Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Thêm một sắc lệnh của Trump bị tòa án Mỹ đình chỉ

Một thẩm phán Mỹ ngày 25/4 đã đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống mỹ Donald Trump về cắt ngân sách liên bang đối với những tiểu bang có chủ trương bảo vệ người nhập cư. Đây được xem là một đòn pháp lý nữa giáng vào những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm siết chính sách đối với người nhập cư.

Hãng tin Reuters cho biết, phán quyết của thẩm phán William Orrick III ở San Francisco nói rằng sắc lệnh của mà Tổng thống Trump ký hôm 25/1 nhằm vào đối tượng rộng các loại ngân sách liên bang dành cho những tiểu bang bảo vệ người nhập cư. Phán quyết cũng nói bên nguyên đơn kiện sắc lệnh này có thể thành công trong việc chứng minh sắc lệnh là không phù hợp với hiến pháp.

Những động thái của ông Trump đối với người nhập cư kể từ khi ông lên cầm quyền đã kéo theo hàng loạt đơn kiện từ các tổ chức ủng hộ người nhập cư, cũng như các thành phố và tiểu bang thuộc phe Đảng Dân chủ. Trước phán quyết nói trên của tòa án, hai sắc lệnh của ông Trump về hạn chế nhập cảnh đối với người tị nạn và công dân một số quốc gia Hồi giáo cũng đã bị thẩm phán liên bang đình chỉ. Chính phủ Mỹ hiện đang kháng cáo các quyết định này của tòa.

Ông Reince Priebus, chánh thư ký Nhà Trắng, nói với giới truyền thông rằng chính quyền Trump đang tiến hành các thủ tục nhằm kháng cáo phán quyết mà thẩm phán đưa ra ngày 25/1. “Đến lúc chúng tôi sẽ thắng ở Tòa án Tối cao”, ông Priebus tuyên bố.

Nhiều thành phố ở Mỹ từ lâu được coi là “hầm trú ẩn” đối với người nhập cư trái phép, và thường không sử dụng ngân sách hay nguồn lực địa phương để thúc đẩy việc thực thi luật nhập cư liên bang. Đến nay, đã có hàng chục thành phố, gồm New York, Los Angeles, và Chicago, gia nhập phong trào bảo vệ người nhập cư ngày càng gia tăng này.

Những người ủng hộ chính sách bảo vệ người nhập cư nói rằng việc điều cảnh sát bắt bớ và trục xuất người nhập cư sẽ xói mòn niềm tin của các cộng đồng vào lực lượng cảnh sát, nhất là trong cộng đồng người Mỹ Latin.

Ngược lại, chính quyền Trump nói rằng chính quyền các thành phố này đặt an toàn của người dân vào thế nguy hiểm khi không trục xuất những người nhập cư trái phép bị bắt giữ vì phạm tội.

Sắc lệnh của Trump - người đã hứa sẽ siết quản lý người nhập cư trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016 - yêu cầu cắt giảm ngân sách liên bang đối vói những bang và thành phố như vậy một khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác định được như thế nào là một địa phương đi ngược lại chính sách của Chính phủ liên bang về người nhập cư.

Hạt Santa Clara, gồm thành phố San Jose và một số cộng đồng nhỏ hơn ở Thung lũng Silicon, đã đâm đơn kiện sắc lệnh này của Trump vào tháng 2, nói rằng sắc lệnh không hợp hiến. Tiếp đó, San Francisco đâm đơn kiện tương tự.

Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ dọa sẽ cắt giảm ngân sách cho bang California và 8 thành phố và hạt khác trên toàn quốc. Cơ quan này chỉ rõ Chicago và New York là hai thành phố đang “oằn mình dưới áp lực của nhập cư trái phép và bạo lực”, cho dù New York đang có mức tội phạm thấp nhất trong nhiều thập kỷ và các chuyên gia nói bạo lực gia tăng gần đây ở Chicago không liên quan đến người nhập cư trái phép.

Hạt Santa Clara nhận khoảng 1,7 tỷ USD ngân sách liên bang mỗi năm, chiếm khoảng 35% ngân sách của hạt này. Chính quyền Santa Clara nói họ bị nợ hàng triệu USD ngân sách liên bang mỗi ngày và quy trình lên kế hoạch ngân sách địa phương bị đảo lộn vì sắc lệnh của Trump.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ nói các địa phương đã “nghiêm trọng hóa” khi diễn giải sắc lệnh của Trump. Bộ này nói sắc lệnh chỉ ảnh hưởng đến ngân sách từ Bộ Tư Pháp và Bộ An ninh Nội địa - tức chỉ một phần nhỏ ngân sách liên bang mà các địa phương được cấp.

Đọc tiếp »

Trump sắp công bố kế hoạch giảm mạnh thuế doanh nghiệp

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ngày 26/4 sẽ đề xuất một kế hoạch cắt giảm mạnh tay thuế doanh nghiệp và khuyến khích các công ty Mỹ đưa lợi nhuận cất giữ ở nước ngoài về nước.

“Chúng tôi sẽ có một tuyên bố lớn vào ngày thứ Tư liên quan đến cải cách thuế. Công việc này đã bắt đầu tư lâu, nhưng sẽ chính thức bắt đầu vào ngày thứ Tư”, trang CNBC dẫn lời Trump phát biểu tại Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước.

Một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/4 tiết lộ rằng Bộ trưởng bộ này, ông Steven Mnuchin, và Giám đốc kinh tế quốc gia Gary Cohn dự kiến sẽ có một cuộc họp báo chung vào đầu giờ chiều ngày 26/4 theo giờ Washington tại phòng họp báo của Nhà Trắng.

Nguồn tin là quan chức chính quyền Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu các trợ lý vạch kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập đối với các công ty đại chúng xuống 15% từ 35% hiện nay.

Một quan chức khác cho hay Trump sẽ đề xuất thuế đánh vào lợi nhuận mà các công ty Mỹ chuyển từ nước ngoài về nước ở mức 10%, từ mức 35% hiện nay.

Kế hoạch của Trump được dự báo sẽ không bao gồm “thuế biên giới” đánh vào hàng hóa nhập khẩu - loại thuế gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

Hiện chưa rõ kế hoạch này có sự khác biệt như thế nào so với những gì Trump vạch ra khi còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ hay kế hoạch mà Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan ủng hộ. Dù thế nào, các nghị sỹ Cộng hòa, những người kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ, sẽ phải vạch ra được các chi tiết cụ thể thì kế hoạch mới có thể được thông qua.

Đây được xem là chương trình cải tổ thuế lớn nhất của Mỹ kể từ năm 1986.

Ban đầu, Nhà Trắng đặt mục tiêu dự luật cải cách thuế sẽ được thông qua trước kỳ nghỉ của Quốc hội Mỹ vào tháng 8. Tuy nhiên, giới chức chính quyền Trump gần đây đã rút lại thời hạn này do nhận thấy đây là một thời hạn khó đạt được.

Trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ, Trump hứa cắt giảm thuế thu nhập, trong đó giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15%. Khi đó, vị tỷ phú bất động sản nói kế hoạch cắt giảm thuế của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp các công ty tạo việc làm.

Hầu hết các phân tích dự báo kế hoạch của Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ phình to do giảm thu ngân sách từ thuế. Trong khi đó, ê-kíp của Trump lập luận tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh nhờ kế hoạch sẽ giúp bù đắp khoản thu ngân sách bị hao hụt.

Trong khi Trump muốn mức thuế 15%, Chủ tịch Hạ viện Ryan lại đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, cộng thêm áp thuế biên giới để tăng thu ngân sách.

Đảng Cộng hòa của Trump dự định sẽ dùng cuộc đàm phán ngân sách để thông qua cải tổ thuế, đồng nghĩa với việc chỉ cần đa số phiếu để dự luật được thông qua. Trong khi đó, gần như toàn bộ phe Dân chủ có thể sẽ phản đối dự luật này nếu dự luật giảm mạnh thuế cho tầng lớp người giàu và các doanh nghiệp Mỹ.

Đọc tiếp »

Mỹ bắt đầu triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc

Quân đội Mỹ đã bắt đầu triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi tại Hàn Quốc, giữa lúc căng thẳng gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - hãng tin BBC cho hay.

Mỹ và Hàn Quốc vẫn nói rằng lá chắn tên lửa Thaad được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc là nhằm chống lại những mối đe dọa từ Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc phản đối việc triển khai lá chắn này ở Hàn Quốc, nói rằng làm như vậy sẽ đảo lộn thế cân bằng an ninh trong khu vực.

“Hàn Quốc và Mỹ đã làm việc cùng nhau để đảm bảo khả năng hoạt động sớm của hệ thống Thaad nhằm đáp trả mối đe dọa hạt nhân và tên lửa gia tăng từ Triều Tiên”, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có đoạn viết.

Mỹ và Hàn Quốc đạt nhất trí về triển khai Thaad ở Hàn Quốc vào năm ngoái. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói hệ thống này phải đến cuối năm 2018 mới có thể đi vào hoạt động.

Việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc trùng với sự kiện Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay sản xuất trong nước đầu tiên nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Địa điểm được chọn để triển khai Thaad từng là một sân golf ở Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 250 km về phía Nam. Hàng trăm cư dân địa phương đã biểu tình phản đối việc triển khai Thaad, khi đoàn xe chở thiết bị xuất hiện tại địa điểm này. Thaad được thiết kế để chặn và phá hủy các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn bay cuối cùng của tên lửa.

Hàng chục cảnh sát đã đứng hai bên đường, cố ngăn người biểu tình, trong đó có nhiều người ném chai nước vào đoàn xe chở thiết bị. Các nhà hoạt động nói hơn 10 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Trong số người biểu tình, có nhiều người là dân địa phương của hai thị trấn gần nhất với địa điểm triển khai Thaad.

Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc triển khai Thaad ở Hàn Quốc, theo đó kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc rút lại kế hoạch này. Kế hoạch triển khai Thaad đã khiến quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc, nước đối tác thương mại lớn nhất, trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp kinh tế được cho nhằm trả đũa Hàn Quốc, bao gồm hạn chế các công ty du lịch bán tour cho du khách đi Hàn Quốc, khiến lượng du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc giảm 40%.

Tháng trước, Hàn Quốc đã phản ánh vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc cho rằng những động thái gần đây của nước này có liên quan đến việc triển khai Thaad.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, Triều Tiên và Mỹ tiếp tục đưa ra những lời đe dọa, cảnh báo lẫn nhau.

Mấy ngày gần đây, Mỹ đã triển khai chiến hạm và một tàu ngầm tới gần bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh lo ngại Bình Nhưỡng có thể sắp thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa đạn đạo.

Bên cạnh hối thúc Trung Quốc cứng rắn hơn nữa với Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có một cuộc họp mật với các thượng nghị sỹ về vấn đề Triều Tiên tại Nhà Trắng trong ngày 26/4.

Ngày 25/4, Triều Tiên tổ chức một chương trình tập trận bắn đạn thật với sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nước này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã không thử hạt nhân hay phóng tên lửa vào ngày này như lo ngại trước đó.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kêu gọi các bên kiềm chế và tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Đọc tiếp »

Liên hiệp quốc đang cấm vận những gì với Triều Tiên?

Theo CNN, từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã áp nhiều lệnh cấm vận đối với Triều Tiên để trừng phạt nước này về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, những biện pháp này có vẻ không mang lại hiệu quả, bởi các cuộc thử nghiệm và phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên không có dấu hiệu dừng lại.

Lệnh cấm vận Liên hợp quốc đối với riều Tiên trải rộng từ hoạt động buôn bán vũ khí, dịch vụ tài chính cho tới thương mại.

Vũ khí

Theo lệnh cấm vận này, Triều Tiên bị cấm xuất, nhập khẩu mọi loại vũ khí, tàu chiến lớn nhỏ. Các nước thành viên của Liên hiệp quốc cũng bị cấm bán thiết bị hàng không, máy bay, tên lửa cho Triều Tiên. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Liên hiệp quốc công bố tháng trước, thông qua nhiều công ty bình phong và tổ chức quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn buôn bán vũ khí và nhận cả tiền mặt lẫn vàng.

Than đá, khoáng sản và nhiên liệu

Than đá là mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên và cũng là nguồn ngoại tệ chủ yếu của kinh tế nước này. Liên hiệp quốc đã cấm tất cả các nước thành viên nhập than đá từ Triều Tiên, cùng với các loại khoáng sản khác như quặng sắt, vàng và khoáng chất hiếm.

Phần lớn than đá Triều Tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của quốc gia này trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tháng 2 vừa rồi, Trung Quốc công bố kế hoạch dừng nhập khẩu than đá từ nước láng giềng trong năm 2017.

Hàng xa xỉ

Lệnh cấm hàng xa xỉ của Liên hiệp quốc nhắm tới giới thượng lưu của Triều Tiên. Theo đó, các nước thành viên Liên hiệp quốc không được phép bán hàng xa xỉ như du thuyền, trang sức cao cấp, thảm đắt tiền... cho Triều Tiên.

Dịch vụ tài chính

Trong nhiều năm, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc luôn tìm cách cắt nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Việc cô lập nước này khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu là biện pháp chủ yếu. Theo đó, tất cả các nước thành viên Liên hiệp quốc và công ty trên lãnh thổ nước đó, không được phép cung cấp dịch vụ tài chính cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, báo cáo trên của Liên hiệp quốc cho thấy Triều Tiên đã thông qua mạng lưới công ty bình phong để tiếp cận các ngân hàng trên thế giới.

Cấm nhập cảnh

Những người có liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc làm việc đại diện cho họ bị từ chối nhập cảnh vào các nước thành viên Liên hiệp quốc. Lệnh cấm này cũng áp dụng với những quan chức giúp lách luật.

Các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Triều Tiên cũng phải bị trục xuất. Đồng thời, Liên hiệp quốc cũng giảm số nhân viên của các phái đoàn ngoại giao tại Triều Tiên.

Động lực thực thi không đủ mạnh

Theo CNN, các biện pháp cấm vận trên chỉ được thực hiện hiệu quả khi các chính phủ có khả năng và sẵn sàng làm việc đó. Tuy nhiên, Liên hiệp quốc không có biện pháp độc lập nào để hối thúc thực thi các lệnh cấm vận, đồng thời các nước thành viên cũng không đủ nguồn lực và động lực chính trị để làm việc này.

"Các lệnh cấm vận này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và nhất quán”, báo cáo mới đây của tổ chức này về Triều Tiên cho biết.

Chính phủ các nước thành viên Liên hiệp quốc, gồm cả Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu, đã phải áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ buộc tội Triều Tiên là “mối nguy rửa tiền” và cấm ngân hàng Mỹ hợp tác với hệ thống công ty bình phong làm việc cho các tổ chức tài chính Triều Tiên.

Hôm 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp thêm các biện pháp trừng phạt mới lên Triều Tiên trước lo ngại Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Ông gọi nước này là “mối nguy thực sự với thế giới”.

Theo CNN, Mỹ đang lo ngại trong dịp kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập quân đội vào 2/5 tới, Triều Tiên có thể thử tên lửa hoặc hạt nhân.

Đọc tiếp »

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên

Trung Quốc ngày 26/4 đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do nước này tự sản xuất. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, sau một tàu sân bay khác đã qua sử dụng được mua lại của nước ngoài, theo Reuters.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng tàu sân bay vừa được hạ thủy - con tàu được thiết kế tại Trung Quốc và đóng tại thành phố cảng Đại Liên phía Đông Bắc nước này - sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2020. Từ nay đến thời điểm đó, con tàu sẽ được hoàn thiện và trang bị vũ khí.

Sự kiện này thu hút sự chú ý lớn bởi suốt mấy tháng qua, các nhà phân tích quân sự nước ngoài và truyền thông Trung Quốc đã liên tục công bố những bức ảnh, bao gồm ảnh chụp từ vệ tinh, và các bản tin về tiến trình sản xuất tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Bắc Kinh lần đầu tiên xác nhận về sự tồn tại của hàng không mẫu hạm này vào cuối năm 2015. Chương trình phát triển tàu sân bay là bí mật quốc gia của Trung Quốc.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói phần mũi tàu đã được làm xong, và các phần động cơ đẩy, hệ thống điện và các hệ thống chính khác của con tàu đã được lắp đặt. Sự kiện hạ thủy con tàu “cho thấy việc thiết kế và đóng hàng không mẫu hạm trong nước của chúng ta đã từng bước đạt được những kết quả to lớn”, Tân Hoa Xã viết.

Hình ảnh do kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát sóng cho thấy con tàu mới, với những lá cờ đỏ cắm trên boong, được tàu kéo đưa xuống nơi neo đậu. Ông Fan Changlong, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, là người chủ trì lễ hạ thủy này, Tân Hoa Xã cho hay.

Việc Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và những lo ngại xung quanh sự hung hăng của Trung Quốc trong các yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Sự kiện này cũng diễn ra sau khi Trung Quốc kỷ niệm 68 năm ngày thành lập lực lượng hải quân nước này vào Chủ nhật vừa rồi.

Chính phủ Trung Quốc cho biết thiết kế của tàu sân bay mới được dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của nước này - hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được Trung Quốc mua lại của Ukraine vào năm 1998 và mang về sửa chữa.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc chạy bằng năng lượng thông thường, có trọng lượng nước rẽ 50.000 tấn và có thể phục vụ loại chiến đấu cơ Shenyang J-15.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói nước này cần ít nhất 6 tàu sân bay, và một mạng lưới căn cứ trên khắp thế giới để hỗ trợ hoạt động của những con tàu này. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn tỏ ra ngập ngừng với những ý tưởng cho rằng nước này muốn có sự hiện diện quân sự toàn cầu để tương xứng với Mỹ - quốc gia hiện có 10 tàu sân bay.

Tàu Liêu Ninh trước đây đã từng tham gia vào các cuộc tập trận, bao gồm tập trận trên biển Đông và gần đây hơn là tập trận gần Đài Loan. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm này được cho là sẽ được sử dụng như một tàu huấn luyện thay vì có vai trò chiến đấu thực sự.

Đọc tiếp »

Lotte chuẩn bị chia nhỏ mảng kinh doanh để xử lý khủng hoảng

Theo Bloomberg, ngày 26/4, Tập đoàn Lotte công bố kế hoạch chia tách 4 mảng kinh doanh chủ chốt thành các công ty. Động thái này sẽ giúp chủ tịch tập đoàn Shin Dong Bin tăng cường quyền lực sau bê bối tranh chấp nhiều năm của gia đình và đang bị truy tố tội danh tham nhũng.

Theo kế hoạch sẽ được trình lên cổ đông vào 29/8 tới, 4 đơn vị kinh doanh đã niêm yết gồm mua sắm, bánh kẹo, thực phẩm và đồ uống của Lotte sẽ tách thành các công ty kinh doanh và công ty đầu tư. Trong đó, từ 1/10, các công ty đầu tư sẽ hợp thành một đơn vị duy nhất theo mô hình holdings. Holdings được dùng chỉ những công ty có chức năng nắm giữ cổ phần của các công ty khác chứ không trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cấu trúc công ty holding duy nhất và việc giảm cổ phần sở hữu chéo từ 67% xuống còn 18% sẽ giúp chủ tịch Shin Dong Bin, 62 tuổi, con trai thứ của nhà sáng lập Lotte, củng cố quyền lực của mình tại tập đoàn. Việc này cũng khiến anh trai ông, Shin Dong Joo, khó thuyết phục cổ đông để quay lại chiếm quyền lãnh đạo tập đoàn.

Năm 2015, Shin Dong Bin chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành quyền lực với anh trai và cha. Sau đó, cha ông lui về một vị trí danh dự trong tập đoàn còn anh trai Dong Joo bị “hất cẳng” khỏi ban lãnh đạo. Từ sau đó, Shin Dong Joo, 63 tuổi, luôn tìm cách gây khó dễ cho ban quản trị của em trai nhưng bất thành. Tuần trước, ông này cho biết sẽ đề xuất việc quay lại lãnh đạo tập đoàn.

Mối quan hệ thù địch giữ anh em họ Shin không phải là khó khăn duy nhất của Lotte. Với doanh thu gần gấp đôi Coca Cola Inc., tập đoàn Lotte đang phải hứng chịu làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc sau khi đồng ý dành một phần đất cho Mỹ xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ - động thái bị chính quyền Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Ngoài ra, chủ tịch Shin Dong Bin cũng đang bị truy tố không giam giữ vì tội danh tham nhũng.

Lotte cũng phải chịu nhiều chỉ trích từ chính phủ Hàn Quốc khi lượng cổ phần sở hữu chéo lớn cho phép các thành viên gia đình có quyền thao thúng hoạt động của các công ty con.

“Động thái này sẽ giúp xoa dịu những quan ngại về các tranh chấp của gia đình sáng lập, đồng thời củng cố quyền lực của chủ tịch đối với tập đoàn”, Park Ju Gun, chủ tịch công ty tư vấn CEOScore, nhận định trước khi kế hoạch chính thức được công bố.

Trong ngày 26/4, cổ phiếu của 4 công ty gồm Lotte Confectionery, Lotte Shopping Co., Lotte Food Co. và Lotte Chilsung Beverage Co. tạm ngừng giao dịch trước khi kế hoạch tái cấu trúc trên được công bố.

Theo Moneytoday, Shin Dong Bin dự định mua 3,27% cổ phần của Lotte Confectionery. Hiện ông nắm giữ 9,1% cổ phần của công ty sản xuất bánh kẹo, kem và rượu này, lượng cổ phần lớn nhất trong tay cổ đông cá nhân, theo số liệu từ Bloomberg.

Bất chấp những bê bối liên quan tới gia đình nhà sáng lập, cáo buộc tham nhũng và áp lực từ Trung Quốc, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tập đoàn này. Hai tuần qua, kết thúc phiên giao dịch hôm 25/4, cổ phiếu các công ty con của Lotte tăng 15%, giúp giá trị thị trường của tập đoàn này tăng thêm 1,6 tỷ USD.

Việc tái cơ cấu cũng có thể sẽ giúp mở đường cho đợt IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu) của Hotel Lotte Co. vốn bị hoãn lại khi công ty này bị điều tra tháng 6 năm ngoái. Mảng kinh doanh khách sạn Lotte dự kiến thực hiện IPO vào năm 2019, một lãnh đạo Lotte cho biết hôm 24/3.

“Bộ máy quản lý đơn giản hơn sẽ giúp Lotte thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu chính của Lotte dưới thời Shin Dong Bin”, ông Park của CEOScore nhận định.

Đọc tiếp »

Kế hoạch giảm thuế của Trump không gây ấn tượng với giới đầu tư

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 đã công bố bản kế hoạch dài 1 trang giấy đề xuất cắt giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp nước này. Nếu được thực thi, kế hoạch của Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh.

Hãng tin Reuters cho biết, sau khi được công bố, kế hoạch trên nhận được sự chào đón khá thận trọng của thị trường tài chính cũng như những người có quan điểm bảo thủ về tài khóa.

Những đề xuất giảm thuế của Trump được đánh giá là sẽ làm hài lòng những người hưởng lợi, bao gồm các công ty đa quốc gia và người đóng thuế giàu có. Tuy nhiên, kế hoạch này còn một khoảng cách lớn mới đạt tới một chương trình cải tổ thuế mà cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tìm kiếm suốt nhiều năm qua.

Đến ngày thứ Bảy tuần này, Trump sẽ khép lại “tuần trăng mật” 100 ngày cầm quyền đầu tiên, nhưng đến nay ông vẫn chưa cho thấy được những bước tiến rõ ràng trong các chính sách của mình. Kế hoạch cắt giảm thuế mà ông đưa ra phù hợp với lời hứa của ông trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống hồi năm ngoái, nhưng còn thiếu chi tiết cụ thể.

Giới đầu tư, những người đã chờ đợi một kế hoạch giảm thuế cụ thể suốt mấy tháng qua, gần như không ấn tượng với những gì được công bố. Nhiều người nói kế hoạch còn quá chung chung và sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể được thực thi. “Tôi chỉ quan tâm khi có một thứ gì đó thực sự được ký thành luật”, ông Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate.com, phát biểu.

Đảng Dân chủ cũng ngay lập tức chỉ trích kế hoạch của Trump - vị Tổng thống của Đảng Cộng hòa - là thiếu trách nhiệm về mặt tài khóa. “Kế hoạch thuế của Tổng thống Trump thiếu chi tiết và tập trung mang lại lợi ích cho các công ty lớn và các tỷ phú”, bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện phát biểu.

Trong khi đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện cùng lên tiếng ca ngợi những đề xuất của Trump, nói rằng kế hoạch sẽ được lên chi tiết cụ thể trong quá trình hình thành dự luật. “Những nguyên tắc mà chính quyền Trump vạch ra hôm nay sẽ giữ vai trò là kim chỉ nam quan trọng” khi Quốc hội và chính quyền làm việc để đưa ra những thay đổi về thuế - phe Cộng hòa nói trong một tuyên bố.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm bớt mức tăng điểm sau khi kế hoạch thuế của Trump được công bố. Chỉ số công nghiệp Dow Jones thậm chí đóng cửa phiên giao dịch với mức giảm 0,1%.

Theo kế hoạch được công bố tại Nhà Trắng bởi cố vấn kinh tế của ông Trump là ông Gary Cohn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, Trump đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 15%. Kế hoạch cũng kêu gọi sẽ giảm thuế từ mức 35% hiện nay đối với lợi nhuận mà các công ty Mỹ chuyển từ nước ngoài về nước, nhưng không nói rõ mức cắt giảm sẽ là bao nhiêu.

Theo ước tính, hiện các công ty Mỹ đang cất 2,6 nghìn tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài để tránh bị đánh thuế.

Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch của Trump là không có đề xuất đánh thuế biên giới (border tax) đối với hàng hóa nhập khẩu như ý tưởng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan.

Đối với người dân Mỹ, kế hoạch của Trump đề xuất tăng gấp đôi mức khấu trừ tiêu chuẩn đối với cá nhân đóng thuế không nêu từng khoản; đơn giản hóa hoàn thuế bằng cách giảm số rổ thuế từ 7 xuống còn 3; và giảm thuế cho những gia đình có con nhỏ và người phụ thuộc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mnuchin nói suy giảm ngân sách do giảm thuế sẽ được bù đắp thông qua xóa bỏ các lỗ hổng thuế hiện nay. Ông Mnuchin cho rằng kế hoạch của ông Trump sẽ xóa bỏ hầu hết việc khấu trừ thuế, ngoại trừ đối với các khoản từ thiện, tiết kiệm hưu trí, và tiền lãi khoản vay thế chấp nhà.

Đọc tiếp »