Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Trump có thể là Tổng thống Mỹ bị “ghét” nhất trong 100 ngày đầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thiết lập một mức đáy mới về tỷ lệ ủng hộ, trong bối cảnh ông chuẩn bị kết thúc thời gian 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Tuy vậy, lực lượng ủng hộ cốt lõi của Trump nhìn chung vẫn đứng về phía ông.

Một cuộc khảo sát của Washington Post/ABC được công bố kết quả ngày Chủ nhật vừa rồi cho thấy tân Tổng thống Mỹ có tỷ lệ ủng hộ trong 100 ngày đầu tiên thấp nhất so với tất cả các Tổng thống tiền nhiệm kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện vào năm 1945.

Trong số những người được hỏi, có 42% nói họ hài lòng với những gì mà Trump đã làm trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng tính đến thời điểm này. 53% nói họ không tán thành.

Một cuộc khảo sát khác của NBC công bố ngày Chủ nhật cũng cho thấy kết quả tương tự: chỉ 40% người được hỏi nó họ ủng hộ những gì Tổng thống Trump làm giảm 4 điểm phần trăm so với hồi tháng 2. Trong khi đó, tỷ lệ người phản đối Trump tăng 6 điểm phần trăm, lên mức 54%.

Trang Business Insider nói rằng, kết quả các cuộc khảo sát này tiếp tục cho thấy ông Trump không có được “tuần trăng mật” kiểu truyền thống như hầu hết các Tổng thống Mỹ khác có được sau khi họ đắc cử và tuyên thệ nhậm chức.

NBC chỉ ra rằng, trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Barack Obama nhận tỷ lệ ủng hộ 61%; Tổng thống George W. Bush được 56%; và Tổng thống Bill Clinton được 52%.

Kể từ khi Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, tỷ lệ ủng hộ của ông chủ yếu giữ xấp xỉ trên ngưỡng 40%, có lúc thậm chí tụt dưới mức này.

Trump thường bác bỏ tỷ lệ ủng hộ thấp dành cho ông, nói rằng các cuộc thăm dò dư luận là “thông tin giả mạo”. Hồi tháng 1, Trump đã “nổi đóa” khi một cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông là Tổng thống đắc cử có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử ở Mỹ.

Trong 12 cuộc thăm dò mà Real Clear Politics đã thực hiện, tỷ lệ ủng hộ trung bình của Trump là 42,2%, giảm nhẹ so với mức trung bình cách đây một tháng.

Tuy nhiên, bộ phận người Mỹ phản đối Tổng thống Trump chủ yếu là những người vốn đã có cái nhìn tiêu cực đối với ông từ trước.

Cuộc khảo sát của Washington Post/ABC cho thấy 96% cử tri bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái nói rằng họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho Trump nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm hiện nay.

Trên thực tế, các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy những cái nhìn kém tích cực về Đảng Dân chủ.

Theo cuộc khảo sát của Washington Post/ABC, 67% người Mỹ được hỏi nói Đảng Dân chủ rời xa những mối lo của người dân, so với tỷ lệ 62% đưa ra câu trả lời tương tự về Đảng Cộng hòa của Trump. Tỷ lệ này đã tăng 19 điểm phần trăm so với thời điểm cách đây 3 năm.

Đọc tiếp »

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Mỹ vụ điều tra thép giá rẻ

Việc Washington mở cuộc điều tra nhằm vào thép nhập khẩu giá rẻ, trong đó có thép từ Trung Quốc, có thể dẫn tới tranh chấp thương mại giữa Mỹ với các đối tác thương mại chính và các nước này có thể trả đũa - tờ China Daily cảnh báo ngày 24/4.

Hãng tin Reuters cho biết, đây là lời đáp trả chính thức mạnh mẽ nhất tính đến thời điểm này của Trung Quốc đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm thứ Năm tuần trước về mở một cuộc điều tra đối với thép nhập khẩu giá rẻ.

Đối tượng của cuộc điều tra này là một loạt công ty thép Trung Quốc và từ các quốc gia khác bị cho là bán phá giá thép tại thị trường Mỹ.

“Bằng cách đưa ra một cuộc điều tra phi lý đối với thép nhập khẩu dưới vỏ bọc bảo vệ an ninh quốc gia, nước Mỹ dường như đang tìm đến với chủ nghĩa đơn phương để giải quyết các vấn đề song phương và đa phương”, bài xã luận của China Daily có đoạn viết.

Theo bài báo, cuộc điều tra có thể dẫn tới những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm nhập khẩu thép, ảnh hưởng lợi ích của một số quốc gia là đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Trung Quốc.

“Nếu Mỹ thực sự áp dụng các biện pháp bảo hộ, thì các quốc gia khác cũng có thể có hành động trả đũa phù hợp đối với các công ty Mỹ có lợi thế ở những lĩnh vực như tài chính và công nghệ cao, dẫn tới một cuộc chiến thương mại ‘ăn miếng trả miếng’ không mang lại lợi ích cho ai cả”, bài báo viết.

Bài xã luận kêu gọi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sử dụng cơ chế giải quyết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết bất đồng về thép.

Giảm nhập khẩu sẽ không làm thay đổi sức cạnh tranh yếu của các nhà sản xuất thép Mỹ, không thể giúp hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ hay đưa việc làm trở lại cho người Mỹ như Tổng thống Trump mong đợi - bài báo viết.

Bài xã luận của China Daily cho thấy một sự thay đổi quan điểm đáng kể so với phát ngôn chính thức của Trung Quốc hồi tuần trước. Vào hôm thứ Sáu, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói trong cuộc họp báo hàng ngày rằng nước này cần biết chắc về hướng đi cuộc điều tra của Mỹ trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào.

Theo các chuyên gia, quyết định của ông Trump điều tra thép Trung Quốc có thể là phản ứng trước việc thép từ Trung Quốc đã chiếm tới 26% thị trường thép Mỹ.

Mỹ có gần 100 nhà máy thép sản xuất hàng triệu tấn thép mỗi năm. Nước này từ lâu đã nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước khỏi thép nhập khẩu giá rẻ, chủ yếu thông WTO, nhưng chính quyền Trump nói rằng cách này không mang lại hiệu quả.

Đọc tiếp »

Trump muốn sớm đưa người lên sao Hỏa

Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Peggy Whitson, người vừa phá kỷ lục của nước này với 534 ngày ở trong vũ trụ, đã đánh dấu cột mốc này vào ngày 24/3 bằng một cuộc nói chuyện với Tổng thống Donald Trump về đưa con người lên sao Hỏa.

Hãng tin Reuters cho biết, bà Whitson, 57 tuổi, đã có một cú nhào lộn trong môi trường không trọng lượng trong khi đang có một cuộc gọi video từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nơi bà đang giữ cương vị chỉ huy. Nhà du hành vũ trụ nữ này đã đi được một nửa quãng đường trong sứ mệnh công tác kéo dài 9 tháng rưỡi.

Cho tới khi trở về Trái Đất vào ngày 3/9, bà Whitson sẽ có tổng cộng 666 ngày trong vũ trụ. Đến nay, mới chỉ có 6 nhà du hành vũ trụ người Nga, đều là nam giới, vượt qua được mốc này.

“Bà vừa làm được một điều tuyệt diệu”, ông Trump nói từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Đây là cuộc gọi đầu tiên của ông với một nhà du hành vũ trụ đang làm việc tại ISS, trạm không gian trị giá 100 tỷ USD.

“Thật là vinh dự lớn khi tôi phá được một kỷ lục như thế này”, bà Whitson nói và mỉm cười. “Tôi vinh dự được đại diện cho tất cả mọi người tại NASA [Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ], nhưng người đã đưa chuyến du hành này trở thành hiện thực và giúp tôi thiết lập kỷ lục”.

Bà Whitson, đến từ bang Iowa, hiện cũng đang nắm giữ kỷ lục là người phụ nữ có khoảng thời gian bước đi trong không gian lâu nhất. Năm 2008, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chỉ huy trạm không gian nằm cách Trái Đất 400 km.

Trong cuộc trò chuyện với bà Whitson, ông Trump - người đề xuất gần như giữ nguyên ngân sách 19,5 tỷ USD cho NASA trong tài khóa tới - đã hỏi về kế hoạch đưa con con người lên sao Hỏa. NASA dự kiến bắt đầu làm được công việc này vào thập niên 2030.

“Ồ, chúng tôi muốn thử làm việc đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của tôi, hoặc muộn nhất là trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi. Vậy thì chúng ta sẽ phải đẩy nhanh việc đó một chút, được chứ”, Tổng thống Mỹ nói vui.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”, bà Whitson đáp.

Bà Whitson, người có bằng tiến sỹ sinh hóa, lớn lên ở nông trại và đam mê làm vườn. Bà cho biết đã trở nên hứng thú với lĩnh vực vũ trụ kể từ khi có chương trình của tàu vũ trụ Apollo đưa con người lên Mặt Trăng.

Bà gia nhập hàng ngũ các nhà du hành của Mỹ vào năm 1996 và 6 năm sau đó, bà chính thức trở thành nhà khoa học đầu tiên chuyên làm việc trên ISS. Sứ mệnh hiện nay là sứ mệnh thứ ba của bà Whitson trên ISS, bắt đầu vào ngày 17/11/2016.

Bà đã phá vỡ kỷ lục 534 ngày trên vũ trụ trước đó của nhà du hành người Mỹ Jeff Williams. Tuy nhiên, kỷ lục thế giới hiện nay vẫn thuộc về nhà du hành người Nga Gennady Padalka, người có tổng cộng 878 ngày trên quỹ đạo.

Đọc tiếp »

Kinh tế khởi sắc, Nga trở lại top 3 nước chi quân sự nhiều nhất

Nga đã trở lại nhóm 3 nước chi tiêu nhiều nhất cho lĩnh vực quân sự, trang CNN Money cho hay.

Trang này dẫn một báo cáo mới từ Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Nga đã tăng chi tiêu quân sự lên mức 69,2 tỷ USD trong năm 2016, nhiều hơn 5,9% so với năm 2015. Với mức chi như vậy, Nga chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc về chi tiêu quân sự.

Vào năm 2011, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố một kế hoạch chi hơn 20 nghìn tỷ Rúp, tương đương 360 tỷ USD, để hiện đại hóa quân đội đến năm 2025.

Tuy nhiên, kế hoạch này của người đứng đầu điện Kremlin đã gặp trở ngại khi Nga gặp khó khăn kinh tế do giá dầu giảm sâu và đối mặt với sự mất giá “kinh hoàng” của đồng Rúp vào năm 2015. Năm đó, Nga phải thắt chặt chi tiêu và tụt lại sau Saudi Arabia, xuống vị trí thứ tư thế giới về chi quân sự.

Song hiện nay, kinh tế Nga đã có nhiều dấn hiệu khởi sắc. Sau một thời gian suy thoái kéo dài, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng trở lại trong quý 4/2016.

Chính phủ Nga có vẻ như đang bù đắp lại chi tiêu quân sự cho quãng thời gian suy giảm trước đó. Năm ngoái, chi quân sự của Nga tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1991.

Nga đang có sự hiện diện lớn trong cuộc nội chiến ở Syria thông qua việc ủng hộ lực lượng của Tổng thống nước này Bashar al-Assad. Nga cũng bị cho là hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine, đồng thời bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) trừng phạt sau khi sáp nhập Crimea - bán đảo ly khai khỏi Ukraine - hồi năm 2014.

Trong bối cảnh sự trỗi dậy của Nga, các nước ở khu vực Trung Âu đã gia tăng chi tiêu quân sự, với mức tăng 2,4% trong năm 2016. “Tăng chi tiêu quân sự ở nhiều nước Trung Âu có thể một phần do quan niệm cho rằng Nga đang trở thành một nguy cơ lớn hơn”, nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman thuộc SIPRI nhận định.

Saudi Arabia đã trở lại vị trí thứ tư về chi tiêu quân sự trong năm 2016, do nước này cắt giảm chi quân sự 25,8 tỷ USD, còn 63,7 tỷ USD.

Saudi Arabia hiện đang dính líu vào cuộc nội chiến ở Yemen. Tuy nhiên, SIPRI nói rằng nhiều nước sản xuất dầu lửa, trong đó có Saudi Arabia, buộc phải giảm chi tiêu quân sự vì giá dầu sụt giảm mấy năm gần đây.

Hai nước dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự Mỹ và Nga có mức chi tương ứng trong năm 2016 là 611 tỷ USD và 215 tỷ USD. Đứng ở vị trí thứ 5, Ấn Độ chi 55,9 tỷ USD.

Đọc tiếp »

Ngành bán lẻ truyền thống Mỹ phá sản nhiều chưa từng thấy

Các hãng bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang nộp đơn xin phá sản với tốc độ kỷ lục, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.

Trong vòng hơn 3 tháng qua, đã có 14 chuỗi bán lẻ ở Mỹ tuyên bố sẽ xin bảo hộ phá sản - hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ S&P Global Market Intelligence cho biết. Con số này vượt qua số doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ phá sản trong cả năm 2016.

Một số ít những mảng bán lẻ trước đây “miễn nhiễm” trước sự nở rộ của bán lẻ trực tuyến như bán lẻ giày dép giá rẻ, cửa hiệu ngoài trời, bán lẻ hàng điện tử… giờ phải tìm cách tái cơ cấu hoạt động.

Cùng với đó, các nhà bán lẻ ở Mỹ đang cắt giảm số cửa hiệu nhiều hơn bao giờ hết nhằm thu hẹp diện tích thừa và chuyển sang đẩy mạnh bán hàng trên mạng. S&P cho rằng khó khăn về tài chính khiến các hãng bán lẻ truyền thống không thể thích nghi với áp lực ngày càng lớn từ thương mại điện tử.

Trong một cuộc họp thoại với các nhà phân tích vào tháng trước, Giám đốc điều hành (CEO) hãng bán lẻ quần áo Urban Outfitters, ông Richard Hayne, đã thừa nhận những thách thức mà ngành bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang đối mặt. Ông Hayne nói đang có quá nhiều cửa hàng bán lẻ, nhất là những cửa hàng bán quần áo.

“Điều này dẫn tới tình trạng bong bóng, và cũng giống như trên thị trường nhà đất, bong bóng này giờ đã nổ”, ông Hayne nói. “Chúng ta đang chứng kiến hậu quả: những cửa hiệu bị đóng cửa và giá thuê mặt bằng giảm xuống. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai gần và thậm chí còn tăng tốc”.

Ông Jim Elder, phụ trách dịch vụ phân tích rủi ro của S&P Global Market Intelligence, nhận định rằng kết quả kinh doanh quý 1 của ngành bán lẻ Mỹ cho thấy ngành này sẽ không sớm phục hồi.

S&P cho rằng Sears Holdings, Bon-Ton Stores, và Perfumania được dự báo sẽ là những hãng bán lẻ niêm yết trên sàn chứng khoán dễ “sập tiệm” nhất trong năm tới. Trong một tài liệu vào tháng 3 vừa qua, chính Sears đã bày tỏ “sự hoài nghi lớn” về tương lai của chính mình.

Trong một báo cáo vào cuối năm ngoái, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo về tương lai của Nine West, Claire’s Store và Gymboree.

S&P cho rằng các bách hóa tổng hợp (department store), bán lẻ hàng điện tử, và bán lẻ quần áo là những lĩnh vực bán lẻ đang đối mặt rủi ro cao nhất. Trong khi đó, bán lẻ thực phẩm và đồ trang trí nhà cửa được cho là những mảng an toàn nhất.

Đến nay, các cửa hiệu bán lẻ quần áo ở Mỹ chịu tác động đặc biệt mạnh từ sự phát triển của thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay, một loạt tên tuổi như The Limited,Wet Seal, BCBG Max Azria, và Vanity Shop of Grand Forks đã lần lượt nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nạn nhân mới nhất là Payless, chuỗi cửa hiệu xin phá sản hôm 4/4 và tuyên bố sẽ đóng cửa 400 cửa hàng.

Một chuỗi bán lẻ khác là Rue21 có thể sẽ sớm chung số phận. Nguồn tin thân cận nói rằng chuỗi cửa hiệu thời trang dành cho lứa tuổi teen này có thể phá sản trong tháng 4. Bloomberg cũng nói Gymboree, hãng bán lẻ quần áo trẻ em, đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản vào tháng 6.

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Hillary Clinton gọi Donald Trump là “kẻ thất bại đau đớn”

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton ngày 23/10 gọi đối thủ Cộng hòa Donald Trump là một “kẻ thất bại đau đớn”.

Theo hãng tin Reuters, lý do khiến bà Clinton đưa ra tuyên bố này là trong cuộc tranh luận cuối cùng vào tuần trước, ông Trump không chịu cam kết chấp nhận kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11 tới. Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói rằng phát biểu của Trump giống với những gì mà các nhà độc tài ở những quốc gia không có dân chủ có thể nói về đối thủ của họ.

“Việc ai đó nói không tôn trọng kết quả bầu cử là một mối đe dọa trực tiếp đối với nền dân chủ của chúng ta”, bà Clinton phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Charlotte, North Carolina. “Sự chuyển giao quyền lực hòa bình là một trong những điều khiến nước Mỹ chính là nước Mỹ”.

“Hãy nhìn xem, một số người là những kẻ thất bại đau đớn. Và chúng ta chỉ cần bước tiếp”, bà nói thêm.

Trước đó, cũng trong ngày Chủ nhật, bà Kellyanne Conway, một cố vấn tranh cử hàng đầu của Trump, thừa nhận rằng ông trùm địa ốc đang bị tụt lại phía sau cựu đệ nhất phu nhân trong cuộc bầu cử.

Bà Conway nói bà Clinton “có những lợi thế to lớn”, bao gồm một ngân sách tranh cử lớn cho phép bà chi nhiều triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình.

“Chúng tôi bị tụt lại”, bà Conway nói trong một chương trình của đài NBC, nhưng bà cũng nói rằng chiến dịch của Trump đang nỗ lực thu hút những ứng cử viên còn lưỡng lự trong việc ủng hộ bà Clinton.

Đối mặt với tỷ lệ ủng hộ suy giảm, thời gian qua Trump liên tục cáo cuộc bầu cử bị “thao túng” theo hướng chống lại ông. Trong cuộc tranh luận với bà Clinton ở Las Vegas hồi tuần trước, khi được hỏi liệu ông có tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử, Trump trả lời: “Tôi muốn nói rằng đến lúc đó tôi sẽ trả lời các bạn. Tôi sẽ khiến các bạn phải chờ. Được chứ?” Trump nói.

Vận động tranh cử ở North Carolina, bà Clinton kêu gọi những người ủng hộ bà đi bỏ phiếu sớm. “Từ nay đến ngày 5/11, các bạn có thể bỏ phiếu sớm tại bất kỳ điểm bỏ phiếu nào ở địa phương. Và các bạn biết đấy, điều này có ý nghĩa lớn”, bà nói.

Trong khi đó, Trump có cuộc vận động tranh cử ở Naples, Florida, kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu cho cả ông và các đảng viên Cộng hòa tranh cử nghị sỹ Quốc hội.

“Các bạn có 16 ngày để làm điều này, nhưng các bạn cần phải đi bỏ phiếu, và việc đó bao gồm cả bỏ phiếu cho các nghị sỹ Cộng hòa”, Trump nói.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Reuters/Ipsos công bố hôm thứ 6 tuần trước, bà Clinton đang dẫn trước ông Trump với 4 điểm phần trăm tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc. Một cuộc thăm dò khác của State of the Nation cho thấy bà Clinton có 95% cơ hội giành 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử Tổng thống.

Ngày 23/10, Trump nhận được sự ủng hộ đầu tiên của một tờ báo lớn dành cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống. Đó là tờ báo Las Vegas Review-Journal thuộc sở hữu của tỷ phú sòng bạc Sheldon Adelson.

Ông Adelson vốn là một nhà tài trợ “cỡ bự” của Đảng Cộng hòa, nhưng chần chừ trong việc tài trợ ngân sách tranh cử cho Trump. Trong cuộc bầu cử năm 2012, tỷ phú này từng chi 150 triệu USD để tài trợ cho ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney.

Đọc tiếp »

Mỹ muốn Philippines giải thích về tuyên bố “ly thân”

Quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ phụ trách khu vực châu Á đã đặt chân tới Philippines và sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng nước này vào ngày 24/10.

Dự kiến, trong cuộc gặp, phía Mỹ sẽ đề nghị phía Philippines làm rõ về những tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra thời gian quan về mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm.

Hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Daniel Russel - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - đang có chuyến thăm tới ba nước Đông Nam Á gồm Philippines, Thái Lan, và Campuchia. Trong đó, Philippines là trạm dừng chân đầu tiên của ông Russel trong chuyến công du này.

Chuyến thăm Manila của nhà ngoại giao cấp cao Mỹ diễn ra trong bối cảnh có nhiều vấn đề “khó hiểu” đang bủa vây mối quan hệ Mỹ-Philippines.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước, Tổng thống Philppines Duterte liên tục tuyên bố “tạm biệt” và “ly thân” với Mỹ, và thay vào đó sẽ liên kết với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, khi về nước vào hôm thứ Bảy, ông Duterte lại nói Mỹ vẫn là “người bạn gần gũi nhất” của Philippines.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Duterte có những phát ngôn “tiền hậu bất nhất” về mối quan hệ với Mỹ. Ông từng “nguyền rủa” và lăng mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng sau đó lại tuyên bố rằng đó chỉ là “nói đùa”.

Theo dự kiến, ông Russel sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Perfecto Yasy. Một quan chức ngoại giao Philippines tiết lộ rằng ông Russel và ông Yasay sẽ thảo luận về mối quan hệ song phương giữa hai đồng minh sau tuyên bố “ly thân” Mỹ mà ông Duterte đưa ra tuần trước.

“Phía Mỹ muốn một sự giải thích rõ ràng từ Philippines và muốn biết mối quan hệ liên minh giữa hai nước sẽ đi theo chiều hướng nào”, nhà ngoại giao đề nghị giấu tên nói.

“Tôi cho rằng Mỹ đang bối rối. Họ đang nhận được những tín hiệu trái chiều từ Manila”, nhà ngoại giao này đánh giá.

Những phát ngôn gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Philippines đang phủ bóng lên chiến lược xoay trục về phía châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama - chiến lược nhằm đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc ông Duterte đưa ra những phát biểu bài xích Mỹ được cho là xuất phát từ việc Washington lên án chiến dịch chống ma túy đẫm máu do Duterte khởi xướng sau khi lên cầm quyền. Đến nay, chiến dịch này đã khiến hơn 3.000 nghi phạm thiệt mạng.

Nhận thức rõ về tính khí thất thường của Duterte, chính quyền Obama đến nay đã cố gắng tránh khiến nhà lãnh đạo Philippines cảm thấy bị kích động ngay cả khi Washington chỉ trích chiến dịch chống ma túy của Philippines - giới chức Mỹ cho hay.

Theo Reuters, một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết nội bộ Chính phủ Mỹ đã có nhiều cuộc bàn bạc trong những tháng gần đây quanh việc nên chỉ trích vấn đề nhân quyền của Philippines đến mức độ nào.

Đọc tiếp »