Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên

Trung Quốc ngày 26/4 đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do nước này tự sản xuất. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, sau một tàu sân bay khác đã qua sử dụng được mua lại của nước ngoài, theo Reuters.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng tàu sân bay vừa được hạ thủy - con tàu được thiết kế tại Trung Quốc và đóng tại thành phố cảng Đại Liên phía Đông Bắc nước này - sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2020. Từ nay đến thời điểm đó, con tàu sẽ được hoàn thiện và trang bị vũ khí.

Sự kiện này thu hút sự chú ý lớn bởi suốt mấy tháng qua, các nhà phân tích quân sự nước ngoài và truyền thông Trung Quốc đã liên tục công bố những bức ảnh, bao gồm ảnh chụp từ vệ tinh, và các bản tin về tiến trình sản xuất tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Bắc Kinh lần đầu tiên xác nhận về sự tồn tại của hàng không mẫu hạm này vào cuối năm 2015. Chương trình phát triển tàu sân bay là bí mật quốc gia của Trung Quốc.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói phần mũi tàu đã được làm xong, và các phần động cơ đẩy, hệ thống điện và các hệ thống chính khác của con tàu đã được lắp đặt. Sự kiện hạ thủy con tàu “cho thấy việc thiết kế và đóng hàng không mẫu hạm trong nước của chúng ta đã từng bước đạt được những kết quả to lớn”, Tân Hoa Xã viết.

Hình ảnh do kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát sóng cho thấy con tàu mới, với những lá cờ đỏ cắm trên boong, được tàu kéo đưa xuống nơi neo đậu. Ông Fan Changlong, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, là người chủ trì lễ hạ thủy này, Tân Hoa Xã cho hay.

Việc Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và những lo ngại xung quanh sự hung hăng của Trung Quốc trong các yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Sự kiện này cũng diễn ra sau khi Trung Quốc kỷ niệm 68 năm ngày thành lập lực lượng hải quân nước này vào Chủ nhật vừa rồi.

Chính phủ Trung Quốc cho biết thiết kế của tàu sân bay mới được dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của nước này - hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được Trung Quốc mua lại của Ukraine vào năm 1998 và mang về sửa chữa.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc chạy bằng năng lượng thông thường, có trọng lượng nước rẽ 50.000 tấn và có thể phục vụ loại chiến đấu cơ Shenyang J-15.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói nước này cần ít nhất 6 tàu sân bay, và một mạng lưới căn cứ trên khắp thế giới để hỗ trợ hoạt động của những con tàu này. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn tỏ ra ngập ngừng với những ý tưởng cho rằng nước này muốn có sự hiện diện quân sự toàn cầu để tương xứng với Mỹ - quốc gia hiện có 10 tàu sân bay.

Tàu Liêu Ninh trước đây đã từng tham gia vào các cuộc tập trận, bao gồm tập trận trên biển Đông và gần đây hơn là tập trận gần Đài Loan. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm này được cho là sẽ được sử dụng như một tàu huấn luyện thay vì có vai trò chiến đấu thực sự.

Đọc tiếp »

Lotte chuẩn bị chia nhỏ mảng kinh doanh để xử lý khủng hoảng

Theo Bloomberg, ngày 26/4, Tập đoàn Lotte công bố kế hoạch chia tách 4 mảng kinh doanh chủ chốt thành các công ty. Động thái này sẽ giúp chủ tịch tập đoàn Shin Dong Bin tăng cường quyền lực sau bê bối tranh chấp nhiều năm của gia đình và đang bị truy tố tội danh tham nhũng.

Theo kế hoạch sẽ được trình lên cổ đông vào 29/8 tới, 4 đơn vị kinh doanh đã niêm yết gồm mua sắm, bánh kẹo, thực phẩm và đồ uống của Lotte sẽ tách thành các công ty kinh doanh và công ty đầu tư. Trong đó, từ 1/10, các công ty đầu tư sẽ hợp thành một đơn vị duy nhất theo mô hình holdings. Holdings được dùng chỉ những công ty có chức năng nắm giữ cổ phần của các công ty khác chứ không trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cấu trúc công ty holding duy nhất và việc giảm cổ phần sở hữu chéo từ 67% xuống còn 18% sẽ giúp chủ tịch Shin Dong Bin, 62 tuổi, con trai thứ của nhà sáng lập Lotte, củng cố quyền lực của mình tại tập đoàn. Việc này cũng khiến anh trai ông, Shin Dong Joo, khó thuyết phục cổ đông để quay lại chiếm quyền lãnh đạo tập đoàn.

Năm 2015, Shin Dong Bin chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành quyền lực với anh trai và cha. Sau đó, cha ông lui về một vị trí danh dự trong tập đoàn còn anh trai Dong Joo bị “hất cẳng” khỏi ban lãnh đạo. Từ sau đó, Shin Dong Joo, 63 tuổi, luôn tìm cách gây khó dễ cho ban quản trị của em trai nhưng bất thành. Tuần trước, ông này cho biết sẽ đề xuất việc quay lại lãnh đạo tập đoàn.

Mối quan hệ thù địch giữ anh em họ Shin không phải là khó khăn duy nhất của Lotte. Với doanh thu gần gấp đôi Coca Cola Inc., tập đoàn Lotte đang phải hứng chịu làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc sau khi đồng ý dành một phần đất cho Mỹ xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ - động thái bị chính quyền Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Ngoài ra, chủ tịch Shin Dong Bin cũng đang bị truy tố không giam giữ vì tội danh tham nhũng.

Lotte cũng phải chịu nhiều chỉ trích từ chính phủ Hàn Quốc khi lượng cổ phần sở hữu chéo lớn cho phép các thành viên gia đình có quyền thao thúng hoạt động của các công ty con.

“Động thái này sẽ giúp xoa dịu những quan ngại về các tranh chấp của gia đình sáng lập, đồng thời củng cố quyền lực của chủ tịch đối với tập đoàn”, Park Ju Gun, chủ tịch công ty tư vấn CEOScore, nhận định trước khi kế hoạch chính thức được công bố.

Trong ngày 26/4, cổ phiếu của 4 công ty gồm Lotte Confectionery, Lotte Shopping Co., Lotte Food Co. và Lotte Chilsung Beverage Co. tạm ngừng giao dịch trước khi kế hoạch tái cấu trúc trên được công bố.

Theo Moneytoday, Shin Dong Bin dự định mua 3,27% cổ phần của Lotte Confectionery. Hiện ông nắm giữ 9,1% cổ phần của công ty sản xuất bánh kẹo, kem và rượu này, lượng cổ phần lớn nhất trong tay cổ đông cá nhân, theo số liệu từ Bloomberg.

Bất chấp những bê bối liên quan tới gia đình nhà sáng lập, cáo buộc tham nhũng và áp lực từ Trung Quốc, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tập đoàn này. Hai tuần qua, kết thúc phiên giao dịch hôm 25/4, cổ phiếu các công ty con của Lotte tăng 15%, giúp giá trị thị trường của tập đoàn này tăng thêm 1,6 tỷ USD.

Việc tái cơ cấu cũng có thể sẽ giúp mở đường cho đợt IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu) của Hotel Lotte Co. vốn bị hoãn lại khi công ty này bị điều tra tháng 6 năm ngoái. Mảng kinh doanh khách sạn Lotte dự kiến thực hiện IPO vào năm 2019, một lãnh đạo Lotte cho biết hôm 24/3.

“Bộ máy quản lý đơn giản hơn sẽ giúp Lotte thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu chính của Lotte dưới thời Shin Dong Bin”, ông Park của CEOScore nhận định.

Đọc tiếp »

Kế hoạch giảm thuế của Trump không gây ấn tượng với giới đầu tư

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 đã công bố bản kế hoạch dài 1 trang giấy đề xuất cắt giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp nước này. Nếu được thực thi, kế hoạch của Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh.

Hãng tin Reuters cho biết, sau khi được công bố, kế hoạch trên nhận được sự chào đón khá thận trọng của thị trường tài chính cũng như những người có quan điểm bảo thủ về tài khóa.

Những đề xuất giảm thuế của Trump được đánh giá là sẽ làm hài lòng những người hưởng lợi, bao gồm các công ty đa quốc gia và người đóng thuế giàu có. Tuy nhiên, kế hoạch này còn một khoảng cách lớn mới đạt tới một chương trình cải tổ thuế mà cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tìm kiếm suốt nhiều năm qua.

Đến ngày thứ Bảy tuần này, Trump sẽ khép lại “tuần trăng mật” 100 ngày cầm quyền đầu tiên, nhưng đến nay ông vẫn chưa cho thấy được những bước tiến rõ ràng trong các chính sách của mình. Kế hoạch cắt giảm thuế mà ông đưa ra phù hợp với lời hứa của ông trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống hồi năm ngoái, nhưng còn thiếu chi tiết cụ thể.

Giới đầu tư, những người đã chờ đợi một kế hoạch giảm thuế cụ thể suốt mấy tháng qua, gần như không ấn tượng với những gì được công bố. Nhiều người nói kế hoạch còn quá chung chung và sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể được thực thi. “Tôi chỉ quan tâm khi có một thứ gì đó thực sự được ký thành luật”, ông Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate.com, phát biểu.

Đảng Dân chủ cũng ngay lập tức chỉ trích kế hoạch của Trump - vị Tổng thống của Đảng Cộng hòa - là thiếu trách nhiệm về mặt tài khóa. “Kế hoạch thuế của Tổng thống Trump thiếu chi tiết và tập trung mang lại lợi ích cho các công ty lớn và các tỷ phú”, bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện phát biểu.

Trong khi đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện cùng lên tiếng ca ngợi những đề xuất của Trump, nói rằng kế hoạch sẽ được lên chi tiết cụ thể trong quá trình hình thành dự luật. “Những nguyên tắc mà chính quyền Trump vạch ra hôm nay sẽ giữ vai trò là kim chỉ nam quan trọng” khi Quốc hội và chính quyền làm việc để đưa ra những thay đổi về thuế - phe Cộng hòa nói trong một tuyên bố.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm bớt mức tăng điểm sau khi kế hoạch thuế của Trump được công bố. Chỉ số công nghiệp Dow Jones thậm chí đóng cửa phiên giao dịch với mức giảm 0,1%.

Theo kế hoạch được công bố tại Nhà Trắng bởi cố vấn kinh tế của ông Trump là ông Gary Cohn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, Trump đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 15%. Kế hoạch cũng kêu gọi sẽ giảm thuế từ mức 35% hiện nay đối với lợi nhuận mà các công ty Mỹ chuyển từ nước ngoài về nước, nhưng không nói rõ mức cắt giảm sẽ là bao nhiêu.

Theo ước tính, hiện các công ty Mỹ đang cất 2,6 nghìn tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài để tránh bị đánh thuế.

Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch của Trump là không có đề xuất đánh thuế biên giới (border tax) đối với hàng hóa nhập khẩu như ý tưởng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan.

Đối với người dân Mỹ, kế hoạch của Trump đề xuất tăng gấp đôi mức khấu trừ tiêu chuẩn đối với cá nhân đóng thuế không nêu từng khoản; đơn giản hóa hoàn thuế bằng cách giảm số rổ thuế từ 7 xuống còn 3; và giảm thuế cho những gia đình có con nhỏ và người phụ thuộc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mnuchin nói suy giảm ngân sách do giảm thuế sẽ được bù đắp thông qua xóa bỏ các lỗ hổng thuế hiện nay. Ông Mnuchin cho rằng kế hoạch của ông Trump sẽ xóa bỏ hầu hết việc khấu trừ thuế, ngoại trừ đối với các khoản từ thiện, tiết kiệm hưu trí, và tiền lãi khoản vay thế chấp nhà.

Đọc tiếp »

Tượng Pieta Việt Nam-Thông điệp xin lỗi gửi đến người dân Việt

Tượng Pieta Việt Nam đã được dựng như một lời xin lỗi cho những vụ thảm sát mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Tờ báo Hankyoreh của Hàn Quốc cho biết, cách đây 1 năm, vào ngày 27/4/2016, một mô hình bằng thạch cao của tượng Pieta Việt Nam đã được công bố tại Trung tâm Giáo dục Franciscan ở thủ đô Seoul. Một năm sau, vào ngày 26/4/2017, tượng Pieta Việt Nam bằng đồng đã chính thức được khánh thành tại Trung tâm Hòa bình St. Francis tại làng Gangjeong trên đảo Jeju, Hàn Quốc.

Lễ khánh thành bức tượng diễn ra trùng với dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là tác phẩm của hai nhà điêu khác người Hàn Quốc Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung, tượng Pieta Việt Nam là bức tượng về một phụ nữ đang ôm đứa con nhỏ, với ý nghĩa an ủi cho linh hồn những người mẹ và em bé mới chào đời đã chết trong những cuộc thảm sát của binh sỹ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam.

Trong tiếng Việt, tượng Pieta Việt Nam có tên là “Lời ru cuối cùng”. Trong tiếng Italy, “pieta” có nghĩa là nỗi buồn thương.

Bức tượng mang thông điệp xin lỗi sâu sắc gửi đến người dân Việt Nam vì những tội ác mà quân đội Hàn Quốc trước đây gây ra đối với miền Trung Việt Nam. Bức tượng cũng là một lời kêu gọi về sự cần thiết phải công khai và xác nhận sự thật về những tội ác mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Tờ Hankyoreh nói rằng có tổng cộng 320.000 binh sỹ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam trong thời gian từ 1965-1973.

Chủ trì lễ khánh thành tượng Pieta Việt Nam tại đảo Jeju là Quỹ Hòa bình Hàn-Việt. Đây là quỹ ra mắt vào tháng 4/2016 với mục tiêu hướng tới hòa bình, thúc đẩy sự hối cải của xã hội Hàn Quốc đối với những vụ thảm sát thường dân mà quân đội nước này gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Đọc tiếp »

Mỹ tuyên bố muốn siết trừng phạt để xử lý Triều Tiên

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 tuyên bố muốn buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua tăng cường lệnh trừng phạt quốc tế và áp lực ngoại giao, đồng thời vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng để đạt kết quả như vậy.

Lập trường này của Mỹ có thể được xem như một tín hiệu cho thấy Washington sẵn sàng sử dụng tất cả các biện pháp phi quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên, cho dù Mỹ cảnh báo liên tục rằng “mọi lựa chọn đang được đem ra cân nhắc” - ám chỉ bao gồm hành động quân sự.

Hãng tin Reuters cho biết, tuyên bố được đưa ra sau một cuộc họp bất thường về vấn đề Triều Tiên được tổ chức tại Nhà Trắng với sự tham gia của toàn thể Thượng viện Mỹ.

Tuyên bố từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis, và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats miêu tả Triều Tiên là “một mối nguy an ninh quốc gia khẩn cấp và ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu”.

Giới chuyên gia nói rằng sau năm 2020 Triều Tiên có thể đạt tới khả năng chế tạo một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vươn tới đại lục Mỹ.

“Chiến lược của Tổng thống là nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế và theo đuổi các biện pháp ngoại giao cùng với các đối tác và đối tác khu vực”, tuyên bố có đoạn viết. “Nước Mỹ tìm kiếm sự ổn định và giải trừ hạt nhân một cách hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi vẫn cởi mở với việc đàm phán để đạt mục đích đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn sẵn sàng tự vệ và bảo vệ đồng minh của mình”.

Thời gian qua, chính quyền Trump vẫn nói tấn công quân sự là một trong số những lựa chọn để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh rằng siết trừng phạt vẫn là chiến lược chủ chốt, bởi nguy cơ xảy ra sự trả đũa mạnh mẽ từ Triều Tiên, mà nạn nhân đầu tiên gần như chắc chắn sẽ là Hàn Quốc và lực lượng của Mỹ đóng tại nước này.

Điều này cho thấy chính quyền Trump buộc phải tiếp tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama trong vấn đề Triều Tiên - một chiến lược đã không thể khiến Bình Nhưỡng giảm tham vọng hạt nhân và tên lửa.

Theo dự kiến, ông Tillerson sẽ chủ trì một hội nghị cấp bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm bàn về tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Theo giới chức Mỹ, siết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng có thể bao gồm cấm vận dầu lửa, cấm hãng hàng không quốc gia Triều Tiên, chặn tàu chở hàng của nước này, và trừng phạt các ngân hàng có giao dịch với Triều Tiên.

Cùng ngày 26/4, trước khi có tuyên bố từ Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân thông qua cảnh báo quân sự và trừng phạt là “một giấc mơ hoang đường” và giống như “dùng chổi quét xuống biển”.

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Hãng hàng không Triều Tiên sản xuất thuốc lá, chạy taxi

Cho dù đã ra khỏi máy bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo ở sân bay Bình Nhưỡng, hành khách vẫn dễ dàng bắt gặp thương hiệu của hãng này.

Hãng tin Reuters cho biết, không chỉ là một hãng bay, Air Koryo còn sản xuất thuốc lá và đồ uống nhẹ, bên cạnh sở hữu một đội xe taxi và nhiều cây xăng.

Theo lời kể của du khách nước ngoài tới Triều Tiên, hãng hàng không nằm dưới sự kiểm soát của quân đội nước này đã mở rộng hoạt động sang các sản phẩm tiêu dùng trong những tháng gần đây.

Hiện chưa rõ việc Air Koryo đa dạng hóa hoạt động tại thị trường trong nước có liên quan đến việc hãng này mất nhiều đường bay quốc tế do Liên hiệp quốc tăng cường trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng hay không.

Giới chức Mỹ tiết lộ nước này đang cân nhắc các biện pháp cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, bao gồm cấm bay toàn cầu với Air Koryo. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào của Mỹ đối với Air Koryo cũng không thể ràng buộc các quốc gia khác phải tuân thủ.

Sự trừng phạt đó cũng gần như không có hiệu quả trừ phi có sự tham gia của Trung Quốc và Nga - hai quốc gia đều tìm cách đưa ra những ngoại lệ đối với lệnh trừng phạt mà Liên hiệp quốc áp dụng với Triều Tiên trước đây.

“Trung Quốc có thể đồng tình với lệnh cấm như vậy đối với Air Koryo, bởi có vẻ như Trung Quốc và Mỹ đã đạt được sự nhất trí rằng vấn đề Triều Tiên cần phải được giải quyết theo một cách nào đó. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ liệu Nga có nhất trí trừng phạt Air Koryo hay không”, ông Sun Xingjie, giáo sư thuộc Đại học Tế Lâm, Trung Quốc nhận định.

Air Koryo hiện chỉ có các chuyến bay tới Bắc Kinh và ba thành phố khác ở Trung Quốc, và tới vùng Vladivostok của Nga. Các chuyến bay tới Bangkok, Kuala Lumpur và Kuwait đã bị dừng vào năm ngoái. Ngoài ra, hãng có một số chuyến bay nội địa nối Bình Nhưỡng với các thành phố Orang, Sondok và Samjiyon.

Hãng này có tổng cộng 15 máy bay, đều là phi cơ do Nga hoặc Ukraine sản xuất. Các máy bay này được tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng và sửa chữa ở Trung Quốc và Nga - theo đánh giá của Liên hiệp quốc.

Không rõ kết quả kinh doanh của Air Koryo thế nào, nhưng du khách nước ngoài tới Bình Nhưỡng nói rằng lĩnh vực hoạt động của hãng đang mở rộng rõ ràng.

Năm 2015, Air Koryo bắt đầu có thương hiệu taxi riêng. Những chiếc taxi màu xanh da trời của hãng đang hoạt động trên các đường phố ở Bình Nhưỡng cùng với xe của ít nhất 8 công ty taxi quốc doanh khác. Đồ uống có ga và thuốc lá của Air Koryo cũng được bán tại nhiều cửa hiệu của Bình Nhưỡng.

Theo một số nguồn tin là du khách, Air Koryo bắt đầu nhảy vào lĩnh vực đồ uống nhẹ vào năm ngoái. Ngoài ra, hãng này còn bắt đầu bán lẻ xăng vào tháng 1 năm nay, sở hữu ít nhất một trạm xăng ở Bình Nhưỡng.

Một báo cáo hồi tháng 2 của Liên hiệp quốc nói rằng không có sự ngăn cách nào giữa Air Koryo và không quân Triều Tiên. “Tài sản của hãng hàng không này được sử dụng tích cực cho các mục đích quân sự”, báo cáo viết.

“Bề ngoài thì đây có vẻ là một hãng hàng không dân sự, nhưng thực ra lại là một công ty do Chính phủ điều hành”, giáo sư Kim Yong-hyun thuộc Đại học Dongguk của Hàn Quốc nói.

Liên hiệp quốc hiện chưa trừng phạt Air Koryo, dù đã cáo buộc hãng này có liên quan tới việc buôn lậu những mặt hàng bị cấm.

Tuy nhiên, ông Kim cho rằng việc trừng phạt Air Koryo sẽ chỉ mang tính biểu tượng. “Điều đó sẽ không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Triều Tiên. Air Koryo không phải là ‘cỗ máy in ngoại tệ’ của nước này”, ông Kim nói.

Đọc tiếp »

Cựu phó chủ tịch Lotte muốn quay lại lãnh đạo công ty

Theo Nikkei, trong buổi họp báo ngày 21/4, Shin Dong Joo, cựu phó chủ tịch của Lotte Holdings tại Tokyo, cho biết ông sẽ đề xuất việc quay lại hội đồng quản trị công ty trong cuộc họp cổ đông tháng 6 tới. Shing Dong Joo là con trai cả của nhà sáng lập đế chế Lotte.

Công bố này được đưa ra trong bối cảnh em trai của ông, Shin Dong Bin, chủ tịch hiện tại của tập đoàn Lotte, bị truy tố không giam giữ với tội danh hối lộ cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và những người liên quan.

Trong cuộc họp báo trên, Dong Joo kêu gọi bầu mới 4 thành viên hội đồng quản trị của Lotte Holdings (bao gồm cả ông). Đây là lần thứ 3 ông này cố gắng tái cơ cấu bộ máy quản lý tập đoàn kể từ khi rời vị trí phó chủ tịch năm 2015. Tuy nhiên, hai đề xuất trước đó đều bị bác bỏ bởi công ty của ông, Kojyunsya, hiện là cổ đông lớn nhất của Lotte Holdings, với khoảng 28% cổ phần.

"Việc thay đổi cấu trúc hội đồng quản trị không phải điều dễ làm trong năm nay”, ông Dong Joo cho biết trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 21/4. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh mọi thứ đã thay đổi khi em trai ông bị cáo buộc với nhiều tội danh vào năm ngoái.

“Nhân viên đang rất lo lắng về tương lai của tập đoàn. Vì vậy, họ sẽ chấp nhận đề xuất của tôi”, ông nói.

Liên quan tới hoạt động của tập đoàn Lotte, ông Dong Joo cho rằng em trai ông đã đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc và gọi đây là một sai lầm. Ông nhận định tập đoàn nên mở rộng hoạt động ra nhiều khu vực khác nhau như Mỹ hay Đông Nam Á.

Cựu phó chủ tịch Lotte muốn quay lại lãnh đạo công ty 1
Ảnh: Nikkei.

Gần đây, Lotte gặp phải nhiều khó khăn vì bị tẩy chay tại Trung Quốc sau khi tập đoàn này đồng ý dành một phần đất cho Mỹ lắp đặt hệ thống tên lửa phỏng thủ - động thái bị chính quyền Bắc Kinh quyết liệt phản đối.

"Thật khó để tập trung vào quản lý tập đoàn khi chủ tịch đương nhiệm có thể phải ngồi tù”, ông Dong Joo nói.

"Từ khi em trai tôi lên làm quản lý chung cả tập đoàn, Lotte ngày càng tập trung vào tìm kiếm doanh thu ngắn hạn”, ông này nói. “Và điều đó tạo ra trường làm việc mà ở đó nhân viên bất chấp mọi thứ để đạt được mục tiêu”.

Tập đoàn Lotte được thành lập tại Nhật Bản bởi Shin Kyuk Ho, sau này mở rộng kinh doanh sang Hàn Quốc. Dong Joo, con trai cả của nhà sáng lập, phụ trách vận hành tại Nhật Bản, còn con trai thứ Dong Bin quản lý hoạt động tại Hàn Quốc.

Mô hình quản lý “đôi” này kết thúc vào tháng 1/2015 khi ông Shin Kyuk Ho loại Dong Joo khỏi ban lãnh đạo và để Dong Bin nắm quyền điều hành tuyệt đối.

Đọc tiếp »