“Rủi ro địa chính trị giảm xuống ở Pháp, làm gia tăng khả năng tăng trưởng kinh tế ở Eurozone có thể vượt dự báo trong năm nay”, nhà phân tích Holger Schmieding thuộc Berenberg Bank nhận xét.
Trước khi diễn ra cuộc bầu cử Pháp, nhiều người đã lo ngại bà Le Pen sẽ giành chiến thắng nhờ phong trào dân túy đang nổi lên ở nhiều quốc gia trên thế giới, thể hiện rõ nhất qua hai sự kiện vào năm ngoái là cử tri Anh chọn rời bỏ EU và ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.
Hãng tin Reuters cho biết, với gần như toàn bộ số phiếu đã được kiểm, ông Macron giành tỷ lệ phiếu bầu hơn 66%, so với mức chưa đầy 34% cử tri ủng hộ bà Le Pen. Mức chênh lệch phiếu như vậy giữa hai ứng cử viên lớn hơn nhiều so với mức chênh khoảng 20 điểm phần trăm được dự báo trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.
Tuy nhiên, đây vẫn là thành tích tốt nhất mà Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp (FN) của bà Le Pen, một đảng dân tộc chủ nghĩa cực hữu với chủ trương chống người nhập cư và chống EU, từng đạt được. Kết quả này cho thấy mức độ chia rẽ lớn trong lòng xã hội Pháp mà tân Tổng thống sẽ phải nỗ lực nhiều để hàn gắn.
“Tôi hiểu những rạn nứt ở đất nước chúng ta, thực tế dẫn tới việc một số người bỏ phiếu cho phe cực đoan. Tôi tôn trọng họ”, Macron phát biểu tại trụ sở chiến dịch vấn động tranh cử. “Tôi hiểu sự giận dữ, nỗi lo lắng, và tâm trạng hoài nghi mà nhiều người trong số các bạn đã bày tỏ. Trách nhiệm của tôi là lắng nghe điều đó. Tôi sẽ nỗ lực để lập lại mối liên kết ở châu Âu và người dân ở châu lục này, giữa châu Âu và các công dân của mình”.
Thách thức trước mắt của ông Macron sẽ là giành đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào tháng tới cho đảng của mình để dễ dàng thực thi các chính sách mà ông đã đề ra trong quá trình tranh cử.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande, người đã đưa ông Macron đến với chính trị, nói rằng kết quả cuộc bầu cử “khẳng định rằng một tỷ lệ lớn công dân của chúng ta vẫn muốn đoàn kết xung quanh những giá trị của nước Pháp và thể hiện sự gắn bó với EU”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ sự vui mừng trước chiến thắng của Macron. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker nói với Tổng thống Pháp đắc cử: “Tôi vui mừng trước những ý tưởng mà ông bảo vệ về một châu Âu mạnh mẽ và tiến bộ, một châu Âu bảo vệ cho tất cả các công dân của mình. Đó sẽ là những ý tưởng mà ông đưa vào nhiệm kỳ Tổng thống của mình”.
Sau chiến thắng, ông Macron cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông hy vọng sẽ cùng làm việc để phục hồi trục Pháp-Đức với vai trò trái tim của châu Âu. Ông Macron nói với bà Merkel rằng ông sẽ sớm thăm Đức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên mạng xã hội Twitter để chúc mừng ông Macron về “chiến thắng lớn”, nói rằng ông mong muốn được làm việc cùng ông Macron.
Năm nay 39 tuổi, ông Macron từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và đã có hai năm nắm cương vị Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp dưới thời Tổng thống Hollande, nhưng chưa từng tham gia một cuộc bầu cử nào. Sau khi nhậm chức vào cuối tuần này, ông Macron sẽ trở thành nguyên thủ trẻ nhất của Pháp từ thời Napoleon, và sẽ là vị Tổng thống thứ 8 của nước này.
Các chính sách của ông Macron là sự pha trộn giữa cắt giảm mạnh tay chi tiêu công và nới lỏng luật lao động, tăng cường đầu tư và hoạt động đào tạo, và cải cách dần hệ thống lương hưu. Với quan điểm ủng hộ hội nhập châu Âu và ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông không có dấu hiệu sẽ thay đổi các mối quan hệ liên minh truyền thống của Pháp hay điều chỉnh vai trò quân sự và gìn giữ hòa bình của nước này ở Trung Đông và châu Phi.
Việc ông Macron đắc cử cũng đánh dấu một sự thay đổi thế hệ đã được chờ đợi từ lâu trong nền chính trị Pháp, nơi chứng kiến sự ngự trị của những gương mặt tương tự suốt nhiều thập kỷ qua.
Ông Macron sẽ là nguyên thủ trẻ nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Ông cũng được so sánh với những nhà lãnh đạo trẻ hiện nay và trước kia, như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, và thậm chí cả cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét