Lập trường này của Mỹ có thể được xem như một tín hiệu cho thấy Washington sẵn sàng sử dụng tất cả các biện pháp phi quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên, cho dù Mỹ cảnh báo liên tục rằng “mọi lựa chọn đang được đem ra cân nhắc” - ám chỉ bao gồm hành động quân sự.
Hãng tin Reuters cho biết, tuyên bố được đưa ra sau một cuộc họp bất thường về vấn đề Triều Tiên được tổ chức tại Nhà Trắng với sự tham gia của toàn thể Thượng viện Mỹ.
Tuyên bố từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis, và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats miêu tả Triều Tiên là “một mối nguy an ninh quốc gia khẩn cấp và ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu”.
Giới chuyên gia nói rằng sau năm 2020 Triều Tiên có thể đạt tới khả năng chế tạo một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vươn tới đại lục Mỹ.
“Chiến lược của Tổng thống là nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế và theo đuổi các biện pháp ngoại giao cùng với các đối tác và đối tác khu vực”, tuyên bố có đoạn viết. “Nước Mỹ tìm kiếm sự ổn định và giải trừ hạt nhân một cách hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi vẫn cởi mở với việc đàm phán để đạt mục đích đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn sẵn sàng tự vệ và bảo vệ đồng minh của mình”.
Thời gian qua, chính quyền Trump vẫn nói tấn công quân sự là một trong số những lựa chọn để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh rằng siết trừng phạt vẫn là chiến lược chủ chốt, bởi nguy cơ xảy ra sự trả đũa mạnh mẽ từ Triều Tiên, mà nạn nhân đầu tiên gần như chắc chắn sẽ là Hàn Quốc và lực lượng của Mỹ đóng tại nước này.
Điều này cho thấy chính quyền Trump buộc phải tiếp tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama trong vấn đề Triều Tiên - một chiến lược đã không thể khiến Bình Nhưỡng giảm tham vọng hạt nhân và tên lửa.
Theo dự kiến, ông Tillerson sẽ chủ trì một hội nghị cấp bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm bàn về tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Theo giới chức Mỹ, siết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng có thể bao gồm cấm vận dầu lửa, cấm hãng hàng không quốc gia Triều Tiên, chặn tàu chở hàng của nước này, và trừng phạt các ngân hàng có giao dịch với Triều Tiên.
Cùng ngày 26/4, trước khi có tuyên bố từ Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân thông qua cảnh báo quân sự và trừng phạt là “một giấc mơ hoang đường” và giống như “dùng chổi quét xuống biển”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét