Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Vốn Trung Quốc vào Đông Nam Á đang tăng mạnh

Từ thập niên 1980, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào khu vực Đông Nam Á chủ yếu là từ Nhật Bản. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, lượng vốn FDI từ Trung Quốc chảy vào khu vực này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Bloomberg dẫn số liệu từ Maybank Kim Eng cho biết, trong năm 2015, các công ty Trung Quốc đã rót 14,6 tỷ USD vốn FDI vào Đông Nam Á, tăng gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp gần 10 lần từ mức chỉ 156 triệu USD cách đây 1 thập kỷ. Ngoài ra, vốn FDI từ Trung Quốc vào Đông Nam Á cũng có mặt ở nhiều lĩnh vực hơn, từ sản xuất, khai mỏ và nông nghiệp cho tới dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại như quảng cáo và lữ hành.

Với hàng nghìn tỷ USD dự trữ, Trung Quốc đang mạnh tay thâu tóm tài sản ở nước ngoài trong bối cảnh nước này vươn lên thành một cường quốc toàn cầu. Việc Trung Quốc “để mắt” tới khu vực Đông Nam Á, theo Bloomberg, một phần do nguồn nhân công giá rẻ trong khu vực, một phần do kế hoạch của Chủ tịch nước này - ông Tập Cận Bình về thiết lập lại tuyến thương mại con đường tơ lụa nối giữa châu Á và châu Âu.

“Đông Nam Á là một điểm hút FDI hấp dẫn đối với Trung Quốc vì thị trường phát triển nhanh và rộng lớn ở đây”, nhà phân tích Lee Ju Ye thuộc Maybank ở Singapore nhận định.

“Các nước trong khu vực này cũng cần vốn đầu tư nước ngoài để bù đắp cán cân tài khóa và đáp ứng các nhu cầu đầu tư hạ tầng. Trung Quốc đem đến nguồn vốn và năng lực chuyên môn sẵn sàng, và đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng nhờ sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Lee phát biểu.

Mới trong tháng này, ông Tập đã cam kết chi 540 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 79 tỷ USD, và khuyến khích các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đóng góp thêm 300 tỷ Nhân dân tệ vốn ở nước ngoài để ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường, tức kế hoạch con đường tơ lụa.

Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse ước tính rằng kế hoạch trên có thể dẫn lượng vốn đầu tư lên tới 502 tỷ USD vào 62 quốc gia, bao gồm các nước Đông Nam Á, trong vòng 5 năm. Tại Đông Nam Á hiện nay, điểm đến hàng đầu của vốn FDI từ Trung Quốc chính là Singapore.

Một nghiên cứu của ngân hàng Citigroup cho thấy vốn đầu tư của Trung Quốc vào 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã đạt 13,5 tỷ USD vào năm ngoái, lần đầu tiên vượt qua lượng vốn FDI từ Nhật Bản chảy vào 5 quốc gia này.

Tuy nhiên, trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên nói chung, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi. Theo Maybank, trong năm 2015, nguồn vốn FDI lớn nhất vào ASEAN chính là các nước ASEAN, tiếp đó là Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, và Mỹ.

Đọc tiếp »

Philippines gặp kháng cự mạnh từ phiến quân thân IS

Quân đội Philippines đến ngày 31/5 vẫn chưa thể giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi trên đảo Mindanao thuộc miền Nam nước này khỏi sự chiếm giữ của Maute, một nhóm phiến quân đã thề trung thành với tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo tin từ Reuters, phiến quân Maute vẫn đang chống trả các cuộc tấn công trên mặt đất và không kích của lực lượng chính phủ, sử dụng vũ khí đánh cắp và chiến binh mới gia nhập nhóm là các tù nhân vượt ngục.

Trong hơn một tuần qua, nhóm Maute đã chứng tỏ là một đối thủ đáng gờm của quân đội Philippines.

Các chiến binh của nhóm này đã bám trụ giữa trung tâm thành phố bất chấp bị dội bom. Giới quan sát đã kỳ vọng quân đội Philippines sẽ sớm chấm dứt sự chiếm đóng của Maute ở thành phố gồm 200.000 dân này, nhưng kỳ vọng đó dường như đã bị dập tắt.

Ngày 31/5, quân đội Philippines đã lần đầu tên triển khai máy bay hỗ trợ cự ly gần SF-260 để yểm trợ trực thăng chiến đấu và lực lượng mặt đất nhằm nỗ lực dồn phiến quân vào khu vực trung tâm thành phố. Phiến quân hiện vẫn đang chiếm giữ khoảng 1/10 diện tích Marawi.

Phát ngôn viên quân đội Philippines Restituto Padilla nói rằng nhóm Maute đang chống cự bằng súng và đạn đánh cắp từ một đồn cảnh sát, một nhà tù, và sử dụng một xe bọc thép của cảnh sát.

“Chúng đã lấy được một xe bọc thép của cảnh sát. Bên trong xe có đạn”, ông Padilla nói.

Theo phát ngôn viên này, phiến quân đã chọn mô hình chiến tranh đô thị, bởi vũ khí có sẵn trong thành phố, trong khi nhà dân và các cửa hàng là nơi có thể lấy thức ăn. Khi chiếm thành phố, Maute còn phóng thích tù nhân trong nhà tù địa phương, và nhiều tù nhân trong số này đã nhanh chóng gia nhập nhóm khủng bố.

Ban đầu, quân đội Philippines tuyên bố đã kiểm soát được tình hình, nhưng tốc độ chậm chạp của những nỗ lực trong việc giải phóng Marawi đã làm dấy lên những câu hỏi về chiến thuật của quân đội.

Sự nghi ngờ này càng có cơ sở khi nhóm Maute tung lên mạng xã hội những bức ảnh các phần tử phiến quân tươi cười, tạo dáng với súng trường bên cạnh một chiếc xe bọc thép của cảnh sát do Mỹ sản xuất, trong trang phục màu đen và băng cuốn đầu như của phiến quân IS. Trong khi đó, quân đội Philippines nói rằng đây chỉ là một chiêu bài tuyên truyền của nhóm Maute.

Chính phủ Philippines hiện đang rất lo ngại về sức mạnh của nhóm Maute, trong khi thông tin tình báo nói rằng nhóm này có thể đã hợp lực với các nhóm cực đoan khác và chiêu mộ binh sỹ nước ngoài. Nhà chức trách tin rằng mục đích của Maute và các nhóm tay chân khi chiếm Marawi là nhằm được IS công nhận là chi nhánh Đông Nam Á của tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Đã có 89 phần tử phiến quân, 21 binh sỹ, và 19 dân thường thiệt mạng trong vụ Maute chiếm Marawi. Các chuyên gia an ninh nói rằng vụ chiếm thành phố này là một dấu hiệu cho thấy các phần tử cực đoan ở miền Nam Philippines giờ đây đã được tổ chức chặt chẽ hơn và có nguồn tài chính mạnh lên.

Đọc tiếp »

Nhiều công ty Trung Quốc “nhăm nhe” đầu tư vào Mỹ

Chi phí sản xuất trong nước gia tăng là lý do khiến nhiều công ty Trung Quốc tính chuyển sản xuất ra nước ngoài. Mỹ là một điểm đến đang được không ít công ty Trung Quốc cân nhắc, theo CNBC.

Hãng tin này nói rằng với khả năng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ sẽ được cắt giảm dưới thời Tổng thống Donald Trump, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc xem xét tới Mỹ sản xuất hàng hóa.

“Lý do khiến chúng tôi muốn đầu tư vào Mỹ không chỉ nằm ở việc chính quyền Trump khuyến khích điều này. Nước Mỹ có những lợi thế tự nhiên cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Xiao Wunan, Phó chủ tịch Quỹ Trao đổi và Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương, cho biết.

Trong đó, lợi thế đầu tiên phải kể đến là lợi thế về chi phí.

Ông John Ling, Chủ tịch Hội đồng các tiểu bang Mỹ tại Trung Quốc, chuyên giúp các công ty Trung Quốc tìm địa điểm đầu tư tại Mỹ. “Trong mỗi dự án mà công ty Trung Quốc muốn đầu tư vào Mỹ, nếu tôi không chứng minh được rằng họ có thể giảm chi phí, thì cơ hội đạt thỏa thuận gần như bằng 0. Chi phí là nhân tố quyết định”, ông Ling nói.

Lương của người lao động Mỹ cao hơn so với ở Trung Quốc, nhưng tổng chi phí sản xuất ở Mỹ vẫn có thể thấp hơn.

Đối với công ty sản xuất hàng vải sợi Keer Group có trụ sở ở Hàng Châu, Trung Quốc, lương trả cho công nhân ở Mỹ cao gấp đôi so với lương trả cho công nhân ở Trung Quốc, nhưng chi phí sản xuất nói chung ở Mỹ lại thấp hơn nhiều so với ở Trung Quốc.

“Ở Mỹ, giá thuê đất, giá điện và giá bông đều rẻ hơn nhiều. Chi phí sản xuất của chúng tôi ở đây đối với mỗi tấn vải giảm 25% so với ở Trung Quốc”, ông Zhu Shanqing, Chủ tịch Keer Group, cho biết.

Ngoài ra, theo ông Zhu, tiền lương trong ngành vải sợi ở Trung Quốc đang tăng với tốc độ 30% mỗi năm, nên khoảng cách chi phí nhân công giữa Trung Quốc với Mỹ không còn lớn. Ông Zhu đã cam kết đầu tư 220 triệu USD để xây dựng và mở rộng một nhà máy ở bang South Carolina, đồng thời có kế hoạch sẽ đến lúc chuyển toàn bộ công ty sang Mỹ. Theo dự kiến, đến cuối năm nay, số công nhân trong công ty ông tại Mỹ sẽ lên tới hơn 500 người.

Ông Zhu cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào lời hứa của Tổng thống Trump về giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ xuống 15% từ mức 35% hiện nay. Theo ông, khi đó, Mỹ sẽ trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn đối với các nhà sản xuất.

“Cho dù ông Trump cắt giảm thuế 5 điểm phần trăm thôi, thì các công ty rời Mỹ vài năm trước cũng sẽ quay lại”, ông Zhu nói.

Ngoài ra, những nhân tố khác khiến Mỹ trở nên hấp dẫn đối với các công ty sản xuất Trung Quốc là môi trường kinh doanh ổn định và sự tiếp cận tại chỗ với người tiêu dùng Mỹ - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo ông Ling, những lĩnh vực mà doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Mỹ nhiều nhất là những ngành đòi hỏi nhiều vốn như vải sợi, hóa chất, giấy, đóng gói và phụ tùng ô tô. Tỷ phú Trung Quốc Cao Dewang, Chủ tịch công ty sản xuất kính chắn gió ô tô Fuyao Glass mới đây đã đầu tư hàng trăm tỷ USD để phục hồi một nhà máy ở Ohio.

Một trở ngại mà các công ty Trung Quốc gặp phải khi cân nhắc đầu tư vào Mỹ là tình trạng thiếu lao động có kỹ năng. “Chúng tôi gặp sức ép ở Mỹ vì không tìm được công nhân lành nghề. Hầu hết mọi người ở Mỹ không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, ông Zhu cho biết.

Để đào tạo công nhân Mỹ, một số nhà sản xuất Trung Quốc muốn đưa nhà quản lý và lao động lành nghề từ trong nước sang, nhưng lại gặp trở ngại về visa. “Các kỹ thuật viên của chúng tôi không thể xin được visa sang Mỹ. Chúng tôi cần họ ở Mỹ, nhưng nhiều người trong số họ bị từ chối”, ông Zhu nói.

Ngoài ra, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng cũng là một khó khăn đối với các công ty Trung Quốc muốn chuyển sản xuất đến Mỹ. Theo các doanh nhân Trung Quốc, để giải quyết vấn đề này, Mỹ sẽ phải làm việc mà Trung Quốc đã làm cách đây mấy thập niên: mở các khu kinh tế, cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn và các ưu đãi tài chính.

Đọc tiếp »

Giá dầu sụt mạnh vì nhà đầu tư mất niềm tin vào OPEC

Thị trường dầu lửa thế giới đang hoài nghi cao độ về khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga có thể đưa tương quan cung-cầu dầu về trạng thái cân bằng. Khả năng xuất hiện một làn sóng nguồn cung dầu mới từ các nhà sản xuất khác đã đẩy giá dầu giảm sâu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.

Theo tin từ CNBC, giới phân tích nói rằng các nhà giao dịch dường như đang gia tăng mạnh số vị thế bán khống dầu. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Năm, tâm lý bi quan về giá dầu gia tăng khi có tin Libya đã tăng sản lượng dầu lên mức 827.000 thùng/ngày, cao nhất trong 3 năm.

“Trò chơi con gà và quả trứng giữa họ [OPEC và Nga] với thị trường đã trở lại”, ông John Kilduff, chuyên gia thị trường dầu lửa đến từ Again Capital, phát biểu.

Giá dầu WTI giao tháng 7 tại thị trường New York, Mỹ chốt phiên với mức giảm 2,7%, còn 48,32 USD/thùng. Trong phiên, có giá dầu WTI giảm dưới ngưỡng 48 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent có thời điểm lần đầu tiên trong 2 tuần rớt dưới ngưỡng tâm lý 50 USD/thùng. Kết thúc phiên, giá dầu Brent hạ 3%, còn 50,66 USD/thùng.

Tuần trước, OPEC và Nga cùng một số nước sản xuất dầu lớn khác nhất trí gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày thêm 9 tháng. Tuy nhiên, giá dầu đã sụt 5% ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, bởi thị trường vốn kỳ vọng các bên sẽ đi đến quyết định sẽ giảm sản lượng sâu hơn.

Ông Kilduff nói rằng thị trường đã coi cuộc họp vừa rồi của OPEC là một thất bại lớn, đặc biệt là ở việc các bên không đưa ra được hạn chế sản lượng nào đối với Libya, Nigeria và Iran. Mức xuất khẩu dầu của Libya đã đạt trung bình 500.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay, so với 300.000 thùng/ngày vào năm ngoái.

Nigeria và Libya thời gian qua đã chứng tỏ là những “nhân tố bất ngờ” trên thị trường dầu lửa bởi giới phân tích không thể đoán chắc hoạt động khai thác dầu của các nước này có thể phục hồi ra sao sau thời gian bị gián đoạn bởi nội chiến.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến cũng là một “kẻ phá bĩnh” đối với thỏa thuận của OPEC và Nga.

Với công nghệ cải tiến, các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã đưa sản lượng dầu của họ lên ngưỡng của năm 2015 một cách khá dễ dàng, nhằm tranh thủ mức giá dầu 50 USD/thùng. Trừ phi giá dầu giảm mạnh, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo có thể tái lập kỷ lục vào cuối năm nay, từ mức khoảng 9,3 triệu thùng/ngày hiện nay.

Theo hãng tin Bloomberg, một nguồn cung khác có thể gây sức ép với giá dầu là dầu thô khai thác từ các giếng ở vùng biển sâu.

Bloomberg dẫn một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nói rằng việc khai thác dầu ở vùng biển sâu đang trở nên rẻ hơn nhờ các nhà sản xuất tinh giản hoạt động và ưu tiên khoan ở các giếng chính. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần giá dầu 50 USD/thùng là các giếng dầu này có thể hoạt động đến sang năm, từ ngưỡng giá cần có để hòa vốn là 62 USD/thùng vào quý 1 năm nay và mức 75 USD/thùng vào năm 2014.

Đọc tiếp »

“Bỏng tay” vì bán khống Nhân dân tệ

Theo hãng tin Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở thị trường Hồng Kông có lúc tăng 1,1% lên mức cao nhất trong 7 tháng, bất chấp dự báo trước đó của giới phân tích rằng tỷ giá đồng tiền này sẽ giảm trong quý 2.

Việc tỷ giá đồng Nhân dân tệ tăng đang làm khó các nhà đầu tư bán khống - những người đã vay Nhân dân tệ để bán ra từ trước, với hy vọng đồng tiền này sẽ giảm giá và họ sẽ mua vào để kiếm lời.

Đợt tăng giá này của đồng Nhân dân tệ đã phá vỡ xu hướng trong mấy tháng trước đó khi đồng tiền này giữ tương đối ổn định so với đồng USD. Đáng chú ý, Nhân dân tệ đã tăng giá sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Services cắt giảm điểm tín nhiệm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên tiếng đáp trả, gọi động thái này của Moody’s là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Thượng Hải tăng 0,6%, đạt mức 6,8134 Nhân dân tệ/USD trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi dao động yếu quanh ngưỡng 6,9 Nhân dân tệ/USD trong phần lớn thời gian từ đầu năm đến nay.

Từ khi Moody’s giảm điểm tín nhiệm của Trung Quốc vào hôm 24/5 đến nay, tỷ giá Nhân dân tệ tại Hồng Kông đã tăng khoảng 1,8%.

Để chống lại giới đầu tư bán khống, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thời gian qua đã liên tục tăng tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, đã có những thời điểm tỷ giá Nhân dân tệ giao ngay trên thị trường giảm xuống dưới mức thấp hơn tỷ giá tham chiếu. Bởi vậy, giới chuyên môn cho rằng sự tăng giá gần đây của Nhân dân tệ là kết quả từ sự can thiệp của nhà chức trách.

“Việc Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc và tỷ giá giao ngay Nhân dân tệ xuống thấp hơn so với tỷ giá tham chiếu có thể đã thúc đẩy Bắc Kinh điều chỉnh cơ chế tỷ giá tham chiếu và thậm chí có thể đã can thiệp vào thị trường”, ông Jason Daw, chiến lược gia các đồng tiền mới nổi thuộc ngân hàng Societe-Generale ở Singapore, nhận định.

Các nhà phân tích đang điều chỉnh các dự báo để thích ứng với tình hình mới của tỷ giá Nhân dân tệ. Ngân hàng Credit Agricole nâng dự báo tỷ giá Nhân dân tệ vào cuối năm nay lên mức 7,05 Nhân dân tệ/USD, từ mức dự báo 7,25 Nhân dân tệ/USD duy trì từ cuối năm ngoái. Ngân hàng ANZ cũng nâng dự báo tỷ giá Nhân dân tệ cho thời điểm cuối năm 2017 lên 6,95 Nhân dân tệ/USD, từ mức 7,1 Nhân dân tệ/USD.

Hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ là một ưu tiên chính sách của Trung Quốc trong năm nay, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực ngăn sự rút lui của các dòng vốn khỏi nước này và nguy cơ xảy ra những cú sốc tài chính trước khi diễn ra một cuộc thay đổi nhân sự cấp cao vào cuối năm. Mấy tuần qua, Chính phủ Trung Quốc còn siết chặt hoạt động vay nợ trên thị trường chứng khoán, dẫn tới những xáo trộn trong hoạt động của các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu nước này.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh đã can thiệp như thế nào vào thị trường ngoại hối thời gian gần đây, nhưng nguồn tin thân cận nói rằng các ngân hàng Trung Quốc đã bán ra đồng USD tại thị trường đại lục trong tuần trước. Ngoài ra, trong tháng này, PBoC tiếp tục đưa ra mức tỷ giá tham chiếu mạnh hơn so với dự báo của giới phân tích.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Chính phủ Trung Quốc nói có thể sẽ bổ sung một “nhân tố chống tính chu kỳ” vào tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ. Các nhà phân tích nói thay đổi như vậy có thể mang lại cho nhà chức trách sự kiểm soát lớn hơn đối với tỷ giá tham chiếu và hạn chế ảnh hưởng của hành vi “bầy đàn” trên thị trường.

Theo nhà phân tích tiền tệ Fiona Lim thuộc ngân hàng Malayan Banking Bhd, PBoC có thể đang nâng đỡ tỷ giá đồng Nhân dân tệ để chuẩn bị trước cho một đợt tăng lãi suất có thể diễn ra ở Mỹ. Ngân hàng này mới đây đã nâng dự báo tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào cuối năm nay thêm 2%.

“Có lẽ PBoC đang cố gắng đưa ra nhiều hướng dẫn hơn đối với đồng Nhân dân tệ để tăng cường niềm tin của thị trường trước khi đồng USD có thể có đợt tăng giá mới. Tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ giờ đây kém minh bạch hơn và ảnh hưởng của thị trường đối với tỷ giá này đã bị hạn chế”, bà Lim nói.

Đọc tiếp »

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Nhật-Trung-Hàn ra tuyên bố ngầm chỉ trích Trump về thương mại

Trong một cuộc họp ba bên vào ngày 5/5, lãnh đạo tài chính Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nhất trí chống lại mọi dạng của chủ nghĩa bảo hộ - một động thái nhằm vào các chính sách mang màu sắc bảo hộ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ.

“Chúng tôi nhất trí rằng thương mại là một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế và phát triển, đóng góp vào cải thiện năng suất và tạo việc làm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ba nước nói trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp.

“Chúng tôi chống lại mọi dạng của chủ nghĩa bảo hộ”, tuyên bố chung có đoạn viết.

Điều này cho thấy Tokyo, Bắc Kinh và Seoul giữ một lập trường cứng rắn hơn so với khối G20, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong vấn đề chống chủ nghĩa bảo hộ. Vào tháng 3, do sức ép từ Washington, hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính G20 diễn ra ở Đức đã loại nội dung trên khỏi tuyên bố chung.

Trung Quốc đã thể hiện lập trường ủng hộ tự do thương mại kể từ khi Tổng thống Trump kêu gọi đặt lợi ích nước Mỹ trên hết và tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương. Trong lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu gây ấn tượng nói về sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với thương mại tự do và phản đối chủ nghĩa bảo hộ.

Tuyên bố của cuộc gặp ba bên dự báo rằng các nền kinh tế châu Á sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối mạnh mẽ nhờ sự phục hồi mang tính chu kỳ trong các lĩnh vực sản xuất và thương mại.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng cảnh báo rằng những rủi ro suy giảm tăng trưởng vẫn còn đó, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách sử dụng “mọi công cụ chính sách cần thiết” để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và đều khắp.

“Chúng tôi sẽ duy trì liên lạc và hợp tác ở mức độ cao giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để ứng phó với khả năng xảy ra bất ổn tài chính trong bối cảnh sự bấp bênh gia tăng của nền kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị”, tuyên bố viết.

Tuyên bố cũng nói ba nước nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ G20 và cùng chuẩn bị để tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức vào tháng 7 năm nay.

Cuộc gặp 3 bên nói treen được tổ chức bên lề hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản.

Đọc tiếp »

Máy bay chở khách Trung Quốc bay thử chuyến đầu tiên

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của C919, chiếc máy bay chở khách đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, đã cất cánh từ sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải ngày 5/5.

Sự kiện này đã được hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã phát trực tiếp trên mạng xã hội Twitter. Hành trình và thời gian bay chưa được công bố cụ thể, nhưng một đám đông lớn đã tập trung tại sân bay để chờ máy bay hạ cánh.

Theo trang CNBC, chiếc C9191 có hơn 150 ghế và tầm bay 4.075 km. Trung Quốc đặt mục tiêu dùng loại máy bay này để cạnh tranh với Airbus A320 và Boeing 777, hai loại máy bay thương mại chở khách phổ biến nhất thế giới.

Tổng công ty Máy bay thương mại Trung Quốc, công ty quốc doanh sản xuất chiếc C919, nói rằng tính đến cuối năm ngoái, 21 khách hàng đã đặt mua hơn 500 chiếc máy bay loại này. Truyền thông Trung Quốc cho hay nhà sản xuất dự kiến sẽ bán được hơn 2.000 chiếc C919.

Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực để gia nhập thị trường máy bay chở khách của thế giới, cạnh tranh với Airbus và Boeing. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem việc tìm chỗ đứng cho nước này trên thị trường máy bay thương mại thế giới là một “động thái chiến lược”. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng coi việc phát triển và sản xuất trong nước các loại động cơ và máy bay là một mục tiêu lớn.

Sau khi bị trì hoãn nhiều lần, chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 5/5 sẽ là một cột mốc quan trọng đối với chiếc C919. Các cuộc thử nghiệm trên mặt đất mới chỉ được hoàn tất cách đây vài tuần, muộn hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là bay thử chuyến đầu vào năm 2014 và giao hàng máy bay vào năm 2016.

Mặc dù vậy, có thể vẫn phải mất một thời gian nữa thì hành khách mới chính thức có dịp được đặt chân lên C919 bởi chiếc máy bay này còn cần phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn và cấp chứng chỉ.

Hiệp hội Hàng không Thế giới (IATA) Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2020. Khi đó, Trung Quốc sẽ là một thị trường hấp dẫn cho hàng loạt lĩnh vực, từ du lịch cho tới các nhà sản xuất máy bay, bởi các hãng hàng không nước này sẽ mua thêm nhiều máy bay và bổ sung thêm những đường bay mới.

Hãng Boeing đã ước tính Trung Quốc sẽ cần phải mua số máy bay trị giá tới 1 nghìn tỷ USD, vào khoảng 6.810 chiếc máy bay, trong vòng 2 thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không nước này.

Đọc tiếp »