Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Hillary Clinton gọi Donald Trump là “kẻ thất bại đau đớn”

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton ngày 23/10 gọi đối thủ Cộng hòa Donald Trump là một “kẻ thất bại đau đớn”.

Theo hãng tin Reuters, lý do khiến bà Clinton đưa ra tuyên bố này là trong cuộc tranh luận cuối cùng vào tuần trước, ông Trump không chịu cam kết chấp nhận kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11 tới. Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói rằng phát biểu của Trump giống với những gì mà các nhà độc tài ở những quốc gia không có dân chủ có thể nói về đối thủ của họ.

“Việc ai đó nói không tôn trọng kết quả bầu cử là một mối đe dọa trực tiếp đối với nền dân chủ của chúng ta”, bà Clinton phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Charlotte, North Carolina. “Sự chuyển giao quyền lực hòa bình là một trong những điều khiến nước Mỹ chính là nước Mỹ”.

“Hãy nhìn xem, một số người là những kẻ thất bại đau đớn. Và chúng ta chỉ cần bước tiếp”, bà nói thêm.

Trước đó, cũng trong ngày Chủ nhật, bà Kellyanne Conway, một cố vấn tranh cử hàng đầu của Trump, thừa nhận rằng ông trùm địa ốc đang bị tụt lại phía sau cựu đệ nhất phu nhân trong cuộc bầu cử.

Bà Conway nói bà Clinton “có những lợi thế to lớn”, bao gồm một ngân sách tranh cử lớn cho phép bà chi nhiều triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình.

“Chúng tôi bị tụt lại”, bà Conway nói trong một chương trình của đài NBC, nhưng bà cũng nói rằng chiến dịch của Trump đang nỗ lực thu hút những ứng cử viên còn lưỡng lự trong việc ủng hộ bà Clinton.

Đối mặt với tỷ lệ ủng hộ suy giảm, thời gian qua Trump liên tục cáo cuộc bầu cử bị “thao túng” theo hướng chống lại ông. Trong cuộc tranh luận với bà Clinton ở Las Vegas hồi tuần trước, khi được hỏi liệu ông có tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử, Trump trả lời: “Tôi muốn nói rằng đến lúc đó tôi sẽ trả lời các bạn. Tôi sẽ khiến các bạn phải chờ. Được chứ?” Trump nói.

Vận động tranh cử ở North Carolina, bà Clinton kêu gọi những người ủng hộ bà đi bỏ phiếu sớm. “Từ nay đến ngày 5/11, các bạn có thể bỏ phiếu sớm tại bất kỳ điểm bỏ phiếu nào ở địa phương. Và các bạn biết đấy, điều này có ý nghĩa lớn”, bà nói.

Trong khi đó, Trump có cuộc vận động tranh cử ở Naples, Florida, kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu cho cả ông và các đảng viên Cộng hòa tranh cử nghị sỹ Quốc hội.

“Các bạn có 16 ngày để làm điều này, nhưng các bạn cần phải đi bỏ phiếu, và việc đó bao gồm cả bỏ phiếu cho các nghị sỹ Cộng hòa”, Trump nói.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Reuters/Ipsos công bố hôm thứ 6 tuần trước, bà Clinton đang dẫn trước ông Trump với 4 điểm phần trăm tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc. Một cuộc thăm dò khác của State of the Nation cho thấy bà Clinton có 95% cơ hội giành 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử Tổng thống.

Ngày 23/10, Trump nhận được sự ủng hộ đầu tiên của một tờ báo lớn dành cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống. Đó là tờ báo Las Vegas Review-Journal thuộc sở hữu của tỷ phú sòng bạc Sheldon Adelson.

Ông Adelson vốn là một nhà tài trợ “cỡ bự” của Đảng Cộng hòa, nhưng chần chừ trong việc tài trợ ngân sách tranh cử cho Trump. Trong cuộc bầu cử năm 2012, tỷ phú này từng chi 150 triệu USD để tài trợ cho ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney.

Đọc tiếp »

Mỹ muốn Philippines giải thích về tuyên bố “ly thân”

Quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ phụ trách khu vực châu Á đã đặt chân tới Philippines và sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng nước này vào ngày 24/10.

Dự kiến, trong cuộc gặp, phía Mỹ sẽ đề nghị phía Philippines làm rõ về những tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra thời gian quan về mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm.

Hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Daniel Russel - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - đang có chuyến thăm tới ba nước Đông Nam Á gồm Philippines, Thái Lan, và Campuchia. Trong đó, Philippines là trạm dừng chân đầu tiên của ông Russel trong chuyến công du này.

Chuyến thăm Manila của nhà ngoại giao cấp cao Mỹ diễn ra trong bối cảnh có nhiều vấn đề “khó hiểu” đang bủa vây mối quan hệ Mỹ-Philippines.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước, Tổng thống Philppines Duterte liên tục tuyên bố “tạm biệt” và “ly thân” với Mỹ, và thay vào đó sẽ liên kết với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, khi về nước vào hôm thứ Bảy, ông Duterte lại nói Mỹ vẫn là “người bạn gần gũi nhất” của Philippines.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Duterte có những phát ngôn “tiền hậu bất nhất” về mối quan hệ với Mỹ. Ông từng “nguyền rủa” và lăng mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng sau đó lại tuyên bố rằng đó chỉ là “nói đùa”.

Theo dự kiến, ông Russel sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Perfecto Yasy. Một quan chức ngoại giao Philippines tiết lộ rằng ông Russel và ông Yasay sẽ thảo luận về mối quan hệ song phương giữa hai đồng minh sau tuyên bố “ly thân” Mỹ mà ông Duterte đưa ra tuần trước.

“Phía Mỹ muốn một sự giải thích rõ ràng từ Philippines và muốn biết mối quan hệ liên minh giữa hai nước sẽ đi theo chiều hướng nào”, nhà ngoại giao đề nghị giấu tên nói.

“Tôi cho rằng Mỹ đang bối rối. Họ đang nhận được những tín hiệu trái chiều từ Manila”, nhà ngoại giao này đánh giá.

Những phát ngôn gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Philippines đang phủ bóng lên chiến lược xoay trục về phía châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama - chiến lược nhằm đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc ông Duterte đưa ra những phát biểu bài xích Mỹ được cho là xuất phát từ việc Washington lên án chiến dịch chống ma túy đẫm máu do Duterte khởi xướng sau khi lên cầm quyền. Đến nay, chiến dịch này đã khiến hơn 3.000 nghi phạm thiệt mạng.

Nhận thức rõ về tính khí thất thường của Duterte, chính quyền Obama đến nay đã cố gắng tránh khiến nhà lãnh đạo Philippines cảm thấy bị kích động ngay cả khi Washington chỉ trích chiến dịch chống ma túy của Philippines - giới chức Mỹ cho hay.

Theo Reuters, một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết nội bộ Chính phủ Mỹ đã có nhiều cuộc bàn bạc trong những tháng gần đây quanh việc nên chỉ trích vấn đề nhân quyền của Philippines đến mức độ nào.

Đọc tiếp »

Giới nhà giàu đang đổ tiền vào xe sang

Tầng lớp siêu giàu trên thế giới đang mạnh tay chi tiền cho các loại ôtô hạng sang, trang CNN Money dẫn một báo cáo mới từ hãng tư vấn Bain & Co. cho biết.

Theo báo cáo này, doanh thu thị trường xe sang toàn cầu có thể tăng 8% trong năm nay, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Mức tăng trưởng doanh thu này của thị trường xe cao cấp vượt mức tăng trưởng doanh thu dự báo của nhiều mặt hàng và dịch vụ xa xỉ khác như tác phẩm nghệ thuật, ẩm thực và khách sạn cao cấp, rượu vang…

Bain dự báo tổng doanh thu thị trường hàng xa xỉ toàn cầu sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD trong năm nay, tăng 4% so với năm ngoái. Trong đó 40% là số tiền mà giới nhà giàu dành cho xe sang.

Phần lớn số tiền mà giới nhà giàu đổ vào thị trường xe sang sẽ chảy vào các thương hiệu như Mercedes, BMW, và Audi.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn nhất, trên 20% mỗi năm, đang thuộc về những thương hiệu xe ở phân khúc cao nhất như Rolls Royce, Ferrari, và Lamborghini.

Theo bà D’Arpizio, một chuyên gia về lĩnh vực này, “đây là một phân khúc nhỏ, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng nhất”,

Chuyên gia này cũng cho biết, thị trường xe sang có tốc độ tăng trưởng “chóng mặt” nhất ở các nước vùng Vịnh, Nga, Indonesia, và Trung Quốc.

Các tỷ phú, triệu phú vùng Vịnh không chỉ mua xe sang tại thị trường trong nước, họ còn mua xe sang ở nước ngoài để sử dụng cùng với ngôi nhà mà họ tậu ở quốc gia đó.

Trong một năm rưỡi qua, nền kinh tế Nga chìm sâu trong suy thoái, nhưng giới siêu giàu nước này vẫn sắm siêu xe như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Đồng Rúp mất giá khiến hàng hóa ở Nga trở nên tương đối rẻ đối với những người Nga nắm giữ tài sản dưới dạng USD hoặc các ngoại tệ khác. Ngoài ra, đối với giới nhà giàu Nga, việc sở hữu xe sang cũng là một cách để cất giữ và bảo tồn giá trị tài sản trong bối cảnh đồng Rúp mất giá.

Trong khi xe sang bán chạy, doanh thu thị trường máy bay tư nhân toàn cầu giảm xuống.

Báo cáo của Bain dự báo doanh thu thị trường máy bay phản lực tư nhân sẽ giảm 5% trong năm nay, còn 19,6 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường du thuyền được dự báo sẽ có doanh thu đi ngang.

Đọc tiếp »

Hãng vận tải biển Hanjin ngừng hoạt động ở châu Âu

Hanjin Shipping, hãng vận tải container đường biển lớn nhất Hàn Quốc, tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ hoạt động tại trường châu Âu do đơn hàng sụt giảm chóng mặt. Sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 8, Hanjin đã rao bán mảng kinh doanh vận tải giữa châu Á và Mỹ.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời một phát ngôn viên Hanjin ngày 24/10 cho biết hãng này sẽ đóng cửa tất cả 10 chi nhánh ở châu Âu, bao gồm trụ sở khu vực đặt tại Đức. Các thủ tục đóng cửa dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới sau khi Hanjin nhận được sự cho phép từ Tòa án quận trung tâm Seoul.

Việc đóng cửa hoạt động tại châu Âu là một phần trong quy trình chia tách Hanjin được Tòa án quận trung tâm Seoul thực thi. Trước đó, tòa án này từng tuyên bố xem xét bán lại toàn bộ Hanjin.

Hiện Hanjin cũng đang tìm khách mua lại mảng kinh doanh vận tải giữa Mỹ và châu Á, cũng như cổ phần của hãng trong một kho cảng ở Long Beach, California.

Việc Hanjin rút khỏi thị trường châu Âu có thể làm lợi cho các đối thủ lớn hơn như Maersk hay CMA CGM, bởi mức độ cạnh tranh sẽ giảm xuống tại một trong những tuyến vận tải biển lớn nhất thế giới.

Trong phiên giao dịch sáng 24/10 tại thị trường Seoul, giá cổ phiếu Hanjin có thời điểm giảm 14% sau khi thông tin về việc hãng sắp dừng hoạt động tại châu Âu được công bố.

Theo dữ liệu của Hanjin, hãng này chiếm thị phần khoảng 4,3 % trên tuyến Á-Âu trong năm 2015.

Tòa án quận trung tâm Seoul đã nhận được một số lời chào mua đối với mảng Á-Mỹ của Hanjin. Theo dự kiến, thỏa thuận bán lại mảng này sẽ được chốt vào cuối tháng 11.

Hanjin phá sản sau một thời gian liên tục thua lỗ trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm sút và tình trạng dư thừa công suất trong ngành vận tải biển thế giới đẩy giá cước xuống thấp. Tháng 8 vừa qua, các chủ nợ của Hanjin đã cắt cung cấp tài chính cho hãng, khiến nhiều tàu của Hanjin bị mắc kẹt ngoài khơi cùng với hàng hóa.

Theo sự tư vấn của tòa án, Hanjin đã trả lại những con tàu mà hãng đi thuê ngay sau khi hàng hóa được xếp dỡ khỏi tàu.

Trong số 97 tàu container mà Hanjin vận hành, tính đến ngày 20/10 đã có 79 tàu được dỡ hàng - hãng cho biết.

Đọc tiếp »

Mỹ hứa tiếp tục là đồng minh của Philippines

Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ phụ trách khu vực châu Á ngày 24/10 đã trấn an Philippines rằng Washington vẫn là đồng minh đáng tin cậy, và ủng hộ mối quan hệ nảy nở của Manila với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo tin từ Reuters, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, cũng cảnh báo rằng mối quan ngại gia tăng về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của Philippines là “không có lợi cho hoạt động kinh doanh”.

Ông Russel là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ tới thăm Manila sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tuần trước đưa ra tuyên bố gây sốc rằng Manila “ly thân” với Washington và thay vào đó liên kết với Bắc Kinh.

Giải thích về tuyên bố của ông Duterte nói “tạm biệt nước Mỹ”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm thứ Bảy vừa rồi nói Mỹ vẫn là “người bạn thân thiết nhất” của Philippines, nhưng Manila muốn thoát khổi “suy nghĩ phụ thuộc và lệ thuộc” vào Mỹ và thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia khác.

Phát biểu trước báo giới ngày 24/10 sau cuộc gặp với ông Yasay, ông Russel nói rằng ông Duterte “đã rút lại” những tuyên bố về việc chia tách với Mỹ.

Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nói Washington ủng hộ đối thoại và đàm phán trực tiếp giữa Philippines và Trung Quốc. “Bởi vậy, sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng mối quan hệ được cải thiện giữa Manila và Bắc Kinh khiến Mỹ gánh chịu thiệt hại”, ông Russel phát biểu.

“Chúng tôi không muốn các quốc gia phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Russel nói.

Mặc dù vậy, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines, ông Russel đã bày tỏ lo ngại về “sự tiếp diễn của những tuyên bố và phát biểu gây tranh cãi, cùng môi trường bất ổn xung quanh những dự định của Philippines đã tạo ra sự sửng sốt đối với một số quốc gia”.

“Đây không phải là một xu hướng tích cực”, nhà ngoại giao Mỹ phát biểu.

Tổng thống Duterte đã tỏ rõ thái độ bực dọc trước sự chỉ trích của Mỹ nhằm vào chiến dịch chống ma túy khiến hàng nghìn người thiệt mạng mà ông khởi xướng.

Ông Russel nói Mỹ ủng hộ chiến dịch chống ma túy của Philippines, nhưng quy trình pháp lý và nhân quyền cần được tôn trọng.

“Những bất ổn gia tăng xung quanh vấn đề này và các vấn đề khác là không có lợi cho hoạt động kinh doanh”, ông Russel cảnh báo. “Đây là một khu vực có mức độ cạnh tranh rất cao”.

Đọc tiếp »

Duterte “dịu giọng” với Mỹ trước khi thăm Nhật

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã “làm mềm” tuyên bố trước đó của ông về việc “ly thân” với đồng minh lâu năm Mỹ. Động thái này được đưa ra trước khi ông Duterte có chuyến thăm chính thức Nhật Bản - quốc gia đang lo ngại trước việc Manila xoay trục khỏi Mỹ và hướng về phía Trung Quốc.

“Các liên minh vẫn tồn tại”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Duterte phát biểu tại Manila ngày 24/10. “Không nên lo lắng về sự thay đổi của các mối quan hệ liên minh. Tôi không cần có liên minh với các quốc gia khác”.

Giới phân tích cho rằng phát biểu này của nhà lãnh đạo Philippines sẽ nhận được sự hoan nghênh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người muốn duy trì mối quan hệ bền chặt với Philippines. Chuyến thăm Nhật của ông Duterte bắt đầu từ ngày thứ Ba (25/10).

Tuần trước, Duterte đã gây sốc khi tuyên bố trong chuyến thăm Trung Quốc rằng đã đến lúc Philippines cần “tạm biệt” Mỹ và liên kết với Trung Quốc. Đây là một trong những phát ngôn bài xích Mỹ mới nhất và nặng nề nhất mà Duterte nhằm vào Mỹ.

Với phong cách phát biểu tiền hậu bất nhất thường thấy, Duterte và các trợ lý của ông sau đó lại ra sức “chữa cháy”, rằng ông không có ý nói sẽ cắt quan hệ với Mỹ.

Theo tờ Nikkei, trao đổi với các nhà báo Nhật, Tổng thống Philippines nói những tuyên bố về chia tách với Mỹ mà ông đưa ra thời gian qua chỉ là sự bày tỏ ý kiến cá nhân thay vì đại diện cho Chính phủ Philippines. Duterte cũng nói ông chỉ có kế hoạch mở một “liên minh thương mại” với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo báo Yumiuri, Duterte nhắc lại rằng ông muốn tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines, đồng thời chấm dứt một hiệp ước hợp tác quân sự song phương. Hiệp ước này vốn được xem có ý nghĩa sống còn đối với chiến lược xoay trục của Mỹ về phía châu Á trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên nhanh chóng.

Mấy năm gần đây, Thủ tướng Abe nỗ lực tăng cường quan hệ với Philippines và các nước Đông Nam Á khác nhằm tạo đối trọng với Bắc Kinh.

“Thật là không may và chúng tôi lo ngại. Nhưng điều đó sẽ không thay đổi cam kết của Nhật Bản đối với Philippines”, giáo sư Narushige Michishita thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản nói về những phát biểu của Duterte.

Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, vào hôm Chủ nhật vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có một cuộc trao đổi với người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay. Sau cuộc trao đổi, ông Kerry tin tưởng rằng hai nước có thể vượt qua được giai đoạn bấp bênh trong quan hệ hiện nay.

Lý do khiến Duterte “nổi đóa” với Mỹ thời gian qua nằm ở việc Mỹ bày tỏ lo ngại về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của Philippines. Được khởi động sau khi Duterte lên cầm quyền, chiến dịch này đã khiến hàng nghìn con nghiện và người buôn ma túy thiệt mạng, trong đó có nhiều trường hợp bị cảnh sát tiêu diệt không thông qua quy trình xét xử.

Giới chức Nhật Bản nói rằng Thủ tướng Abe sẽ không ra sức hòa giải giữa Manila và Washington, nhưng có thể sẽ giải thích cho ông Duterte về tầm quan trọng của Mỹ trong khu vực.

“Tôi tin rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines là rất quan trọng và việc nỗ lực ổn định các mối quan hệ song phương sẽ trực tiếp đem tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới”, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các nhà báo.

Ông Kishida, người sẽ dùng bữa tối với ông Duterte vào ngày 25/10, cũng cho biết ông muốn lắng nghe thật kỹ quan điểm của nhà lãnh đạo Philippines.

Người tiền nhiệm của ông Duterte, cựu Tổng thống Benigno Aquino, là người đã đâm đơn kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài ở The Hague, Hà Lan, thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông.

Tháng 7 vừa qua, tòa trọng tài đã ra phán quyết về vụ kiện này, theo đó bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cương quyết phủ nhận phán quyết của tòa, đồng thời liên tục cảnh báo Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài tranh chấp.

Ông Duterte nói trong chuyến thăm Nhật lần này của ông, hai bên sẽ không thảo luận về phán quyết vụ kiện biển Đông, nhưng sẽ đến một lúc nào đó bàn về vấn đề này - theo Nikkei.

Đọc tiếp »

Kinh tế gặp khó, Nhật tính mở casino

Nhật Bản rốt cục có thể sẽ thông qua một dự luật bị “treo” bấy lâu nhằm hợp pháp hóa hoạt động sòng bạc (casino). Việc mở cửa cho sòng bạc được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tình trạng trì trệ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Hãng tin CNBC cho biết, hiện tại, casino không được phép hoạt động ở Nhật Bản, nhưng văn hóa cá cược rất phổ biến ở đất nước mặt trời mọc. Văn hóa này được thể hiện rõ qua những quán chơi bạc bằng máy (pachinko) nhan nhản trên các đường phố Nhật.

Giờ đây, sau nhiều năm bị trì hoãn, dự luật hợp pháp hóa các khu nghỉ dưỡng kết hợp sòng bạc tại Nhật đang đứng trước cơ hội được Quốc hội nước này thông qua vào cuối năm nay.

“Lần này, 100% là dự luật có thể sẽ được thông qua”, ông Kotaro Tamura, một thành viên của Viện Milken, nhận định.

Vốn liếng chính trị gia tăng của Chính phủ Nhật và mục tiêu thu hút một lượng lớn hơn du khách nước ngoài là hai nhân tố chính gia tăng khả năng dự luật casino được Quốc hội nước này phê chuẩn.

Khi Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành cuộc cải tổ nhân sự trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hồi tháng 8, ba nhân vật ủng hộ hoạt động sòng bạc đã được bổ nhiệm vào các vị trí cao nhất. Trong đó, ông Toshiro Nikai giữ chức Tổng thư ký, ông Hiroyuki Hosoda là Chủ tịch Đại hội đồng, và Toshimitsu Motegi là người phụ trách chính sách.

Theo một số nguồn tin, vào hôm thứ Năm tuần trước, ba nhân vật trên đã có một cuộc họp nhằm khẳng định quyết tâm đưa dự luật casino được thông qua tại kỳ họp Quốc hội Nhật lần này - kỳ họp dự kiến kết thúc vào ngày 30/11.

Dự luật sòng bạc của Nhật được trình Quốc hội lần đầu vào năm 2013, nhưng bị hủy sau một vụ bê bối chính trị buộc Hạ viện Nhật phải giải tán. Năm ngoái, dự luật này được trình lại, nhưng không được thông qua do sự phản đối của phe đối lập và dư luận.

Nhiều người Nhật lo ngại rằng việc xuất hiện các casino sẽ dẫn tới tình trạng nghiện cờ bạc gia tăng. Một nghiên cứu hồi năm 2014 của Chính phủ Nhật cho thấy có khoảng 5% dân số trưởng thành của Nhật, tức khoảng 5 triệu người, có thói quen bài bạc. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình 1% tại các nền kinh tế phát triển khác.

Thủ tướng Abe công khai ủng hộ ý tưởng về các tổ hợp nghỉ dưỡng-casino. Năm 2014, ông gọi những dự án như vậy là “một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng kinh tế Nhật Bản”. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông thiếu vốn liếng chính trị để thúc đẩy dự luận casino.

Hiện nay, LDP chiếm đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện. Bởi vậy, gần như chắc chắn dự luật casino sẽ được thông qua nếu được đem ra bỏ phiếu.

Giới phân tích cũng nhấn mạnh rằng hiện nay là thời điểm hợp lý để đem dự luật sòng bạc của Nhật ra xem xét, bởi mức độ bận rộn của Thủ tướng Abe đã giảm xuống sau khi dự luật an ninh gây tranh cãi đã được thông qua và cuộc bầu cử Quốc hội Nhật đã tiến hành xong trong năm nay.

Việc hợp pháp hóa hoạt động sòng bạc có thể đem lại lợi ích kinh tế lớn cho Nhật. Các tổ hợp nghỉ dưỡng-casino có thể bơm 40 tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế Nhật vốn đang chịu sức ép bởi tiêu dùng và đầu tư đi xuống. Không chỉ tạo nguồn việc làm và thu ngân sách mới, các sòng bạc hợp pháp còn có thể giúp Nhật đạt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm vào năm 2020.

Nếu dự luật casino của Nhật được Quốc hội nước này phê chuẩn, có thể nói Nhật đang đi theo con đường của Singapore. Hai tổ hợp nghỉ dưỡng-sòng bạc mới mở đã đưa đảo quốc sư tử lên bản đồ ngành sòng bạc thế giới.

Trước đây, Singapore cũng đối mặt với mối lo tương tự như ở Nhật Bản hiện nay về nguy cơ tệ nạn bài bạc. Tuy nhiên, Chính phủ nước này đã giải quyết bằng cách áp phí vào cửa đối với khách trong nước để ngăn những người thu nhập thấp đánh bạc.

Đọc tiếp »

Giá vàng cao nhất 3 tuần, giá USD ngân hàng vượt “chợ đen”

Hưởng ứng xu hướng tăng mấy phiên trở lại đây của giá vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước vượt ngưỡng 35,7 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do chững, trong khi giá USD ngân hàng lại tăng vượt giá “chợ đen”.

Lúc gần 10h trưa nay (26/10), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 35,68 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,74 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch này ngày hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 40.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 35,55 triệu đồng/lượng và 35,78 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Biểu đồ giá vàng của DOJI cho thấy giá vàng SJC tại doanh nghiệp này đang ở mức cao nhất kể từ ngày 4/10. Từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã tăng được khoảng 100.000 đồng/lượng, sau khi gần như đi ngang trong cả tuần trước.

Mức tăng này chưa đủ lớn để tạo ra sự thay đổi đáng kể về tương quan cung-cầu trên thị trường, nên đa số các doanh nghiệp kim hoàn vẫn giữ chênh lệch giá mua-bán vàng ở mức thấp để khuyến khích giao dịch.

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp vàng lớn như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… đưa ra mức chênh phổ biến giá mua-bán vàng miếng SJC khoảng 60.000-70.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang đứng cao hơn khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/lượng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 8,7 USD/oz, đạt mức 1.274,1 USD/oz. Trong phiên châu Á, vào lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng tăng thêm 2,2 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, lên 1.276,3 USD/oz.

Đây cũng là mức giá cao nhất của vàng thế giới trong vòng hơn 3 tuần trở lại đây. Tờ Wall Street Journal cho biết nhiều nhà đầu tư đang quay trở lại mua vàng sau mấy tuần giá kim loại quý này liên tục đi xuống.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12 được dự báo sẽ là những nhân tố khiến giá vàng quốc tế khó bứt phá.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.335 đồng (mua vào) và 22.350 đồng (bán ra), không thay đổi so với đầu tuần. Trong tuần trước, có lúc giá USD tự do lên 22.380 đồng ở chiều bán ra.

Sau một thời gian đứng thấp hơn giá USD tự do, giá USD ngân hàng mấy ngày trở lại đây đã tăng vượt giá USD tự do ở chiều bán ra.

Vietcombank sáng nay báo giá ngoại tệ này ở mức 22.300 đồng và 22.370 đồng, tương ứng giá mua và bán, tăng 35 đồng mỗi USD so với cách đây 1 tuần.

Đọc tiếp »

Donald Trump vẫn tin sẽ thắng cuộc đua vào Nhà Trắng

“Người dân đang rất bất bình với sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ… Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ thắng trong cuộc bầu cử này”, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 25/10.

Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11 sẽ tìm ra vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Người đắc cử sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

Trong bối cảnh đối mặt với hàng loạt cáo buộc về ve vãn phụ nữ và tỷ lệ ủng hộ suy giảm trong các cuộc thăm dò dư luận, Trump vẫn giữ quan điểm cho rằng các cuộc thăm dò dư luận đang bị thao túng và giới truyền thông cố tình “thiên vị” cựu đệ nhất phu nhân.

Đáng chú ý, trả lời phỏng vấn Reuters, Donald Trump tuyên bố rằng chính sách đối ngoại về Syria của bà Hillary Clinton - ứng cử viên của Đảng Dân chủ - có thể gây ra “chiến tranh thế giới thứ ba”.

Ông nói, Mỹ nên tập trung vào việc tiêu diệt tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thay vì thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.

Chính sách mà bà Clinton đưa ra trong quá trình tranh cử vào Nhà Trắng có đề xuất lập một vùng cấm bay ở Syria. Một số ý kiến cho rằng điều này có thể dẫn tới xung đột với máy bay quân sự Nga hoạt động ở Syria.

Chỉ trích về kế hoạch này của bà Clinton, Trump nói: “Rốt cục sẽ có chiến tranh thế giới thứ ba vì Syria nếu chúng ta nghe theo Hillary Clinton”, tỷ phú địa ốc nói. “Chúng ta sẽ không chỉ chống lại Syria, mà sẽ là chống lại cả Syria, Nga và Iran”.

Trump cảnh báo rằng Nga là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh về sự đối lập của Nga với các cường quốc phương Tây. Cựu ngôi sao truyền hình thực tế cũng nói bà Clinton sẽ không thể đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin bởi bà đã dành cho ông chủ điện Kremlin sự chỉ trích nặng nề.

“Làm sao bà ta có thể quay lại và đàm phán với ông ấy [Putin], người mà bà ta đã coi như quỷ dữ”, Trump nói.

Chiến dịch của bà Clinton ngay lập tức cáo buộc Trump đang “đánh vào những nỗi sợ của người Mỹ”, đồng thời nói các chuyên gia an ninh quốc gia của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tin Trump không đủ phẩm chất để trở thành vị tổng tư lệnh của nước Mỹ.

“Một lần nữa, ông ta lại hùa theo quan điểm của Putin và đánh vào những nỗi sợ của người Mỹ, trong khi không chịu đưa ra bất kỳ một kế hoạch nào để đánh IS hay giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria”, phát ngôn viên Jesse Lehrich của bà Clinton nói trong một tuyên bố.

Tuy vậy, cảnh báo mà Trump đưa ra về một cuộc đối đầu với Nga ở Syria cũng tương tự như quan điểm mà một sỹ quan quân sự hàng cao nhất của Mỹ đưa ra trong một buổi điều trần trước Quốc hội nước này hồi tháng trước.

Theo hãng tin BBC, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford, nói với các nghị sỹ rằng lập một vùng cấm bay ở Syria có thể châm ngòi cho chiến tranh với Nga.

“Ở thời điểm hiện nay, để chúng ta kiểm soát toàn bộ không phận Syria, thì điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiến hành chiến tranh với Syria và Nga”, ông Dunford nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. “Đó là một quyết định mà chắc chắn tôi sẽ không đưa ra”.

Đọc tiếp »

Ngành đóng tàu Hàn Quốc chìm trong khủng hoảng

Ngành đóng tàu Hàn Quốc, quê hương của ba hãng đóng tàu lớn nhất thế giới, đã cắt giảm hơn 20.000 nhân công trong năm nay. Thua lỗ, nợ nần, sa thải hàng loạt… là những từ dùng để miêu tả về ngành đóng tàu Hàn Quốc hiện nay.

Hãng tin Bloomberg cho biết, Hyundai Heavy Industries Co., Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. và Samsung Heavy Industries Co. là ba hãng đóng tàu lớn nhất thế giới của Hàn Quốc.

Ba hãng này cùng với các hãng đóng tàu khác của Hàn Quốc đã mạnh tay sa thải nhân sự từ đầu năm đến nay, và dự kiến, tổng số nhân công bị đuổi việc có thể lên tới 40.000 người trong cả năm.

Theo Hiệp hội Đóng tàu Hàn Quốc, ngành đóng tàu nước này sử dụng 163.000 lao động vào thời điểm cuối tháng 6 năm nay, giảm từ mức 183.000 lao động vào cuối tháng 12 năm ngoái.

“Tam đại gia” đóng tàu nói trên đã thua lỗ tổng cộng 6,6 nghìn tỷ Won, tương đương 5,8 tỷ USD, trong 6 quý vừa qua do nhiều đơn hàng bị trì hoãn và nhu cầu sụt giảm đối với tàu mới và các hệ thống vận chuyển dầu dùng cho việc khai thác dầu thô ở khu vực nước sâu.

Từng là ngành xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, ngành đóng tàu hiện nay đang liên tục tụt hạng trong top 10 ngành xuất khẩu lớn nhất của nước này.

“Nếu mọi thứ không khởi sắc vào năm tới, chúng tôi có thể sẽ rơi vào một giai đoạn khó khăn kéo dài”, nhà nghiên cứu Hong Sung-in thuộc Viện Thương mại và Kinh tế công nghiệp Hàn Quốc nhận định.

Tương tự tình cảnh bi đát của các hãng đóng tàu Hàn Quốc, các công ty đóng giàn khoan dầu như Keppel và Sembcorp của Singapore cũng đã sa thải hàng nghìn công nhân trong 2 năm qua do cầu giảm sút đối với các thiết bị khoan tìm và vận chuyển dầu thô. Tuần trước, Keppel tuyên bố sa thải 8.000 công nhân và Sembcorp cũng đuổi việc một số lượng công nhân tương tự.

Các công ty dầu khí đã cắt giảm hơn 350.000 công việc kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào năm 2014. Các nhà khoan tìm dầu cũng giảm hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư nhằm thích nghi với điều kiện mới.

Hyundai Heavy là hãng duy nhất trong “tam đại gia” đóng tàu Hàn Quốc làm ăn có lãi trong nửa đầu năm nay. Tuy vậy, hãng vẫn phải sa thải 1.500 công nhân trong 6 tháng.

Samsung Heavy cũng đã cắt giảm 1.500 công nhân và đang lên kế hoạch bán cổ phiếu để huy động vốn. Chương trình tái cơ cấu của hãng này đặt mục tiêu giảm 40% nhân sự trong thời gian từ nay đến năm 2018.

Daewoo Shipbuilding, công ty gánh thua lỗ kỷ lục trong năm 2015, có kế hoạch cắt giảm 3.000 nhân công. Giá cổ phiếu của hãng này đã giảm 12% từ đầu năm cho tới khi bị ngừng giao dịch vào tháng 7.

Kinh tế toàn cầu giảm tốc kéo theo hoạt động thương mại và giá dầu đi xuống đang gây ra những ảnh hưởng không hề nhỏ đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Hãng vận tải biển lớn nhất nước này Hanjin mới đây đã lâm cảnh phá sản.

Quý 3 vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 3,3% đạt được trong quý 2, đồng thời là mức tăng chậm nhất kể từ quý 2/2015.

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Donald Trump bị tố “né” thuế suốt 18 năm

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump vừa bị tờ New York Times tố “né” thuế trong suốt 18 năm. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng Trump sẽ không vì cáo buộc này mà cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào mới từ hồ sơ thuế của ông.

Hôm thứ Bảy vừa rồi, New York Times cho biết Trump báo lỗ 916 triệu USD trong bản khai hoàn thuế năm 1995. Với khoản lỗ như vậy, Trump có thể được giảm một số tiền thuế không hề nhỏ trong khoảng thời gian lên tới 18 năm.

Bài báo trên được kỳ vọng sẽ gia tăng áp lực buộc Trump phải công bố hồ sơ thuế của ông như nhiều ứng cử viên Tổng thống Mỹ khác đã làm trước đây. Đến nay, Trump vẫn nói rằng ông sẽ không công bố hồ sơ thuế chừng nào Thuế vụ Mỹ (IRS) chưa hoàn tất việc kiểm toán hồ sơ này.

Ngày Chủ nhật, những người ủng hộ Trump đã lên tiếng “phản pháo” bài báo của New York Times. Họ gọi “ông trùm” bất động sản đến từ New York là một “thiên tài”, xem ông là một người có khả năng xoay chuyển tình thế và mang lại những điều tốt đẹp cho nước Mỹ.

“Ông ấy là một thiên tài có khả năng tận dụng những phương thuốc pháp lý giúp đất nước của chúng ta vượt khó và phát triển”, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, một cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Trump, nói với kênh ABC News. Tiếp đó, trong một cuộc trao đổi với đài NBC, ông Guiliani nói “những con người tuyệt vời thường từng vấp thất bại lớn”.

Trên kênh Fox News, thống đốc bang New Jersey Chris Christie, một cố vấn khác của Trump, nói: “Câu chuyện này cho thấy luật thuế hiện nay thực sự là một đống lộn xộn. Không ai khác có thể cho thấy sự tài tình đến vậy trong việc lách luật thuế”.

Trên tài khoản cá nhân mạng xã hội Twitter, Trump bày tỏ quan điểm tương tự: “Tôi hiểu biết về hệ thống luật thuế phức tạp của chúng ta tốt hơn bất kỳ người nào từng tranh cử Tổng thống, và tôi là người duy nhất có thể sửa chữa hệ thống này”.

Về phần mình, Đảng Dân chủ tiếp tục cuộc tấn công trong vấn đề thuế nhằm vào Trump - cuộc tấn công mà ứng cử viên Tổng thống của đảng này là bà Hillary Clinton đã sử dụng trong cuộc tranh luận hôm 2 6/9. Trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên, bà Clinton nói rằng Trump có thể đang đóng góp “0 đồng cho quân đội, 0 đồng cho các cựu binh, 0 đồng cho các trường học và bệnh viện” bằng cách “né” thuế.

“Nếu ông Giuliani cho rằng ông Trump thông thái và tất cả những người còn lại trong số chúng ta là những kẻ ngốc vì chúng ta tin vào nước Mỹ, tin vào con cái mình, tin vào quốc phòng, thì tôi cho rằng họ đã có một cái nhìn rất lệch lạc về người dân Mỹ và những giá trị của đất nước này”, thượng nghị sỹ Dân chủ Bernie Sanders nói với đài ABC.

Ông Robby Mook, nhà quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton nói trên kênh NBC rằng Trump là hiện thân của một “hệ thống gian lận”.

Bài báo của New York Times khép lại một tuần được cho là kém may mắn đối với Trump. Ông bị cho là người đã thất bại trong cuộc tranh luận đầu tiên với bà Clinton, sự kiện được hơn 84 triệu người Mỹ theo dõi trên truyền hình.

Một cuộc thăm dò dư luận do ABC News phối hợp với tờ Washington Post thực hiện từ ngày 28-30/9 cho thấy khoảng 53 % người Mỹ trưởng thành nói bà Clinton đã thắng trong cuộc tranh luận và chỉ có 18 % nói Trump thắng.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ người Mỹ không ủng hộ Trump đã tăng 5 điểm phần trăm, lên mức 64%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ bà Clinton giữ nguyên ở mức 53%.

Đọc tiếp »

Tổng thống Philippines xin lỗi vì bóng gió ví mình với Hitler

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 2/10 đã lên tiếng xin lỗi người Do Thái trên toàn thế giới vì một phát biểu trước đó của ông dẫn tới so sánh giữa cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Philippines với việc Đức quốc xã thảm sát người Do Thái.

Nhà lãnh đạo nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi nói rằng lời xin lỗi của ông chỉ dành cho cộng đồng người Do Thái. Ông tiếp tục phản bác mạnh các nhà phê bình phương Tây và các nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ lo ngại về cuộc chiến chống ma túy khiến hơn 3.000 nghi phạm thiệt mạng chỉ trong vòng 3 tháng của Philippines.

Theo hãng tin AP, trong một bài phát biểu ở thành phố Bacolod của Philippines, Duterte nói ông không bao giờ có ý định “xúc phạm đến ký ức về 6 triệu người Do Thái bị phát xít Đức sát hại” trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

“Tôi xin lỗi chân thành và sau sắc cộng đồng người Do Thái”, Duterte nói.

Trước đó, hôm thứ Sáu, Duterte đã nâng sự hùng biện về chiến dịch chống ma túy của ông lên một cấp độ mới bằng cách bóng gió ví bản thân với trùm phát xít Đức Hitler và so sánh việc tiêu diệt các nghi phạm ma túy của Philippines với việc Đức quốc xã sát hại người Do Thái. Ông nói ông sẽ “vui lòng tiêu diệt” khoảng 3 triệu con nghiện và người buôn lậu ma túy ở Philippines.

Duterte cũng nói nạn nhân của Hitler là những con người vô tội, nhưng mục tiêu của ông trong cuộc chiến chống ma túy “toàn là những kẻ phạm tội” và việc tiêu diệt mục tiêu này sẽ “giải quyết triệt để vấn đề ma túy ở đất nước của tôi và sẽ giúp thế hệ tiếp theo thoát khỏi cảnh diệt vong”.

Phát biểu này của Tổng thống Philippines đã khiến nhiều người cảm thấy sốc và giận dữ, đặc biệt là cộng đồng người Do Thái.

Chính phủ Đức đã lên tiếng nói phát biểu trên của Duterte là không thể chấp nhận được và triệu hồi đại sứ Philippines tại Đức tới để đòi giải thích.

Ông Ronald Lauder, Chủ tịch tổ chức của người Do Thái trên toàn thế giới World Jewish Congress, nói rằng phát biểu của Duterte là “gây phẫn nộ”, đồng thời yêu cầu ông rút lại phát biểu này và xin lỗi.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng nhận định rằng phát biểu của nhà lãnh đạo Philippines là “có vấn đề”.

Tổng thống Duterte đã đề nghị gia hạn chiến dịch chống ma tuy thêm 6 tháng, nói rằng ông đã không đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của vấn nạn ma túy ở Philippines. Những người ủng hộ ông và nhiều người dân Philippines bất bình với tình trạng tội phạm nhan nhản đã hoan nghênh cách làm cứng rắn của Duterte.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà phê bình, bao gồm các quan chức Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu (EU), và Mỹ lo ngại việc cảnh sát Philippines tiêu diệt nhiều nghi phạm ma túy không thông qua xét xử có thể vi phạm nhân quyền.

Đọc tiếp »

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte sẽ dẫn tới thay đổi gì?

Chuyến thăm Trung Quốc vào tháng tới của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể làm thay đổi các mối quan hệ liên minh ở khu vực Đông Á, bởi từ khi lên cầm quyền ông Duterte đã có hàng loạt phát ngôn gây tranh cãi nhằm vào Washington và tỏ ý “làm thân” với Bắc Kinh - hãng tin Reuters nhận định.

Mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ vốn là một trụ cột trong chiến lược tái cân bằng quân sự của Mỹ về phía châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, liên minh này đã chịu sức ép lớn kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền cách đây 3 tháng. Trước sự chỉ trích của Mỹ nhằm vào chiến dịch chống ma túy khiến hàng nghìn nghi phạm thiệt mạng của Philippines, Duterte phản ứng mạnh, thậm chí buông lời xúc phạm cả Tổng thống Mỹ.

Nhà lãnh đạo Philippines cũng đã tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn, đồng thời bày tỏ mong muốn lập liên minh với Nga và Trung Quốc, hai đối thủ của Mỹ trên trường quốc tế.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Duterte nói ông nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc khi ông phàn nàn với hai nước này về Mỹ. Duterte cho biết trong một cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Lào hồi tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng tình với ông khi ông chỉ trích Mỹ.

“Tôi đã gặp Medvedev và tôi nói với ông ấy rằng: ‘Họ [Mỹ] đang làm khó tôi, họ chẳng hề tôn trọng tôi, họ chẳng biết xấu hổ gì cả’. Ông ấy đáp: ‘Người Mỹ là thế. Tôi sẽ giúp ông’”.

Đáng chú ý, việc Duterte xích lại gần Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai nước có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng trên biển Đông.

“Kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền, Trung Quốc và Philippines đã có nhiều tương tác thân mật, đem lại một loạt kết quả tích cực”, đại sứ Trung Quốc tại Manila Zhao Jianhua phát biểu. “Những đám mây đang tan dần. Mặt trời đang mọc lên ở phía chân trời, và sẽ chiếu ánh sáng đẹp đẽ trong chương mới của mối quan hệ song phương”.

Theo dự kiến, Duterte sẽ thăm Bắc Kinh từ ngày 19-21/10 và sẽ có các cuộc hội đàm với cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường.

Các nguồn tin ngoại giao và kinh doanh ở Manila cho hay tháp tùng ông Duterte trong chuyến thăm này sẽ có khoảng hơn 20 doanh nhân Philippines. Bởi vậy, hai bên kỳ vọng nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng sẽ được ký kết, thúc đẩy thêm mối quan hệ giữa hai nước.

Vấn đề biển Đông

Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của chuyến thăm vẫn nằm ở việc hai bên sẽ xử lý ra sao tranh chấp trên biển Đông. Trung Quốc đã quyết liệt phủ nhận phán quyết mà tòa án quốc tế đưa ra hồi tháng 7 phủ nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề này.

Duterte muốn Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài và cho phép đi vào khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Tuy nhiên, ông không nhất quyết đòi Trung Quốc thực thi phán quyết và tuyên bố muốn đàm phán với Bắc Kinh về tranh chấp trên biển Đông.

“Thái độ của Duterte đồng nghĩa với việc chúng tôi phải cân nhắc lại chính sách của mình”, một nguồn tin quan chức Trung Quốc nói với Reuters. “Chúng tôi phải đáp lại thái độ lịch sự của ông ấy”.

Nếu ngư dân Philippines có thể quay trở lại đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, thì đó sẽ là một thắng lợi lớn đối với Duterte và tỷ lệ ủng hộ của người dân Philippines dành cho ông vốn dĩ đã cao có thể còn tăng thêm. Theo một cuộc thăm dò mới đây, tỷ lệ cử tri Philippines ủng hộ Tổng thống Duterte đang ở mức cao kỷ lục 92%, bất chấp ông vấp phải sự phản đối của quốc tế về chiến dịch chống ma túy đẫm máu.

“Khi Duterte thăm Trung Quốc vào tháng tới, lịch trình của ông ấy sẽ tập trung vào các lĩnh vực thương mại, đầu tư và hợp tác nghề cá với Trung Quốc, bao gồm việc tiếp cận Scarborough”, một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines đề nghị giấu tên nói.

“Chương mới” quan hệ Mỹ-Philippines?

Một bài viết mới đây của tờ Thời báo Hoàn cầu nói chuyến thăm của ông Duterte tới Trung Quốc có thể mở ra một chương mới trong mối quan hệ song phương.

“Một sự tương tác mới và tích cực giữa Trung Quốc và Philippines, trái ngược hẳn với thời [Tổng thống Benigno] Aquino, có thể sẽ được mở ra”, bài báo viết. “Duterte có chính sách ngoại giao và phong cách khác hẳn với người tiền nhiệm. Ông ấy có vẻ muốn cân bằng quan hệ ngoại giao với các nước khác thay vì quá phụ thuộc vào Mỹ”.

Thời gian gần đây, Duterte đã có hàng loạt tuyên bố “dằn mặt” Mỹ. Ông nói hai nước sẽ không có cuộc tuần tra hải quân chung nào trong 6 năm nhiệm kỳ của ông và kêu gọi Mỹ rút lực lượng đặc nhiệm khỏi miền Nam Philippines.

Giới chức Mỹ vẫn khẳng định mối quan hệ liên minh với Manila là bền chặt. Nhưng các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ đó đã chịu tác động xấu từ những phát ngôn như vậy của Tổng thống Philippines.

“Giờ là lúc các quan chức ở Washington cần phải lo ngại thực sự về tương lai mối quan hệ Mỹ-Philippines”, ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông thuộc viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak Institute của Singapore, phát biểu. “Nhất là về những vấn đề quân sự như tập trận chung và quyền tiếp cận của Mỹ với các căn cứ của Philippines, và liệu Duterte có tìm cách đạt thỏa thuận với Bắc Kinh về biển Đông theo đó cho phép Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này”.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến từ Trung Quốc tỏ ra thận trọng với Duterte bởi sự khó lường của nhà lãnh đạo này. Dù tỏ ý “làm thân” với Trung Quốc, tháng trước Philippines tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Lào rằng Manila “vô cùng quan ngại” về việc Trung Quốc có vẻ đang chuẩn bị cho hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

“Phải chờ xem ông ấy thực sự sẽ làm gì. Dù những tín hiệu từ Duterte là tốt, chúng tôi vẫn nên chờ xem”, nhà nghiên cứu Luo Liang thuộc Học viện Quốc gia về Nghiên cứu biển Đông ở Trung Quốc, phát biểu.

Đọc tiếp »

Anh sắp khởi động tiến trình Brexit, đồng Bảng rớt giá mạnh

Tỷ giá đồng Bảng Anh giảm mạnh đầu giờ giao dịch ngày 3/10 sau khi có tin Thủ tướng nước này Theresa May sẽ khởi động tiến trình đưa Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU), tức Brexit, trước cuối tháng 3 năm sau.

Theo tin từ tờ Financial Times, áp lực giảm giá đối với đồng Bảng Anh đang gia tăng mạnh, khiến tỷ giá đồng tiền này so với đồng tiền chung châu Âu Euro rớt xuống mức thấp nhất trong 3 năm.

Phát biểu tại hội nghị Đảng Bảo thủ cầm quyền vào cuối tuần vừa rồi, bà May cho biết Anh sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon - đồng nghĩa với việc khởi động tiến trình đàm phán Brexit với các nước trong EU - “không muộn hơn cuối tháng 3/2017”.

Kế hoạch khởi động tiến trình Brexit như vậy sẽ dẫn tới kết quả là Anh ra khỏi EU vào năm 2019, bởi tiến trình này dự kiến sẽ kéo dài 2 năm.

Tỷ giá đồng Bảng có lúc giảm 0,9% so với đồng Euro vào đầu giờ phiên giao dịch sáng đầu tuần tại London, tức chiều nay theo giờ Việt Nam, còn 0,8742 Bảng đổi 1 Euro, mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Tỷ giá đồng Bảng so với đồng USD giảm 0,8%, xuống mức 1 Bảng đổi 1,288 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 15/8.

Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (USCFTC) cho thấy các quỹ đầu cơ đã tăng gấp đôi mức bán khống đồng Bảng lên mức 5 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 27/9 so với tuần trước đó. “Tâm lý bi quan về tỷ giá đồng Bảng lại đang nổi lên”, ngân hàng ANZ nhấn mạnh.

Thủ tướng May cho biết Chính phủ Anh sẽ đạt một thỏa thuận với EU với tư cách một nước Anh “độc lập, có chủ quyền”. Bà nói cử tri Anh đã đưa ra quyết định rõ ràng và Chính phủ sẽ phải “tiếp tục phần việc còn lại”.

Trong bài phát biểu tại ngày đầu tiên của hội nghị Đảng Bảo thủ ở Birmingham hôm 2/10, bà cũng nói việc ra khỏi EU sẽ chấm dứt việc áp dụng luật của khối này tại Anh.

Bà chỉ trích những người “vẫn còn chưa chịu chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý” và nói thêm: “Việc của Chính phủ không phải là nghi ngờ, phanr đối, hay đảo ngược lại mọi chuyện mà chúng tôi đã được người dân chỉ cho là phải làm, mà là tiếp tục công việc đó”.

“Chúng ta sẽ trở thành một quốc gia thực sự độc lập, có chủ quyền, một quốc gia không còn là một phần trong một liên minh chính trị với những siêu thể chế có quyền vượt trên quốc hội và tòa án quốc gia”, bà May phát biểu. “Và điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có thêm quyền tự do để tự đưa ra quyết định về vác vấn đề khác nhau, từ chuyện dán nhãn thực phẩm cho tới cách mà chúng ta chọn để kiểm soát di cư”.

Đọc tiếp »

Trung Quốc tung biện pháp hạ “sốt” bất động sản

Lo ngại sự hình thành bong bóng địa ốc, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc vừa công bố một loạt biện pháp mới nhằm chặn đà tăng mạnh của giá nhà.

Theo tin từ CNBC, vào cuối tuần vừa rồi, nhiều thành phố Trung Quốc đã siết các quy định về mua nhà. Trong đó, thủ đô Bắc Kinh đã nâng mức đặt cọc đối với các giao dịch bất động sản.

Người mua nhà lần đầu ở Bắc Kinh sẽ phải đặt cọc số tiền tương đương 35% giá trị giao dịch, từ mức 30% trước đó. Người mua căn nhà thứ hai sẽ phải đặt cọc ít nhất một nửa giá tiền của căn nhà.

Tại thành phố Chính Châu, những cư dân có hộ khẩu đã sở hữu hai bất động sản và những người không có hộ khẩu đã mua một căn nhà ở thành phố này sẽ chỉ được phép mua thêm nhà có diện tích tối đa 180 mét vuông.

Những biện pháp trên được tung ra sau khi tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin cảnh báo trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNN rằng thị trường bất động sản nước này đang trong tình trạng “bong bóng lớn nhất trong lịch sử”. Ông Wang cũng nói rằng Bắc Kinh khó tránh khỏi việc gây “sốt” địa ốc ở một số thành phố khi thực thi các biện pháp kích cầu tăng trưởng kinh tế trên diện rộng.

“Tôi không nhận thấy có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Chính phủ đã áp dụng đủ cách, từ hạn chế giao dịch cho tới tín dụng, nhưng chẳng cách nào mang lại hiệu quả”, ông Wang nói.

Thành Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, người dân chỉ được phép mua một căn nhà duy nhất ở một số quận nhất định, còn những người mua căn nhà thứ hai phải đặt cọc tối thiểu 40% giá trị giao dịch.

Tại thành phố Tế Nam, chính quyền không cho phép người dân mua căn nhà thứ ba. Ngoài ra, mức đặt cọc đối với những người mua nhà lần đầu cũng tăng lên 30% từ 20% trước đây.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Thiên Tân ngừng cho phép những người không có hộ khẩu địa phương mua căn nhà thứ hai tại khu vực trung tâm thành phố.

Một loạt địa phương khác như Hợp Phì, Chương Châu, Vũ Hán và Tô Châu cũng đã tung các biện pháp nhằm hạ sốt bất động sản.

Dữ liệu công bố mới đây cho thấy giá trung bình của nhà mới xây tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng 9,2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 7,9% trong tháng 7. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc giá nhà trung bình toàn quốc đã tăng 1,5% trong tháng 8 so với tháng 7.

Trong đó, thị trường bất động sản tại nhiều thành phố Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu quá nóng. Tại Thượng Hải và Bắc Kinh, giá nhà đã tăng 31,2% và 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá nhà tại Hạ Môn và Hợp Phì tăng tới 43,8% và 40,3%.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng giá nhà ở nhiều thành phố nhỏ của Trung Quốc hiện chỉ tăng rất yếu, 1-2% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí là không tăng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng sự tăng giá nhà chóng mặt ở các thành phố lớn của nước này là đáng lo ngại. Việc người Trung Quốc đổ xô đi mua nhà được cho có thể là một dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển của dòng vốn từ các kênh đầu tư khác sang thị trường địa ốc, đặc biệt kể từ sau đợt sụt giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán nước này hồi mùa hè năm ngoái.

Đọc tiếp »

600 triệu du khách Trung Quốc được dự báo sắp tiêu 72 tỷ USD

Gần 600 triệu du khách Trung Quốc sẽ đi nghỉ tại các địa điểm trong và ngoài nước trong tuần nghỉ lễ quốc khánh lần thứ 67 của nước này. Trong kỳ nghỉ, dự kiến du khách Trung Quốc sẽ chi tiêu tổng cộng khoảng 72 tỷ USD.

Theo trang tin Quartz, quốc gia Bắc Phi Morocco bất ngờ nổi lên thành một điểm đến mới được du khách Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh năm nay. Một báo cáo do công ty du lịch Ctrip và Học viện Du lịch Trung Quốc thực hiện cho thấy số hồ sơ du khách xin cấp visa đi Morocco do Ctrip xử lý trong kỳ nghỉ năm nay đã tăng 3.500 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, top 10 điểm đến hút du khách Trung Quốc nhất trong kỳ nghỉ quốc khánh năm nay tiếp tục có sự góp mặt của những địa chỉ quen thuộc như Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Ngoài ra, số du khách Trung Quốc đến Anh, Campuchia, Nga và New Zealand cũng tăng mạnh, với mức tăng khoảng 60% mỗi nước.

Những bức ảnh chụp ở Morocco của du khách Trung Quốc đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội Weibo.

“Có nhiều du khách ở Morocco đến nỗi những địa điểm đổi tiền ở nước này chỗ nào cũng thấy người Trung Quốc”, một du khách Trung Quốc đang ở Morocco viết trên Weibo.

Báo cáo của Ctrip và Học viện Du lịch Trung Quốc dự báo sẽ có tổng cộng 589 triệu người Trung Quốc đi du lịch trong kỳ nghỉ quốc khánh, còn gọi là “Tuần lễ vàng” năm nay, tăng 12% so với năm ngoái. Trong đó, có khoảng 6 triệu du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, một con số cao chưa từng thấy.

Việc người Trung Quốc đổ đi du lịch nước ngoài có thể xuất phát từ việc các quy định cấp visa được nới lỏng và đồng Nhân dân tệ của nước này tăng giá.

Morocco mới đây đã gia nhập danh sách cùng với 57 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nới quy định cấp visa hoặc miễn visa cho công dân Trung Quốc, trong đó có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á.

Hôm 1/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chính thức đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Điều này đồng nghĩa với việc Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới, ngang hàng với các đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.

Theo dự báo, đồng Nhân dân tệ sẽ mạnh lên thêm trong thời gian tới và có thể khuyến khích người dân nước này chi tiêu nhiều hơn khi đi du lịch nước ngoài.

Báo cáo nói trên dự báo tổng mức chi tiêu của du khách Trung Quốc trong kỳ nghỉ quốc khánh năm nay có thể đạt 478 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 72 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức chi tiêu của du khách Trung Quốc ở nước ngoài có thể giảm nhẹ so với năm 2015 do nền kinh tế nước này giảm tốc.

Đọc tiếp »

Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan, sẽ kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp của đất nước thêm 90 ngày để củng cố quyền lực sau cuộc khủng hoảng chính trị vào tháng 7/2016.

Theo Financial Times, thông tin này ngay lập tức tác động tiêu cực đến đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỹ. Từ khi khủng hoảng chính trị xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira đã liên tục hạ giá. Tuyên bố mới nhất của ông Erdogan khiến đồng tiền này còn mất giá mạnh hơn, hiện đồng Lira ở dưới ngưỡng tâm lý quan trọng là 3 Lira/USD.

Một quan chức thuộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quyết định mới nhất của Tổng thống Erdogan sẽ giúp họ có thêm thời gian để xây dựng nền dân chủ. Khi đất nước ở trong tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Erdogan sẽ có khả năng toàn quyền đưa ra các quy định, luật lệ mới mà không cơ quan nào có thể phản bác.

Từ khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ của ông Erdogan đã bỏ tù hàng chục nghìn người với cáo buộc trung thành với ông Fethullah Gulen, một người Thổ Nhĩ Kỳ nay đang sống lưu vong ở nước ngoài. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Fethullah Gulen có một mạng lưới rất lớn những người ủng hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và chính ông đứng sau cuộc đảo chính vào tháng 7 vừa qua.

Cách đây không lâu, ông Erdogan từng tuyên bố với cử tri Thổ Nhĩ Kỳ và nhà đầu tư nước ngoài rằng quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp của đất nước sẽ chỉ được áp dụng tạm thời để giúp ổn định đất nước. Quyết định kéo dài tình trạng đó của ông Erdogan đã khiến giới đầu tư rất thất vọng.

“Chúng tôi không hiểu ông ấy muốn đất nước ở trong tình trạng khẩn cấp là bởi thực sự ông ấy cảm thấy có mối hiểm họa nào đó hay chỉ muốn thâu tóm toàn bộ quyền lực càng lâu càng tốt”, đại diện giấu tên của một quỹ đầu tư có trụ sở tại châu Âu hoài nghi. Gần đây, quỹ này đã bán toàn bộ các tài sản tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã tiếp tục hạ xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức dưới ngưỡng khuyến nghị đầu tư. S&P hiện cũng giữ mức xếp hạng tương tự đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, chỉ duy nhất Fitch vẫn giữ xếp hạng tín nhiệm ở mức “đầu tư” đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đọc tiếp »

Mỹ dừng đàm phán với Nga về Syria

Mỹ ngày 3/10 tuyên bố dừng đàm phán với Nga về một thỏa thuận ngừng bắn cho Syria - động thái được xem là sự xác nhận cuối cùng rằng kế hoạch hòa bình đạt được cách đây 3 tuần cho Syria đã sụp đổ. Trước đó, Moscow tuyên bố từ bỏ thỏa thuận với Washington về tiêu hủy chất phóng xạ plutonium.

Theo tờ Financial Times, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Nga “không sẵn sàng hoặc không thể” buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad tuân thủ kế hoạch hòa bình, mà thay vào đó Nga đã quyết định tăng cường hành động quân sự nhằm vào phe đối lập Syria.

Tuyên bố trên của Mỹ được đưa ra sau khi quân Chính phủ Syria vào hôm Chủ nhật đã tiến vào các khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm đóng ở thành phố Aleppo. Trước đó, trong mấy ngày liên tiếp, Nga và lực lượng Chính phủ Syria đã dội bom ác liệt vào thành phố chủ yếu nằm trong tay lực lượng nổi dậy này.

Trước khi Mỹ ra tuyên bố hủy đàm phán với Nga về vấn đề Syria, Nga tuyên bố hủy một thỏa thuận với Mỹ về tiêu hủy chất phóng xạ plutonium hạng vũ khí. Diễn biến này được xem là một dấu hiệu mới của mối quan hệ xấu đi giữa Moscow với phương Tây.

Giới chức Mỹ nói rằng họ đã “đàm phán tích cực” với Nga về Syria cho tới hết cuối tuần vừa rồi, nhưng Nga thể hiện quyết tâm duy trì các cuộc không kích mà nước này đang tiến hành ở Syria.

Hãng thông tấn Interfax dẫn một nguồn tin ngoại giao Nga nói Moscow “thất vọng” vì quyết định của Mỹ.

Cuộc đàm phán với Nga về một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria được xem là nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình ở Syria trong 4 tháng cầm quyền cuối cùng của ông Obama.

Mỹ đề xuất hợp tác với Nga tiến hành không kích các nhóm thánh chiến ở Syria, một điều mà Nga mong muốn từ lâu. Đổi lại, Mỹ muốn Nga khiến chính quyền Assad dừng chiến dịch quân sự tại một số khu vực tranh chấp với lực lượng nổi dậy ở Syria.

Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày được công bố, thỏa thuận ngừng bắn này đã bị đe dọa, bắt đầu từ việc máy bay Mỹ tấn công lực lượng Syria ở phía Đông nước này - một vụ việc mà Lầu Năm Góc nói là do nhầm lẫn. Tiếp đó, máy bay Nga và Syria không kích Aleppo, bao gồm ném bom vào một đoàn xe chở hàng cứu trợ.

Cùng với sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ và Nga không ngừng đưa ra những lời cáo buộc lẫn nhau kiểu như thời chiến tranh lạnh.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Samantha Power cáo buộc Nga “hành động dã man” và gây tội ác chiến tranh ở Syria, trong khi Nga nói Lầu Năm Góc đã cản trở thỏa thuận ngừng bắn do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đàm phán.

Về phần mình, ông Kerry cố gắng duy trì đàm phán trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở Aleppo và một số nơi khác của Syria, ông dường như không đạt được bước tiến nào với Moscow và vấp phải sự chỉ trích từ một số nghị sỹ Mỹ.

Việc thỏa thuận ngừng bắn cho Syria chính thức sụp đổ có thể dẫn tới việc chính quyền Obama cân nhắc tăng cường hỗ trợ phe đối lập ở Syria. Tuy nhiên, đến nay, Nhà Trắng vẫn bác bỏ hầu hết các ý tưởng về tăng cường sự dính líu của Mỹ vào cuộc xung đột ở Syria, đặc biệt là những đề xuất về đối đầu trực diện hơn với chính quyền Assad hoặc Nga.

Khi lý giải về quyết định rút khỏi thỏa thuận tiêu hủy plutonium với Nga, Tổng thống Putin viết trong một sắc lệnh rằng động thái này phản ánh “sự nổi lên của một nguy cơ đối với sự ổn định chiến lược, đồng thời là kết quả của những hành động kém thân thiện của Mỹ nhằm vào Nga”.

Trong mấy năm qua, những bất đồng về kỹ thuật đã phủ bóng lên thỏa thuận có từ năm 2000 này. Tuy nhiên, Putin đã nói thẳng việc Moscow rút khỏi thỏa thuận là do mối quan hệ lạnh giá với Washington.

Mối quan hệ Nga-Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh kể từ khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Đọc tiếp »

Mỹ “ngậm bồ hòn làm ngọt” với Tổng thống Philippines

Giới chức Mỹ đang cố gắng hết sức để phớt lờ những tuyên bố mang tính “dằn mặt” Washington của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, đồng thời hài lòng với việc Duterte chưa biến lời nói thành hành động bằng cách giảm quan hệ quân sự với Mỹ.

Trao đổi với hãng tin Reuters ngày 3/10, nguồn tin là hai quan chức Mỹ nói nếu Washington cũng có những động thái cho thấy mối quan hệ rạn nứt với Manila, thì điều đó sẽ gây ra nhiều vấn đề ở khu vực nơi Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng. Nguồn tin cũng nói Mỹ chưa hề tính đến chuyện có biện pháp đối với Philippines như cắt giảm viện trợ đối với nước này.

Ngoài ra, Mỹ cũng không muốn nói hay làm bất kỳ điều gì có thể khuyến khích Duterte thực hiện những tuyên bố mà ông đã đưa ra.

“Ông ta giống như Donald Trump”, một quan chức cấp cao thuộc khu vực Đông Nam Á nói khi so sánh giữa Tổng thống Philippines với ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa. “Ông ta thích gây chú ý. Càng được chú ý, ông ta càng mạnh miệng. Cách tốt nhất là phớt lờ ông ta”.

Giới chức quân sự Mỹ cho biết họ biết rõ về các tuyên bố của Duterte, nhưng các đối tác ở Philippines đã trấn an rằng mọi việc vẫn diễn ra bình thường. “Không ai thực sự mất ngủ vì các phát biểu của ông ấy”, một quan chức quân sự đề nghị giấu tên nói.

“Tất cả chỉ là hăm dọa thôi”, một quan chức quân sự thứ hai của Mỹ phát biểu, nói rằng những tuyên bố hùng hồn của Duterte “chưa ảnh hưởng gì đến chúng tôi”.

Là một đồng minh của Washington, Philippines giữ một vai trò chủ chốt trong chiến lược tái cân bằng chính sách đối ngoại về phía châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Vị trí quan trọng của Philippines trong chiến lược của Mỹ càng gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng ở biển Đông và Philippines cũng chính là một quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh ở vùng biển này.

Tuy vậy, giới chức Mỹ hiện đang đặc biệt quan ngại về việc hơn 3.100 nghi phạm đã bị cảnh sát Philippines tiêu diệt trong chiến dịch chống ma túy kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền cách đây 3 tháng.

“Mỹ không thể cắt quan hệ với Philippines, bởi vậy Mỹ cần phải tìm ra một cách để làm việc với Duterte, trong khi vẫn thể hiện sự phản đối nhằm vào chính sách nhân quyền của Philippines”, ông Frank Jannuzi, một cựu chuyên gia về châu Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phát biểu.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã dành cho Philippines hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự và hỗ trợ phát triển. Philippines hiện là quốc gia nhận viện trợ quân sự từ Mỹ lớn thứ ba tại châu Á, sau Afghanistan và Pakistan.

Một quan chức Mỹ nói quan hệ chính trị với Philippines có rạn nứt, thì Mỹ cũng không quá lo lắng về những ảnh hưởng quốc phòng, bởi Mỹ còn có những lựa chọn khác ngoài Philippines, bao gồm Trung tâm Khu vực Hải quân (NRCS) ở Singapore, các cơ sở huấn luyện ở Brunei, và khả năng được tiếp cận nhiều hơn với cảng biển ở Việt Nam.

Đọc tiếp »