“Các liên minh vẫn tồn tại”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Duterte phát biểu tại Manila ngày 24/10. “Không nên lo lắng về sự thay đổi của các mối quan hệ liên minh. Tôi không cần có liên minh với các quốc gia khác”.
Giới phân tích cho rằng phát biểu này của nhà lãnh đạo Philippines sẽ nhận được sự hoan nghênh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người muốn duy trì mối quan hệ bền chặt với Philippines. Chuyến thăm Nhật của ông Duterte bắt đầu từ ngày thứ Ba (25/10).
Tuần trước, Duterte đã gây sốc khi tuyên bố trong chuyến thăm Trung Quốc rằng đã đến lúc Philippines cần “tạm biệt” Mỹ và liên kết với Trung Quốc. Đây là một trong những phát ngôn bài xích Mỹ mới nhất và nặng nề nhất mà Duterte nhằm vào Mỹ.
Với phong cách phát biểu tiền hậu bất nhất thường thấy, Duterte và các trợ lý của ông sau đó lại ra sức “chữa cháy”, rằng ông không có ý nói sẽ cắt quan hệ với Mỹ.
Theo tờ Nikkei, trao đổi với các nhà báo Nhật, Tổng thống Philippines nói những tuyên bố về chia tách với Mỹ mà ông đưa ra thời gian qua chỉ là sự bày tỏ ý kiến cá nhân thay vì đại diện cho Chính phủ Philippines. Duterte cũng nói ông chỉ có kế hoạch mở một “liên minh thương mại” với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo báo Yumiuri, Duterte nhắc lại rằng ông muốn tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines, đồng thời chấm dứt một hiệp ước hợp tác quân sự song phương. Hiệp ước này vốn được xem có ý nghĩa sống còn đối với chiến lược xoay trục của Mỹ về phía châu Á trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên nhanh chóng.
Mấy năm gần đây, Thủ tướng Abe nỗ lực tăng cường quan hệ với Philippines và các nước Đông Nam Á khác nhằm tạo đối trọng với Bắc Kinh.
“Thật là không may và chúng tôi lo ngại. Nhưng điều đó sẽ không thay đổi cam kết của Nhật Bản đối với Philippines”, giáo sư Narushige Michishita thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản nói về những phát biểu của Duterte.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, vào hôm Chủ nhật vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có một cuộc trao đổi với người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay. Sau cuộc trao đổi, ông Kerry tin tưởng rằng hai nước có thể vượt qua được giai đoạn bấp bênh trong quan hệ hiện nay.
Lý do khiến Duterte “nổi đóa” với Mỹ thời gian qua nằm ở việc Mỹ bày tỏ lo ngại về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của Philippines. Được khởi động sau khi Duterte lên cầm quyền, chiến dịch này đã khiến hàng nghìn con nghiện và người buôn ma túy thiệt mạng, trong đó có nhiều trường hợp bị cảnh sát tiêu diệt không thông qua quy trình xét xử.
Giới chức Nhật Bản nói rằng Thủ tướng Abe sẽ không ra sức hòa giải giữa Manila và Washington, nhưng có thể sẽ giải thích cho ông Duterte về tầm quan trọng của Mỹ trong khu vực.
“Tôi tin rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines là rất quan trọng và việc nỗ lực ổn định các mối quan hệ song phương sẽ trực tiếp đem tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới”, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các nhà báo.
Ông Kishida, người sẽ dùng bữa tối với ông Duterte vào ngày 25/10, cũng cho biết ông muốn lắng nghe thật kỹ quan điểm của nhà lãnh đạo Philippines.
Người tiền nhiệm của ông Duterte, cựu Tổng thống Benigno Aquino, là người đã đâm đơn kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài ở The Hague, Hà Lan, thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông.
Tháng 7 vừa qua, tòa trọng tài đã ra phán quyết về vụ kiện này, theo đó bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cương quyết phủ nhận phán quyết của tòa, đồng thời liên tục cảnh báo Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài tranh chấp.
Ông Duterte nói trong chuyến thăm Nhật lần này của ông, hai bên sẽ không thảo luận về phán quyết vụ kiện biển Đông, nhưng sẽ đến một lúc nào đó bàn về vấn đề này - theo Nikkei.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét