Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Thêm một sắc lệnh của Trump bị tòa án Mỹ đình chỉ

Một thẩm phán Mỹ ngày 25/4 đã đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống mỹ Donald Trump về cắt ngân sách liên bang đối với những tiểu bang có chủ trương bảo vệ người nhập cư. Đây được xem là một đòn pháp lý nữa giáng vào những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm siết chính sách đối với người nhập cư.

Hãng tin Reuters cho biết, phán quyết của thẩm phán William Orrick III ở San Francisco nói rằng sắc lệnh của mà Tổng thống Trump ký hôm 25/1 nhằm vào đối tượng rộng các loại ngân sách liên bang dành cho những tiểu bang bảo vệ người nhập cư. Phán quyết cũng nói bên nguyên đơn kiện sắc lệnh này có thể thành công trong việc chứng minh sắc lệnh là không phù hợp với hiến pháp.

Những động thái của ông Trump đối với người nhập cư kể từ khi ông lên cầm quyền đã kéo theo hàng loạt đơn kiện từ các tổ chức ủng hộ người nhập cư, cũng như các thành phố và tiểu bang thuộc phe Đảng Dân chủ. Trước phán quyết nói trên của tòa án, hai sắc lệnh của ông Trump về hạn chế nhập cảnh đối với người tị nạn và công dân một số quốc gia Hồi giáo cũng đã bị thẩm phán liên bang đình chỉ. Chính phủ Mỹ hiện đang kháng cáo các quyết định này của tòa.

Ông Reince Priebus, chánh thư ký Nhà Trắng, nói với giới truyền thông rằng chính quyền Trump đang tiến hành các thủ tục nhằm kháng cáo phán quyết mà thẩm phán đưa ra ngày 25/1. “Đến lúc chúng tôi sẽ thắng ở Tòa án Tối cao”, ông Priebus tuyên bố.

Nhiều thành phố ở Mỹ từ lâu được coi là “hầm trú ẩn” đối với người nhập cư trái phép, và thường không sử dụng ngân sách hay nguồn lực địa phương để thúc đẩy việc thực thi luật nhập cư liên bang. Đến nay, đã có hàng chục thành phố, gồm New York, Los Angeles, và Chicago, gia nhập phong trào bảo vệ người nhập cư ngày càng gia tăng này.

Những người ủng hộ chính sách bảo vệ người nhập cư nói rằng việc điều cảnh sát bắt bớ và trục xuất người nhập cư sẽ xói mòn niềm tin của các cộng đồng vào lực lượng cảnh sát, nhất là trong cộng đồng người Mỹ Latin.

Ngược lại, chính quyền Trump nói rằng chính quyền các thành phố này đặt an toàn của người dân vào thế nguy hiểm khi không trục xuất những người nhập cư trái phép bị bắt giữ vì phạm tội.

Sắc lệnh của Trump - người đã hứa sẽ siết quản lý người nhập cư trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016 - yêu cầu cắt giảm ngân sách liên bang đối vói những bang và thành phố như vậy một khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác định được như thế nào là một địa phương đi ngược lại chính sách của Chính phủ liên bang về người nhập cư.

Hạt Santa Clara, gồm thành phố San Jose và một số cộng đồng nhỏ hơn ở Thung lũng Silicon, đã đâm đơn kiện sắc lệnh này của Trump vào tháng 2, nói rằng sắc lệnh không hợp hiến. Tiếp đó, San Francisco đâm đơn kiện tương tự.

Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ dọa sẽ cắt giảm ngân sách cho bang California và 8 thành phố và hạt khác trên toàn quốc. Cơ quan này chỉ rõ Chicago và New York là hai thành phố đang “oằn mình dưới áp lực của nhập cư trái phép và bạo lực”, cho dù New York đang có mức tội phạm thấp nhất trong nhiều thập kỷ và các chuyên gia nói bạo lực gia tăng gần đây ở Chicago không liên quan đến người nhập cư trái phép.

Hạt Santa Clara nhận khoảng 1,7 tỷ USD ngân sách liên bang mỗi năm, chiếm khoảng 35% ngân sách của hạt này. Chính quyền Santa Clara nói họ bị nợ hàng triệu USD ngân sách liên bang mỗi ngày và quy trình lên kế hoạch ngân sách địa phương bị đảo lộn vì sắc lệnh của Trump.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ nói các địa phương đã “nghiêm trọng hóa” khi diễn giải sắc lệnh của Trump. Bộ này nói sắc lệnh chỉ ảnh hưởng đến ngân sách từ Bộ Tư Pháp và Bộ An ninh Nội địa - tức chỉ một phần nhỏ ngân sách liên bang mà các địa phương được cấp.

Đọc tiếp »

Trump sắp công bố kế hoạch giảm mạnh thuế doanh nghiệp

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ngày 26/4 sẽ đề xuất một kế hoạch cắt giảm mạnh tay thuế doanh nghiệp và khuyến khích các công ty Mỹ đưa lợi nhuận cất giữ ở nước ngoài về nước.

“Chúng tôi sẽ có một tuyên bố lớn vào ngày thứ Tư liên quan đến cải cách thuế. Công việc này đã bắt đầu tư lâu, nhưng sẽ chính thức bắt đầu vào ngày thứ Tư”, trang CNBC dẫn lời Trump phát biểu tại Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước.

Một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/4 tiết lộ rằng Bộ trưởng bộ này, ông Steven Mnuchin, và Giám đốc kinh tế quốc gia Gary Cohn dự kiến sẽ có một cuộc họp báo chung vào đầu giờ chiều ngày 26/4 theo giờ Washington tại phòng họp báo của Nhà Trắng.

Nguồn tin là quan chức chính quyền Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu các trợ lý vạch kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập đối với các công ty đại chúng xuống 15% từ 35% hiện nay.

Một quan chức khác cho hay Trump sẽ đề xuất thuế đánh vào lợi nhuận mà các công ty Mỹ chuyển từ nước ngoài về nước ở mức 10%, từ mức 35% hiện nay.

Kế hoạch của Trump được dự báo sẽ không bao gồm “thuế biên giới” đánh vào hàng hóa nhập khẩu - loại thuế gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

Hiện chưa rõ kế hoạch này có sự khác biệt như thế nào so với những gì Trump vạch ra khi còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ hay kế hoạch mà Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan ủng hộ. Dù thế nào, các nghị sỹ Cộng hòa, những người kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ, sẽ phải vạch ra được các chi tiết cụ thể thì kế hoạch mới có thể được thông qua.

Đây được xem là chương trình cải tổ thuế lớn nhất của Mỹ kể từ năm 1986.

Ban đầu, Nhà Trắng đặt mục tiêu dự luật cải cách thuế sẽ được thông qua trước kỳ nghỉ của Quốc hội Mỹ vào tháng 8. Tuy nhiên, giới chức chính quyền Trump gần đây đã rút lại thời hạn này do nhận thấy đây là một thời hạn khó đạt được.

Trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ, Trump hứa cắt giảm thuế thu nhập, trong đó giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15%. Khi đó, vị tỷ phú bất động sản nói kế hoạch cắt giảm thuế của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp các công ty tạo việc làm.

Hầu hết các phân tích dự báo kế hoạch của Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ phình to do giảm thu ngân sách từ thuế. Trong khi đó, ê-kíp của Trump lập luận tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh nhờ kế hoạch sẽ giúp bù đắp khoản thu ngân sách bị hao hụt.

Trong khi Trump muốn mức thuế 15%, Chủ tịch Hạ viện Ryan lại đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, cộng thêm áp thuế biên giới để tăng thu ngân sách.

Đảng Cộng hòa của Trump dự định sẽ dùng cuộc đàm phán ngân sách để thông qua cải tổ thuế, đồng nghĩa với việc chỉ cần đa số phiếu để dự luật được thông qua. Trong khi đó, gần như toàn bộ phe Dân chủ có thể sẽ phản đối dự luật này nếu dự luật giảm mạnh thuế cho tầng lớp người giàu và các doanh nghiệp Mỹ.

Đọc tiếp »

Mỹ bắt đầu triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc

Quân đội Mỹ đã bắt đầu triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi tại Hàn Quốc, giữa lúc căng thẳng gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - hãng tin BBC cho hay.

Mỹ và Hàn Quốc vẫn nói rằng lá chắn tên lửa Thaad được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc là nhằm chống lại những mối đe dọa từ Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc phản đối việc triển khai lá chắn này ở Hàn Quốc, nói rằng làm như vậy sẽ đảo lộn thế cân bằng an ninh trong khu vực.

“Hàn Quốc và Mỹ đã làm việc cùng nhau để đảm bảo khả năng hoạt động sớm của hệ thống Thaad nhằm đáp trả mối đe dọa hạt nhân và tên lửa gia tăng từ Triều Tiên”, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có đoạn viết.

Mỹ và Hàn Quốc đạt nhất trí về triển khai Thaad ở Hàn Quốc vào năm ngoái. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói hệ thống này phải đến cuối năm 2018 mới có thể đi vào hoạt động.

Việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc trùng với sự kiện Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay sản xuất trong nước đầu tiên nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Địa điểm được chọn để triển khai Thaad từng là một sân golf ở Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 250 km về phía Nam. Hàng trăm cư dân địa phương đã biểu tình phản đối việc triển khai Thaad, khi đoàn xe chở thiết bị xuất hiện tại địa điểm này. Thaad được thiết kế để chặn và phá hủy các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn bay cuối cùng của tên lửa.

Hàng chục cảnh sát đã đứng hai bên đường, cố ngăn người biểu tình, trong đó có nhiều người ném chai nước vào đoàn xe chở thiết bị. Các nhà hoạt động nói hơn 10 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Trong số người biểu tình, có nhiều người là dân địa phương của hai thị trấn gần nhất với địa điểm triển khai Thaad.

Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc triển khai Thaad ở Hàn Quốc, theo đó kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc rút lại kế hoạch này. Kế hoạch triển khai Thaad đã khiến quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc, nước đối tác thương mại lớn nhất, trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp kinh tế được cho nhằm trả đũa Hàn Quốc, bao gồm hạn chế các công ty du lịch bán tour cho du khách đi Hàn Quốc, khiến lượng du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc giảm 40%.

Tháng trước, Hàn Quốc đã phản ánh vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc cho rằng những động thái gần đây của nước này có liên quan đến việc triển khai Thaad.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, Triều Tiên và Mỹ tiếp tục đưa ra những lời đe dọa, cảnh báo lẫn nhau.

Mấy ngày gần đây, Mỹ đã triển khai chiến hạm và một tàu ngầm tới gần bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh lo ngại Bình Nhưỡng có thể sắp thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa đạn đạo.

Bên cạnh hối thúc Trung Quốc cứng rắn hơn nữa với Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có một cuộc họp mật với các thượng nghị sỹ về vấn đề Triều Tiên tại Nhà Trắng trong ngày 26/4.

Ngày 25/4, Triều Tiên tổ chức một chương trình tập trận bắn đạn thật với sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nước này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã không thử hạt nhân hay phóng tên lửa vào ngày này như lo ngại trước đó.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kêu gọi các bên kiềm chế và tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Đọc tiếp »

Liên hiệp quốc đang cấm vận những gì với Triều Tiên?

Theo CNN, từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã áp nhiều lệnh cấm vận đối với Triều Tiên để trừng phạt nước này về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, những biện pháp này có vẻ không mang lại hiệu quả, bởi các cuộc thử nghiệm và phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên không có dấu hiệu dừng lại.

Lệnh cấm vận Liên hợp quốc đối với riều Tiên trải rộng từ hoạt động buôn bán vũ khí, dịch vụ tài chính cho tới thương mại.

Vũ khí

Theo lệnh cấm vận này, Triều Tiên bị cấm xuất, nhập khẩu mọi loại vũ khí, tàu chiến lớn nhỏ. Các nước thành viên của Liên hiệp quốc cũng bị cấm bán thiết bị hàng không, máy bay, tên lửa cho Triều Tiên. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Liên hiệp quốc công bố tháng trước, thông qua nhiều công ty bình phong và tổ chức quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn buôn bán vũ khí và nhận cả tiền mặt lẫn vàng.

Than đá, khoáng sản và nhiên liệu

Than đá là mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên và cũng là nguồn ngoại tệ chủ yếu của kinh tế nước này. Liên hiệp quốc đã cấm tất cả các nước thành viên nhập than đá từ Triều Tiên, cùng với các loại khoáng sản khác như quặng sắt, vàng và khoáng chất hiếm.

Phần lớn than đá Triều Tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của quốc gia này trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tháng 2 vừa rồi, Trung Quốc công bố kế hoạch dừng nhập khẩu than đá từ nước láng giềng trong năm 2017.

Hàng xa xỉ

Lệnh cấm hàng xa xỉ của Liên hiệp quốc nhắm tới giới thượng lưu của Triều Tiên. Theo đó, các nước thành viên Liên hiệp quốc không được phép bán hàng xa xỉ như du thuyền, trang sức cao cấp, thảm đắt tiền... cho Triều Tiên.

Dịch vụ tài chính

Trong nhiều năm, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc luôn tìm cách cắt nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Việc cô lập nước này khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu là biện pháp chủ yếu. Theo đó, tất cả các nước thành viên Liên hiệp quốc và công ty trên lãnh thổ nước đó, không được phép cung cấp dịch vụ tài chính cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, báo cáo trên của Liên hiệp quốc cho thấy Triều Tiên đã thông qua mạng lưới công ty bình phong để tiếp cận các ngân hàng trên thế giới.

Cấm nhập cảnh

Những người có liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc làm việc đại diện cho họ bị từ chối nhập cảnh vào các nước thành viên Liên hiệp quốc. Lệnh cấm này cũng áp dụng với những quan chức giúp lách luật.

Các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Triều Tiên cũng phải bị trục xuất. Đồng thời, Liên hiệp quốc cũng giảm số nhân viên của các phái đoàn ngoại giao tại Triều Tiên.

Động lực thực thi không đủ mạnh

Theo CNN, các biện pháp cấm vận trên chỉ được thực hiện hiệu quả khi các chính phủ có khả năng và sẵn sàng làm việc đó. Tuy nhiên, Liên hiệp quốc không có biện pháp độc lập nào để hối thúc thực thi các lệnh cấm vận, đồng thời các nước thành viên cũng không đủ nguồn lực và động lực chính trị để làm việc này.

"Các lệnh cấm vận này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và nhất quán”, báo cáo mới đây của tổ chức này về Triều Tiên cho biết.

Chính phủ các nước thành viên Liên hiệp quốc, gồm cả Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu, đã phải áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ buộc tội Triều Tiên là “mối nguy rửa tiền” và cấm ngân hàng Mỹ hợp tác với hệ thống công ty bình phong làm việc cho các tổ chức tài chính Triều Tiên.

Hôm 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp thêm các biện pháp trừng phạt mới lên Triều Tiên trước lo ngại Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Ông gọi nước này là “mối nguy thực sự với thế giới”.

Theo CNN, Mỹ đang lo ngại trong dịp kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập quân đội vào 2/5 tới, Triều Tiên có thể thử tên lửa hoặc hạt nhân.

Đọc tiếp »

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên

Trung Quốc ngày 26/4 đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do nước này tự sản xuất. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, sau một tàu sân bay khác đã qua sử dụng được mua lại của nước ngoài, theo Reuters.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng tàu sân bay vừa được hạ thủy - con tàu được thiết kế tại Trung Quốc và đóng tại thành phố cảng Đại Liên phía Đông Bắc nước này - sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2020. Từ nay đến thời điểm đó, con tàu sẽ được hoàn thiện và trang bị vũ khí.

Sự kiện này thu hút sự chú ý lớn bởi suốt mấy tháng qua, các nhà phân tích quân sự nước ngoài và truyền thông Trung Quốc đã liên tục công bố những bức ảnh, bao gồm ảnh chụp từ vệ tinh, và các bản tin về tiến trình sản xuất tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Bắc Kinh lần đầu tiên xác nhận về sự tồn tại của hàng không mẫu hạm này vào cuối năm 2015. Chương trình phát triển tàu sân bay là bí mật quốc gia của Trung Quốc.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói phần mũi tàu đã được làm xong, và các phần động cơ đẩy, hệ thống điện và các hệ thống chính khác của con tàu đã được lắp đặt. Sự kiện hạ thủy con tàu “cho thấy việc thiết kế và đóng hàng không mẫu hạm trong nước của chúng ta đã từng bước đạt được những kết quả to lớn”, Tân Hoa Xã viết.

Hình ảnh do kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát sóng cho thấy con tàu mới, với những lá cờ đỏ cắm trên boong, được tàu kéo đưa xuống nơi neo đậu. Ông Fan Changlong, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, là người chủ trì lễ hạ thủy này, Tân Hoa Xã cho hay.

Việc Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và những lo ngại xung quanh sự hung hăng của Trung Quốc trong các yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Sự kiện này cũng diễn ra sau khi Trung Quốc kỷ niệm 68 năm ngày thành lập lực lượng hải quân nước này vào Chủ nhật vừa rồi.

Chính phủ Trung Quốc cho biết thiết kế của tàu sân bay mới được dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của nước này - hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được Trung Quốc mua lại của Ukraine vào năm 1998 và mang về sửa chữa.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc chạy bằng năng lượng thông thường, có trọng lượng nước rẽ 50.000 tấn và có thể phục vụ loại chiến đấu cơ Shenyang J-15.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói nước này cần ít nhất 6 tàu sân bay, và một mạng lưới căn cứ trên khắp thế giới để hỗ trợ hoạt động của những con tàu này. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn tỏ ra ngập ngừng với những ý tưởng cho rằng nước này muốn có sự hiện diện quân sự toàn cầu để tương xứng với Mỹ - quốc gia hiện có 10 tàu sân bay.

Tàu Liêu Ninh trước đây đã từng tham gia vào các cuộc tập trận, bao gồm tập trận trên biển Đông và gần đây hơn là tập trận gần Đài Loan. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm này được cho là sẽ được sử dụng như một tàu huấn luyện thay vì có vai trò chiến đấu thực sự.

Đọc tiếp »

Lotte chuẩn bị chia nhỏ mảng kinh doanh để xử lý khủng hoảng

Theo Bloomberg, ngày 26/4, Tập đoàn Lotte công bố kế hoạch chia tách 4 mảng kinh doanh chủ chốt thành các công ty. Động thái này sẽ giúp chủ tịch tập đoàn Shin Dong Bin tăng cường quyền lực sau bê bối tranh chấp nhiều năm của gia đình và đang bị truy tố tội danh tham nhũng.

Theo kế hoạch sẽ được trình lên cổ đông vào 29/8 tới, 4 đơn vị kinh doanh đã niêm yết gồm mua sắm, bánh kẹo, thực phẩm và đồ uống của Lotte sẽ tách thành các công ty kinh doanh và công ty đầu tư. Trong đó, từ 1/10, các công ty đầu tư sẽ hợp thành một đơn vị duy nhất theo mô hình holdings. Holdings được dùng chỉ những công ty có chức năng nắm giữ cổ phần của các công ty khác chứ không trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cấu trúc công ty holding duy nhất và việc giảm cổ phần sở hữu chéo từ 67% xuống còn 18% sẽ giúp chủ tịch Shin Dong Bin, 62 tuổi, con trai thứ của nhà sáng lập Lotte, củng cố quyền lực của mình tại tập đoàn. Việc này cũng khiến anh trai ông, Shin Dong Joo, khó thuyết phục cổ đông để quay lại chiếm quyền lãnh đạo tập đoàn.

Năm 2015, Shin Dong Bin chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành quyền lực với anh trai và cha. Sau đó, cha ông lui về một vị trí danh dự trong tập đoàn còn anh trai Dong Joo bị “hất cẳng” khỏi ban lãnh đạo. Từ sau đó, Shin Dong Joo, 63 tuổi, luôn tìm cách gây khó dễ cho ban quản trị của em trai nhưng bất thành. Tuần trước, ông này cho biết sẽ đề xuất việc quay lại lãnh đạo tập đoàn.

Mối quan hệ thù địch giữ anh em họ Shin không phải là khó khăn duy nhất của Lotte. Với doanh thu gần gấp đôi Coca Cola Inc., tập đoàn Lotte đang phải hứng chịu làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc sau khi đồng ý dành một phần đất cho Mỹ xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ - động thái bị chính quyền Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Ngoài ra, chủ tịch Shin Dong Bin cũng đang bị truy tố không giam giữ vì tội danh tham nhũng.

Lotte cũng phải chịu nhiều chỉ trích từ chính phủ Hàn Quốc khi lượng cổ phần sở hữu chéo lớn cho phép các thành viên gia đình có quyền thao thúng hoạt động của các công ty con.

“Động thái này sẽ giúp xoa dịu những quan ngại về các tranh chấp của gia đình sáng lập, đồng thời củng cố quyền lực của chủ tịch đối với tập đoàn”, Park Ju Gun, chủ tịch công ty tư vấn CEOScore, nhận định trước khi kế hoạch chính thức được công bố.

Trong ngày 26/4, cổ phiếu của 4 công ty gồm Lotte Confectionery, Lotte Shopping Co., Lotte Food Co. và Lotte Chilsung Beverage Co. tạm ngừng giao dịch trước khi kế hoạch tái cấu trúc trên được công bố.

Theo Moneytoday, Shin Dong Bin dự định mua 3,27% cổ phần của Lotte Confectionery. Hiện ông nắm giữ 9,1% cổ phần của công ty sản xuất bánh kẹo, kem và rượu này, lượng cổ phần lớn nhất trong tay cổ đông cá nhân, theo số liệu từ Bloomberg.

Bất chấp những bê bối liên quan tới gia đình nhà sáng lập, cáo buộc tham nhũng và áp lực từ Trung Quốc, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tập đoàn này. Hai tuần qua, kết thúc phiên giao dịch hôm 25/4, cổ phiếu các công ty con của Lotte tăng 15%, giúp giá trị thị trường của tập đoàn này tăng thêm 1,6 tỷ USD.

Việc tái cơ cấu cũng có thể sẽ giúp mở đường cho đợt IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu) của Hotel Lotte Co. vốn bị hoãn lại khi công ty này bị điều tra tháng 6 năm ngoái. Mảng kinh doanh khách sạn Lotte dự kiến thực hiện IPO vào năm 2019, một lãnh đạo Lotte cho biết hôm 24/3.

“Bộ máy quản lý đơn giản hơn sẽ giúp Lotte thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu chính của Lotte dưới thời Shin Dong Bin”, ông Park của CEOScore nhận định.

Đọc tiếp »

Kế hoạch giảm thuế của Trump không gây ấn tượng với giới đầu tư

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 đã công bố bản kế hoạch dài 1 trang giấy đề xuất cắt giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp nước này. Nếu được thực thi, kế hoạch của Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh.

Hãng tin Reuters cho biết, sau khi được công bố, kế hoạch trên nhận được sự chào đón khá thận trọng của thị trường tài chính cũng như những người có quan điểm bảo thủ về tài khóa.

Những đề xuất giảm thuế của Trump được đánh giá là sẽ làm hài lòng những người hưởng lợi, bao gồm các công ty đa quốc gia và người đóng thuế giàu có. Tuy nhiên, kế hoạch này còn một khoảng cách lớn mới đạt tới một chương trình cải tổ thuế mà cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tìm kiếm suốt nhiều năm qua.

Đến ngày thứ Bảy tuần này, Trump sẽ khép lại “tuần trăng mật” 100 ngày cầm quyền đầu tiên, nhưng đến nay ông vẫn chưa cho thấy được những bước tiến rõ ràng trong các chính sách của mình. Kế hoạch cắt giảm thuế mà ông đưa ra phù hợp với lời hứa của ông trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống hồi năm ngoái, nhưng còn thiếu chi tiết cụ thể.

Giới đầu tư, những người đã chờ đợi một kế hoạch giảm thuế cụ thể suốt mấy tháng qua, gần như không ấn tượng với những gì được công bố. Nhiều người nói kế hoạch còn quá chung chung và sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể được thực thi. “Tôi chỉ quan tâm khi có một thứ gì đó thực sự được ký thành luật”, ông Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate.com, phát biểu.

Đảng Dân chủ cũng ngay lập tức chỉ trích kế hoạch của Trump - vị Tổng thống của Đảng Cộng hòa - là thiếu trách nhiệm về mặt tài khóa. “Kế hoạch thuế của Tổng thống Trump thiếu chi tiết và tập trung mang lại lợi ích cho các công ty lớn và các tỷ phú”, bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện phát biểu.

Trong khi đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện cùng lên tiếng ca ngợi những đề xuất của Trump, nói rằng kế hoạch sẽ được lên chi tiết cụ thể trong quá trình hình thành dự luật. “Những nguyên tắc mà chính quyền Trump vạch ra hôm nay sẽ giữ vai trò là kim chỉ nam quan trọng” khi Quốc hội và chính quyền làm việc để đưa ra những thay đổi về thuế - phe Cộng hòa nói trong một tuyên bố.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm bớt mức tăng điểm sau khi kế hoạch thuế của Trump được công bố. Chỉ số công nghiệp Dow Jones thậm chí đóng cửa phiên giao dịch với mức giảm 0,1%.

Theo kế hoạch được công bố tại Nhà Trắng bởi cố vấn kinh tế của ông Trump là ông Gary Cohn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, Trump đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 15%. Kế hoạch cũng kêu gọi sẽ giảm thuế từ mức 35% hiện nay đối với lợi nhuận mà các công ty Mỹ chuyển từ nước ngoài về nước, nhưng không nói rõ mức cắt giảm sẽ là bao nhiêu.

Theo ước tính, hiện các công ty Mỹ đang cất 2,6 nghìn tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài để tránh bị đánh thuế.

Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch của Trump là không có đề xuất đánh thuế biên giới (border tax) đối với hàng hóa nhập khẩu như ý tưởng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan.

Đối với người dân Mỹ, kế hoạch của Trump đề xuất tăng gấp đôi mức khấu trừ tiêu chuẩn đối với cá nhân đóng thuế không nêu từng khoản; đơn giản hóa hoàn thuế bằng cách giảm số rổ thuế từ 7 xuống còn 3; và giảm thuế cho những gia đình có con nhỏ và người phụ thuộc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mnuchin nói suy giảm ngân sách do giảm thuế sẽ được bù đắp thông qua xóa bỏ các lỗ hổng thuế hiện nay. Ông Mnuchin cho rằng kế hoạch của ông Trump sẽ xóa bỏ hầu hết việc khấu trừ thuế, ngoại trừ đối với các khoản từ thiện, tiết kiệm hưu trí, và tiền lãi khoản vay thế chấp nhà.

Đọc tiếp »

Tượng Pieta Việt Nam-Thông điệp xin lỗi gửi đến người dân Việt

Tượng Pieta Việt Nam đã được dựng như một lời xin lỗi cho những vụ thảm sát mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Tờ báo Hankyoreh của Hàn Quốc cho biết, cách đây 1 năm, vào ngày 27/4/2016, một mô hình bằng thạch cao của tượng Pieta Việt Nam đã được công bố tại Trung tâm Giáo dục Franciscan ở thủ đô Seoul. Một năm sau, vào ngày 26/4/2017, tượng Pieta Việt Nam bằng đồng đã chính thức được khánh thành tại Trung tâm Hòa bình St. Francis tại làng Gangjeong trên đảo Jeju, Hàn Quốc.

Lễ khánh thành bức tượng diễn ra trùng với dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là tác phẩm của hai nhà điêu khác người Hàn Quốc Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung, tượng Pieta Việt Nam là bức tượng về một phụ nữ đang ôm đứa con nhỏ, với ý nghĩa an ủi cho linh hồn những người mẹ và em bé mới chào đời đã chết trong những cuộc thảm sát của binh sỹ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam.

Trong tiếng Việt, tượng Pieta Việt Nam có tên là “Lời ru cuối cùng”. Trong tiếng Italy, “pieta” có nghĩa là nỗi buồn thương.

Bức tượng mang thông điệp xin lỗi sâu sắc gửi đến người dân Việt Nam vì những tội ác mà quân đội Hàn Quốc trước đây gây ra đối với miền Trung Việt Nam. Bức tượng cũng là một lời kêu gọi về sự cần thiết phải công khai và xác nhận sự thật về những tội ác mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Tờ Hankyoreh nói rằng có tổng cộng 320.000 binh sỹ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam trong thời gian từ 1965-1973.

Chủ trì lễ khánh thành tượng Pieta Việt Nam tại đảo Jeju là Quỹ Hòa bình Hàn-Việt. Đây là quỹ ra mắt vào tháng 4/2016 với mục tiêu hướng tới hòa bình, thúc đẩy sự hối cải của xã hội Hàn Quốc đối với những vụ thảm sát thường dân mà quân đội nước này gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Đọc tiếp »

Mỹ tuyên bố muốn siết trừng phạt để xử lý Triều Tiên

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 tuyên bố muốn buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua tăng cường lệnh trừng phạt quốc tế và áp lực ngoại giao, đồng thời vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng để đạt kết quả như vậy.

Lập trường này của Mỹ có thể được xem như một tín hiệu cho thấy Washington sẵn sàng sử dụng tất cả các biện pháp phi quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên, cho dù Mỹ cảnh báo liên tục rằng “mọi lựa chọn đang được đem ra cân nhắc” - ám chỉ bao gồm hành động quân sự.

Hãng tin Reuters cho biết, tuyên bố được đưa ra sau một cuộc họp bất thường về vấn đề Triều Tiên được tổ chức tại Nhà Trắng với sự tham gia của toàn thể Thượng viện Mỹ.

Tuyên bố từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis, và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats miêu tả Triều Tiên là “một mối nguy an ninh quốc gia khẩn cấp và ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu”.

Giới chuyên gia nói rằng sau năm 2020 Triều Tiên có thể đạt tới khả năng chế tạo một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vươn tới đại lục Mỹ.

“Chiến lược của Tổng thống là nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế và theo đuổi các biện pháp ngoại giao cùng với các đối tác và đối tác khu vực”, tuyên bố có đoạn viết. “Nước Mỹ tìm kiếm sự ổn định và giải trừ hạt nhân một cách hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi vẫn cởi mở với việc đàm phán để đạt mục đích đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn sẵn sàng tự vệ và bảo vệ đồng minh của mình”.

Thời gian qua, chính quyền Trump vẫn nói tấn công quân sự là một trong số những lựa chọn để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh rằng siết trừng phạt vẫn là chiến lược chủ chốt, bởi nguy cơ xảy ra sự trả đũa mạnh mẽ từ Triều Tiên, mà nạn nhân đầu tiên gần như chắc chắn sẽ là Hàn Quốc và lực lượng của Mỹ đóng tại nước này.

Điều này cho thấy chính quyền Trump buộc phải tiếp tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama trong vấn đề Triều Tiên - một chiến lược đã không thể khiến Bình Nhưỡng giảm tham vọng hạt nhân và tên lửa.

Theo dự kiến, ông Tillerson sẽ chủ trì một hội nghị cấp bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm bàn về tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Theo giới chức Mỹ, siết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng có thể bao gồm cấm vận dầu lửa, cấm hãng hàng không quốc gia Triều Tiên, chặn tàu chở hàng của nước này, và trừng phạt các ngân hàng có giao dịch với Triều Tiên.

Cùng ngày 26/4, trước khi có tuyên bố từ Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân thông qua cảnh báo quân sự và trừng phạt là “một giấc mơ hoang đường” và giống như “dùng chổi quét xuống biển”.

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Hãng hàng không Triều Tiên sản xuất thuốc lá, chạy taxi

Cho dù đã ra khỏi máy bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo ở sân bay Bình Nhưỡng, hành khách vẫn dễ dàng bắt gặp thương hiệu của hãng này.

Hãng tin Reuters cho biết, không chỉ là một hãng bay, Air Koryo còn sản xuất thuốc lá và đồ uống nhẹ, bên cạnh sở hữu một đội xe taxi và nhiều cây xăng.

Theo lời kể của du khách nước ngoài tới Triều Tiên, hãng hàng không nằm dưới sự kiểm soát của quân đội nước này đã mở rộng hoạt động sang các sản phẩm tiêu dùng trong những tháng gần đây.

Hiện chưa rõ việc Air Koryo đa dạng hóa hoạt động tại thị trường trong nước có liên quan đến việc hãng này mất nhiều đường bay quốc tế do Liên hiệp quốc tăng cường trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng hay không.

Giới chức Mỹ tiết lộ nước này đang cân nhắc các biện pháp cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, bao gồm cấm bay toàn cầu với Air Koryo. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào của Mỹ đối với Air Koryo cũng không thể ràng buộc các quốc gia khác phải tuân thủ.

Sự trừng phạt đó cũng gần như không có hiệu quả trừ phi có sự tham gia của Trung Quốc và Nga - hai quốc gia đều tìm cách đưa ra những ngoại lệ đối với lệnh trừng phạt mà Liên hiệp quốc áp dụng với Triều Tiên trước đây.

“Trung Quốc có thể đồng tình với lệnh cấm như vậy đối với Air Koryo, bởi có vẻ như Trung Quốc và Mỹ đã đạt được sự nhất trí rằng vấn đề Triều Tiên cần phải được giải quyết theo một cách nào đó. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ liệu Nga có nhất trí trừng phạt Air Koryo hay không”, ông Sun Xingjie, giáo sư thuộc Đại học Tế Lâm, Trung Quốc nhận định.

Air Koryo hiện chỉ có các chuyến bay tới Bắc Kinh và ba thành phố khác ở Trung Quốc, và tới vùng Vladivostok của Nga. Các chuyến bay tới Bangkok, Kuala Lumpur và Kuwait đã bị dừng vào năm ngoái. Ngoài ra, hãng có một số chuyến bay nội địa nối Bình Nhưỡng với các thành phố Orang, Sondok và Samjiyon.

Hãng này có tổng cộng 15 máy bay, đều là phi cơ do Nga hoặc Ukraine sản xuất. Các máy bay này được tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng và sửa chữa ở Trung Quốc và Nga - theo đánh giá của Liên hiệp quốc.

Không rõ kết quả kinh doanh của Air Koryo thế nào, nhưng du khách nước ngoài tới Bình Nhưỡng nói rằng lĩnh vực hoạt động của hãng đang mở rộng rõ ràng.

Năm 2015, Air Koryo bắt đầu có thương hiệu taxi riêng. Những chiếc taxi màu xanh da trời của hãng đang hoạt động trên các đường phố ở Bình Nhưỡng cùng với xe của ít nhất 8 công ty taxi quốc doanh khác. Đồ uống có ga và thuốc lá của Air Koryo cũng được bán tại nhiều cửa hiệu của Bình Nhưỡng.

Theo một số nguồn tin là du khách, Air Koryo bắt đầu nhảy vào lĩnh vực đồ uống nhẹ vào năm ngoái. Ngoài ra, hãng này còn bắt đầu bán lẻ xăng vào tháng 1 năm nay, sở hữu ít nhất một trạm xăng ở Bình Nhưỡng.

Một báo cáo hồi tháng 2 của Liên hiệp quốc nói rằng không có sự ngăn cách nào giữa Air Koryo và không quân Triều Tiên. “Tài sản của hãng hàng không này được sử dụng tích cực cho các mục đích quân sự”, báo cáo viết.

“Bề ngoài thì đây có vẻ là một hãng hàng không dân sự, nhưng thực ra lại là một công ty do Chính phủ điều hành”, giáo sư Kim Yong-hyun thuộc Đại học Dongguk của Hàn Quốc nói.

Liên hiệp quốc hiện chưa trừng phạt Air Koryo, dù đã cáo buộc hãng này có liên quan tới việc buôn lậu những mặt hàng bị cấm.

Tuy nhiên, ông Kim cho rằng việc trừng phạt Air Koryo sẽ chỉ mang tính biểu tượng. “Điều đó sẽ không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Triều Tiên. Air Koryo không phải là ‘cỗ máy in ngoại tệ’ của nước này”, ông Kim nói.

Đọc tiếp »

Cựu phó chủ tịch Lotte muốn quay lại lãnh đạo công ty

Theo Nikkei, trong buổi họp báo ngày 21/4, Shin Dong Joo, cựu phó chủ tịch của Lotte Holdings tại Tokyo, cho biết ông sẽ đề xuất việc quay lại hội đồng quản trị công ty trong cuộc họp cổ đông tháng 6 tới. Shing Dong Joo là con trai cả của nhà sáng lập đế chế Lotte.

Công bố này được đưa ra trong bối cảnh em trai của ông, Shin Dong Bin, chủ tịch hiện tại của tập đoàn Lotte, bị truy tố không giam giữ với tội danh hối lộ cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và những người liên quan.

Trong cuộc họp báo trên, Dong Joo kêu gọi bầu mới 4 thành viên hội đồng quản trị của Lotte Holdings (bao gồm cả ông). Đây là lần thứ 3 ông này cố gắng tái cơ cấu bộ máy quản lý tập đoàn kể từ khi rời vị trí phó chủ tịch năm 2015. Tuy nhiên, hai đề xuất trước đó đều bị bác bỏ bởi công ty của ông, Kojyunsya, hiện là cổ đông lớn nhất của Lotte Holdings, với khoảng 28% cổ phần.

"Việc thay đổi cấu trúc hội đồng quản trị không phải điều dễ làm trong năm nay”, ông Dong Joo cho biết trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 21/4. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh mọi thứ đã thay đổi khi em trai ông bị cáo buộc với nhiều tội danh vào năm ngoái.

“Nhân viên đang rất lo lắng về tương lai của tập đoàn. Vì vậy, họ sẽ chấp nhận đề xuất của tôi”, ông nói.

Liên quan tới hoạt động của tập đoàn Lotte, ông Dong Joo cho rằng em trai ông đã đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc và gọi đây là một sai lầm. Ông nhận định tập đoàn nên mở rộng hoạt động ra nhiều khu vực khác nhau như Mỹ hay Đông Nam Á.

Cựu phó chủ tịch Lotte muốn quay lại lãnh đạo công ty 1
Ảnh: Nikkei.

Gần đây, Lotte gặp phải nhiều khó khăn vì bị tẩy chay tại Trung Quốc sau khi tập đoàn này đồng ý dành một phần đất cho Mỹ lắp đặt hệ thống tên lửa phỏng thủ - động thái bị chính quyền Bắc Kinh quyết liệt phản đối.

"Thật khó để tập trung vào quản lý tập đoàn khi chủ tịch đương nhiệm có thể phải ngồi tù”, ông Dong Joo nói.

"Từ khi em trai tôi lên làm quản lý chung cả tập đoàn, Lotte ngày càng tập trung vào tìm kiếm doanh thu ngắn hạn”, ông này nói. “Và điều đó tạo ra trường làm việc mà ở đó nhân viên bất chấp mọi thứ để đạt được mục tiêu”.

Tập đoàn Lotte được thành lập tại Nhật Bản bởi Shin Kyuk Ho, sau này mở rộng kinh doanh sang Hàn Quốc. Dong Joo, con trai cả của nhà sáng lập, phụ trách vận hành tại Nhật Bản, còn con trai thứ Dong Bin quản lý hoạt động tại Hàn Quốc.

Mô hình quản lý “đôi” này kết thúc vào tháng 1/2015 khi ông Shin Kyuk Ho loại Dong Joo khỏi ban lãnh đạo và để Dong Bin nắm quyền điều hành tuyệt đối.

Đọc tiếp »

Pháp sẽ có nguyên thủ trẻ nhất kể từ thời Napoleon?

Ứng cử viên theo đường lối trung dung Emmanuel Macron đã đạt được một bước tiến lớn trên con đường trở thành Tổng thống Pháp.

Trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày Chủ nhật, ông Macron giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu cao nhất, trở thành đối thủ của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen - người về nhì - trong vòng bỏ phiếu quyết định diễn ra vào ngày 7/5.

Mặc dù ông Macron, 39 tuổi, là một gương mặt còn khá mới mẻ trên chính trường Pháp, các cuộc thăm dò dư luận ngày Chủ nhật dự báo ông sẽ giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc đấu quyết định với bà Le Pen, 48 tuổi - hãng tin Reuters cho hay.

Kết quả vòng bầu cử ngày Chủ nhật là một thất bại lớn đối với các chính đảng trung tả và trung hữu vốn đã thống trị nền chính trị Pháp trong suốt 60 năm qua. Kết quả này cũng làm giảm nguy cơ xảy ra một cú sốc tương tự như vụ cử tri Anh bỏ phiếu chọn ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2016 và vụ ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 cùng năm.

Trong một bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Macron nói với người ủng hộ thuộc phong trào En Marche! (tạm dịch: Tiến bước!) do ông khởi xướng: “Trong vòng một năm, chúng ta đã thay đổi bộ mặt của chính trị Pháp”. Ông cũng hứa sẽ sử dụng thêm những gương mặt mới và những người có năng lực cho việc làm thay đổi hệ thống chính trị đã cũ kỹ của nước Pháp nếu trở thành Tổng thống.

Một cuộc thăm dò dư luận do công ty nghiên cứu Harris thực hiện cho thấy ông Macron sẽ thắng bà Le Pen trong “vòng chung kết” với tỷ lệ phiếu 64% và 36%. Một cuộc khảo sát khác do Ipsos/Sopra Steria thực hiện cũng cho kết quả tương tự.

Giới đầu tư toàn cầu “thở phào” sau khi có kết quả vòng 1 bầu cử Pháp, đưa tỷ giá đồng Euro có lúc tăng 2% trong phiên châu Á sáng nay, lên 1,094 USD/Euro, mức cao nhất kể từ ngày 10/11.

Trong cuộc đua sít sao vừa diễn ra, ông Macron - một người ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp, và mới chỉ thành lập đảng riêng cách đây 1 năm - giành 23,9% số phiếu. Trong khi đó, bà Le Pen - thủ lĩnh Đảng Mặt trận Dân tốc (FN) với chủ chương chống EU, chống đồng Euro và chống người nhập cư - giành 21,4% số phiếu.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, đây là kết quả được xác định sau khi 96% số phiếu được kiểm. Nếu trúng cử, ông Macron sẽ trở thành nguyên thủ trẻ nhất của Pháp kể từ thời Napoleon.

Trong một phát biểu ngầm công kích chính sách “nước Pháp trên hết” của bà Le Pen, ông Macron nói với đám đông: “Tôi muốn trở thành Tổng thống của những người yêu nước trong bối cảnh nguy cơ từ những người dân tộc chủ nghĩa”.

Nếu trở thành Tổng thống Pháp, ông Macron sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trước tiên, ông sẽ phải nỗ lực để giành đa số ghế trong Quốc hội cho chính đảng còn non trẻ của ông. Tiếp đó, ông sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ cao cho các cải cách lao động được dự báo chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối.

Bà Le Pen, người nuôi hy vọng trở thành nữ Tổng thống Pháp đầu tiên, đi theo bước chân của cha bà - người thành lập đảng FN và đã đi tới vòng 2 của cuộc bầu cử hồi năm 2002.

Các nhà lãnh đạo châu Âu thể hiện sự vui mừng trước kết quả bầu cử Pháp. Tại Berlin, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel ca ngợi chiến thắng của ông Macron, viết trên mạng xã hội Twitter: “Thật tốt khi Emmanuel Macron thành công với chính sách của ông ấy vì một EU mạnh và nền kinh tế thị trường xã hội. Chúc ông ấy những điều tốt đẹp nhất trong 2 tuần kế tiếp”.

Tại Brussels, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết ông Juncker cũng chúc ông Macron giành chiến thắng trong vòng bầu cử quyết định vào ngày 7/5.

Đọc tiếp »

Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Triều Tiên ngày 23/4 tuyên bố đã sẵn sàng tấn công hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ để thể hiện sức mạnh quân sự.

Lời cảnh báo này của Bình Nhưỡng là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ông Trump đã điều tàu Carl Vinson di chuyển về vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trong một cuộc phô trương lực lượng, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng và những lời đe dọa của Triều Tiên về tấn công Mỹ và các nước đồng minh của Washington ở khu vực châu Á.

Chính phủ Mỹ đến nay vẫn chưa công bố thông tin cụ thể về vị trí của tàu sân bay nói trên. Hôm thứ Bảy, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ nói con tàu sẽ đến nơi “trong vòng vài ngày tới”.

Trong khi đó, Triều Tiên vẫn tỏ thái độ cứng rắn. “Các lực lượng cách mạng của chúng ta đã sẵn sàng chiến đấu để nhấn nhìm một hàng không mẫu hạm được trang bị năng lực hạt nhân của Mỹ, chỉ bằng một cú tấn công duy nhất”, tờ báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên viết trong một bài bình luận.

Bài báo so sánh tàu Carl Vinson như một “con vật gớm ghiếc” và nói một cuộc tấn công nhằm vào con tàu này sẽ là “một ví dụ thực tế để chứng minh sức mạnh quân sự của chúng ta”. Bài bình luận được đăng ở trang 3, sau hai trang đầu tiên nói về chuyến thị sát một trang trại lợn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Một quan chức Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng ông Trump sẽ có cuộc điện đàm vào ngày Chủ nhật theo giờ Washington với ông Tập và ông Abe.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng gia tăng xung quanhh vấn đề Triều Tiên, Nhà Trắng dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp cấp cao với các thượng nghị sỹ Mỹ để thông báo và bàn bạc về tình hình Triều Tiên - nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay.

Theo nguồn tin, cuộc gặp này sẽ có sự tham gia của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, và tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.

Mỹ và các nước trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc, đang cảnh giác cao trước khả năng Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân tiếp theo. Khả năng này gia tăng khi Bình Nhưỡng tiến hành kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào ngày thứ Ba tuần này.

Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, tiếp tục kêu gọi các bên giảm căng thẳng. Phát biểu trong một chuyến thăm Hy Lạp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói việc phô trương lực lượng và đối đầu như vậy là đã đủ, đồng thời kêu gọi các bên bình tĩnh. “Chúng ta cần đưa ra tiếng nói hòa bình và hợp lý lẽ”, ông Vương Nghị nói.

Trong một diễn biến căng thẳng khác, Triều Tiên đã bắt giữ một người Mỹ gốc Hàn ngoài 50 tuổi, nâng số công dân Mỹ bị bắt giữ ở Bình Nhưỡng lên 3 người.

Người đàn ông có tên Tony Kim đã tới Triều Tiên từ 1 tháng trước để dạy môn kế toán tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bình Nhưỡng (PUST). Ông bị bắt tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng vào sáng thứ Bảy theo giờ địa phương khi đang chuẩn bị lên đường về nước.

Hôm thứ Sáu, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói những tuyên bố gần đây từ Triều Tiên mang đầy tính gây hấn, nhưng thực tế từ lâu cho thấy đó chỉ là những phát ngôn “rỗng tuếch” và không đáng tin. “Tất cả chúng ta đều nghe họ dọa dẫm thường xuyên. Những gì họ nói chẳng trung thực gì cả”, ông Mattis phát biểu tại một cuộc họ báo ở Tel Aviv.

Phát biểu này của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Triều Tiên có lời cảnh báo sẽ tấn bay tàu Carl Vinson.

Cũng vào hôm thứ Sáu, hai chiến hạm Samidare và Ashigara của Nhật Bản đã rời vùng biển phía Tây của nước này để gia nhập nhóm cùng tàu Carl Vinson và sẽ “tập luyện nhiều chiến thuật” cùng nhóm tàu Mỹ - Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản nói trong một tuyên bố.

Cuộc phô trương lực lượng của hải quân Nhật phản ánh mối lo ngại gia tăng về việc Triều Tiên có thể tấn công nước này bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hoặc vũ khí hóa học. Một số nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền của Nhật đã hối thúc Thủ tướng Abe nhanh chóng trang bị vũ khí có khả năng tấn công lực lượng tên lửa của Triều Tiên trong trường hợp có nguy cơ rõ ràng về một cuộc tấn công từ nước này.

Lực lượng hải quân Nhật hiện nay sở hữu chủ yếu tàu khu trục và là hải quân lớn thứ nhì châu Á, sau hải quân Trung Quốc.

Đọc tiếp »

Chuyện buồn về những cây ATM ở Triều Tiên

Không một sân bay hiện đại nào trên thế giới hiện nay lại thiếu những máy rút tiền tự động (ATM). Sân bay quốc tế ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, cũng có hai cây ATM, nhưng đều không hoạt động.

Hãng tin AP dẫn nguồn tin ngân hàng nói rằng, những cây ATM này không hoạt động là do lệnh trừng phạt mới của Trung Quốc, và không rõ đến bao giờ những chiếc máy mới hoạt động trở lại.

Ở Triều Tiên, ATM là một khái niệm còn xa lạ đến nỗi, phía trên của hai cây ATM ở sân bay Bình Nhưỡng có một màn hình phát video hướng dẫn cách sử dụng máy và cách mở tài khoản Ngôn ngữ sử dụng trong đoạn video là tiếng Triều Tiên, nhưng hai máy ATM này không nhả tiền Triều Tiên, bởi mục đích của hai máy rút tiền này chủ yếu dành cho các doanh nhân Trung Quốc và khách du lịch.

Mặc dù vậy, ATM không phải là thứ hoàn toàn mới ở Triều Tiên.

Mấy năm trước, Ngân hàng Thương mại Ryugyong đã lắp đặt một máy ATM tại một khách sạn tầm trung ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, nơi khách Trung Quốc thường ghé qua. Năm ngoái, một máy ATM cũng được lắp đặt ở sân bay Bình Nhưỡng, nhưng có vẻ chưa bao giờ hoạt động.

Ngoài ra, khách hàng đưa thẻ ATM hạng vàng hoặc bạc khi mua hàng nhập khẩu xa xỉ tại hai cửa hiệu cấp cao ở Bình Nhưỡng cũng được hưởng giảm giá.

Máy ATM được sử dụng phổ biến tới mức nào ở Triều Tiên hiện nay vẫn là một chủ đề tranh luận.

Nhân viên phòng vé ở Bình Nhưỡng nói hai máy ATM ở sân bay được lắp đặt từ mấy tháng trước nhưng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Theo nhân viên giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng nhỏ đặt tại khách sạn nơi có một máy ATM nói trên, không một máy nào trong số này hoạt động do lệnh trừng phạt mà họ nói là Trung Quốc bắt đầu áp dụng vào tháng trước.

Theo một số chuyên gia về Triều Tiên, Ngân hàng Thương mại Ryugyong không phải là một thực thể được biết đến nhiều bên ngoài Triều Tiên. Ngân hàng này là một phần trong một nhóm thực thể lớn hơn, bao gồm nhà máy kim chi Ryugyong, nhà máy sản xuất hàng gia dụng Ryugyong, và nhà máy thiết bị điện Ryugyong, cùng một trung tâm thể dục và spa ở Bình Nhưỡng.

Nếu lệnh trừng phạt là lý do thực sự khiến các máy ATM ở Triều Tiên không hoạt động, thì đó có thể là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang “siết” Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của nước này. Trung Quốc vốn là “nguồn sống” kinh tế chủ yếu của Triều Tiên và đã đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi cứng rắn hơn nữa nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng. Ngành tài chính và ngân hàng của Triều Tiên là một trong những đối tượng trừng phạt chính.

Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất về việc Trung Quốc đã có sự thay đổi chính sách ra sao đối với Triều Tiên.

Dù Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên từ tháng 2, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên trong mấy tháng gần đây. Trong quý 1/2017, giá trị thương mại Trung-Triều tăng 37% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1,2 tỷ USD. Trong đó, khoảng 720 triệu USD là xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc.

Nhưng trong bất kỳ trường hợp này, số lượng du khách Trung Quốc tới Triều Tiên để những máy ATM ở Triều Tiên phục vụ cũng có thể sớm giảm xuống.

Nhiều công ty du lịch Trung Quốc đã dừng hoặc cắt giảm số tour tới Triều Tiên do căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên và nhu cầu sụt giảm. Tháng nay, hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China cũng đã tuyên bố dừng tuyến bay Bắc Kinh-Bình Nhưỡng.

Với động thái trên của Air China, hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo trở thành hãng bay duy nhất ra vào sân bay quốc tế ở Bình Nhưỡng.

Đọc tiếp »

Trump có thể là Tổng thống Mỹ bị “ghét” nhất trong 100 ngày đầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thiết lập một mức đáy mới về tỷ lệ ủng hộ, trong bối cảnh ông chuẩn bị kết thúc thời gian 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Tuy vậy, lực lượng ủng hộ cốt lõi của Trump nhìn chung vẫn đứng về phía ông.

Một cuộc khảo sát của Washington Post/ABC được công bố kết quả ngày Chủ nhật vừa rồi cho thấy tân Tổng thống Mỹ có tỷ lệ ủng hộ trong 100 ngày đầu tiên thấp nhất so với tất cả các Tổng thống tiền nhiệm kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện vào năm 1945.

Trong số những người được hỏi, có 42% nói họ hài lòng với những gì mà Trump đã làm trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng tính đến thời điểm này. 53% nói họ không tán thành.

Một cuộc khảo sát khác của NBC công bố ngày Chủ nhật cũng cho thấy kết quả tương tự: chỉ 40% người được hỏi nó họ ủng hộ những gì Tổng thống Trump làm giảm 4 điểm phần trăm so với hồi tháng 2. Trong khi đó, tỷ lệ người phản đối Trump tăng 6 điểm phần trăm, lên mức 54%.

Trang Business Insider nói rằng, kết quả các cuộc khảo sát này tiếp tục cho thấy ông Trump không có được “tuần trăng mật” kiểu truyền thống như hầu hết các Tổng thống Mỹ khác có được sau khi họ đắc cử và tuyên thệ nhậm chức.

NBC chỉ ra rằng, trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Barack Obama nhận tỷ lệ ủng hộ 61%; Tổng thống George W. Bush được 56%; và Tổng thống Bill Clinton được 52%.

Kể từ khi Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, tỷ lệ ủng hộ của ông chủ yếu giữ xấp xỉ trên ngưỡng 40%, có lúc thậm chí tụt dưới mức này.

Trump thường bác bỏ tỷ lệ ủng hộ thấp dành cho ông, nói rằng các cuộc thăm dò dư luận là “thông tin giả mạo”. Hồi tháng 1, Trump đã “nổi đóa” khi một cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông là Tổng thống đắc cử có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử ở Mỹ.

Trong 12 cuộc thăm dò mà Real Clear Politics đã thực hiện, tỷ lệ ủng hộ trung bình của Trump là 42,2%, giảm nhẹ so với mức trung bình cách đây một tháng.

Tuy nhiên, bộ phận người Mỹ phản đối Tổng thống Trump chủ yếu là những người vốn đã có cái nhìn tiêu cực đối với ông từ trước.

Cuộc khảo sát của Washington Post/ABC cho thấy 96% cử tri bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái nói rằng họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho Trump nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm hiện nay.

Trên thực tế, các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy những cái nhìn kém tích cực về Đảng Dân chủ.

Theo cuộc khảo sát của Washington Post/ABC, 67% người Mỹ được hỏi nói Đảng Dân chủ rời xa những mối lo của người dân, so với tỷ lệ 62% đưa ra câu trả lời tương tự về Đảng Cộng hòa của Trump. Tỷ lệ này đã tăng 19 điểm phần trăm so với thời điểm cách đây 3 năm.

Đọc tiếp »

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Mỹ vụ điều tra thép giá rẻ

Việc Washington mở cuộc điều tra nhằm vào thép nhập khẩu giá rẻ, trong đó có thép từ Trung Quốc, có thể dẫn tới tranh chấp thương mại giữa Mỹ với các đối tác thương mại chính và các nước này có thể trả đũa - tờ China Daily cảnh báo ngày 24/4.

Hãng tin Reuters cho biết, đây là lời đáp trả chính thức mạnh mẽ nhất tính đến thời điểm này của Trung Quốc đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm thứ Năm tuần trước về mở một cuộc điều tra đối với thép nhập khẩu giá rẻ.

Đối tượng của cuộc điều tra này là một loạt công ty thép Trung Quốc và từ các quốc gia khác bị cho là bán phá giá thép tại thị trường Mỹ.

“Bằng cách đưa ra một cuộc điều tra phi lý đối với thép nhập khẩu dưới vỏ bọc bảo vệ an ninh quốc gia, nước Mỹ dường như đang tìm đến với chủ nghĩa đơn phương để giải quyết các vấn đề song phương và đa phương”, bài xã luận của China Daily có đoạn viết.

Theo bài báo, cuộc điều tra có thể dẫn tới những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm nhập khẩu thép, ảnh hưởng lợi ích của một số quốc gia là đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Trung Quốc.

“Nếu Mỹ thực sự áp dụng các biện pháp bảo hộ, thì các quốc gia khác cũng có thể có hành động trả đũa phù hợp đối với các công ty Mỹ có lợi thế ở những lĩnh vực như tài chính và công nghệ cao, dẫn tới một cuộc chiến thương mại ‘ăn miếng trả miếng’ không mang lại lợi ích cho ai cả”, bài báo viết.

Bài xã luận kêu gọi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sử dụng cơ chế giải quyết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết bất đồng về thép.

Giảm nhập khẩu sẽ không làm thay đổi sức cạnh tranh yếu của các nhà sản xuất thép Mỹ, không thể giúp hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ hay đưa việc làm trở lại cho người Mỹ như Tổng thống Trump mong đợi - bài báo viết.

Bài xã luận của China Daily cho thấy một sự thay đổi quan điểm đáng kể so với phát ngôn chính thức của Trung Quốc hồi tuần trước. Vào hôm thứ Sáu, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói trong cuộc họp báo hàng ngày rằng nước này cần biết chắc về hướng đi cuộc điều tra của Mỹ trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào.

Theo các chuyên gia, quyết định của ông Trump điều tra thép Trung Quốc có thể là phản ứng trước việc thép từ Trung Quốc đã chiếm tới 26% thị trường thép Mỹ.

Mỹ có gần 100 nhà máy thép sản xuất hàng triệu tấn thép mỗi năm. Nước này từ lâu đã nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước khỏi thép nhập khẩu giá rẻ, chủ yếu thông WTO, nhưng chính quyền Trump nói rằng cách này không mang lại hiệu quả.

Đọc tiếp »

Trump muốn sớm đưa người lên sao Hỏa

Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Peggy Whitson, người vừa phá kỷ lục của nước này với 534 ngày ở trong vũ trụ, đã đánh dấu cột mốc này vào ngày 24/3 bằng một cuộc nói chuyện với Tổng thống Donald Trump về đưa con người lên sao Hỏa.

Hãng tin Reuters cho biết, bà Whitson, 57 tuổi, đã có một cú nhào lộn trong môi trường không trọng lượng trong khi đang có một cuộc gọi video từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nơi bà đang giữ cương vị chỉ huy. Nhà du hành vũ trụ nữ này đã đi được một nửa quãng đường trong sứ mệnh công tác kéo dài 9 tháng rưỡi.

Cho tới khi trở về Trái Đất vào ngày 3/9, bà Whitson sẽ có tổng cộng 666 ngày trong vũ trụ. Đến nay, mới chỉ có 6 nhà du hành vũ trụ người Nga, đều là nam giới, vượt qua được mốc này.

“Bà vừa làm được một điều tuyệt diệu”, ông Trump nói từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Đây là cuộc gọi đầu tiên của ông với một nhà du hành vũ trụ đang làm việc tại ISS, trạm không gian trị giá 100 tỷ USD.

“Thật là vinh dự lớn khi tôi phá được một kỷ lục như thế này”, bà Whitson nói và mỉm cười. “Tôi vinh dự được đại diện cho tất cả mọi người tại NASA [Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ], nhưng người đã đưa chuyến du hành này trở thành hiện thực và giúp tôi thiết lập kỷ lục”.

Bà Whitson, đến từ bang Iowa, hiện cũng đang nắm giữ kỷ lục là người phụ nữ có khoảng thời gian bước đi trong không gian lâu nhất. Năm 2008, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chỉ huy trạm không gian nằm cách Trái Đất 400 km.

Trong cuộc trò chuyện với bà Whitson, ông Trump - người đề xuất gần như giữ nguyên ngân sách 19,5 tỷ USD cho NASA trong tài khóa tới - đã hỏi về kế hoạch đưa con con người lên sao Hỏa. NASA dự kiến bắt đầu làm được công việc này vào thập niên 2030.

“Ồ, chúng tôi muốn thử làm việc đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của tôi, hoặc muộn nhất là trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi. Vậy thì chúng ta sẽ phải đẩy nhanh việc đó một chút, được chứ”, Tổng thống Mỹ nói vui.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”, bà Whitson đáp.

Bà Whitson, người có bằng tiến sỹ sinh hóa, lớn lên ở nông trại và đam mê làm vườn. Bà cho biết đã trở nên hứng thú với lĩnh vực vũ trụ kể từ khi có chương trình của tàu vũ trụ Apollo đưa con người lên Mặt Trăng.

Bà gia nhập hàng ngũ các nhà du hành của Mỹ vào năm 1996 và 6 năm sau đó, bà chính thức trở thành nhà khoa học đầu tiên chuyên làm việc trên ISS. Sứ mệnh hiện nay là sứ mệnh thứ ba của bà Whitson trên ISS, bắt đầu vào ngày 17/11/2016.

Bà đã phá vỡ kỷ lục 534 ngày trên vũ trụ trước đó của nhà du hành người Mỹ Jeff Williams. Tuy nhiên, kỷ lục thế giới hiện nay vẫn thuộc về nhà du hành người Nga Gennady Padalka, người có tổng cộng 878 ngày trên quỹ đạo.

Đọc tiếp »

Kinh tế khởi sắc, Nga trở lại top 3 nước chi quân sự nhiều nhất

Nga đã trở lại nhóm 3 nước chi tiêu nhiều nhất cho lĩnh vực quân sự, trang CNN Money cho hay.

Trang này dẫn một báo cáo mới từ Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Nga đã tăng chi tiêu quân sự lên mức 69,2 tỷ USD trong năm 2016, nhiều hơn 5,9% so với năm 2015. Với mức chi như vậy, Nga chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc về chi tiêu quân sự.

Vào năm 2011, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố một kế hoạch chi hơn 20 nghìn tỷ Rúp, tương đương 360 tỷ USD, để hiện đại hóa quân đội đến năm 2025.

Tuy nhiên, kế hoạch này của người đứng đầu điện Kremlin đã gặp trở ngại khi Nga gặp khó khăn kinh tế do giá dầu giảm sâu và đối mặt với sự mất giá “kinh hoàng” của đồng Rúp vào năm 2015. Năm đó, Nga phải thắt chặt chi tiêu và tụt lại sau Saudi Arabia, xuống vị trí thứ tư thế giới về chi quân sự.

Song hiện nay, kinh tế Nga đã có nhiều dấn hiệu khởi sắc. Sau một thời gian suy thoái kéo dài, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng trở lại trong quý 4/2016.

Chính phủ Nga có vẻ như đang bù đắp lại chi tiêu quân sự cho quãng thời gian suy giảm trước đó. Năm ngoái, chi quân sự của Nga tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1991.

Nga đang có sự hiện diện lớn trong cuộc nội chiến ở Syria thông qua việc ủng hộ lực lượng của Tổng thống nước này Bashar al-Assad. Nga cũng bị cho là hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine, đồng thời bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) trừng phạt sau khi sáp nhập Crimea - bán đảo ly khai khỏi Ukraine - hồi năm 2014.

Trong bối cảnh sự trỗi dậy của Nga, các nước ở khu vực Trung Âu đã gia tăng chi tiêu quân sự, với mức tăng 2,4% trong năm 2016. “Tăng chi tiêu quân sự ở nhiều nước Trung Âu có thể một phần do quan niệm cho rằng Nga đang trở thành một nguy cơ lớn hơn”, nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman thuộc SIPRI nhận định.

Saudi Arabia đã trở lại vị trí thứ tư về chi tiêu quân sự trong năm 2016, do nước này cắt giảm chi quân sự 25,8 tỷ USD, còn 63,7 tỷ USD.

Saudi Arabia hiện đang dính líu vào cuộc nội chiến ở Yemen. Tuy nhiên, SIPRI nói rằng nhiều nước sản xuất dầu lửa, trong đó có Saudi Arabia, buộc phải giảm chi tiêu quân sự vì giá dầu sụt giảm mấy năm gần đây.

Hai nước dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự Mỹ và Nga có mức chi tương ứng trong năm 2016 là 611 tỷ USD và 215 tỷ USD. Đứng ở vị trí thứ 5, Ấn Độ chi 55,9 tỷ USD.

Đọc tiếp »

Ngành bán lẻ truyền thống Mỹ phá sản nhiều chưa từng thấy

Các hãng bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang nộp đơn xin phá sản với tốc độ kỷ lục, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.

Trong vòng hơn 3 tháng qua, đã có 14 chuỗi bán lẻ ở Mỹ tuyên bố sẽ xin bảo hộ phá sản - hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ S&P Global Market Intelligence cho biết. Con số này vượt qua số doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ phá sản trong cả năm 2016.

Một số ít những mảng bán lẻ trước đây “miễn nhiễm” trước sự nở rộ của bán lẻ trực tuyến như bán lẻ giày dép giá rẻ, cửa hiệu ngoài trời, bán lẻ hàng điện tử… giờ phải tìm cách tái cơ cấu hoạt động.

Cùng với đó, các nhà bán lẻ ở Mỹ đang cắt giảm số cửa hiệu nhiều hơn bao giờ hết nhằm thu hẹp diện tích thừa và chuyển sang đẩy mạnh bán hàng trên mạng. S&P cho rằng khó khăn về tài chính khiến các hãng bán lẻ truyền thống không thể thích nghi với áp lực ngày càng lớn từ thương mại điện tử.

Trong một cuộc họp thoại với các nhà phân tích vào tháng trước, Giám đốc điều hành (CEO) hãng bán lẻ quần áo Urban Outfitters, ông Richard Hayne, đã thừa nhận những thách thức mà ngành bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang đối mặt. Ông Hayne nói đang có quá nhiều cửa hàng bán lẻ, nhất là những cửa hàng bán quần áo.

“Điều này dẫn tới tình trạng bong bóng, và cũng giống như trên thị trường nhà đất, bong bóng này giờ đã nổ”, ông Hayne nói. “Chúng ta đang chứng kiến hậu quả: những cửa hiệu bị đóng cửa và giá thuê mặt bằng giảm xuống. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai gần và thậm chí còn tăng tốc”.

Ông Jim Elder, phụ trách dịch vụ phân tích rủi ro của S&P Global Market Intelligence, nhận định rằng kết quả kinh doanh quý 1 của ngành bán lẻ Mỹ cho thấy ngành này sẽ không sớm phục hồi.

S&P cho rằng Sears Holdings, Bon-Ton Stores, và Perfumania được dự báo sẽ là những hãng bán lẻ niêm yết trên sàn chứng khoán dễ “sập tiệm” nhất trong năm tới. Trong một tài liệu vào tháng 3 vừa qua, chính Sears đã bày tỏ “sự hoài nghi lớn” về tương lai của chính mình.

Trong một báo cáo vào cuối năm ngoái, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo về tương lai của Nine West, Claire’s Store và Gymboree.

S&P cho rằng các bách hóa tổng hợp (department store), bán lẻ hàng điện tử, và bán lẻ quần áo là những lĩnh vực bán lẻ đang đối mặt rủi ro cao nhất. Trong khi đó, bán lẻ thực phẩm và đồ trang trí nhà cửa được cho là những mảng an toàn nhất.

Đến nay, các cửa hiệu bán lẻ quần áo ở Mỹ chịu tác động đặc biệt mạnh từ sự phát triển của thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay, một loạt tên tuổi như The Limited,Wet Seal, BCBG Max Azria, và Vanity Shop of Grand Forks đã lần lượt nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nạn nhân mới nhất là Payless, chuỗi cửa hiệu xin phá sản hôm 4/4 và tuyên bố sẽ đóng cửa 400 cửa hàng.

Một chuỗi bán lẻ khác là Rue21 có thể sẽ sớm chung số phận. Nguồn tin thân cận nói rằng chuỗi cửa hiệu thời trang dành cho lứa tuổi teen này có thể phá sản trong tháng 4. Bloomberg cũng nói Gymboree, hãng bán lẻ quần áo trẻ em, đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản vào tháng 6.

Đọc tiếp »