Nhà lãnh đạo nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi nói rằng lời xin lỗi của ông chỉ dành cho cộng đồng người Do Thái. Ông tiếp tục phản bác mạnh các nhà phê bình phương Tây và các nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ lo ngại về cuộc chiến chống ma túy khiến hơn 3.000 nghi phạm thiệt mạng chỉ trong vòng 3 tháng của Philippines.
Theo hãng tin AP, trong một bài phát biểu ở thành phố Bacolod của Philippines, Duterte nói ông không bao giờ có ý định “xúc phạm đến ký ức về 6 triệu người Do Thái bị phát xít Đức sát hại” trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
“Tôi xin lỗi chân thành và sau sắc cộng đồng người Do Thái”, Duterte nói.
Trước đó, hôm thứ Sáu, Duterte đã nâng sự hùng biện về chiến dịch chống ma túy của ông lên một cấp độ mới bằng cách bóng gió ví bản thân với trùm phát xít Đức Hitler và so sánh việc tiêu diệt các nghi phạm ma túy của Philippines với việc Đức quốc xã sát hại người Do Thái. Ông nói ông sẽ “vui lòng tiêu diệt” khoảng 3 triệu con nghiện và người buôn lậu ma túy ở Philippines.
Duterte cũng nói nạn nhân của Hitler là những con người vô tội, nhưng mục tiêu của ông trong cuộc chiến chống ma túy “toàn là những kẻ phạm tội” và việc tiêu diệt mục tiêu này sẽ “giải quyết triệt để vấn đề ma túy ở đất nước của tôi và sẽ giúp thế hệ tiếp theo thoát khỏi cảnh diệt vong”.
Phát biểu này của Tổng thống Philippines đã khiến nhiều người cảm thấy sốc và giận dữ, đặc biệt là cộng đồng người Do Thái.
Chính phủ Đức đã lên tiếng nói phát biểu trên của Duterte là không thể chấp nhận được và triệu hồi đại sứ Philippines tại Đức tới để đòi giải thích.
Ông Ronald Lauder, Chủ tịch tổ chức của người Do Thái trên toàn thế giới World Jewish Congress, nói rằng phát biểu của Duterte là “gây phẫn nộ”, đồng thời yêu cầu ông rút lại phát biểu này và xin lỗi.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng nhận định rằng phát biểu của nhà lãnh đạo Philippines là “có vấn đề”.
Tổng thống Duterte đã đề nghị gia hạn chiến dịch chống ma tuy thêm 6 tháng, nói rằng ông đã không đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của vấn nạn ma túy ở Philippines. Những người ủng hộ ông và nhiều người dân Philippines bất bình với tình trạng tội phạm nhan nhản đã hoan nghênh cách làm cứng rắn của Duterte.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà phê bình, bao gồm các quan chức Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu (EU), và Mỹ lo ngại việc cảnh sát Philippines tiêu diệt nhiều nghi phạm ma túy không thông qua xét xử có thể vi phạm nhân quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét