippines hiện là quốc gia nhận viện trợ quân sự từ Mỹ lớn thứ ba tại châu Á, sau Afghanistan và Pakistan.

Một quan chức Mỹ nói quan hệ chính trị với Philippines có rạn nứt, thì Mỹ cũng không quá lo lắng về những ảnh hưởng quốc phòng, bởi Mỹ còn có những lựa chọn khác ngoài Philippines, bao gồm Trung tâm Khu vực Hải quân (NRCS) ở Singapore, các cơ sở huấn luyện ở Brunei, và khả năng được tiếp cận nhiều hơn với cảng biển ở Việt Nam.

Đọc tiếp »