Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Nhật-Trung-Hàn ra tuyên bố ngầm chỉ trích Trump về thương mại

Trong một cuộc họp ba bên vào ngày 5/5, lãnh đạo tài chính Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nhất trí chống lại mọi dạng của chủ nghĩa bảo hộ - một động thái nhằm vào các chính sách mang màu sắc bảo hộ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ.

“Chúng tôi nhất trí rằng thương mại là một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế và phát triển, đóng góp vào cải thiện năng suất và tạo việc làm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ba nước nói trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp.

“Chúng tôi chống lại mọi dạng của chủ nghĩa bảo hộ”, tuyên bố chung có đoạn viết.

Điều này cho thấy Tokyo, Bắc Kinh và Seoul giữ một lập trường cứng rắn hơn so với khối G20, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong vấn đề chống chủ nghĩa bảo hộ. Vào tháng 3, do sức ép từ Washington, hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính G20 diễn ra ở Đức đã loại nội dung trên khỏi tuyên bố chung.

Trung Quốc đã thể hiện lập trường ủng hộ tự do thương mại kể từ khi Tổng thống Trump kêu gọi đặt lợi ích nước Mỹ trên hết và tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương. Trong lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu gây ấn tượng nói về sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với thương mại tự do và phản đối chủ nghĩa bảo hộ.

Tuyên bố của cuộc gặp ba bên dự báo rằng các nền kinh tế châu Á sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối mạnh mẽ nhờ sự phục hồi mang tính chu kỳ trong các lĩnh vực sản xuất và thương mại.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng cảnh báo rằng những rủi ro suy giảm tăng trưởng vẫn còn đó, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách sử dụng “mọi công cụ chính sách cần thiết” để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và đều khắp.

“Chúng tôi sẽ duy trì liên lạc và hợp tác ở mức độ cao giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để ứng phó với khả năng xảy ra bất ổn tài chính trong bối cảnh sự bấp bênh gia tăng của nền kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị”, tuyên bố viết.

Tuyên bố cũng nói ba nước nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ G20 và cùng chuẩn bị để tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức vào tháng 7 năm nay.

Cuộc gặp 3 bên nói treen được tổ chức bên lề hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản.

Đọc tiếp »

Máy bay chở khách Trung Quốc bay thử chuyến đầu tiên

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của C919, chiếc máy bay chở khách đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, đã cất cánh từ sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải ngày 5/5.

Sự kiện này đã được hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã phát trực tiếp trên mạng xã hội Twitter. Hành trình và thời gian bay chưa được công bố cụ thể, nhưng một đám đông lớn đã tập trung tại sân bay để chờ máy bay hạ cánh.

Theo trang CNBC, chiếc C9191 có hơn 150 ghế và tầm bay 4.075 km. Trung Quốc đặt mục tiêu dùng loại máy bay này để cạnh tranh với Airbus A320 và Boeing 777, hai loại máy bay thương mại chở khách phổ biến nhất thế giới.

Tổng công ty Máy bay thương mại Trung Quốc, công ty quốc doanh sản xuất chiếc C919, nói rằng tính đến cuối năm ngoái, 21 khách hàng đã đặt mua hơn 500 chiếc máy bay loại này. Truyền thông Trung Quốc cho hay nhà sản xuất dự kiến sẽ bán được hơn 2.000 chiếc C919.

Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực để gia nhập thị trường máy bay chở khách của thế giới, cạnh tranh với Airbus và Boeing. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem việc tìm chỗ đứng cho nước này trên thị trường máy bay thương mại thế giới là một “động thái chiến lược”. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng coi việc phát triển và sản xuất trong nước các loại động cơ và máy bay là một mục tiêu lớn.

Sau khi bị trì hoãn nhiều lần, chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 5/5 sẽ là một cột mốc quan trọng đối với chiếc C919. Các cuộc thử nghiệm trên mặt đất mới chỉ được hoàn tất cách đây vài tuần, muộn hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là bay thử chuyến đầu vào năm 2014 và giao hàng máy bay vào năm 2016.

Mặc dù vậy, có thể vẫn phải mất một thời gian nữa thì hành khách mới chính thức có dịp được đặt chân lên C919 bởi chiếc máy bay này còn cần phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn và cấp chứng chỉ.

Hiệp hội Hàng không Thế giới (IATA) Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2020. Khi đó, Trung Quốc sẽ là một thị trường hấp dẫn cho hàng loạt lĩnh vực, từ du lịch cho tới các nhà sản xuất máy bay, bởi các hãng hàng không nước này sẽ mua thêm nhiều máy bay và bổ sung thêm những đường bay mới.

Hãng Boeing đã ước tính Trung Quốc sẽ cần phải mua số máy bay trị giá tới 1 nghìn tỷ USD, vào khoảng 6.810 chiếc máy bay, trong vòng 2 thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không nước này.

Đọc tiếp »

Không lãi như mong đợi, Buffett bán mạnh cổ phiếu IBM

Hãng công nghệ IBM đã để mất niềm tin của một trong những nhà đầu tư lớn nhất của hãng - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Berkshire Hathaway, tỷ phú Warren Buffett.

Trang CNBC cho biết, nhà đầu tư huyền thoại Buffett, người sở hữu khoảng 81 triệu cổ phiếu IBM vào thời điểm cuối năm 2016, đã bán ra khoảng 1/3 số cổ phiếu này trong quý 1 và quý 2 năm nay.

“Tôi không còn xem IBM như cách mà tôi đánh giá cổ phiếu này cách đây 6 năm, khi tôi bắt đầu mua vào… Tôi đã đánh giá lại cổ phiếu này, theo hướng đi xuống”, Buffett nói với CNBC. “Khi cổ phiếu này tăng giá trên 180 USD/cổ phiếu, tôi thực sự đã bán ra một lượng kha khá”.

Buffett nói IBM không đạt kết quả kinh doanh như ông mong đợi khi ông bắt đầu mua vào cổ phiếu của hãng cách đây 6 năm.

“Tôi muốn nói rằng họ đã gặp phải một số đối thủ kinh doanh khá mạnh. IBM là một công ty lớn mạnh, nhưng họ có những đối thủ cũng rất mạnh”, nhà tiên tri xứ Omaha phát biểu.

Berkshire Hathaway hiện vẫn đang sở hữu hơn 50 triệu cổ phiếu IBM và giá cổ phiếu này hiện đang ở dưới mức 160 USD/cổ phiếu. Buffett cho biết ông đã dừng bán ra cổ phiếu IBM.

Ban đầu khi Buffett mua vào cổ phiếu hãng này, nhiều người đã hết sức bất ngờ, bởi Berkshire ít khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và Buffett thường không rót vốn vào những ngành mà ông cho là khó hiểu.

IBM đã trở thành một trong những cổ phiếu đứng đầu danh mục của Berkshire, cùng với những cổ phiếu như American Express, Coca-Cola, Wells Fargo, hay gần đây hơn là Apple và Kraft Heinz.

Buffett là một nhà đầu tư dài hạn, nhưng ông sẵn sàng bán ra cổ phiếu của một công ty nếu cổ phiếu đó không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng hoặc ông tìm được thứ gì đó tốt hơn.

Hồi tháng 4, IBM báo mức doanh thu giảm mạnh hơn dự báo. Đây là lần giảm doanh thu đầu tiên của hãng trong 5 quý, mà nguyên nhân là do nhu cầu yếu ở mảng dịch vụ IT.

Đọc tiếp »

Triều Tiên tố CIA âm mưu tấn công Kim Jong Un bằng vũ khí sinh hóa

Triều Tiên ngày 5/5 cáo buộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và lực lượng tình báo Hàn Quốc có âm mưu tấn công nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un, bằng vũ khí sinh hóa. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố rằng một “ý tưởng viển vông” như vậy sẽ không bao giờ thành công.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tăng cao trong nhiều tuần trở lại đây, do lo ngại Bình Nhưỡng có thể thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hoặc phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nữa bất chấp nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Tuần này, Triều Tiên cảnh báo rằng sự thù nghịch của Mỹ đã đẩy khu vực tới miệng vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Theo tin từ Reuters, Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên ra một tuyên bố nói rằng “nỗ lực đường cùng” của “đế quốc Mỹ” và Hàn Quốc đã vượt “quá giới hạn”.

“CIA và tình báo của Hàn Quốc, cái lò ma quỷ của thế giới, đã có một kế hoạch hiểm ác nhằm làm tổn thương lãnh tụ tối cao của Triều Tiên, và những hành động đó đã đạt tới một giai đoạn thực thi cực kỳ nghiêm trọng sau khi vượt qua ngưỡng cửa Triều Tiên”, hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố nói trên.

“Một nhóm khủng bố - do CIA và tình báo Hàn Quốc bí mật cài cắm vào Triều Tiên để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện hành động khủng bố được nhà nước tài trợ nhằm vào lãnh tụ tối cao của Triều Tiên bằng cách sử dụng chất sinh hóa - đã được phát hiện mới đây”.

KCNA nói CIA và tình báo Hàn Quốc đã “làm thoái hóa tư tưởng” và hối lộ một người Triều Tiên họ Kim nhằm biến ông này thành “một phần tử khủng bố đầy sự căm ghét và thù hằn đối với lãnh tụ Triều Tiên”.

“Chúng đã nuôi dưỡng âm mưu để tên cặn bã Kim tấn công khủng bố bằng bom nhằm vào lãnh tụ tối cao tại các sự kiện ở Cung Mặt trời Kumsusan và tại cuộc diễu binh quân sự và diễu hành”, tuyên bố có đoạn viết.

“Chúng nói với hắn rằng việc ám sát bằng cách sử dụng chất sinh hóa, bao gồm chất phóng xạ và chất độc nano là cách tốt nhất mà không cần phải tiếp cận mục tiêu, kết quả giết người sẽ xuất hiện sau 6-12 tháng”.

“Chúng đã giao cho hắn hơn 20.000 USD trong hai lần cùng một thiết bị truyền tín hiệu vệ tinh”, theo tuyên bố.

Triều Tiên đã tiến hành một cuộc diễu binh thường niên nhân dịp kỷ niệm sinh nhật cố lãnh tụ Kim Nhật Thành vào hôm 15/4, với sự tham dự của ông Kim Jong Un. 10 ngày sau đó, Triều Tiên tiếp tục một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhân dịp kỷ niệm thành lập quân đội nước này.

Bản tin của KCNA nêu rõ các chi tiết về điều mà Triều Tiên gọi là âm mưu ám sát ông Kim Jong Un, nhưng nói kế hoạch này sẽ không bao giờ thành công.

“Những kẻ phạm tội cố đấm ăn xôi nhằm thực hiện một ý tưởng viển vông như vậy không thể sống sót trên đất này dù chỉ một phút giây”, tuyên bố viết.

Hôm thứ Tư tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Washington đang xem xét tăng cường trừng phạt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng có thêm động thái xứng đáng bị đáp trả. Ông Tillerson cũng cảnh báo các quốc gia khác rằng các công ty của họ có thể phải hứng chịu lệnh trừng phạt thứ cấp nếu có giao dịch bất hợp pháp với Bình Nhưỡng.

Ông Tillerson cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã “gây áp lực lớn với Trung Quốc… để kiểm tra mức độ sẵn sàng của họ trong việc sử dụng ảnh hưởng và mối quan hệ của họ với chính thể ở Bình Nhưỡng”.

Đọc tiếp »

Trung Quốc: Từ công xưởng thế giới tới “kinh đô” khởi nghiệp

Theo Nikkei, Trung Quốc từ lâu đã được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” nhờ nền sản xuất công nghiệp khổng lồ. Tăng trưởng nhanh về kinh tế phần lớn được thúc đẩy bởi nguồn lao động giá rẻ và hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi chính sách bảo hộ thương mại bằng nhiều cách ở Mỹ và châu Âu, Trung Quốc dần chuyển sang sản xuất phục vụ chính nhu cầu trong nước với dân số hơn một tỷ người.

Không chỉ vậy, với mục tiêu phát triển bền vững và khuyến khích khởi nghiệp như một công cụ tạo việc làm, chính quyền Bắc Kinh có cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp mở thành lập.

"Công ty mọc lên như nấm khiến quang cảnh đô thị Trung Quốc thay đổi rõ rệt sau mỗi ba tháng", Kenichi Kokubo, Chủ tịch của Hitachi Trung Quốc, nhận xét.

Số lượng công ty mới tại nước này tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Chỉ riêng trong năm 2016, Trung Quốc có thêm khoảng 5,52 triệu công ty mới.

Tỷ lệ khởi nghiệp (số lượng công ty mới trong một năm chia cho tổng số công ty) của nước này năm 2016 là 21%, tăng từ 16% năm 2011. Con số này vượt xa mức 5% của Nhật và 10% của Mỹ trong vài năm qua.

Năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đề cập đến kế hoạch “Khởi nghiệp và đổi mới toàn diện”, cho thấy sự chú trọng tới khởi nghiệp của chính quyền nước này.

Với sự trợ giúp từ chính phủ trong việc gọi vốn đầu tư và bố trí văn phòng, có tới hơn 600.000 sinh viên đại học khởi nghiệp kinh doanh trong năm 2016.

Các lĩnh vực mới như kinh doanh dựa trên mô hình chia sẻ tại Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ và hết sức tự do, quản lý một công ty Mỹ, người đã sống ở nước này nhiều năm, cho biết. Đơn cử như sự lan rộng nhanh chóng của các dịch vụ đi chung xe đạp một phần là nhờ tình trạng thiếu chỗ đỗ xe đạp ở nội đô.

Chủ tịch Liu Yonghao của New Hope Group, đế chế nông nghiệp, thực phẩm thành lập năm 1982, nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc giờ đây chính là kinh đô của giới khởi nghiệp”.

Liu cho biết ông đặc biệt chú trọng vào phát triển đội ngũ lãnh đạo trẻ và tiếp tục đổi mới bằng việc áp dụng công nghệ internet. Mới đây, New Hope bắt tay với một công ty khởi nghiệp khác để mở một ngân hàng trực tuyến.

Từ lâu kinh tế Trung Quốc bị thống trị bởi các công ty nhà nước như PetroChina và China Mobile. Trong đó, doanh thu năm của PetroChina từng đạt mức 230 tỷ USD. Với giá trị thị trường gần 180 tỷ USD, đây là một trong những công ty lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, 60% sản lượng của nền kinh tế Trung Quốc và 80% việc làm lại được tạo ra bởi khu vực tư nhân.

Đọc tiếp »

Emmanuel Macron đắc cử, nước Pháp có Tổng thống trẻ nhất lịch sử

Ứng cử viên Emmanuel Macron hôm 7/5 đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, đánh bại nữ đối thủ Marine Le Pen với cách biệt lớn.

Là người ủng hộ một châu Âu hội nhập, ông Macron giành được khoảng 65,2% số phiếu, trong khi đối thủ từng đe dọa đưa Pháp rời Liên minh Châu Âu (EU) giành được 34,8% phiếu.

Phát biểu sau khi giành thắng lợi, ông Macron nói, một trang mới đã mở ra trong lịch sử nước Pháp. “Tôi muốn nó là một trang của sự hy vọng và niềm tin”, ông nói.

Theo BBC, bà Marine Le Pen đã gọi điện cho ông Macron để “chúc thành công”. Bà nói với các ủng hộ viên của mình rằng sự phân rẽ mới trong nước Pháp nay nằm giữa “những người theo chủ nghĩa toàn cầu và những người ái quốc”.

Cuộc bầu cử này được cho là có thể quyết định liệu nước Pháp tiếp tục con đường toàn cầu hoá, hay sẽ rẽ sang con đường mới tách khỏi EU.

Lựa chọn khó khăn

Trong cuộc đua bị chi phối mạnh mẽ bởi các vấn đề về công ăn việc làm, nhập cư và an ninh, cử tri Pháp đứng trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai và cũng là vòng chung cuộc.

Một bên là ông Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng kinh tế theo đường lối trung dung. Đối thủ của ông là người theo chủ nghĩa dân tộc, chống di dân, bà Marine Le Pen.

Theo VOA, các cuộc thăm dò trước hôm 7/5 cho thấy ông Macron dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ là 63%, cách xa đáng kể so với mức 37% của bà Le Pen.

Với quan điểm chống EU và thúc đẩy việc ngăn chặn dòng người di cư Hồi giáo đến nước Pháp, bà Le Pen kêu gọi trục xuất những người Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo nơi các thày tế thuyết giảng chủ nghĩa cực đoan, cắt giảm người nhập cư, bãi bỏ đồng Euro, và trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp.

Lý do chính để bà Le Pen chống lại EU cũng tương tự như lý do của những người Anh đã nêu ra để thực hiện Brexit: Các chính sách của EU về tự do đi lại đồng nghĩa là EU mới kiểm soát biên giới chứ không phải các quốc gia riêng rẽ.

Còn ông Macron có cái nhìn khác hoàn toàn. Vị cựu lãnh đạo ngân hàng đã nhiều lần nói ông tin rằng không có chuyện rút lui khỏi toàn cầu hóa.

Ông Macron chủ trương kiên định ủng hộ EU nhưng cũng nói ông muốn thấy có các cải cách để làm cho tổ chức này trở nên dân chủ hơn. Ông đã cảnh báo rằng nếu EU cứ tiếp tục vận hành như hiện nay, sẽ dẫn đến Frexit, tức là việc nước Pháp rút khỏi EU giống nước Anh.

Nhiều cử tri ở vùng thành thị, hầu hết là thịnh vượng, có chung quan điểm với ông Macron. Họ đánh giá rằng quốc gia của mình là thí nghiệm thành công về sự tập hợp những người từ nhiều nơi trên thế giới, và toàn cầu hoá không chỉ là bất khả kháng mà còn là chìa khóa đi đến sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai.

Thông điệp của bà Le Pen đã cộng hưởng với nhiều người cho rằng tương lai của họ bị đe dọa bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu và sự phá hoại văn hoá bản xứ của Pháp. Những nơi ủng hộ bà mạnh mẽ chủ yếu là các khu vực ở đông bắc nước Pháp, nơi các công xưởng và nhà máy thép đóng cửa đã làm mất đi hàng nghìn việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Pháp lên gần 10%, một trong những mức cao nhất ở châu Âu.

Phản ứng của thế giới

Tờ The Guardian đưa tin Thủ tướng Anh Theresa May là một trong những lãnh đạo châu Âu đầu tiên nhanh chóng chúc mừng ông Macron, vào lúc EU thở phào nhẹ nhõm rằng Pháp không phải là quân cờ domino tiếp theo bị đổ sau cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh và sau thắng lợi của ông Donald Trump trong kỳ bầu cử Mỹ.

Trong khi đó, dù từng ủng hộ bà Le Pen, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chúc mừng ông Emmanuel Macron trên Twitter.

Còn Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker viết trên Twitter: “Rất vui vì cử tri Pháp đã chọn một tương lai đi cùng châu Âu”.

Liên quan tới thị trường tài chính, đồng Euro tăng trong phiên giao dịch đầu ngày tại các thị trường Á châu, đạt mức một Euro ăn 1,1023 USD, là mức cao nhất kể từ tháng 11 tới nay.

Đọc tiếp »

Macron đắc cử Tổng thống Pháp, châu Âu và thị trường thở phào

Ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong vòng quyết định của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra ngày 7/5, đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Việc ông Macron - người ủng hộ hội nhập châu Âu và có những chính sách thân thiện với kinh doanh, thắng bà Le Pen - người dọa rút Pháp khỏi Liên minh Châu Âu (EU), đã giúp khu vực này và thị trường toàn cầu thở phào nhẹ nhõm.

Đồng Euro đã tăng giá mạnh sau chiến thắng của ông Macron. Đầu giờ giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, tỷ giá đồng tiền chung châu Âu so với đồng USD đã lần đầu tiên vượt mức 1,1 USD/Euro kể từ bầu cử Tổng thống Mỹ.

“Rủi ro địa chính trị giảm xuống ở Pháp, làm gia tăng khả năng tăng trưởng kinh tế ở Eurozone có thể vượt dự báo trong năm nay”, nhà phân tích Holger Schmieding thuộc Berenberg Bank nhận xét.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử Pháp, nhiều người đã lo ngại bà Le Pen sẽ giành chiến thắng nhờ phong trào dân túy đang nổi lên ở nhiều quốc gia trên thế giới, thể hiện rõ nhất qua hai sự kiện vào năm ngoái là cử tri Anh chọn rời bỏ EU và ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.

Hãng tin Reuters cho biết, với gần như toàn bộ số phiếu đã được kiểm, ông Macron giành tỷ lệ phiếu bầu hơn 66%, so với mức chưa đầy 34% cử tri ủng hộ bà Le Pen. Mức chênh lệch phiếu như vậy giữa hai ứng cử viên lớn hơn nhiều so với mức chênh khoảng 20 điểm phần trăm được dự báo trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.

Tuy nhiên, đây vẫn là thành tích tốt nhất mà Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp (FN) của bà Le Pen, một đảng dân tộc chủ nghĩa cực hữu với chủ trương chống người nhập cư và chống EU, từng đạt được. Kết quả này cho thấy mức độ chia rẽ lớn trong lòng xã hội Pháp mà tân Tổng thống sẽ phải nỗ lực nhiều để hàn gắn.

“Tôi hiểu những rạn nứt ở đất nước chúng ta, thực tế dẫn tới việc một số người bỏ phiếu cho phe cực đoan. Tôi tôn trọng họ”, Macron phát biểu tại trụ sở chiến dịch vấn động tranh cử. “Tôi hiểu sự giận dữ, nỗi lo lắng, và tâm trạng hoài nghi mà nhiều người trong số các bạn đã bày tỏ. Trách nhiệm của tôi là lắng nghe điều đó. Tôi sẽ nỗ lực để lập lại mối liên kết ở châu Âu và người dân ở châu lục này, giữa châu Âu và các công dân của mình”.

Thách thức trước mắt của ông Macron sẽ là giành đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào tháng tới cho đảng của mình để dễ dàng thực thi các chính sách mà ông đã đề ra trong quá trình tranh cử.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande, người đã đưa ông Macron đến với chính trị, nói rằng kết quả cuộc bầu cử “khẳng định rằng một tỷ lệ lớn công dân của chúng ta vẫn muốn đoàn kết xung quanh những giá trị của nước Pháp và thể hiện sự gắn bó với EU”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ sự vui mừng trước chiến thắng của Macron. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker nói với Tổng thống Pháp đắc cử: “Tôi vui mừng trước những ý tưởng mà ông bảo vệ về một châu Âu mạnh mẽ và tiến bộ, một châu Âu bảo vệ cho tất cả các công dân của mình. Đó sẽ là những ý tưởng mà ông đưa vào nhiệm kỳ Tổng thống của mình”.

Sau chiến thắng, ông Macron cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông hy vọng sẽ cùng làm việc để phục hồi trục Pháp-Đức với vai trò trái tim của châu Âu. Ông Macron nói với bà Merkel rằng ông sẽ sớm thăm Đức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên mạng xã hội Twitter để chúc mừng ông Macron về “chiến thắng lớn”, nói rằng ông mong muốn được làm việc cùng ông Macron.

Năm nay 39 tuổi, ông Macron từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và đã có hai năm nắm cương vị Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp dưới thời Tổng thống Hollande, nhưng chưa từng tham gia một cuộc bầu cử nào. Sau khi nhậm chức vào cuối tuần này, ông Macron sẽ trở thành nguyên thủ trẻ nhất của Pháp từ thời Napoleon, và sẽ là vị Tổng thống thứ 8 của nước này.

Các chính sách của ông Macron là sự pha trộn giữa cắt giảm mạnh tay chi tiêu công và nới lỏng luật lao động, tăng cường đầu tư và hoạt động đào tạo, và cải cách dần hệ thống lương hưu. Với quan điểm ủng hộ hội nhập châu Âu và ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông không có dấu hiệu sẽ thay đổi các mối quan hệ liên minh truyền thống của Pháp hay điều chỉnh vai trò quân sự và gìn giữ hòa bình của nước này ở Trung Đông và châu Phi.

Việc ông Macron đắc cử cũng đánh dấu một sự thay đổi thế hệ đã được chờ đợi từ lâu trong nền chính trị Pháp, nơi chứng kiến sự ngự trị của những gương mặt tương tự suốt nhiều thập kỷ qua.

Ông Macron sẽ là nguyên thủ trẻ nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Ông cũng được so sánh với những nhà lãnh đạo trẻ hiện nay và trước kia, như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, và thậm chí cả cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Đọc tiếp »

Chân dung tân Tổng thống “phá vỡ mọi khuôn mẫu” của nước Pháp

Giành chiến thắng trong vòng quyết định của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào ngày 7/5, vài tháng trước khi tròn 40 tuổi, chính trị gia theo trường phái trung dung Macron đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thống trị của các chính đảng truyền thống lâu năm ở Pháp suốt mấy thập kỷ trở lại đây.

Ngoài ra, chiến thắng của ông cũng chặn đứng làn sóng dân tộc chủ nghĩa cả về kinh tế và chính trị - làn sóng dẫn tới sự kiện cử tri Anh chọn Brexit và ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Ông Macron sẽ là nguyên thủ trẻ nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Ông cũng được so sánh với những nhà lãnh đạo trẻ hiện nay và trước kia, như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, và thậm chí cả cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Niềm khao khát của người Pháp

Chỉ mất 3 năm, để Emmanuel Macron từ một chính khách ít tên tuổi trở thành Tổng thống đắc cử trẻ nhất trong lịch sử Pháp.

Nhiều người cho rằng sự nổi lên ấn tượng của ông Macron bắt nguồn từ sự khao khát của cử tri Pháp muốn có một nhà lãnh đạo mới mẻ, cộng thêm thông điệp lạc quan mà ông Macron đưa ra cho nước Pháp - quốc gia từ lâu đã bị ám ảnh bởi sự sa sút vị thế trên trường quốc tế.

“Chiến dịch tranh cử của ông ấy thống như một liệu pháp đám đông, đưa nước Pháp trở lại với sự lạc quan”, nhà văn Michel Houllebecq nhận xét.

Sự suy sụp bất ngờ của đối thủ đến từ các chính đảng lâu năm chắc chắn có một vai trò trong chiến thắng của Macron, nhưng bản thân Macron cũng có những những chiến thuật để nắm bắt cơ hội của mình. Ban đầu, tưởng như Macron sẽ đi lên trong hàng ngũ các chính trị gia dòng chính ở Pháp sau khi ông quyết định áp dụng kỹ năng thương thuyết của một nhà ngân hàng đầu tư vào thế giới chính trị.

Tuy nhiên, sau hai năm là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Macron chuyển sang đánh vào tâm lý khao khát muốn có nhà lãnh đạo mới mẻ của đông đảo cử tri Pháp bằng cách đưa ra thông điệp mạnh mẽ chống lại các chính đảng lâu năm.

Từng học ở những ngôi trường danh giá nhất của Pháp, từng môi giới những thương vụ có tổng trị giá 10 tỷ USD, và từng nắm chức Bộ trưởng, Macron đã thề sẽ thay đổi hệ thống mà ông xuất thân.

“Nước Pháp bị cản trở bởi chính khuynh hướng tư lợi của giới tinh hoa Pháp. Và tôi sẽ nói với các bạn một bí mật nho nhỏ. Tôi biết, vì tôi là một phần của bí mật đó”, ông nói với người ủng hộ trong một cuộc vận động tranh cử ở thị trấn Pau miền Nam nước Pháp.

Sinh ra ở vùng Amiens thuộc miền Nam nước Pháp, trong một gia đình có cha mẹ làm bạc sỹ, Macron kể rằng ông có một tuổi thơ yên bình, dành hầu hết thời gian “cho sách vở, có một chút tách biệt với thế giới”.

Năm 15 tuổi, Macron gặp người vợ tương lai của mình - cô giáo dạy văn Brigitte, người hơn ông 24 tuổi, đã kết hôn và có 3 con riêng. Mối quan hệ khác thường của họ đã trở thành đề tài nóng của giới truyền thông.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Macron chuyển đến Paris và theo học ở hai học viện là Sciences-Po và Ecole Nationale d'Administration (ENA), nơi được xem là cái nôi đào tạo của giới tinh hoa chính trị Pháp. Ngoài ra, ông còn giữ vai trò trợ lý nghiên cứu cho nhà triết học Paul Ricoeur.

Ra trường với số điểm gần cao nhất khóa, Macron có một thời gian làm công chức, trước khi làm việc tại mảng mua sắm và sáp nhập (M&A) của ngân hàng đầu tư Rothschild trong 4 năm. Tham gia môi giới vụ Nestle mua lại mảng thực phẩm trẻ em của Pfizer đã giúp Macron có một khối tài sản nho nhỏ.

Tiếp đó, vào năm 2012, ông tham gia ê-kíp của Tổng thống Francois Hollande, và sau đó trở thành Bộ trưởng Bộ Kinh tế. “Ông ấy luôn muốn làm chính trị. Ông ấy nói về điều đó suốt”, Gaspard Gantzer, một bạn học của Macron ở ENA, cho biết.

Những ý tưởng mới

Khi làm việc trong Chính phủ, Macron đã có ý tưởng phá bỏ một số nét chính của “mô hình xã hội” Pháp như 35 giờ làm việc mỗi tuần, chế độ bảo vệ việc làm chắc chắn, và văn hóa công việc trọn đời của công chức. Những thông điệp này của Macron không ngờ đã giành được sự ủng hộ lớn của cử tri Pháp.

Macron, người ngủ rất ít và thường xuất hiện online trên dịch vụ nhắn tin Telegram vào lúc 2h sáng, nói rằng tham vọng của ông là làm cầu nối hàn gắn sự chia rẽ tả-hữu vốn từ lâu ngự trị chính tường Pháp.

Khi Macron rời Chính phủ vào tháng 8 năm ngoái và xây dựng một phong trào chính trị mà ông mới chỉ thành lập 4 tháng trước đó, nhiều người chỉ xem ông như một ngôi sao vụt sáng và sẽ sớm tắt. “Ông ấy sẽ không tồn tại nổi 5 phút với những kẻ xấu trong chiến dịch tranh cử”, một trong những người tiền nhiệm của Macron tại Bộ Kinh tế Pháp phát biểu.

Tuy nhiên, trong lúc Đảng Xã hội cầm quyền đối mặt nhiều xáo trộn và ứng cử viên trung tả Francois Fillon gặp bê bối tài chính, ông Macron nổi lên thành một lựa chọn sáng giá.

“Điều ông ấy làm với chính trường Pháp giống như điều Uber làm với taxi truyền thống”, bà Laurent Bigorgne, một người bạn của ông Macron, hiện làm cho viện nghiên cứu Institut Montaigne, phát biểu. “Ngay từ đầu, có thể thấy rõ Uber sẽ khiến cho taxi trở nên lỗi thời. Chỉ có điều là taxi không nhận thấy điều đó”.

Macron tiếp tục khiến đối thủ và các học giả bối rối khi thu hút thêm được sự ủng hộ của đông đảo cử tri thuộc tầng lớp lao động và các chính trị gia trung tả và trung hữu rời bỏ đảng của họ.

Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào tuần trước, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, đối thủ của ông Macron trong vòng bầu cử quyết định, đã gọi ông là một “nhà ngân hàng giả tạo”, một “người điên rồ ủng hộ toàn cầu hóa và Uber hóa”.

Đáp trả sự chỉ trích của đối thủ, Macron nói: “Bà cứ ở lại trên TV nhé. Tôi muốn thành Tổng thống của nước Pháp”.

Đọc tiếp »

Chống tham nhũng và phục hồi kinh tế thành tâm điểm bầu Tổng thống Hàn Quốc

Với nhiều cử tri Hàn Quốc, mối quan hệ căng thẳng với Triều Tiên không phải điều khiến họ quan tâm nhất trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày mai (9/5), để chọn ra người thay thế cựu Tổng thống Park Geun-hye mới bị kết tội tháng trước.

Theo cuộc thăm dò dư luận của RealMeter, 27,5% người được hỏi cho biết vấn đề quan trọng nhất đối với họ là liệu tân Tổng thống “có ý định cải tổ bộ máy chính trị vốn chìm trong tham nhũng”, trong khi đó, 24,5% quan tâm tới “khả năng phục hồi nền kinh tế và cải thiện đời sống người dân”.

"Bảo vệ an ninh quốc gia và nền dân chủ tự do” là yếu tố được quan tâm thứ ba với 18,5% người được hỏi.

Sự vụ của cựu Tổng thống Park có tác động mạnh tới chính trường Hàn Quốc. Trong số những ứng viên Tổng thống, lãnh đạo đảng Dân chủ, ông Moon Jae In được hưởng lợi không ít từ những bê bối liên quan tới sự thiếu minh bạch và tham nhũng của bà Park. Hình ảnh “trong sạch” giúp ông Moon có lợi thế trước các đối thủ khác trong cuộc bầu cử.

Về kinh tế, dù nhiều dự báo về tăng trưởng trở lại trong năm 2017, nhiều người Hàn Quốc vẫn cảm thấy họ đang trong tình trạng khó khăn. Theo hãng tin Yonhap, chỉ số “chịu đựng” của nền kinh tế - được tính dựa trên tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát - của Hàn Quốc đang ở mức cao nhất 5 năm.

"Tôi làm nghề bán sữa và vì kinh tế khó khăn nên việc kinh doanh cũng rất tồi tệ”, bà Choi Seon Ok, 62 tuổi, cho biết. “Tôi muốn sẽ có nhiều thêm các chương trình phúc lợi cho người dân”.

Còn Nam Woo Hyu, 26 tuổi, sinh viên đại học, chia sẻ: "Gần đây, chúng tôi đã thấy rõ những mặt tối của bộ máy chính quyền”. Anh cũng cho biết đặc biệt quan tâm tới “thị trường việc làm cho người trẻ và tăng trưởng kinh tế”.

Không giống giới trẻ, đa phần những người lớn tuổi tại Hàn Quốc lại tỏ ra đặc biệt quan tâm tới an ninh quốc gia và vấn đề Triều Tiên.

Theo một thăm dò mới đây của Gallup/YTN, trong khi những cử tri ở độ tuổi 30 ủng hộ ông Moon Jae In, chỉ có 16% cử tri ở độ tuổi 60, ủng hộ ứng viên này. Đa số họ muốn các ứng viên Ahn Cheol Soo hoặc Hong Jun Pyo trở thành Tổng thống với những chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên.

“An ninh quốc gia nên là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong chính phủ mới, theo sau là phát triển kinh tế”, bà Bae Kyung-hwan, 72 tuổi, sống tại Seoul chia sẻ.

Theo CNN, bất kể mối quan tâm hàng đầu là gì, đa số cử tri Hàn Quốc cho biết sẽ “chắc chắn đi bầu” vào ngày mai. Còn khảo sát của Gallup cho biết 91% người được hỏi cho biết sẽ tham gia bầu cử.

Đọc tiếp »

Vai trò bà vợ hơn 24 tuổi trong chiến thắng của tân Tổng thống Pháp

Khi hai người lần đầu tiên gặp nhau, Emmanuel Macron mới là cậu học trò 15 tuổi, còn Brigitte Trogneux là cô giáo dạy văn 40 tuổi, đã yên bề gia thất. Cậu trò nhỏ đã đem lòng yêu cô giáo khi cô hướng dẫn cậu trong một vở kịch ở trường.

Giờ đây, với chiến thắng của Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 7/5, bà Trogneux chuẩn bị bước vào điện Elysee trên cương vị đệ nhất phu nhân. Ở vị trí mới này, chắc chắn bà sẽ tiếp tục giữ vai trò hướng dẫn Macron, nhưng trên một sân khấu lớn hơn.

Năm nay 64 tuổi, bà Trogneux, phu nhân Tổng thống đắc cử Macron, luôn sát cánh bên chồng trong suốt chiến dịch tranh cử của ông. Bà là một cánh tay đắc lực của chồng, giúp ông quản lý chương trình làm việc, biên tập các bài phát biểu của ông, và đưa ra lời tư vấn cho ông trước mỗi lần ông xuất hiện trên sân khấu.

Trong bài phát biểu chiến thắng sau vòng đầu tiên của cuộc bầu cử cách đây hai tuần, Macron đã đưa vợ lên đứng cùng trên bục sân khấu và nói lời cảm ơn với bà. Người ủng hộ có mặt đã dành cho cặp đôi những tràng vỗ tay không ngớt.

“Brigitte luôn có mặt bên tôi, và giờ đây cô ấy còn ở bên tôi nhiều hơn. Nếu không có cô ấy, tôi sẽ không phải là tôi bây giờ”, Macron nói đầy xúc động khi hàng trăm khán giả hô vang tên vợ ông.

Cặp đôi này gần như không được biết đến ở Pháp khi ông Macron được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande vào tháng 8/2014. Một năm sau, bà Trogneux nghỉ công việc giảng dạy để dành thời gian hậu thuẫn người chồng trẻ đầy tham vọng của mình.

Tại Bộ Kinh tế Pháp thời ông Macron làm Bộ trưởng, bà Trogneux dường như luôn có sự hiện diện ngầm trong các cuộc họp của bộ này.

“Bà ấy đã dành nhiều thời gian ở đây vì quan điểm của bà ấy có ý nghĩa đối với tôi. Bà ấy mang lại một bầu không khí khác, điều đó rất quan trọng… Tôi không thể làm việc nếu không hạnh phúc”, ông Macron nói về vợ trong cuộc họp cuối cùng ở Bộ Kinh tế Pháp khi ông rời khỏi Chính phủ của ông Hollande vào tháng 8/2016.

Phải ba tháng sau đó, vào ngày 16/11/2016, Macron mới chính thức tuyên bố chạy đua Tổng thống. Tuy nhiên, đến khi đó, ông đã bắt đầu đưa mối quan hệ với người vợ già trở thành một phần không thể tách rời trong hình ảnh của mình trước công chúng.

Trong khoảng thời gian mấy tháng trước khi ông Macron ra tranh cử, công chúng Pháp đã phát hiện ra Trogneux trong một loạt bài đăng trên tạp chí Paris Match, bao gồm một bức ảnh cặp đôi đi nghỉ ở biển. Trong bức ảnh đó, bà Trogneux, người phụ nữ tóc vàng mảnh mai với nước da rám nắng, mặc đồ tắm một mảnh, rạng rỡ bên người chồng trẻ.

“Kỳ nghỉ của cặp tình nhân trước cuộc tấn công”, bài báo giật tít.

Trong một bộ phim tài liệu được kênh France 3 phát sóng vào tháng 11/2016, chỉ vài ngày trước khi ông Macron tuyên bố tranh cử, cặp đôi chia sẻ một đoạn video trong đó cậu học sinh Macron xuất hiện trong vở kịch ở trường khi hai người gặp nhau. Tiếp đó là một đoạn video về đám cưới của họ vào năm 2007.

“Cảm ơn vì đã chấp nhận chúng tôi, một cặp đôi không bình thường lắm”, ông Macron nói trong đám cưới có sự tham dự của những người con đã trưởng thành của Trogneux. Khi đó, ông gần 30 tuổi còn bà đã 54.

Các họa sỹ biếm họa và các chương trình phát thanh, truyền hình châm biếm ở Pháp thường chế nhạo sự khác biệt tuổi tác của vợ chồng Macron. Họ phác họa chân dung của Macron là một cậu học sinh nghe theo sự chỉ dẫn của cô giáo.

Trong khi đó, những người ủng hộ Macron nói những câu chuyện đùa này là một sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Họ nhấn mạnh việc ông Macron kém vợ 24 tuổi cũng chẳng khác gì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hơn vợ ông, bà Melania, 24 tuổi.

Bà Trogneux thản nhiên đón nhận những lời châm chọc. Bà thậm chí còn nói vui rằng nếu Macron muốn chạy đua Tổng thống, thì ông nên làm sớm, khi ngoại hình của bà trông vẫn còn ổn. “Ông ấy nên tranh cử vào năm 2017, vì vào năm 2022, vấn đề của ông ấy sẽ là khuôn mặt của tôi”, một người bạn kể lại lời bà Trogneux trong một cuốn sách viết về đường đến điện Elysee của Macron.

Sinh năm 1953, bà Trogneux là con út trong một gia đình giàu có nhờ nghề làm chocolate truyền thống ở Amiens, thị trấn miền Nam nước Pháp. Bà kết hôn với một người làm nghề ngân hàng và sinh được ba người con.

Vào năm 1993, khi bà dạy môn văn tại trường Providence Jesuit, cậu học sinh Macron tham gia một vở kịch của trường dưới sự hướng dẫn của bà. Năm sau đó, hai người cùng nhau viết lại một kịch bản để có thêm nhiều vài diễn hơn. “Dần dần, tôi cảm thấy hoàn toàn bị thuyết phục bởi trí thông minh của cậu bé này”, Trogneux nói với kênh truyền hình France 3.

Tin đồn bắt đầu lan đi về mối quan hệ giữa hai người, khiến cha mẹ Macron phải đưa ông rời Amiens lên Paris để hoàn thành nốt năm học phổ thông cuối cùng. Tại đây, ông theo học ở ngôi trường quý tộc Lycee Henri IV.

“Cô sẽ không thể rời bỏ được em. Em sẽ quay lại và sẽ cưới cô”, Macron nói với Trogneux trước khi ra đi - theo các nhà viết tiểu sử về ông.

Khi được hỏi về vai trò của Trogneux tại điện Elysee nếu ông đắc cử, Macron đã nói: “Bà ấy sẽ có một sự tồn tại, một tiếng nói ở đó, một quan điểm về mọi thứ. Bà ấy sẽ ở bên tôi như đã luôn ở bên tôi, nhưng bà ấy còn có thêm một vai trò trước công chúng nữa”.

Đọc tiếp »