Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Khi Lego muốn “đuổi” bớt khách hàng

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Mỹ - Nga đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Syria

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh

Thời gian gần đây, nhiều thông tin mới công bố cho thấy do mức lương lao động tại Trung Quốc tăng cao, lực lượng lao động sụt giảm, ngành sản xuất hàng hóa của Trung Quốc đối diện với sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ phía các nước như Việt Nam hay Mexico. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố bất lợi trên không ngăn được việc Trung Quốc đã tăng được thị phần xuất khẩu trên quy mô toàn cầu.

Theo số liệu và tính toán của IMF được Bloomberg trích đăng mới đây, tính đến cuối năm 2015, xuất khẩu của Trung Quốc hiện chiếm 14,6% thị phần xuất khẩu của toàn thế giới. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với con số 12,9% năm 2014 và cao nhất tính từ năm 1980.

Dù Trung Quốc tăng được thị phần xuất khẩu nhưng tỷ lệ đóng góp của ngành sản xuất Trung Quốc tính trong tổng quy mô nền kinh tế đang giảm. Dịch vụ và tiêu dùng đang đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Trung Quốc.

Yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng, theo phân tích của đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng HSBC - ông Frederic Neumann, chính là việc chính phủ nước này đã chuyển đổi định hướng sang sản xuất nhiều mặt hàng có công nghệ cao hơn, ví như hàng điện tử. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu không còn cần thiết phải tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nước khác nhau tại châu Á mà chỉ cần đặt hàng từ Trung Quốc cũng đủ.

Sự thay đổi này của Trung Quốc đã và đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu của rất nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đang trợ cấp mạnh tay cho nhiều ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, sản xuất robot, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu này đã được nhắc đến chi tiết trong kế hoạch hành động của chính phủ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025.

Cùng lúc đó, chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng mạnh khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong 10 ngành quan trọng, trong đó bao gồm sản xuất máy móc, robot, công nghệ đường sắt và thiết bị y tế.

Tình hình xuất khẩu của Trung Quốc đến cuối năm 2015 được đánh giá là khá khả quan, nhưng xu thế này đã không thể được duy trì trong năm 2016.

Suốt nhiều tháng của năm 2016, xuất khẩu của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ. Ngày 10/9, Trung Quốc sẽ công bố số liệu xuất khẩu tháng 8/2016, giới chuyên gia đã dự báo về mức giảm 4% so với cùng kỳ 2015. Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 ước đã giảm 5,4%.

Ngoài ra, theo phân tích của trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại quỹ Medley Global Advisors, ông Andrew Polk, dù Trung Quốc đã chuyển dịch thành công sang sản xuất với công nghệ cao hơn nhưng sẽ còn lâu Trung Quốc mới sản xuất được các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Ông nhấn mạnh xuất khẩu Trung Quốc có thể cao về con số, nhưng không thực sự ấn tượng về giá trị.

Đọc tiếp »

Trung Quốc “đe” các nghị sỹ dân chủ của Hồng Kông

Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng bất kỳ ai đòi độc lập cho Hồng Kông đều có thể bị trừng trị.

Lời cảnh báo cứng rắn này được Trung Quốc đưa ra sau khi một số nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi của Hồng Kông, bao gồm các thủ lĩnh sinh viên biểu tình, trúng cử Hội đồng Lập pháp của vùng lãnh thổ.

Theo tin từ BBC, Chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh việc Bắc Kinh “cương quyết phản đối” bất kỳ hoạt động đòi độc lập nào cho Hồng Kông trong hoặc ngoài Hội đồng Lập pháp.

Nhiều người Hồng Kông đang ngày càng quan ngại về việc Bắc Kinh can thiệp vào nền chính trị của vùng lãnh thổ này.

30 ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã trở thành nghị sỹ trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, theo kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào ngày Chủ nhật vừa rồi, tăng từ con số 27 nghị sỹ ủng hộ dân chủ trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc các nghị sỹ dân chủ có thể phủ quyết những thay đổi lớn trong hiến pháp của Hồng Kông.

Có ít nhất 6 ứng cử viên trẻ ủng hộ Hồng Kông độc lập trở thành nghị sỹ trong cuộc bầu cử này.

Trong số này có Nathan Law, 23 tuổi, người đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc biểu tình mang tên “Phong trào chiếc ô” hồi năm 2014. Law cũng là người đồng sáng lập Đảng Demosisto cùng với Joshua Wong - một thủ lĩnh sinh viên nổi tiếng khác của Hồng Kông.

Một số ứng cử viên đã bị cấm tranh cử trong cuộc bầu cử lần này ở Hồng Kông vì không chứng minh được rằng họ không còn ủng hộ Hồng Kông giành độc lập.

Chính phủ Trung Quốc phản đối mạnh việc trao thêm quyền độc lập chính trị cho Hồng Kông.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau của Trung Quốc nhấn mạnh rằng các ứng cử viên đã công khai kêu gọi Hồng Kông độc lập trong chiến dịch tranh cử.

“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông thực hiện các hình phạt theo quy định của pháp luật”, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố trên.

Dù là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, Hồng Kông hoạt động theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Nguyên tắc này cho phép Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, mức độ tự trị cao và duy trì hệ thống kinh tế và xã hội của mình cho tới năm 2047.

Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa rồi là cuộc bầu cử đầu tiên ở Hồng Kông kể từ cuộc biểu tình đường phố hồi năm 2014. Trong cuộc biểu tình rầm rộ đó, người biểu tình, chủ yếu là giới trẻ, đổ ra các đường phố chính của Hồng Kông đòi Trung Quốc trao thêm quyền tự trị cho vùng lãnh thổ, khiến nhiều khu vực của thành phố rơi vào tình trạng tê liệt kéo dài suốt nhiều tuần.

Đọc tiếp »

Saudi Arabia tính hủy hàng loạt siêu dự án vì thiếu tiền

Quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới Saudi Arabia đang đẩy mạnh các nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách, bằng cách hủy một loạt dự án lớn trị giá tổng cộng hơn 20 tỷ USD và cắt 1/4 ngân sách dành cho các bộ - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Theo hãng tin này, do giá dầu giảm sâu, Saudi Arabia hiện đang gánh mức thâm hụt ngân sách cao nhất trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nguồn tin đề nghị giấu tên nói rằng Chính phủ Saudi Arabia đang rà soát hàng nghìn dự án với tổng trị giá khoảng 260 tỷ Riyal, tương đương 69 tỷ USD, và có thể sẽ hủy 1/3 số dự án này. Việc cắt giảm các dự án có thể sẽ tác động đến ngân sách Saudi Arabia trong vài năm.

Cũng theo nguồn tin, một kế hoạch khác của “đại gia” dầu lửa vùng Vịnh bao gồm sáp nhập một số bộ trong Chính phủ và giải thể một số bộ khác nhằm tiết kiệm ngân sách.

Saudi Arabia đã và đang thực thi những biện pháp chưa từng có tiền lệ để ngăn đà phình to của thâm hụt ngân sách. Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia lên tới 16% GDP, buộc nước này phải mạnh tay cắt giảm trợ giá xăng dầu và điện nước, đồng thời giảm chi tiêu nhiều tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ giảm xuống dưới mức 10% GDP vào năm 2017.

Hoàng tử Mohammed hiện đang là người chỉ đạo kế hoạch cải tổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử của Saudi Arabia nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào dầu lửa. Kế hoạch này được đưa ra sau khi giá dầu thế giới giảm mạnh 2 năm trở lại đây.

Kế hoạch của hoàng tử Mohammed bao gồm bán cổ phần trong tập đoàn dầu lửa quốc doanh khổng lồ Aramco và thiết lập quỹ đầu tư lợi ích quốc gia lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, các nỗ lực cân bằng ngân sách đang cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab. Trong quý 1 năm nay, GDP không bao gồm dầu thô của nước này đã suy giảm.

“Việc Chính phủ Saudi Arabia giảm chi tiêu sẽ dẫn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn ở khu vực tư nhân, và điều này đã bắt đầu được thể hiện trong các chỉ số kinh tế năm nay”, ông John Sfakianakis, Giám đốc nghiên cứu kinh tế thuộc Gulf Research Center, nhận định. “Đó là một con dao hai lưỡi khi mà Chính phủ Saudi Arabia phải cân đối chi tiêu do doanh thu từ dầu sụt giảm”.

Đọc tiếp »

Tiệc trà đêm Obama - Tập Cận Bình và cách làm PR mới của Trung Quốc

Với hàng loạt bất đồng đang tồn tại trong quan hệ Bắc Kinh - Washington, Trung Quốc đã dùng một cuộc thưởng trà để cố gắng xóa đi bầu không khí gượng gạo trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước này Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo tờ Washington Post, vào tối hôm Chủ Nhật vừa rồi, sau một loạt cuộc gặp song phương giữa quan chức Mỹ-Trung trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ông Tập đã mời ông Obama đi dạo.

Khi hai nhà lãnh đạo đang rảo bước giữa đêm trong một công viên ven hồ, ông Tập mời ông Obama dừng chân tại một quán nhỏ để dùng trà.

Cảnh Chủ tịch Trung Quốc uống trà cùng Tổng thống Mỹ, trước ống kính của các nhà báo đi cùng, đã phản ánh một chiến lược quan hệ công chúng (PR) mới mà Bắc Kinh theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền.

Trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường bị xem là khuôn mẫu, thận trọng, và quan liêu. Trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, họ thường chỉ nói hoặc đọc những gì đã được chuẩn bị sẵn từ trước trên giấy.

Nhưng nay, khi Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên toàn cầu, giới chức nước này đang nỗ lực tạo ra ấn tượng chân thực, gần gũi hơn về các nhà lãnh đạo của mình.

Tuy nhiên, kể từ khi lên cầm quyền, ông Tập đã cho phát đi những hình ảnh thể hiện mình là một con người tự nhiên, dễ mến, một nhà lãnh đạo tự tin không ngại tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Giới chức Trung Quốc từng sắp xếp để có những bức ảnh ông Tập đi ăn bánh bao trong một nhà hàng ở Bắc Kinh và xắn quần, tự cầm ô che mưa như một người dân thường.

Sau nhiều thập kỷ là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc giờ đây háo hức thể hiện sức mạnh và đòi hỏi được tôn trọng hơn bao giờ hết. Bởi vậy, hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc ngồi dùng trà bên cạnh nhà lãnh đạo Mỹ tối Chủ Nhật vừa rồi, một cách bình đẳng, thoải mái và tự tin, rõ ràng là một hình ảnh mà Bắc Kinh mong muốn.

Một đoạn băng video do người quay phim của Nhà Trắng ghi lại cho thấy ông Tập nói với ông Obama những chuyện “không đâu vào đâu” trong lúc thưởng trà. Nhà lãnh đạo Trung Quốc hỏi ông chủ Nhà Trắng có tập thể dục không. Rồi ông Tập nói về thời tiết: “Tôi nghĩ ngày mai trời sẽ không đẹp thế này”.

Và dĩ nhiên, Chủ tịch Trung Quốc cũng nói về trà.

“Trà này gọi là trà Long Tỉnh”, ông Tập nói, và kể cho Tổng thống Mỹ về lịch sử của loại trà này: xuất xứ từ một ngôi làng có tên Long Tỉnh, và rằng Long Tỉnh có nghĩa là “giếng rồng”.

“Thật là thú vị”, ông Obama đáp lại một cách lịch sự.

Tuy nhiên, theo Washington Post, từ đoạn video có thể thấy rõ, điều quan trọng nhất đối với ông Tập trong cuộc thưởng trà này với ông Obama không phải là trà Long Tỉnh hay những gì mà hai nhà lãnh đạo đã nói.

Điều quan trọng nhất, chính là tiếng lách tách của máy ảnh vây quanh hai nhà lãnh đạo, nắm bắt khoảnh khắc được sắp đặt kỹ lưỡng giữa Mỹ và Trung Quốc, cường quốc của thế kỷ trước và cường quốc được cho là đang nổi lên của thế kỷ tới, ngồi bên nhau.

Đọc tiếp »

Nguy cơ hàng loạt “tàu ma” trong vụ Hanjin phá sản

Không được vào cảng, những con tàu container của hãng vận tải biển phá sản Hanjin đành vật vờ ngoài khơi.

Sau khi Hanjin nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở Seoul vào tuần trước, thì 85 con tàu đã rời bến của hãng này bỗng rơi vào một tình huống “dở khóc dở cười”. Các cảng biển ở Mỹ, châu Á và châu Âu đồng loạt từ chối cho tàu của Hanjin vào cảng vì lo những con tàu này không thanh toán được cước phí và hàng hóa của tàu có thể bị các chủ nợ bắt giữ, gây xáo trộn hoạt động của cảng.

Hanjin, hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc, có tất cả 97 tàu container, giữ một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các loại hàng hóa từ xe hơi, tới quần áo, TV và đồ chơi trong thương mại toàn cầu. Vụ phá sản của hãng này xảy ra đúng lúc ngành vận tải biển thế giới đang bận rộn chở hàng để chuẩn bị cho mùa mua sắm sôi động cuối năm.

“Tàu của chúng tôi có thể trở thành những con tàu ma. Thực phẩm và nước ngọt trên các con tàu đang cạn dần giữa lúc chúng lênh đênh ở hải phận quốc tế”, ông Kim Ho Kyung, một nhà quản lý thuộc tổ chức công đoàn của Hanjin, cho biết.

Hôm thứ Ba, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố bơm cho Hanjin 90 triệu USD vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để giúp vực dậy hãng này. Ngoài ra, nhà chức trách cũng đang xem xét bơm thêm 90 triệu USD vốn vay lãi suất thấp nữa nếu Hanjin có tài sản thế chấp.

Trong khi đó, Bộ Hải dương và Nghề cá của Hàn Quốc ước tín Hanjin cần tới khoảng 540 triệu USD để trang trải các khoản chi phí chưa trả như tiền nhiên liệu, phí bốc dỡ container…

Về phần mình, Hanjin đã bắt đầu cung cấp thực phẩm, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác cho thủy thủ trên 6 con tàu của hãng đang neo đậu ở một số cảng gồm Rotterdam và Singapore. Hanjin cho biết khoảng 85 tàu của hãng đang bị từ chối tại 50 cảng ở 26 quốc gia.

Thuyền trưởng một tàu Hanjin đang ở hải phận quốc tế gần Nhật Bản nói rằng con tàu này đã được phép vào một cảng Nhật trong ngày 7/9 để dỡ hàng, nhưng được yêu cầu phải ra khỏi cảng ngay sau đó.

Vị thuyền trưởng đề nghị giấu tên này cho biết lời đề nghị xin tiếp tế thực phẩm và nước ngọt cho tàu đã bị từ chối. Ông nói cần có biện pháp để đảm bảo an toàn cho các thủy thủ, và nói thêm rằng họ không biết họ sẽ phải đợi bao lâu ngoài biển.

Trong lúc các luật sư của Hanjin đang cố gắng thực hiện thủ tục pháp lý ở 43 quốc gia để tàu của hãng không bị chủ nợ bắt giữ, một số thuyền trưởng tàu Hanjin đã lái tàu về phía Singapore, Hamburg hoặc Busan, những cảng mà họ hy vọng tàu sẽ được vào và dỡ hàng.

Mỗi tàu container của Hanjin có khoảng 24 thủy thủ và có đủ thực phẩm, nước ngọt và các mặt hàng thiết yếu khác đủ dùng trong vài tuần. Trong khi đó, một chuyến đi qua Thái Bình Dương từ Busan tới Los Angeles mất 10 ngày, còn một chuyến qua kênh đào Suez tới Rotterdam có thể mất cả tháng.

Những khó khăn mà Hanjin đang phải đối mặt cho thấy ngành vận tải biển toàn cầu đang ở trong tình trạng sức khỏe xấu. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thương mại thế giới giảm sút, khiến ngành vận tải biển lao đao theo.

Toàn ngành này đã thua lỗ kể từ cuối năm 2015 và được dự báo lỗ khoảng 5 tỷ USD trong năm nay trong bối cảnh thừa tàu - theo công ty nghiên cứu Drewry Maritime Research.

Đọc tiếp »