Là người ủng hộ một châu Âu hội nhập, ông Macron giành được khoảng 65,2% số phiếu, trong khi đối thủ từng đe dọa đưa Pháp rời Liên minh Châu Âu (EU) giành được 34,8% phiếu.
Phát biểu sau khi giành thắng lợi, ông Macron nói, một trang mới đã mở ra trong lịch sử nước Pháp. “Tôi muốn nó là một trang của sự hy vọng và niềm tin”, ông nói.
Theo BBC, bà Marine Le Pen đã gọi điện cho ông Macron để “chúc thành công”. Bà nói với các ủng hộ viên của mình rằng sự phân rẽ mới trong nước Pháp nay nằm giữa “những người theo chủ nghĩa toàn cầu và những người ái quốc”.
Cuộc bầu cử này được cho là có thể quyết định liệu nước Pháp tiếp tục con đường toàn cầu hoá, hay sẽ rẽ sang con đường mới tách khỏi EU.
Lựa chọn khó khăn
Trong cuộc đua bị chi phối mạnh mẽ bởi các vấn đề về công ăn việc làm, nhập cư và an ninh, cử tri Pháp đứng trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai và cũng là vòng chung cuộc.
Một bên là ông Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng kinh tế theo đường lối trung dung. Đối thủ của ông là người theo chủ nghĩa dân tộc, chống di dân, bà Marine Le Pen.
Theo VOA, các cuộc thăm dò trước hôm 7/5 cho thấy ông Macron dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ là 63%, cách xa đáng kể so với mức 37% của bà Le Pen.
Với quan điểm chống EU và thúc đẩy việc ngăn chặn dòng người di cư Hồi giáo đến nước Pháp, bà Le Pen kêu gọi trục xuất những người Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo nơi các thày tế thuyết giảng chủ nghĩa cực đoan, cắt giảm người nhập cư, bãi bỏ đồng Euro, và trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp.
Lý do chính để bà Le Pen chống lại EU cũng tương tự như lý do của những người Anh đã nêu ra để thực hiện Brexit: Các chính sách của EU về tự do đi lại đồng nghĩa là EU mới kiểm soát biên giới chứ không phải các quốc gia riêng rẽ.
Còn ông Macron có cái nhìn khác hoàn toàn. Vị cựu lãnh đạo ngân hàng đã nhiều lần nói ông tin rằng không có chuyện rút lui khỏi toàn cầu hóa.
Ông Macron chủ trương kiên định ủng hộ EU nhưng cũng nói ông muốn thấy có các cải cách để làm cho tổ chức này trở nên dân chủ hơn. Ông đã cảnh báo rằng nếu EU cứ tiếp tục vận hành như hiện nay, sẽ dẫn đến Frexit, tức là việc nước Pháp rút khỏi EU giống nước Anh.
Nhiều cử tri ở vùng thành thị, hầu hết là thịnh vượng, có chung quan điểm với ông Macron. Họ đánh giá rằng quốc gia của mình là thí nghiệm thành công về sự tập hợp những người từ nhiều nơi trên thế giới, và toàn cầu hoá không chỉ là bất khả kháng mà còn là chìa khóa đi đến sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai.
Thông điệp của bà Le Pen đã cộng hưởng với nhiều người cho rằng tương lai của họ bị đe dọa bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu và sự phá hoại văn hoá bản xứ của Pháp. Những nơi ủng hộ bà mạnh mẽ chủ yếu là các khu vực ở đông bắc nước Pháp, nơi các công xưởng và nhà máy thép đóng cửa đã làm mất đi hàng nghìn việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Pháp lên gần 10%, một trong những mức cao nhất ở châu Âu.
Phản ứng của thế giới
Tờ The Guardian đưa tin Thủ tướng Anh Theresa May là một trong những lãnh đạo châu Âu đầu tiên nhanh chóng chúc mừng ông Macron, vào lúc EU thở phào nhẹ nhõm rằng Pháp không phải là quân cờ domino tiếp theo bị đổ sau cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh và sau thắng lợi của ông Donald Trump trong kỳ bầu cử Mỹ.
Trong khi đó, dù từng ủng hộ bà Le Pen, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chúc mừng ông Emmanuel Macron trên Twitter.
Còn Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker viết trên Twitter: “Rất vui vì cử tri Pháp đã chọn một tương lai đi cùng châu Âu”.
Liên quan tới thị trường tài chính, đồng Euro tăng trong phiên giao dịch đầu ngày tại các thị trường Á châu, đạt mức một Euro ăn 1,1023 USD, là mức cao nhất kể từ tháng 11 tới nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét