Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Hãng hàng không Triều Tiên sản xuất thuốc lá, chạy taxi

Cho dù đã ra khỏi máy bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo ở sân bay Bình Nhưỡng, hành khách vẫn dễ dàng bắt gặp thương hiệu của hãng này.

Hãng tin Reuters cho biết, không chỉ là một hãng bay, Air Koryo còn sản xuất thuốc lá và đồ uống nhẹ, bên cạnh sở hữu một đội xe taxi và nhiều cây xăng.

Theo lời kể của du khách nước ngoài tới Triều Tiên, hãng hàng không nằm dưới sự kiểm soát của quân đội nước này đã mở rộng hoạt động sang các sản phẩm tiêu dùng trong những tháng gần đây.

Hiện chưa rõ việc Air Koryo đa dạng hóa hoạt động tại thị trường trong nước có liên quan đến việc hãng này mất nhiều đường bay quốc tế do Liên hiệp quốc tăng cường trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng hay không.

Giới chức Mỹ tiết lộ nước này đang cân nhắc các biện pháp cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, bao gồm cấm bay toàn cầu với Air Koryo. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào của Mỹ đối với Air Koryo cũng không thể ràng buộc các quốc gia khác phải tuân thủ.

Sự trừng phạt đó cũng gần như không có hiệu quả trừ phi có sự tham gia của Trung Quốc và Nga - hai quốc gia đều tìm cách đưa ra những ngoại lệ đối với lệnh trừng phạt mà Liên hiệp quốc áp dụng với Triều Tiên trước đây.

“Trung Quốc có thể đồng tình với lệnh cấm như vậy đối với Air Koryo, bởi có vẻ như Trung Quốc và Mỹ đã đạt được sự nhất trí rằng vấn đề Triều Tiên cần phải được giải quyết theo một cách nào đó. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ liệu Nga có nhất trí trừng phạt Air Koryo hay không”, ông Sun Xingjie, giáo sư thuộc Đại học Tế Lâm, Trung Quốc nhận định.

Air Koryo hiện chỉ có các chuyến bay tới Bắc Kinh và ba thành phố khác ở Trung Quốc, và tới vùng Vladivostok của Nga. Các chuyến bay tới Bangkok, Kuala Lumpur và Kuwait đã bị dừng vào năm ngoái. Ngoài ra, hãng có một số chuyến bay nội địa nối Bình Nhưỡng với các thành phố Orang, Sondok và Samjiyon.

Hãng này có tổng cộng 15 máy bay, đều là phi cơ do Nga hoặc Ukraine sản xuất. Các máy bay này được tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng và sửa chữa ở Trung Quốc và Nga - theo đánh giá của Liên hiệp quốc.

Không rõ kết quả kinh doanh của Air Koryo thế nào, nhưng du khách nước ngoài tới Bình Nhưỡng nói rằng lĩnh vực hoạt động của hãng đang mở rộng rõ ràng.

Năm 2015, Air Koryo bắt đầu có thương hiệu taxi riêng. Những chiếc taxi màu xanh da trời của hãng đang hoạt động trên các đường phố ở Bình Nhưỡng cùng với xe của ít nhất 8 công ty taxi quốc doanh khác. Đồ uống có ga và thuốc lá của Air Koryo cũng được bán tại nhiều cửa hiệu của Bình Nhưỡng.

Theo một số nguồn tin là du khách, Air Koryo bắt đầu nhảy vào lĩnh vực đồ uống nhẹ vào năm ngoái. Ngoài ra, hãng này còn bắt đầu bán lẻ xăng vào tháng 1 năm nay, sở hữu ít nhất một trạm xăng ở Bình Nhưỡng.

Một báo cáo hồi tháng 2 của Liên hiệp quốc nói rằng không có sự ngăn cách nào giữa Air Koryo và không quân Triều Tiên. “Tài sản của hãng hàng không này được sử dụng tích cực cho các mục đích quân sự”, báo cáo viết.

“Bề ngoài thì đây có vẻ là một hãng hàng không dân sự, nhưng thực ra lại là một công ty do Chính phủ điều hành”, giáo sư Kim Yong-hyun thuộc Đại học Dongguk của Hàn Quốc nói.

Liên hiệp quốc hiện chưa trừng phạt Air Koryo, dù đã cáo buộc hãng này có liên quan tới việc buôn lậu những mặt hàng bị cấm.

Tuy nhiên, ông Kim cho rằng việc trừng phạt Air Koryo sẽ chỉ mang tính biểu tượng. “Điều đó sẽ không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Triều Tiên. Air Koryo không phải là ‘cỗ máy in ngoại tệ’ của nước này”, ông Kim nói.

Đọc tiếp »

Cựu phó chủ tịch Lotte muốn quay lại lãnh đạo công ty

Theo Nikkei, trong buổi họp báo ngày 21/4, Shin Dong Joo, cựu phó chủ tịch của Lotte Holdings tại Tokyo, cho biết ông sẽ đề xuất việc quay lại hội đồng quản trị công ty trong cuộc họp cổ đông tháng 6 tới. Shing Dong Joo là con trai cả của nhà sáng lập đế chế Lotte.

Công bố này được đưa ra trong bối cảnh em trai của ông, Shin Dong Bin, chủ tịch hiện tại của tập đoàn Lotte, bị truy tố không giam giữ với tội danh hối lộ cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và những người liên quan.

Trong cuộc họp báo trên, Dong Joo kêu gọi bầu mới 4 thành viên hội đồng quản trị của Lotte Holdings (bao gồm cả ông). Đây là lần thứ 3 ông này cố gắng tái cơ cấu bộ máy quản lý tập đoàn kể từ khi rời vị trí phó chủ tịch năm 2015. Tuy nhiên, hai đề xuất trước đó đều bị bác bỏ bởi công ty của ông, Kojyunsya, hiện là cổ đông lớn nhất của Lotte Holdings, với khoảng 28% cổ phần.

"Việc thay đổi cấu trúc hội đồng quản trị không phải điều dễ làm trong năm nay”, ông Dong Joo cho biết trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 21/4. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh mọi thứ đã thay đổi khi em trai ông bị cáo buộc với nhiều tội danh vào năm ngoái.

“Nhân viên đang rất lo lắng về tương lai của tập đoàn. Vì vậy, họ sẽ chấp nhận đề xuất của tôi”, ông nói.

Liên quan tới hoạt động của tập đoàn Lotte, ông Dong Joo cho rằng em trai ông đã đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc và gọi đây là một sai lầm. Ông nhận định tập đoàn nên mở rộng hoạt động ra nhiều khu vực khác nhau như Mỹ hay Đông Nam Á.

Cựu phó chủ tịch Lotte muốn quay lại lãnh đạo công ty 1
Ảnh: Nikkei.

Gần đây, Lotte gặp phải nhiều khó khăn vì bị tẩy chay tại Trung Quốc sau khi tập đoàn này đồng ý dành một phần đất cho Mỹ lắp đặt hệ thống tên lửa phỏng thủ - động thái bị chính quyền Bắc Kinh quyết liệt phản đối.

"Thật khó để tập trung vào quản lý tập đoàn khi chủ tịch đương nhiệm có thể phải ngồi tù”, ông Dong Joo nói.

"Từ khi em trai tôi lên làm quản lý chung cả tập đoàn, Lotte ngày càng tập trung vào tìm kiếm doanh thu ngắn hạn”, ông này nói. “Và điều đó tạo ra trường làm việc mà ở đó nhân viên bất chấp mọi thứ để đạt được mục tiêu”.

Tập đoàn Lotte được thành lập tại Nhật Bản bởi Shin Kyuk Ho, sau này mở rộng kinh doanh sang Hàn Quốc. Dong Joo, con trai cả của nhà sáng lập, phụ trách vận hành tại Nhật Bản, còn con trai thứ Dong Bin quản lý hoạt động tại Hàn Quốc.

Mô hình quản lý “đôi” này kết thúc vào tháng 1/2015 khi ông Shin Kyuk Ho loại Dong Joo khỏi ban lãnh đạo và để Dong Bin nắm quyền điều hành tuyệt đối.

Đọc tiếp »

Pháp sẽ có nguyên thủ trẻ nhất kể từ thời Napoleon?

Ứng cử viên theo đường lối trung dung Emmanuel Macron đã đạt được một bước tiến lớn trên con đường trở thành Tổng thống Pháp.

Trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày Chủ nhật, ông Macron giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu cao nhất, trở thành đối thủ của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen - người về nhì - trong vòng bỏ phiếu quyết định diễn ra vào ngày 7/5.

Mặc dù ông Macron, 39 tuổi, là một gương mặt còn khá mới mẻ trên chính trường Pháp, các cuộc thăm dò dư luận ngày Chủ nhật dự báo ông sẽ giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc đấu quyết định với bà Le Pen, 48 tuổi - hãng tin Reuters cho hay.

Kết quả vòng bầu cử ngày Chủ nhật là một thất bại lớn đối với các chính đảng trung tả và trung hữu vốn đã thống trị nền chính trị Pháp trong suốt 60 năm qua. Kết quả này cũng làm giảm nguy cơ xảy ra một cú sốc tương tự như vụ cử tri Anh bỏ phiếu chọn ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2016 và vụ ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 cùng năm.

Trong một bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Macron nói với người ủng hộ thuộc phong trào En Marche! (tạm dịch: Tiến bước!) do ông khởi xướng: “Trong vòng một năm, chúng ta đã thay đổi bộ mặt của chính trị Pháp”. Ông cũng hứa sẽ sử dụng thêm những gương mặt mới và những người có năng lực cho việc làm thay đổi hệ thống chính trị đã cũ kỹ của nước Pháp nếu trở thành Tổng thống.

Một cuộc thăm dò dư luận do công ty nghiên cứu Harris thực hiện cho thấy ông Macron sẽ thắng bà Le Pen trong “vòng chung kết” với tỷ lệ phiếu 64% và 36%. Một cuộc khảo sát khác do Ipsos/Sopra Steria thực hiện cũng cho kết quả tương tự.

Giới đầu tư toàn cầu “thở phào” sau khi có kết quả vòng 1 bầu cử Pháp, đưa tỷ giá đồng Euro có lúc tăng 2% trong phiên châu Á sáng nay, lên 1,094 USD/Euro, mức cao nhất kể từ ngày 10/11.

Trong cuộc đua sít sao vừa diễn ra, ông Macron - một người ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp, và mới chỉ thành lập đảng riêng cách đây 1 năm - giành 23,9% số phiếu. Trong khi đó, bà Le Pen - thủ lĩnh Đảng Mặt trận Dân tốc (FN) với chủ chương chống EU, chống đồng Euro và chống người nhập cư - giành 21,4% số phiếu.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, đây là kết quả được xác định sau khi 96% số phiếu được kiểm. Nếu trúng cử, ông Macron sẽ trở thành nguyên thủ trẻ nhất của Pháp kể từ thời Napoleon.

Trong một phát biểu ngầm công kích chính sách “nước Pháp trên hết” của bà Le Pen, ông Macron nói với đám đông: “Tôi muốn trở thành Tổng thống của những người yêu nước trong bối cảnh nguy cơ từ những người dân tộc chủ nghĩa”.

Nếu trở thành Tổng thống Pháp, ông Macron sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trước tiên, ông sẽ phải nỗ lực để giành đa số ghế trong Quốc hội cho chính đảng còn non trẻ của ông. Tiếp đó, ông sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ cao cho các cải cách lao động được dự báo chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối.

Bà Le Pen, người nuôi hy vọng trở thành nữ Tổng thống Pháp đầu tiên, đi theo bước chân của cha bà - người thành lập đảng FN và đã đi tới vòng 2 của cuộc bầu cử hồi năm 2002.

Các nhà lãnh đạo châu Âu thể hiện sự vui mừng trước kết quả bầu cử Pháp. Tại Berlin, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel ca ngợi chiến thắng của ông Macron, viết trên mạng xã hội Twitter: “Thật tốt khi Emmanuel Macron thành công với chính sách của ông ấy vì một EU mạnh và nền kinh tế thị trường xã hội. Chúc ông ấy những điều tốt đẹp nhất trong 2 tuần kế tiếp”.

Tại Brussels, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết ông Juncker cũng chúc ông Macron giành chiến thắng trong vòng bầu cử quyết định vào ngày 7/5.

Đọc tiếp »

Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Triều Tiên ngày 23/4 tuyên bố đã sẵn sàng tấn công hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ để thể hiện sức mạnh quân sự.

Lời cảnh báo này của Bình Nhưỡng là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ông Trump đã điều tàu Carl Vinson di chuyển về vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trong một cuộc phô trương lực lượng, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng và những lời đe dọa của Triều Tiên về tấn công Mỹ và các nước đồng minh của Washington ở khu vực châu Á.

Chính phủ Mỹ đến nay vẫn chưa công bố thông tin cụ thể về vị trí của tàu sân bay nói trên. Hôm thứ Bảy, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ nói con tàu sẽ đến nơi “trong vòng vài ngày tới”.

Trong khi đó, Triều Tiên vẫn tỏ thái độ cứng rắn. “Các lực lượng cách mạng của chúng ta đã sẵn sàng chiến đấu để nhấn nhìm một hàng không mẫu hạm được trang bị năng lực hạt nhân của Mỹ, chỉ bằng một cú tấn công duy nhất”, tờ báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên viết trong một bài bình luận.

Bài báo so sánh tàu Carl Vinson như một “con vật gớm ghiếc” và nói một cuộc tấn công nhằm vào con tàu này sẽ là “một ví dụ thực tế để chứng minh sức mạnh quân sự của chúng ta”. Bài bình luận được đăng ở trang 3, sau hai trang đầu tiên nói về chuyến thị sát một trang trại lợn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Một quan chức Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng ông Trump sẽ có cuộc điện đàm vào ngày Chủ nhật theo giờ Washington với ông Tập và ông Abe.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng gia tăng xung quanhh vấn đề Triều Tiên, Nhà Trắng dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp cấp cao với các thượng nghị sỹ Mỹ để thông báo và bàn bạc về tình hình Triều Tiên - nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay.

Theo nguồn tin, cuộc gặp này sẽ có sự tham gia của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, và tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.

Mỹ và các nước trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc, đang cảnh giác cao trước khả năng Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân tiếp theo. Khả năng này gia tăng khi Bình Nhưỡng tiến hành kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào ngày thứ Ba tuần này.

Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, tiếp tục kêu gọi các bên giảm căng thẳng. Phát biểu trong một chuyến thăm Hy Lạp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói việc phô trương lực lượng và đối đầu như vậy là đã đủ, đồng thời kêu gọi các bên bình tĩnh. “Chúng ta cần đưa ra tiếng nói hòa bình và hợp lý lẽ”, ông Vương Nghị nói.

Trong một diễn biến căng thẳng khác, Triều Tiên đã bắt giữ một người Mỹ gốc Hàn ngoài 50 tuổi, nâng số công dân Mỹ bị bắt giữ ở Bình Nhưỡng lên 3 người.

Người đàn ông có tên Tony Kim đã tới Triều Tiên từ 1 tháng trước để dạy môn kế toán tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bình Nhưỡng (PUST). Ông bị bắt tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng vào sáng thứ Bảy theo giờ địa phương khi đang chuẩn bị lên đường về nước.

Hôm thứ Sáu, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói những tuyên bố gần đây từ Triều Tiên mang đầy tính gây hấn, nhưng thực tế từ lâu cho thấy đó chỉ là những phát ngôn “rỗng tuếch” và không đáng tin. “Tất cả chúng ta đều nghe họ dọa dẫm thường xuyên. Những gì họ nói chẳng trung thực gì cả”, ông Mattis phát biểu tại một cuộc họ báo ở Tel Aviv.

Phát biểu này của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Triều Tiên có lời cảnh báo sẽ tấn bay tàu Carl Vinson.

Cũng vào hôm thứ Sáu, hai chiến hạm Samidare và Ashigara của Nhật Bản đã rời vùng biển phía Tây của nước này để gia nhập nhóm cùng tàu Carl Vinson và sẽ “tập luyện nhiều chiến thuật” cùng nhóm tàu Mỹ - Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản nói trong một tuyên bố.

Cuộc phô trương lực lượng của hải quân Nhật phản ánh mối lo ngại gia tăng về việc Triều Tiên có thể tấn công nước này bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hoặc vũ khí hóa học. Một số nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền của Nhật đã hối thúc Thủ tướng Abe nhanh chóng trang bị vũ khí có khả năng tấn công lực lượng tên lửa của Triều Tiên trong trường hợp có nguy cơ rõ ràng về một cuộc tấn công từ nước này.

Lực lượng hải quân Nhật hiện nay sở hữu chủ yếu tàu khu trục và là hải quân lớn thứ nhì châu Á, sau hải quân Trung Quốc.

Đọc tiếp »

Chuyện buồn về những cây ATM ở Triều Tiên

Không một sân bay hiện đại nào trên thế giới hiện nay lại thiếu những máy rút tiền tự động (ATM). Sân bay quốc tế ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, cũng có hai cây ATM, nhưng đều không hoạt động.

Hãng tin AP dẫn nguồn tin ngân hàng nói rằng, những cây ATM này không hoạt động là do lệnh trừng phạt mới của Trung Quốc, và không rõ đến bao giờ những chiếc máy mới hoạt động trở lại.

Ở Triều Tiên, ATM là một khái niệm còn xa lạ đến nỗi, phía trên của hai cây ATM ở sân bay Bình Nhưỡng có một màn hình phát video hướng dẫn cách sử dụng máy và cách mở tài khoản Ngôn ngữ sử dụng trong đoạn video là tiếng Triều Tiên, nhưng hai máy ATM này không nhả tiền Triều Tiên, bởi mục đích của hai máy rút tiền này chủ yếu dành cho các doanh nhân Trung Quốc và khách du lịch.

Mặc dù vậy, ATM không phải là thứ hoàn toàn mới ở Triều Tiên.

Mấy năm trước, Ngân hàng Thương mại Ryugyong đã lắp đặt một máy ATM tại một khách sạn tầm trung ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, nơi khách Trung Quốc thường ghé qua. Năm ngoái, một máy ATM cũng được lắp đặt ở sân bay Bình Nhưỡng, nhưng có vẻ chưa bao giờ hoạt động.

Ngoài ra, khách hàng đưa thẻ ATM hạng vàng hoặc bạc khi mua hàng nhập khẩu xa xỉ tại hai cửa hiệu cấp cao ở Bình Nhưỡng cũng được hưởng giảm giá.

Máy ATM được sử dụng phổ biến tới mức nào ở Triều Tiên hiện nay vẫn là một chủ đề tranh luận.

Nhân viên phòng vé ở Bình Nhưỡng nói hai máy ATM ở sân bay được lắp đặt từ mấy tháng trước nhưng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Theo nhân viên giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng nhỏ đặt tại khách sạn nơi có một máy ATM nói trên, không một máy nào trong số này hoạt động do lệnh trừng phạt mà họ nói là Trung Quốc bắt đầu áp dụng vào tháng trước.

Theo một số chuyên gia về Triều Tiên, Ngân hàng Thương mại Ryugyong không phải là một thực thể được biết đến nhiều bên ngoài Triều Tiên. Ngân hàng này là một phần trong một nhóm thực thể lớn hơn, bao gồm nhà máy kim chi Ryugyong, nhà máy sản xuất hàng gia dụng Ryugyong, và nhà máy thiết bị điện Ryugyong, cùng một trung tâm thể dục và spa ở Bình Nhưỡng.

Nếu lệnh trừng phạt là lý do thực sự khiến các máy ATM ở Triều Tiên không hoạt động, thì đó có thể là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang “siết” Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của nước này. Trung Quốc vốn là “nguồn sống” kinh tế chủ yếu của Triều Tiên và đã đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi cứng rắn hơn nữa nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng. Ngành tài chính và ngân hàng của Triều Tiên là một trong những đối tượng trừng phạt chính.

Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất về việc Trung Quốc đã có sự thay đổi chính sách ra sao đối với Triều Tiên.

Dù Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên từ tháng 2, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên trong mấy tháng gần đây. Trong quý 1/2017, giá trị thương mại Trung-Triều tăng 37% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1,2 tỷ USD. Trong đó, khoảng 720 triệu USD là xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc.

Nhưng trong bất kỳ trường hợp này, số lượng du khách Trung Quốc tới Triều Tiên để những máy ATM ở Triều Tiên phục vụ cũng có thể sớm giảm xuống.

Nhiều công ty du lịch Trung Quốc đã dừng hoặc cắt giảm số tour tới Triều Tiên do căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên và nhu cầu sụt giảm. Tháng nay, hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China cũng đã tuyên bố dừng tuyến bay Bắc Kinh-Bình Nhưỡng.

Với động thái trên của Air China, hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo trở thành hãng bay duy nhất ra vào sân bay quốc tế ở Bình Nhưỡng.

Đọc tiếp »

Trump có thể là Tổng thống Mỹ bị “ghét” nhất trong 100 ngày đầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thiết lập một mức đáy mới về tỷ lệ ủng hộ, trong bối cảnh ông chuẩn bị kết thúc thời gian 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Tuy vậy, lực lượng ủng hộ cốt lõi của Trump nhìn chung vẫn đứng về phía ông.

Một cuộc khảo sát của Washington Post/ABC được công bố kết quả ngày Chủ nhật vừa rồi cho thấy tân Tổng thống Mỹ có tỷ lệ ủng hộ trong 100 ngày đầu tiên thấp nhất so với tất cả các Tổng thống tiền nhiệm kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện vào năm 1945.

Trong số những người được hỏi, có 42% nói họ hài lòng với những gì mà Trump đã làm trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng tính đến thời điểm này. 53% nói họ không tán thành.

Một cuộc khảo sát khác của NBC công bố ngày Chủ nhật cũng cho thấy kết quả tương tự: chỉ 40% người được hỏi nó họ ủng hộ những gì Tổng thống Trump làm giảm 4 điểm phần trăm so với hồi tháng 2. Trong khi đó, tỷ lệ người phản đối Trump tăng 6 điểm phần trăm, lên mức 54%.

Trang Business Insider nói rằng, kết quả các cuộc khảo sát này tiếp tục cho thấy ông Trump không có được “tuần trăng mật” kiểu truyền thống như hầu hết các Tổng thống Mỹ khác có được sau khi họ đắc cử và tuyên thệ nhậm chức.

NBC chỉ ra rằng, trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Barack Obama nhận tỷ lệ ủng hộ 61%; Tổng thống George W. Bush được 56%; và Tổng thống Bill Clinton được 52%.

Kể từ khi Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, tỷ lệ ủng hộ của ông chủ yếu giữ xấp xỉ trên ngưỡng 40%, có lúc thậm chí tụt dưới mức này.

Trump thường bác bỏ tỷ lệ ủng hộ thấp dành cho ông, nói rằng các cuộc thăm dò dư luận là “thông tin giả mạo”. Hồi tháng 1, Trump đã “nổi đóa” khi một cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông là Tổng thống đắc cử có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử ở Mỹ.

Trong 12 cuộc thăm dò mà Real Clear Politics đã thực hiện, tỷ lệ ủng hộ trung bình của Trump là 42,2%, giảm nhẹ so với mức trung bình cách đây một tháng.

Tuy nhiên, bộ phận người Mỹ phản đối Tổng thống Trump chủ yếu là những người vốn đã có cái nhìn tiêu cực đối với ông từ trước.

Cuộc khảo sát của Washington Post/ABC cho thấy 96% cử tri bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái nói rằng họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho Trump nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm hiện nay.

Trên thực tế, các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy những cái nhìn kém tích cực về Đảng Dân chủ.

Theo cuộc khảo sát của Washington Post/ABC, 67% người Mỹ được hỏi nói Đảng Dân chủ rời xa những mối lo của người dân, so với tỷ lệ 62% đưa ra câu trả lời tương tự về Đảng Cộng hòa của Trump. Tỷ lệ này đã tăng 19 điểm phần trăm so với thời điểm cách đây 3 năm.

Đọc tiếp »

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Mỹ vụ điều tra thép giá rẻ

Việc Washington mở cuộc điều tra nhằm vào thép nhập khẩu giá rẻ, trong đó có thép từ Trung Quốc, có thể dẫn tới tranh chấp thương mại giữa Mỹ với các đối tác thương mại chính và các nước này có thể trả đũa - tờ China Daily cảnh báo ngày 24/4.

Hãng tin Reuters cho biết, đây là lời đáp trả chính thức mạnh mẽ nhất tính đến thời điểm này của Trung Quốc đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm thứ Năm tuần trước về mở một cuộc điều tra đối với thép nhập khẩu giá rẻ.

Đối tượng của cuộc điều tra này là một loạt công ty thép Trung Quốc và từ các quốc gia khác bị cho là bán phá giá thép tại thị trường Mỹ.

“Bằng cách đưa ra một cuộc điều tra phi lý đối với thép nhập khẩu dưới vỏ bọc bảo vệ an ninh quốc gia, nước Mỹ dường như đang tìm đến với chủ nghĩa đơn phương để giải quyết các vấn đề song phương và đa phương”, bài xã luận của China Daily có đoạn viết.

Theo bài báo, cuộc điều tra có thể dẫn tới những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm nhập khẩu thép, ảnh hưởng lợi ích của một số quốc gia là đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Trung Quốc.

“Nếu Mỹ thực sự áp dụng các biện pháp bảo hộ, thì các quốc gia khác cũng có thể có hành động trả đũa phù hợp đối với các công ty Mỹ có lợi thế ở những lĩnh vực như tài chính và công nghệ cao, dẫn tới một cuộc chiến thương mại ‘ăn miếng trả miếng’ không mang lại lợi ích cho ai cả”, bài báo viết.

Bài xã luận kêu gọi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sử dụng cơ chế giải quyết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết bất đồng về thép.

Giảm nhập khẩu sẽ không làm thay đổi sức cạnh tranh yếu của các nhà sản xuất thép Mỹ, không thể giúp hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ hay đưa việc làm trở lại cho người Mỹ như Tổng thống Trump mong đợi - bài báo viết.

Bài xã luận của China Daily cho thấy một sự thay đổi quan điểm đáng kể so với phát ngôn chính thức của Trung Quốc hồi tuần trước. Vào hôm thứ Sáu, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói trong cuộc họp báo hàng ngày rằng nước này cần biết chắc về hướng đi cuộc điều tra của Mỹ trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào.

Theo các chuyên gia, quyết định của ông Trump điều tra thép Trung Quốc có thể là phản ứng trước việc thép từ Trung Quốc đã chiếm tới 26% thị trường thép Mỹ.

Mỹ có gần 100 nhà máy thép sản xuất hàng triệu tấn thép mỗi năm. Nước này từ lâu đã nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước khỏi thép nhập khẩu giá rẻ, chủ yếu thông WTO, nhưng chính quyền Trump nói rằng cách này không mang lại hiệu quả.

Đọc tiếp »