Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Cứu giá dầu, cuộc chiến chật vật của OPEC và Nga

Vào tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng với Nga và một số nước sản xuất dầu lớn khác ngoài khối đã nhất trí cùng nhau kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng. Đây là động thái nhằm “hút” sạch lượng dầu dư thừa trên toàn cầu - nhân tố đẩy giá “vàng đen” giảm sâu tới mức khó tưởng tượng trong năm ngoái.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được giữa OPEC và Nga dường như đã thiết lập được một mức “sàn” cho giá dầu thế giới từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, chiến lược này vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là tình trạng thừa dầu của thế giới, ít nhất là đến thời điểm này.

Thế giới vẫn thừa nhiều dầu

Bất chấp việc OPEC và Nga cắt giảm sản lượng, lượng dầu tồn kho ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác vẫn bám trụ ở mức cao. Điều này khiến các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn lo ngại về triển vọng giá dầu.

Chiến lược của OPEC và Nga “đến nay chưa phát huy tác dụng”, ông Matt Smith, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc ClipperData, nhận định. “Họ vẫn còn cách mục tiêu một khoảng xa. Lượng dầu tồn kho hầu như chưa giảm xuống”.

Tại Mỹ, quốc gia có dữ liệu về tồn kho dầu được cập nhật thường xuyên và đáng tin cậy nhất, lượng dầu tồn kho hiện ở mức 516,3 triệu thùng. Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), con số này không chỉ cao hơn mức trung bình lịch sử, mà thậm chí còn cao hơn 6% so với thời điểm khi OPEC và Nga mới đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 11 năm ngoái.

“Lượng dầu tồn kho chưa hề giảm xuống. Đó là lý do vì sao cần phải tiếp tục việc cắt giảm sản lượng”, ông Andrew Slaughter, Giám đốc điều hành Trung tâm Giải pháp năng lượng Deloitte, nhận định.

Điều khiến OPEC quan tâm nhiều hơn là lượng tồn kho dầu trên toàn cầu. Nhưng theo CNN, bức tranh lớn này cũng không hề tươi sáng hơn.

Lượng dầu tồn kho tại các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tăng thêm 24 triệu thùng trong quý 1 năm nay, lên mức kỷ lục 1,2 tỷ thùng - theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

“Bất chấp OPEC nghiêm chỉnh tuân thủ việc cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất dầu chính tin rằng lượng dầu tồn kho chưa hề giảm xuống”, IEA viết trong một báo cáo ra trong tháng 5.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đồng tình rằng chiến lược của OPEC đến nay mới chỉ đem lại kết quả hạn chế. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng “chưa hề có ảnh hưởng rõ rệt đối với lượng dầu tồn kho”, các nhà phân tích của Fitch viết trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm tuần trước.

Sau cuộc họp của OPEC vào hôm thứ Năm, giá dầu thô tại thị trường Mỹ, đã sụt 5% xuống dưới mức 49 USD/thùng, phản ánh sự hoài nghi của giới đầu tư đối với chiến lược của khối.

Trước khi diễn ra cuộc họp, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng Saudi Arabia, “thủ lĩnh” không chính thức của OPEC, và Nga sẽ gây sức ép buộc các nước khác phải giảm sản lượng sâu hơn, hoặc gia hạn thỏa thuận lâu hơn, thay vì chỉ thêm 9 tháng.

Chiều ngày 29/5 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York đứng dưới mức 50 USD/thùng.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến khiến OPEC gặp khó

Vậy đâu là lý do khiến mức cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày của OPEC và các đối tác ngoài khối không thể khiến lượng dầu tồn kho của thế giới giảm xuống?

Nhiều người lo ngại rằng OPEC - khối có cả một lịch sử dài không tuân thủ hạn ngạch sản lượng của chính mình - sẽ không thực hiện đúng cam kết đưa ra. Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng lần này, OPEC không “nói dối”.

Mặc dù vậy, giới phân tích nói rằng Saudi Arabia và Nga thực ra đã khiến mức thừa dầu của thế giới gia tăng khi hai nước này đẩy mạnh xuất khẩu dầu trước khi đạt thỏa thuận vào tháng 11/2016. Với sản lượng bị đẩy lên từ trước, thì việc cắt giảm sản lượng sau đó không có nhiều tác dụng.

Một vấn đề khác là lượng dầu mà OPEC xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng, bất chấp sản lượng bị cắt giảm. Từ đầu năm đến nay, tháng nào Mỹ cũng nhập nhiều dầu từ OPEC hơn so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của ClipperData. “Điều này hơi khó hiểu một chút. Không biết làm thế nào họ vừa tuân thủ đầy đủ thỏa thuận giảm sản lượng mà lại không khiến lượng dầu xuất khẩu giảm đi”, ông Smith từ ClipperData nhận định.

Ngoài ra, sự trở lại của các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng là một trở lại đối với sự khởi sắc của giá dầu. Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, nhất là các mỏ dầu ở vùng Permian Basin, đã chứng tỏ vững vàng hơn những gì OPEC dự đoán.

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ công ty Baker Hughes cho biết các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đến nay đã tăng số giàn khoan hoạt động suốt 19 tuần liên tiếp, lên 722 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015.

Thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC

Các nhà đầu tư lạc quan cho rằng OPEC cần thêm thời gian để đưa cung-cầu trên thị trường dầu về trạng thái cân bằng. Họ nói lượng dầu tồn kho sẽ giảm xuống nhờ việc cắt giảm sản lượng diễn ra song song với nhu cầu tiêu thụ xăng gia tăng ở Mỹ trong mùa hè.

Ông Khalid al-Falih, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia tin rằng thị trường dầu thế giới sẽ cân bằng trong quý 1/2018. Dĩ nhiên, thời hạn dự báo này đã bị lùi lại so với dự báo trước đó của chính ông Khalid rằng thị trường sẽ cân bằng trong năm 2017.

Ngân hàng Goldman Sachs đồng tình rằng mức tồn kho dầu của các nước OECD sẽ trở lại mức bình thường vào đầu năm 2018 nhờ OPEC có thêm 9 tháng cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thế cân bằng sẽ duy trì được lâu, nhất là khi giá dầu tăng khiến các nhà khai thác dầu đá phiến tăng sản lượng.

“Khi thỏa thuận này kết thúc, và đồng thời sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh, thì thị trường sẽ lại thừa cung”, ngân hàng Morgan Stanley viết trong một báo cáo ra hôm thứ Sáu tuần trước.

Đó là lý do vì sao Morgan Stanley hạ dự báo giá dầu vào cuối năm 2018 còn 55 USD/thùng, từ mức 60 USD/thùng đưa ra trước đó.

Goldman Sachs cũng cảnh báo rằng nếu OPEC nối lại cuộc chiến giành thị phần, thì thế giới sẽ lại thừa mứa dầu. “Đây chính là thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC: nếu họ quay trở lại mức sản lượng cũ vào năm 2018 để tăng thị phần, thì giá dầu sẽ lại sụt giảm”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.

Đọc tiếp »

Giới đầu tư Bitcoin mất 4 tỷ USD trong 4 ngày

Gần 4 tỷ USD giá trị của đồng tiền ảo Bitcoin đã “bốc hơi” trong 4 ngày qua, khi một đợt điều chỉnh khiến giá Bitcoin lao dốc khoảng 19% kể từ mức cao kỷ lục.

Hãng tin CNBC cho biết, vào hôm 24/5, giá đồng Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.791,69 USD/Bitcoin.

Tuy nhiên, đến ngày 29/5, giá đồng tiền ảo này cao nhất trong ngày chỉ còn 2.267,73 USD/Bitcoin, đồng nghĩa với mức giảm hơn 520 USD, tương đương giảm 18,7%, kể từ mức kỷ lục - theo dữ liệu từ CoinDesk.

“Đợt điều chỉnh này diễn ra khá nhanh chóng. Nhưng giá Bitcoin hôm nay vẫn cao hơn thời điểm cách đây 1 tuần. Tôi cho rằng giá Bitcoin chỉ giảm tạm thời do hoạt động chốt lời sau đợt tăng chóng mặt vào tuần trước”, ông Bobby Lee, Giám đốc điều hành (CEO) của sàn giao dịch Bitcoin BTCC, nói với CNBC.

Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đã giảm từ mức 40,49 tỷ USD vào hôm thứ Năm tuần trước, xuống còn hơn 37 tỷ USD vào ngày thứ Hai, tương đương với mức sụt giảm giá trị khoảng 3,5 tỷ USD.

Có một số nhân tố đẩy giá Bitcoin tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay, trong đó có việc Nhật Bản hợp pháp hóa sử dụng Bitcoin trong thanh toán. Trong dài hạn, những người ủng hộ Bitcoin tin rằng đồng tiền ảo này sẽ được sử dụng rộng rãi và thậm chí có thể đe dọa sự thống trị của tiền giấy.

Có vẻ như giới đầu tư lại đang “lên dây cót” cho một đợt tăng giá mới của Bitcoin. Theo số liệu từ CryptoCompare, số vị thế đầu cơ giá lên đồng Bitcoin bằng giao dịch ký quỹ đã tăng lên mức gân 22.000 vào ngày thứ Hai từ mức gần 19.000 vào ngày thứ Năm tuần trước.

Một số dự báo gần đây cho rằng giá Bitcoin có thể đạt mức 6.000 USD/Bitcoin trong năm nay.

“Đang có nhiều vốn mới chảy vào Bitcoin, nhờ nhu cầu gia tăng mạnh từ các nhà đầu tư ở châu Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá Bitcoin tăng lên mức khoảng 6.000 USD vào cuối năm nay”, ông Aurelien Menant, CEO sàn giao dịch Gatecoin, nói với CNBC.

Đọc tiếp »

Tỷ phú địa ốc Trung Quốc “bỏ túi” gần 10 tỷ USD nhờ sốt nhà

Từ đầu năm tới nay, tài sản ròng của tỷ phú Hui Ka Yan, chủ tịch tập đoàn bất động sản China Evergrande, Trung Quốc, đã tăng gần 10 tỷ USD lên khoảng 21,3 tỷ USD, CNN dẫn số liệu từ hãng nghiên cứu Hurun Report Thượng Hải.

Tài sản của Hui Ka Yan tăng gần gấp đôi nhờ cổ phiếu Evergrande tăng gấp 3 kể từ đầu năm. Trong đó, kết thúc phiên giao dịch hôm qua (29/5), cổ phiếu này tăng kỷ lục 23% trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Hui Ka Yan hiện là cổ đông chính của Evergrande với 72% cổ phần, theo số liệu của FactSet. Còn theo Hurun, tỷ phú này cũng sở hữu nhiều tài sản khác với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD - trong đó bao gồm cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Evergrande Quảng Châu.

Theo Rupert Hoogewerf, nhà sáng lập của Hurun, việc tài sản của một tỷ phú tăng đột biến trong thời gian ngắn như vậy tại Trung Quốc là chuyện hiếm gặp. Một trường hợp hiếm hoi khác là tỷ phú Wang Wei với tài sản ròng tăng vọt lên 27,5 tỷ USD hồi tháng 3 vừa rồi khi công ty vận chuyển SF Express của ông niêm yết cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán Thâm Quyến.

Sau phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu bất động sản đã mang về cho 3 tỷ phú Hui Ka Yan, Yang Huiyan và Wu Yajun tổng cộng 5,4 tỷ USD. Trong đó, Yang Huiyan của công ty bất động sản Country Garden Holdings Co. có thêm 1,3 tỷ USD, còn Wu Yajun của Longfor Properties Co. có thêm 400 triệu USD, theo số liệu của Bloomberg. Còn Hui Ka Yan kiếm bộn nhất khi cổ phiếu của Evergrande tăng tới 23%.

Mới đây, Evergrande cũng chi một khoản lớn để mua lại cổ phiếu từ nhà đầu tư cho kế hoạch niêm yết tại thị trường đại lục Trung Quốc. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu công ty này tăng vọt.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính bền vững trong mô hình kinh doanh của Evergrande, vốn phất lên với “núi” nợ khổng lồ, Bloomberg cho biết. Tính đến cuối năm 2016, nợ ròng của công ty này lên tới 49,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.

Trong một báo cáo công bố tháng trước, hãng xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo chi phí lãi cùng cổ tức chi trả cho cổ đông cao có thể sẽ khiến gây áp lực lớn cho công ty này.

2017 là năm bội thu của cổ phiếu bất động sản Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm tới các công ty bất động sản như Evergrande với nhiều dự án tại các thành phố nhỏ ở nước này, Andrew Sullivan thuộc công ty chứng khoán Haitong Securities International ở Hồng Kông, cho biết.

Giới chức trách Trung Quốc cũng đã phải đưa ra nhiều chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường tại các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Tháng trước, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt. Trong tháng 4, giá nhà đất tại các thành phố này chỉ tăng khoảng 0,3%, bằng một nửa so với tốc độ tăng của tháng trước đó, theo Wall Street Journal.

Đọc tiếp »

Sẽ ký nhiều hợp đồng tỷ USD trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

“Trong chuyến thăm này, doanh nghiệp hai nước sẽ ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng trị giá hàng chục tỷ USD”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg nhân chuyến thăm Mỹ chính thức từ 29-31/5, theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, Việt Nam tôn trọng quyết định của Tổng thống Trump về việc rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và hai bên đang cân nhắc “những cơ chế mới” để thúc đẩy thương mại song phương.

Mặc dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, ông cho rằng tự do hóa thương mại, hội nhập và liên kết kinh tế vẫn là xu thế chủ đạo tại châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Minh chứng cho điều này là rất nhiều sáng kiến liên kết đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở cấp độ khu vực, liên khu vực và toàn cầu.

Ông nói: “Có thể thời điểm này, việc theo đuổi các thỏa thuận tự do thương mại đa phương như TPP chưa được Hoa Kỳ ưu tiên. Chúng tôi tôn trọng quyết định của Hoa Kỳ, nhưng tôi tin là xu thế tự do hóa, liên kết kinh tế vẫn được Hoa Kỳ thúc đẩy trong các thỏa thuận song phương”.

“Với Hoa Kỳ, dù tiến trình liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới diễn biến thế nào, Việt Nam vẫn nhất quán tăng cường hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp hai nước”, Thủ tướng khẳng định.

Việt Nam và Mỹ đã chứng kiến kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 47 tỷ USD vào năm 2016, từ mức gần như không có gì vào năm 1994 - thời điểm mà cựu Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam.

Mỹ hiện chiếm 14% kim ngạch thương mại của Việt Nam, so với mức 21% của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt bắt đầu tiếp cận thị trường vốn Mỹ

Sau khi đặt chân tới New York vào chiều 29/5 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 30/5 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ chính thức.

Tiếp ông Robert H. McCooey Jr, Phó chủ tịch Sàn chứng khoán Nasdaq - hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam, và ngược lại ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, làm ăn tại thị trường Mỹ, trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Trong khi đó, ông Robert H. McCooey Jr cho biết Nasdaq vừa ký kết bản ghi nhớ với VNG, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet, công nghệ thông tin và nội dung số tại Việt Nam về việc dự kiến niêm yết cổ phiếu của VNG tại Nasdaq.

Ông cho rằng, việc Nasdaq ký kết dự kiến niêm yết với VNG sẽ là bài học kinh nghiệm tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, qua đó, mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn Mỹ thông qua Nasdaq.

Đánh giá cao sự hợp tác này, Thủ tướng mong muốn với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, Nasdaq tiếp tục mở rộng hợp tác và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ VNG và các doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết trên Nasdaq.

Chiều cùng ngày tại New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Mỹ.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực của các doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt -Mỹ phát triển toàn diện, nâng cao uy tín cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.

Thủ tướng thông báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, tái khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn, dù ở xa hay gần, trong các hoàn cảnh khác nhau thì mỗi người đều quan tâm đến sự phát triển của đất nước, đều tự hào là người Việt Nam.

Đọc tiếp »

Triều Tiên có thể đã đạt bước tiến lớn trong chế tạo tên lửa

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên được thực hiện với một loại tên lửa mới trang bị hệ thống dẫn đường chính xác, giúp quả tên lửa rơi cách mục tiêu chỉ 7 mét - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thông tấn Triều Tiên KCNA tuyên bố ngày 30/5.

KCNA nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát vụ phóng thử tên lửa diễn ra vào sáng sớm ngày 29/5 tại bờ biển phía Đông của nước này. Cũng theo KCNA, việc chuẩn bị cho vụ phóng lần này được tự động hóa nhiều hơn so với khi phóng những quả tên lửa cùng lớp “Hwasong” hay còn gọi là Scud trước kia, nên giảm đáng kể thời gian phóng.

Giới phân tích nói rằng nếu những tuyên bố trên của Triều Tiên là thật, thì đây có thể là một bước tiến lớn trong chương trình tên lửa của Triều Tiên. KCNA nói ông Kim Jong Un kêu gọi tiếp tục phát triển thêm nhiều vũ khí chiến lược hùng mạnh, nhưng bài báo không đề cập đến việc liệu loại tên lửa vừa được thử có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hay không.

“Chúng tôi không thể biết đó có phải là một sự bịp bợm hay không, nhưng về cơ bản Triều Tiên đang nói là họ có thể bắn tên lửa vào trúng mục tiêu. Đây là một tin đáng sợ đối với nước Mỹ”, giáo sư Suh Kune Y thuộc Khoa Kỹ thuật hạt nhân, Đại học Quốc gia Seoul, phát biểu. “Nếu đúng vậy, thì Triều Tiên đã đạt tới giai đoạn cuối cùng của chế tạo tên lửa”.

Loại tên lửa mà Triều Tiên thử lần này xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh hôm 15/4 kỷ niệm sinh nhật cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành, KCNA nói. Theo giới chức Hàn Quốc, quả tên lửa đã bay 450 km về phía Nhật Bản, còn Nhật thì nói quả tên lửa có thể đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Đây là vụ phóng thử tên lửa thứ 9 của Triều Tiên từ đầu năm, diễn ra chỉ 2 ngày sau khi nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết “tăng cường các biện pháp” nhằm buộc Triều Tiên phải chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang loay hoay tìm cách ngăn các hành động gây hấn của Triều Tiên, trong đó Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn đối thoại với Bình Nhưỡng, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại tỏ lập trường cứng rắn hơn.

KCNA tuyên bố Triều Tiên sẽ không khuất phục trước sức ép từ G7.

“Hội nghị thượng đỉnh G7 là một nơi mà những nước sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa chụm đầu vào nhau để bàn cách gây áp lực đối với các nước yếu và những nước khiến họ không hài lòng”, bản tin của KCNA có đoạn viết. “Mỹ và những kẻ theo đuôi chúng đã sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng chúng có thể cướp đi sự phòng thủ hạt nhân của Triều Tiên, sự sống và phẩm giá của chúng ta, bằng lệnh trừng phạt và sức ép”.

KCNA cũng cho biết ông Kim Jong Un đã “bày tỏ sự tin tưởng rằng vụ phóng thử tên lửa lần này đánh dấu một bước tiến lớn hơn về phía trước trong tinh thần gửi một ‘gói quà’ lớn hơn đến với người Mỹ” nhằm trả đũa sự gây hấn quân sự của Mỹ.

Theo giới chuyên gia, Triều Tiên có thể đã cố tình phóng tên lửa xuống vùng biển mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tuyên bố chủ quyền nhằm gây sự bất hòa giữa hai nước và cản trở sự hợp tác của Mỹ với hai quốc gia này.

Sau vụ phóng, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Triều Tiên đã thể hiện sự bất tôn lớn đối với người láng giềng Trung Quốc của họ bằng cách phóng thêm một tên lửa đạn đạo nữa, nhưng Trung Quốc đang rất cố gắng”. Hiện ông Trump đang hối thúc Trung Quốc hợp tác để tăng cường sức ép đối với Bình Nhưỡng.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao nước này nói các bên cần “giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sớm nhất có thể và đưa bán đảo Triều Tiên trở lại hướng đi đúng là đối thoại hòa bình”.

Đọc tiếp »

Vốn Trung Quốc vào Đông Nam Á đang tăng mạnh

Từ thập niên 1980, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào khu vực Đông Nam Á chủ yếu là từ Nhật Bản. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, lượng vốn FDI từ Trung Quốc chảy vào khu vực này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Bloomberg dẫn số liệu từ Maybank Kim Eng cho biết, trong năm 2015, các công ty Trung Quốc đã rót 14,6 tỷ USD vốn FDI vào Đông Nam Á, tăng gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp gần 10 lần từ mức chỉ 156 triệu USD cách đây 1 thập kỷ. Ngoài ra, vốn FDI từ Trung Quốc vào Đông Nam Á cũng có mặt ở nhiều lĩnh vực hơn, từ sản xuất, khai mỏ và nông nghiệp cho tới dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại như quảng cáo và lữ hành.

Với hàng nghìn tỷ USD dự trữ, Trung Quốc đang mạnh tay thâu tóm tài sản ở nước ngoài trong bối cảnh nước này vươn lên thành một cường quốc toàn cầu. Việc Trung Quốc “để mắt” tới khu vực Đông Nam Á, theo Bloomberg, một phần do nguồn nhân công giá rẻ trong khu vực, một phần do kế hoạch của Chủ tịch nước này - ông Tập Cận Bình về thiết lập lại tuyến thương mại con đường tơ lụa nối giữa châu Á và châu Âu.

“Đông Nam Á là một điểm hút FDI hấp dẫn đối với Trung Quốc vì thị trường phát triển nhanh và rộng lớn ở đây”, nhà phân tích Lee Ju Ye thuộc Maybank ở Singapore nhận định.

“Các nước trong khu vực này cũng cần vốn đầu tư nước ngoài để bù đắp cán cân tài khóa và đáp ứng các nhu cầu đầu tư hạ tầng. Trung Quốc đem đến nguồn vốn và năng lực chuyên môn sẵn sàng, và đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng nhờ sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Lee phát biểu.

Mới trong tháng này, ông Tập đã cam kết chi 540 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 79 tỷ USD, và khuyến khích các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đóng góp thêm 300 tỷ Nhân dân tệ vốn ở nước ngoài để ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường, tức kế hoạch con đường tơ lụa.

Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse ước tính rằng kế hoạch trên có thể dẫn lượng vốn đầu tư lên tới 502 tỷ USD vào 62 quốc gia, bao gồm các nước Đông Nam Á, trong vòng 5 năm. Tại Đông Nam Á hiện nay, điểm đến hàng đầu của vốn FDI từ Trung Quốc chính là Singapore.

Một nghiên cứu của ngân hàng Citigroup cho thấy vốn đầu tư của Trung Quốc vào 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã đạt 13,5 tỷ USD vào năm ngoái, lần đầu tiên vượt qua lượng vốn FDI từ Nhật Bản chảy vào 5 quốc gia này.

Tuy nhiên, trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên nói chung, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi. Theo Maybank, trong năm 2015, nguồn vốn FDI lớn nhất vào ASEAN chính là các nước ASEAN, tiếp đó là Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, và Mỹ.

Đọc tiếp »

Philippines gặp kháng cự mạnh từ phiến quân thân IS

Quân đội Philippines đến ngày 31/5 vẫn chưa thể giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi trên đảo Mindanao thuộc miền Nam nước này khỏi sự chiếm giữ của Maute, một nhóm phiến quân đã thề trung thành với tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo tin từ Reuters, phiến quân Maute vẫn đang chống trả các cuộc tấn công trên mặt đất và không kích của lực lượng chính phủ, sử dụng vũ khí đánh cắp và chiến binh mới gia nhập nhóm là các tù nhân vượt ngục.

Trong hơn một tuần qua, nhóm Maute đã chứng tỏ là một đối thủ đáng gờm của quân đội Philippines.

Các chiến binh của nhóm này đã bám trụ giữa trung tâm thành phố bất chấp bị dội bom. Giới quan sát đã kỳ vọng quân đội Philippines sẽ sớm chấm dứt sự chiếm đóng của Maute ở thành phố gồm 200.000 dân này, nhưng kỳ vọng đó dường như đã bị dập tắt.

Ngày 31/5, quân đội Philippines đã lần đầu tên triển khai máy bay hỗ trợ cự ly gần SF-260 để yểm trợ trực thăng chiến đấu và lực lượng mặt đất nhằm nỗ lực dồn phiến quân vào khu vực trung tâm thành phố. Phiến quân hiện vẫn đang chiếm giữ khoảng 1/10 diện tích Marawi.

Phát ngôn viên quân đội Philippines Restituto Padilla nói rằng nhóm Maute đang chống cự bằng súng và đạn đánh cắp từ một đồn cảnh sát, một nhà tù, và sử dụng một xe bọc thép của cảnh sát.

“Chúng đã lấy được một xe bọc thép của cảnh sát. Bên trong xe có đạn”, ông Padilla nói.

Theo phát ngôn viên này, phiến quân đã chọn mô hình chiến tranh đô thị, bởi vũ khí có sẵn trong thành phố, trong khi nhà dân và các cửa hàng là nơi có thể lấy thức ăn. Khi chiếm thành phố, Maute còn phóng thích tù nhân trong nhà tù địa phương, và nhiều tù nhân trong số này đã nhanh chóng gia nhập nhóm khủng bố.

Ban đầu, quân đội Philippines tuyên bố đã kiểm soát được tình hình, nhưng tốc độ chậm chạp của những nỗ lực trong việc giải phóng Marawi đã làm dấy lên những câu hỏi về chiến thuật của quân đội.

Sự nghi ngờ này càng có cơ sở khi nhóm Maute tung lên mạng xã hội những bức ảnh các phần tử phiến quân tươi cười, tạo dáng với súng trường bên cạnh một chiếc xe bọc thép của cảnh sát do Mỹ sản xuất, trong trang phục màu đen và băng cuốn đầu như của phiến quân IS. Trong khi đó, quân đội Philippines nói rằng đây chỉ là một chiêu bài tuyên truyền của nhóm Maute.

Chính phủ Philippines hiện đang rất lo ngại về sức mạnh của nhóm Maute, trong khi thông tin tình báo nói rằng nhóm này có thể đã hợp lực với các nhóm cực đoan khác và chiêu mộ binh sỹ nước ngoài. Nhà chức trách tin rằng mục đích của Maute và các nhóm tay chân khi chiếm Marawi là nhằm được IS công nhận là chi nhánh Đông Nam Á của tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Đã có 89 phần tử phiến quân, 21 binh sỹ, và 19 dân thường thiệt mạng trong vụ Maute chiếm Marawi. Các chuyên gia an ninh nói rằng vụ chiếm thành phố này là một dấu hiệu cho thấy các phần tử cực đoan ở miền Nam Philippines giờ đây đã được tổ chức chặt chẽ hơn và có nguồn tài chính mạnh lên.

Đọc tiếp »

Nhiều công ty Trung Quốc “nhăm nhe” đầu tư vào Mỹ

Chi phí sản xuất trong nước gia tăng là lý do khiến nhiều công ty Trung Quốc tính chuyển sản xuất ra nước ngoài. Mỹ là một điểm đến đang được không ít công ty Trung Quốc cân nhắc, theo CNBC.

Hãng tin này nói rằng với khả năng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ sẽ được cắt giảm dưới thời Tổng thống Donald Trump, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc xem xét tới Mỹ sản xuất hàng hóa.

“Lý do khiến chúng tôi muốn đầu tư vào Mỹ không chỉ nằm ở việc chính quyền Trump khuyến khích điều này. Nước Mỹ có những lợi thế tự nhiên cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Xiao Wunan, Phó chủ tịch Quỹ Trao đổi và Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương, cho biết.

Trong đó, lợi thế đầu tiên phải kể đến là lợi thế về chi phí.

Ông John Ling, Chủ tịch Hội đồng các tiểu bang Mỹ tại Trung Quốc, chuyên giúp các công ty Trung Quốc tìm địa điểm đầu tư tại Mỹ. “Trong mỗi dự án mà công ty Trung Quốc muốn đầu tư vào Mỹ, nếu tôi không chứng minh được rằng họ có thể giảm chi phí, thì cơ hội đạt thỏa thuận gần như bằng 0. Chi phí là nhân tố quyết định”, ông Ling nói.

Lương của người lao động Mỹ cao hơn so với ở Trung Quốc, nhưng tổng chi phí sản xuất ở Mỹ vẫn có thể thấp hơn.

Đối với công ty sản xuất hàng vải sợi Keer Group có trụ sở ở Hàng Châu, Trung Quốc, lương trả cho công nhân ở Mỹ cao gấp đôi so với lương trả cho công nhân ở Trung Quốc, nhưng chi phí sản xuất nói chung ở Mỹ lại thấp hơn nhiều so với ở Trung Quốc.

“Ở Mỹ, giá thuê đất, giá điện và giá bông đều rẻ hơn nhiều. Chi phí sản xuất của chúng tôi ở đây đối với mỗi tấn vải giảm 25% so với ở Trung Quốc”, ông Zhu Shanqing, Chủ tịch Keer Group, cho biết.

Ngoài ra, theo ông Zhu, tiền lương trong ngành vải sợi ở Trung Quốc đang tăng với tốc độ 30% mỗi năm, nên khoảng cách chi phí nhân công giữa Trung Quốc với Mỹ không còn lớn. Ông Zhu đã cam kết đầu tư 220 triệu USD để xây dựng và mở rộng một nhà máy ở bang South Carolina, đồng thời có kế hoạch sẽ đến lúc chuyển toàn bộ công ty sang Mỹ. Theo dự kiến, đến cuối năm nay, số công nhân trong công ty ông tại Mỹ sẽ lên tới hơn 500 người.

Ông Zhu cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào lời hứa của Tổng thống Trump về giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ xuống 15% từ mức 35% hiện nay. Theo ông, khi đó, Mỹ sẽ trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn đối với các nhà sản xuất.

“Cho dù ông Trump cắt giảm thuế 5 điểm phần trăm thôi, thì các công ty rời Mỹ vài năm trước cũng sẽ quay lại”, ông Zhu nói.

Ngoài ra, những nhân tố khác khiến Mỹ trở nên hấp dẫn đối với các công ty sản xuất Trung Quốc là môi trường kinh doanh ổn định và sự tiếp cận tại chỗ với người tiêu dùng Mỹ - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo ông Ling, những lĩnh vực mà doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Mỹ nhiều nhất là những ngành đòi hỏi nhiều vốn như vải sợi, hóa chất, giấy, đóng gói và phụ tùng ô tô. Tỷ phú Trung Quốc Cao Dewang, Chủ tịch công ty sản xuất kính chắn gió ô tô Fuyao Glass mới đây đã đầu tư hàng trăm tỷ USD để phục hồi một nhà máy ở Ohio.

Một trở ngại mà các công ty Trung Quốc gặp phải khi cân nhắc đầu tư vào Mỹ là tình trạng thiếu lao động có kỹ năng. “Chúng tôi gặp sức ép ở Mỹ vì không tìm được công nhân lành nghề. Hầu hết mọi người ở Mỹ không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, ông Zhu cho biết.

Để đào tạo công nhân Mỹ, một số nhà sản xuất Trung Quốc muốn đưa nhà quản lý và lao động lành nghề từ trong nước sang, nhưng lại gặp trở ngại về visa. “Các kỹ thuật viên của chúng tôi không thể xin được visa sang Mỹ. Chúng tôi cần họ ở Mỹ, nhưng nhiều người trong số họ bị từ chối”, ông Zhu nói.

Ngoài ra, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng cũng là một khó khăn đối với các công ty Trung Quốc muốn chuyển sản xuất đến Mỹ. Theo các doanh nhân Trung Quốc, để giải quyết vấn đề này, Mỹ sẽ phải làm việc mà Trung Quốc đã làm cách đây mấy thập niên: mở các khu kinh tế, cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn và các ưu đãi tài chính.

Đọc tiếp »

Giá dầu sụt mạnh vì nhà đầu tư mất niềm tin vào OPEC

Thị trường dầu lửa thế giới đang hoài nghi cao độ về khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga có thể đưa tương quan cung-cầu dầu về trạng thái cân bằng. Khả năng xuất hiện một làn sóng nguồn cung dầu mới từ các nhà sản xuất khác đã đẩy giá dầu giảm sâu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.

Theo tin từ CNBC, giới phân tích nói rằng các nhà giao dịch dường như đang gia tăng mạnh số vị thế bán khống dầu. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Năm, tâm lý bi quan về giá dầu gia tăng khi có tin Libya đã tăng sản lượng dầu lên mức 827.000 thùng/ngày, cao nhất trong 3 năm.

“Trò chơi con gà và quả trứng giữa họ [OPEC và Nga] với thị trường đã trở lại”, ông John Kilduff, chuyên gia thị trường dầu lửa đến từ Again Capital, phát biểu.

Giá dầu WTI giao tháng 7 tại thị trường New York, Mỹ chốt phiên với mức giảm 2,7%, còn 48,32 USD/thùng. Trong phiên, có giá dầu WTI giảm dưới ngưỡng 48 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent có thời điểm lần đầu tiên trong 2 tuần rớt dưới ngưỡng tâm lý 50 USD/thùng. Kết thúc phiên, giá dầu Brent hạ 3%, còn 50,66 USD/thùng.

Tuần trước, OPEC và Nga cùng một số nước sản xuất dầu lớn khác nhất trí gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày thêm 9 tháng. Tuy nhiên, giá dầu đã sụt 5% ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, bởi thị trường vốn kỳ vọng các bên sẽ đi đến quyết định sẽ giảm sản lượng sâu hơn.

Ông Kilduff nói rằng thị trường đã coi cuộc họp vừa rồi của OPEC là một thất bại lớn, đặc biệt là ở việc các bên không đưa ra được hạn chế sản lượng nào đối với Libya, Nigeria và Iran. Mức xuất khẩu dầu của Libya đã đạt trung bình 500.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay, so với 300.000 thùng/ngày vào năm ngoái.

Nigeria và Libya thời gian qua đã chứng tỏ là những “nhân tố bất ngờ” trên thị trường dầu lửa bởi giới phân tích không thể đoán chắc hoạt động khai thác dầu của các nước này có thể phục hồi ra sao sau thời gian bị gián đoạn bởi nội chiến.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến cũng là một “kẻ phá bĩnh” đối với thỏa thuận của OPEC và Nga.

Với công nghệ cải tiến, các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã đưa sản lượng dầu của họ lên ngưỡng của năm 2015 một cách khá dễ dàng, nhằm tranh thủ mức giá dầu 50 USD/thùng. Trừ phi giá dầu giảm mạnh, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo có thể tái lập kỷ lục vào cuối năm nay, từ mức khoảng 9,3 triệu thùng/ngày hiện nay.

Theo hãng tin Bloomberg, một nguồn cung khác có thể gây sức ép với giá dầu là dầu thô khai thác từ các giếng ở vùng biển sâu.

Bloomberg dẫn một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nói rằng việc khai thác dầu ở vùng biển sâu đang trở nên rẻ hơn nhờ các nhà sản xuất tinh giản hoạt động và ưu tiên khoan ở các giếng chính. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần giá dầu 50 USD/thùng là các giếng dầu này có thể hoạt động đến sang năm, từ ngưỡng giá cần có để hòa vốn là 62 USD/thùng vào quý 1 năm nay và mức 75 USD/thùng vào năm 2014.

Đọc tiếp »

“Bỏng tay” vì bán khống Nhân dân tệ

Theo hãng tin Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở thị trường Hồng Kông có lúc tăng 1,1% lên mức cao nhất trong 7 tháng, bất chấp dự báo trước đó của giới phân tích rằng tỷ giá đồng tiền này sẽ giảm trong quý 2.

Việc tỷ giá đồng Nhân dân tệ tăng đang làm khó các nhà đầu tư bán khống - những người đã vay Nhân dân tệ để bán ra từ trước, với hy vọng đồng tiền này sẽ giảm giá và họ sẽ mua vào để kiếm lời.

Đợt tăng giá này của đồng Nhân dân tệ đã phá vỡ xu hướng trong mấy tháng trước đó khi đồng tiền này giữ tương đối ổn định so với đồng USD. Đáng chú ý, Nhân dân tệ đã tăng giá sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Services cắt giảm điểm tín nhiệm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên tiếng đáp trả, gọi động thái này của Moody’s là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Thượng Hải tăng 0,6%, đạt mức 6,8134 Nhân dân tệ/USD trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi dao động yếu quanh ngưỡng 6,9 Nhân dân tệ/USD trong phần lớn thời gian từ đầu năm đến nay.

Từ khi Moody’s giảm điểm tín nhiệm của Trung Quốc vào hôm 24/5 đến nay, tỷ giá Nhân dân tệ tại Hồng Kông đã tăng khoảng 1,8%.

Để chống lại giới đầu tư bán khống, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thời gian qua đã liên tục tăng tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, đã có những thời điểm tỷ giá Nhân dân tệ giao ngay trên thị trường giảm xuống dưới mức thấp hơn tỷ giá tham chiếu. Bởi vậy, giới chuyên môn cho rằng sự tăng giá gần đây của Nhân dân tệ là kết quả từ sự can thiệp của nhà chức trách.

“Việc Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc và tỷ giá giao ngay Nhân dân tệ xuống thấp hơn so với tỷ giá tham chiếu có thể đã thúc đẩy Bắc Kinh điều chỉnh cơ chế tỷ giá tham chiếu và thậm chí có thể đã can thiệp vào thị trường”, ông Jason Daw, chiến lược gia các đồng tiền mới nổi thuộc ngân hàng Societe-Generale ở Singapore, nhận định.

Các nhà phân tích đang điều chỉnh các dự báo để thích ứng với tình hình mới của tỷ giá Nhân dân tệ. Ngân hàng Credit Agricole nâng dự báo tỷ giá Nhân dân tệ vào cuối năm nay lên mức 7,05 Nhân dân tệ/USD, từ mức dự báo 7,25 Nhân dân tệ/USD duy trì từ cuối năm ngoái. Ngân hàng ANZ cũng nâng dự báo tỷ giá Nhân dân tệ cho thời điểm cuối năm 2017 lên 6,95 Nhân dân tệ/USD, từ mức 7,1 Nhân dân tệ/USD.

Hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ là một ưu tiên chính sách của Trung Quốc trong năm nay, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực ngăn sự rút lui của các dòng vốn khỏi nước này và nguy cơ xảy ra những cú sốc tài chính trước khi diễn ra một cuộc thay đổi nhân sự cấp cao vào cuối năm. Mấy tuần qua, Chính phủ Trung Quốc còn siết chặt hoạt động vay nợ trên thị trường chứng khoán, dẫn tới những xáo trộn trong hoạt động của các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu nước này.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh đã can thiệp như thế nào vào thị trường ngoại hối thời gian gần đây, nhưng nguồn tin thân cận nói rằng các ngân hàng Trung Quốc đã bán ra đồng USD tại thị trường đại lục trong tuần trước. Ngoài ra, trong tháng này, PBoC tiếp tục đưa ra mức tỷ giá tham chiếu mạnh hơn so với dự báo của giới phân tích.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Chính phủ Trung Quốc nói có thể sẽ bổ sung một “nhân tố chống tính chu kỳ” vào tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ. Các nhà phân tích nói thay đổi như vậy có thể mang lại cho nhà chức trách sự kiểm soát lớn hơn đối với tỷ giá tham chiếu và hạn chế ảnh hưởng của hành vi “bầy đàn” trên thị trường.

Theo nhà phân tích tiền tệ Fiona Lim thuộc ngân hàng Malayan Banking Bhd, PBoC có thể đang nâng đỡ tỷ giá đồng Nhân dân tệ để chuẩn bị trước cho một đợt tăng lãi suất có thể diễn ra ở Mỹ. Ngân hàng này mới đây đã nâng dự báo tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào cuối năm nay thêm 2%.

“Có lẽ PBoC đang cố gắng đưa ra nhiều hướng dẫn hơn đối với đồng Nhân dân tệ để tăng cường niềm tin của thị trường trước khi đồng USD có thể có đợt tăng giá mới. Tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ giờ đây kém minh bạch hơn và ảnh hưởng của thị trường đối với tỷ giá này đã bị hạn chế”, bà Lim nói.

Đọc tiếp »

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Nhật-Trung-Hàn ra tuyên bố ngầm chỉ trích Trump về thương mại

Trong một cuộc họp ba bên vào ngày 5/5, lãnh đạo tài chính Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nhất trí chống lại mọi dạng của chủ nghĩa bảo hộ - một động thái nhằm vào các chính sách mang màu sắc bảo hộ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ.

“Chúng tôi nhất trí rằng thương mại là một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế và phát triển, đóng góp vào cải thiện năng suất và tạo việc làm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ba nước nói trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp.

“Chúng tôi chống lại mọi dạng của chủ nghĩa bảo hộ”, tuyên bố chung có đoạn viết.

Điều này cho thấy Tokyo, Bắc Kinh và Seoul giữ một lập trường cứng rắn hơn so với khối G20, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong vấn đề chống chủ nghĩa bảo hộ. Vào tháng 3, do sức ép từ Washington, hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính G20 diễn ra ở Đức đã loại nội dung trên khỏi tuyên bố chung.

Trung Quốc đã thể hiện lập trường ủng hộ tự do thương mại kể từ khi Tổng thống Trump kêu gọi đặt lợi ích nước Mỹ trên hết và tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương. Trong lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu gây ấn tượng nói về sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với thương mại tự do và phản đối chủ nghĩa bảo hộ.

Tuyên bố của cuộc gặp ba bên dự báo rằng các nền kinh tế châu Á sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối mạnh mẽ nhờ sự phục hồi mang tính chu kỳ trong các lĩnh vực sản xuất và thương mại.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng cảnh báo rằng những rủi ro suy giảm tăng trưởng vẫn còn đó, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách sử dụng “mọi công cụ chính sách cần thiết” để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và đều khắp.

“Chúng tôi sẽ duy trì liên lạc và hợp tác ở mức độ cao giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để ứng phó với khả năng xảy ra bất ổn tài chính trong bối cảnh sự bấp bênh gia tăng của nền kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị”, tuyên bố viết.

Tuyên bố cũng nói ba nước nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ G20 và cùng chuẩn bị để tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức vào tháng 7 năm nay.

Cuộc gặp 3 bên nói treen được tổ chức bên lề hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản.

Đọc tiếp »

Máy bay chở khách Trung Quốc bay thử chuyến đầu tiên

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của C919, chiếc máy bay chở khách đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, đã cất cánh từ sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải ngày 5/5.

Sự kiện này đã được hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã phát trực tiếp trên mạng xã hội Twitter. Hành trình và thời gian bay chưa được công bố cụ thể, nhưng một đám đông lớn đã tập trung tại sân bay để chờ máy bay hạ cánh.

Theo trang CNBC, chiếc C9191 có hơn 150 ghế và tầm bay 4.075 km. Trung Quốc đặt mục tiêu dùng loại máy bay này để cạnh tranh với Airbus A320 và Boeing 777, hai loại máy bay thương mại chở khách phổ biến nhất thế giới.

Tổng công ty Máy bay thương mại Trung Quốc, công ty quốc doanh sản xuất chiếc C919, nói rằng tính đến cuối năm ngoái, 21 khách hàng đã đặt mua hơn 500 chiếc máy bay loại này. Truyền thông Trung Quốc cho hay nhà sản xuất dự kiến sẽ bán được hơn 2.000 chiếc C919.

Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực để gia nhập thị trường máy bay chở khách của thế giới, cạnh tranh với Airbus và Boeing. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem việc tìm chỗ đứng cho nước này trên thị trường máy bay thương mại thế giới là một “động thái chiến lược”. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng coi việc phát triển và sản xuất trong nước các loại động cơ và máy bay là một mục tiêu lớn.

Sau khi bị trì hoãn nhiều lần, chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 5/5 sẽ là một cột mốc quan trọng đối với chiếc C919. Các cuộc thử nghiệm trên mặt đất mới chỉ được hoàn tất cách đây vài tuần, muộn hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là bay thử chuyến đầu vào năm 2014 và giao hàng máy bay vào năm 2016.

Mặc dù vậy, có thể vẫn phải mất một thời gian nữa thì hành khách mới chính thức có dịp được đặt chân lên C919 bởi chiếc máy bay này còn cần phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn và cấp chứng chỉ.

Hiệp hội Hàng không Thế giới (IATA) Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2020. Khi đó, Trung Quốc sẽ là một thị trường hấp dẫn cho hàng loạt lĩnh vực, từ du lịch cho tới các nhà sản xuất máy bay, bởi các hãng hàng không nước này sẽ mua thêm nhiều máy bay và bổ sung thêm những đường bay mới.

Hãng Boeing đã ước tính Trung Quốc sẽ cần phải mua số máy bay trị giá tới 1 nghìn tỷ USD, vào khoảng 6.810 chiếc máy bay, trong vòng 2 thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không nước này.

Đọc tiếp »

Không lãi như mong đợi, Buffett bán mạnh cổ phiếu IBM

Hãng công nghệ IBM đã để mất niềm tin của một trong những nhà đầu tư lớn nhất của hãng - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Berkshire Hathaway, tỷ phú Warren Buffett.

Trang CNBC cho biết, nhà đầu tư huyền thoại Buffett, người sở hữu khoảng 81 triệu cổ phiếu IBM vào thời điểm cuối năm 2016, đã bán ra khoảng 1/3 số cổ phiếu này trong quý 1 và quý 2 năm nay.

“Tôi không còn xem IBM như cách mà tôi đánh giá cổ phiếu này cách đây 6 năm, khi tôi bắt đầu mua vào… Tôi đã đánh giá lại cổ phiếu này, theo hướng đi xuống”, Buffett nói với CNBC. “Khi cổ phiếu này tăng giá trên 180 USD/cổ phiếu, tôi thực sự đã bán ra một lượng kha khá”.

Buffett nói IBM không đạt kết quả kinh doanh như ông mong đợi khi ông bắt đầu mua vào cổ phiếu của hãng cách đây 6 năm.

“Tôi muốn nói rằng họ đã gặp phải một số đối thủ kinh doanh khá mạnh. IBM là một công ty lớn mạnh, nhưng họ có những đối thủ cũng rất mạnh”, nhà tiên tri xứ Omaha phát biểu.

Berkshire Hathaway hiện vẫn đang sở hữu hơn 50 triệu cổ phiếu IBM và giá cổ phiếu này hiện đang ở dưới mức 160 USD/cổ phiếu. Buffett cho biết ông đã dừng bán ra cổ phiếu IBM.

Ban đầu khi Buffett mua vào cổ phiếu hãng này, nhiều người đã hết sức bất ngờ, bởi Berkshire ít khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và Buffett thường không rót vốn vào những ngành mà ông cho là khó hiểu.

IBM đã trở thành một trong những cổ phiếu đứng đầu danh mục của Berkshire, cùng với những cổ phiếu như American Express, Coca-Cola, Wells Fargo, hay gần đây hơn là Apple và Kraft Heinz.

Buffett là một nhà đầu tư dài hạn, nhưng ông sẵn sàng bán ra cổ phiếu của một công ty nếu cổ phiếu đó không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng hoặc ông tìm được thứ gì đó tốt hơn.

Hồi tháng 4, IBM báo mức doanh thu giảm mạnh hơn dự báo. Đây là lần giảm doanh thu đầu tiên của hãng trong 5 quý, mà nguyên nhân là do nhu cầu yếu ở mảng dịch vụ IT.

Đọc tiếp »

Triều Tiên tố CIA âm mưu tấn công Kim Jong Un bằng vũ khí sinh hóa

Triều Tiên ngày 5/5 cáo buộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và lực lượng tình báo Hàn Quốc có âm mưu tấn công nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un, bằng vũ khí sinh hóa. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố rằng một “ý tưởng viển vông” như vậy sẽ không bao giờ thành công.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tăng cao trong nhiều tuần trở lại đây, do lo ngại Bình Nhưỡng có thể thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hoặc phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nữa bất chấp nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Tuần này, Triều Tiên cảnh báo rằng sự thù nghịch của Mỹ đã đẩy khu vực tới miệng vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Theo tin từ Reuters, Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên ra một tuyên bố nói rằng “nỗ lực đường cùng” của “đế quốc Mỹ” và Hàn Quốc đã vượt “quá giới hạn”.

“CIA và tình báo của Hàn Quốc, cái lò ma quỷ của thế giới, đã có một kế hoạch hiểm ác nhằm làm tổn thương lãnh tụ tối cao của Triều Tiên, và những hành động đó đã đạt tới một giai đoạn thực thi cực kỳ nghiêm trọng sau khi vượt qua ngưỡng cửa Triều Tiên”, hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố nói trên.

“Một nhóm khủng bố - do CIA và tình báo Hàn Quốc bí mật cài cắm vào Triều Tiên để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện hành động khủng bố được nhà nước tài trợ nhằm vào lãnh tụ tối cao của Triều Tiên bằng cách sử dụng chất sinh hóa - đã được phát hiện mới đây”.

KCNA nói CIA và tình báo Hàn Quốc đã “làm thoái hóa tư tưởng” và hối lộ một người Triều Tiên họ Kim nhằm biến ông này thành “một phần tử khủng bố đầy sự căm ghét và thù hằn đối với lãnh tụ Triều Tiên”.

“Chúng đã nuôi dưỡng âm mưu để tên cặn bã Kim tấn công khủng bố bằng bom nhằm vào lãnh tụ tối cao tại các sự kiện ở Cung Mặt trời Kumsusan và tại cuộc diễu binh quân sự và diễu hành”, tuyên bố có đoạn viết.

“Chúng nói với hắn rằng việc ám sát bằng cách sử dụng chất sinh hóa, bao gồm chất phóng xạ và chất độc nano là cách tốt nhất mà không cần phải tiếp cận mục tiêu, kết quả giết người sẽ xuất hiện sau 6-12 tháng”.

“Chúng đã giao cho hắn hơn 20.000 USD trong hai lần cùng một thiết bị truyền tín hiệu vệ tinh”, theo tuyên bố.

Triều Tiên đã tiến hành một cuộc diễu binh thường niên nhân dịp kỷ niệm sinh nhật cố lãnh tụ Kim Nhật Thành vào hôm 15/4, với sự tham dự của ông Kim Jong Un. 10 ngày sau đó, Triều Tiên tiếp tục một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhân dịp kỷ niệm thành lập quân đội nước này.

Bản tin của KCNA nêu rõ các chi tiết về điều mà Triều Tiên gọi là âm mưu ám sát ông Kim Jong Un, nhưng nói kế hoạch này sẽ không bao giờ thành công.

“Những kẻ phạm tội cố đấm ăn xôi nhằm thực hiện một ý tưởng viển vông như vậy không thể sống sót trên đất này dù chỉ một phút giây”, tuyên bố viết.

Hôm thứ Tư tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Washington đang xem xét tăng cường trừng phạt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng có thêm động thái xứng đáng bị đáp trả. Ông Tillerson cũng cảnh báo các quốc gia khác rằng các công ty của họ có thể phải hứng chịu lệnh trừng phạt thứ cấp nếu có giao dịch bất hợp pháp với Bình Nhưỡng.

Ông Tillerson cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã “gây áp lực lớn với Trung Quốc… để kiểm tra mức độ sẵn sàng của họ trong việc sử dụng ảnh hưởng và mối quan hệ của họ với chính thể ở Bình Nhưỡng”.

Đọc tiếp »

Trung Quốc: Từ công xưởng thế giới tới “kinh đô” khởi nghiệp

Theo Nikkei, Trung Quốc từ lâu đã được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” nhờ nền sản xuất công nghiệp khổng lồ. Tăng trưởng nhanh về kinh tế phần lớn được thúc đẩy bởi nguồn lao động giá rẻ và hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi chính sách bảo hộ thương mại bằng nhiều cách ở Mỹ và châu Âu, Trung Quốc dần chuyển sang sản xuất phục vụ chính nhu cầu trong nước với dân số hơn một tỷ người.

Không chỉ vậy, với mục tiêu phát triển bền vững và khuyến khích khởi nghiệp như một công cụ tạo việc làm, chính quyền Bắc Kinh có cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp mở thành lập.

"Công ty mọc lên như nấm khiến quang cảnh đô thị Trung Quốc thay đổi rõ rệt sau mỗi ba tháng", Kenichi Kokubo, Chủ tịch của Hitachi Trung Quốc, nhận xét.

Số lượng công ty mới tại nước này tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Chỉ riêng trong năm 2016, Trung Quốc có thêm khoảng 5,52 triệu công ty mới.

Tỷ lệ khởi nghiệp (số lượng công ty mới trong một năm chia cho tổng số công ty) của nước này năm 2016 là 21%, tăng từ 16% năm 2011. Con số này vượt xa mức 5% của Nhật và 10% của Mỹ trong vài năm qua.

Năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đề cập đến kế hoạch “Khởi nghiệp và đổi mới toàn diện”, cho thấy sự chú trọng tới khởi nghiệp của chính quyền nước này.

Với sự trợ giúp từ chính phủ trong việc gọi vốn đầu tư và bố trí văn phòng, có tới hơn 600.000 sinh viên đại học khởi nghiệp kinh doanh trong năm 2016.

Các lĩnh vực mới như kinh doanh dựa trên mô hình chia sẻ tại Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ và hết sức tự do, quản lý một công ty Mỹ, người đã sống ở nước này nhiều năm, cho biết. Đơn cử như sự lan rộng nhanh chóng của các dịch vụ đi chung xe đạp một phần là nhờ tình trạng thiếu chỗ đỗ xe đạp ở nội đô.

Chủ tịch Liu Yonghao của New Hope Group, đế chế nông nghiệp, thực phẩm thành lập năm 1982, nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc giờ đây chính là kinh đô của giới khởi nghiệp”.

Liu cho biết ông đặc biệt chú trọng vào phát triển đội ngũ lãnh đạo trẻ và tiếp tục đổi mới bằng việc áp dụng công nghệ internet. Mới đây, New Hope bắt tay với một công ty khởi nghiệp khác để mở một ngân hàng trực tuyến.

Từ lâu kinh tế Trung Quốc bị thống trị bởi các công ty nhà nước như PetroChina và China Mobile. Trong đó, doanh thu năm của PetroChina từng đạt mức 230 tỷ USD. Với giá trị thị trường gần 180 tỷ USD, đây là một trong những công ty lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, 60% sản lượng của nền kinh tế Trung Quốc và 80% việc làm lại được tạo ra bởi khu vực tư nhân.

Đọc tiếp »

Emmanuel Macron đắc cử, nước Pháp có Tổng thống trẻ nhất lịch sử

Ứng cử viên Emmanuel Macron hôm 7/5 đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, đánh bại nữ đối thủ Marine Le Pen với cách biệt lớn.

Là người ủng hộ một châu Âu hội nhập, ông Macron giành được khoảng 65,2% số phiếu, trong khi đối thủ từng đe dọa đưa Pháp rời Liên minh Châu Âu (EU) giành được 34,8% phiếu.

Phát biểu sau khi giành thắng lợi, ông Macron nói, một trang mới đã mở ra trong lịch sử nước Pháp. “Tôi muốn nó là một trang của sự hy vọng và niềm tin”, ông nói.

Theo BBC, bà Marine Le Pen đã gọi điện cho ông Macron để “chúc thành công”. Bà nói với các ủng hộ viên của mình rằng sự phân rẽ mới trong nước Pháp nay nằm giữa “những người theo chủ nghĩa toàn cầu và những người ái quốc”.

Cuộc bầu cử này được cho là có thể quyết định liệu nước Pháp tiếp tục con đường toàn cầu hoá, hay sẽ rẽ sang con đường mới tách khỏi EU.

Lựa chọn khó khăn

Trong cuộc đua bị chi phối mạnh mẽ bởi các vấn đề về công ăn việc làm, nhập cư và an ninh, cử tri Pháp đứng trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai và cũng là vòng chung cuộc.

Một bên là ông Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng kinh tế theo đường lối trung dung. Đối thủ của ông là người theo chủ nghĩa dân tộc, chống di dân, bà Marine Le Pen.

Theo VOA, các cuộc thăm dò trước hôm 7/5 cho thấy ông Macron dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ là 63%, cách xa đáng kể so với mức 37% của bà Le Pen.

Với quan điểm chống EU và thúc đẩy việc ngăn chặn dòng người di cư Hồi giáo đến nước Pháp, bà Le Pen kêu gọi trục xuất những người Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo nơi các thày tế thuyết giảng chủ nghĩa cực đoan, cắt giảm người nhập cư, bãi bỏ đồng Euro, và trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp.

Lý do chính để bà Le Pen chống lại EU cũng tương tự như lý do của những người Anh đã nêu ra để thực hiện Brexit: Các chính sách của EU về tự do đi lại đồng nghĩa là EU mới kiểm soát biên giới chứ không phải các quốc gia riêng rẽ.

Còn ông Macron có cái nhìn khác hoàn toàn. Vị cựu lãnh đạo ngân hàng đã nhiều lần nói ông tin rằng không có chuyện rút lui khỏi toàn cầu hóa.

Ông Macron chủ trương kiên định ủng hộ EU nhưng cũng nói ông muốn thấy có các cải cách để làm cho tổ chức này trở nên dân chủ hơn. Ông đã cảnh báo rằng nếu EU cứ tiếp tục vận hành như hiện nay, sẽ dẫn đến Frexit, tức là việc nước Pháp rút khỏi EU giống nước Anh.

Nhiều cử tri ở vùng thành thị, hầu hết là thịnh vượng, có chung quan điểm với ông Macron. Họ đánh giá rằng quốc gia của mình là thí nghiệm thành công về sự tập hợp những người từ nhiều nơi trên thế giới, và toàn cầu hoá không chỉ là bất khả kháng mà còn là chìa khóa đi đến sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai.

Thông điệp của bà Le Pen đã cộng hưởng với nhiều người cho rằng tương lai của họ bị đe dọa bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu và sự phá hoại văn hoá bản xứ của Pháp. Những nơi ủng hộ bà mạnh mẽ chủ yếu là các khu vực ở đông bắc nước Pháp, nơi các công xưởng và nhà máy thép đóng cửa đã làm mất đi hàng nghìn việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Pháp lên gần 10%, một trong những mức cao nhất ở châu Âu.

Phản ứng của thế giới

Tờ The Guardian đưa tin Thủ tướng Anh Theresa May là một trong những lãnh đạo châu Âu đầu tiên nhanh chóng chúc mừng ông Macron, vào lúc EU thở phào nhẹ nhõm rằng Pháp không phải là quân cờ domino tiếp theo bị đổ sau cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh và sau thắng lợi của ông Donald Trump trong kỳ bầu cử Mỹ.

Trong khi đó, dù từng ủng hộ bà Le Pen, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chúc mừng ông Emmanuel Macron trên Twitter.

Còn Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker viết trên Twitter: “Rất vui vì cử tri Pháp đã chọn một tương lai đi cùng châu Âu”.

Liên quan tới thị trường tài chính, đồng Euro tăng trong phiên giao dịch đầu ngày tại các thị trường Á châu, đạt mức một Euro ăn 1,1023 USD, là mức cao nhất kể từ tháng 11 tới nay.

Đọc tiếp »

Macron đắc cử Tổng thống Pháp, châu Âu và thị trường thở phào

Ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong vòng quyết định của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra ngày 7/5, đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Việc ông Macron - người ủng hộ hội nhập châu Âu và có những chính sách thân thiện với kinh doanh, thắng bà Le Pen - người dọa rút Pháp khỏi Liên minh Châu Âu (EU), đã giúp khu vực này và thị trường toàn cầu thở phào nhẹ nhõm.

Đồng Euro đã tăng giá mạnh sau chiến thắng của ông Macron. Đầu giờ giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, tỷ giá đồng tiền chung châu Âu so với đồng USD đã lần đầu tiên vượt mức 1,1 USD/Euro kể từ bầu cử Tổng thống Mỹ.

“Rủi ro địa chính trị giảm xuống ở Pháp, làm gia tăng khả năng tăng trưởng kinh tế ở Eurozone có thể vượt dự báo trong năm nay”, nhà phân tích Holger Schmieding thuộc Berenberg Bank nhận xét.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử Pháp, nhiều người đã lo ngại bà Le Pen sẽ giành chiến thắng nhờ phong trào dân túy đang nổi lên ở nhiều quốc gia trên thế giới, thể hiện rõ nhất qua hai sự kiện vào năm ngoái là cử tri Anh chọn rời bỏ EU và ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.

Hãng tin Reuters cho biết, với gần như toàn bộ số phiếu đã được kiểm, ông Macron giành tỷ lệ phiếu bầu hơn 66%, so với mức chưa đầy 34% cử tri ủng hộ bà Le Pen. Mức chênh lệch phiếu như vậy giữa hai ứng cử viên lớn hơn nhiều so với mức chênh khoảng 20 điểm phần trăm được dự báo trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.

Tuy nhiên, đây vẫn là thành tích tốt nhất mà Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp (FN) của bà Le Pen, một đảng dân tộc chủ nghĩa cực hữu với chủ trương chống người nhập cư và chống EU, từng đạt được. Kết quả này cho thấy mức độ chia rẽ lớn trong lòng xã hội Pháp mà tân Tổng thống sẽ phải nỗ lực nhiều để hàn gắn.

“Tôi hiểu những rạn nứt ở đất nước chúng ta, thực tế dẫn tới việc một số người bỏ phiếu cho phe cực đoan. Tôi tôn trọng họ”, Macron phát biểu tại trụ sở chiến dịch vấn động tranh cử. “Tôi hiểu sự giận dữ, nỗi lo lắng, và tâm trạng hoài nghi mà nhiều người trong số các bạn đã bày tỏ. Trách nhiệm của tôi là lắng nghe điều đó. Tôi sẽ nỗ lực để lập lại mối liên kết ở châu Âu và người dân ở châu lục này, giữa châu Âu và các công dân của mình”.

Thách thức trước mắt của ông Macron sẽ là giành đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào tháng tới cho đảng của mình để dễ dàng thực thi các chính sách mà ông đã đề ra trong quá trình tranh cử.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande, người đã đưa ông Macron đến với chính trị, nói rằng kết quả cuộc bầu cử “khẳng định rằng một tỷ lệ lớn công dân của chúng ta vẫn muốn đoàn kết xung quanh những giá trị của nước Pháp và thể hiện sự gắn bó với EU”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ sự vui mừng trước chiến thắng của Macron. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker nói với Tổng thống Pháp đắc cử: “Tôi vui mừng trước những ý tưởng mà ông bảo vệ về một châu Âu mạnh mẽ và tiến bộ, một châu Âu bảo vệ cho tất cả các công dân của mình. Đó sẽ là những ý tưởng mà ông đưa vào nhiệm kỳ Tổng thống của mình”.

Sau chiến thắng, ông Macron cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông hy vọng sẽ cùng làm việc để phục hồi trục Pháp-Đức với vai trò trái tim của châu Âu. Ông Macron nói với bà Merkel rằng ông sẽ sớm thăm Đức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên mạng xã hội Twitter để chúc mừng ông Macron về “chiến thắng lớn”, nói rằng ông mong muốn được làm việc cùng ông Macron.

Năm nay 39 tuổi, ông Macron từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và đã có hai năm nắm cương vị Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp dưới thời Tổng thống Hollande, nhưng chưa từng tham gia một cuộc bầu cử nào. Sau khi nhậm chức vào cuối tuần này, ông Macron sẽ trở thành nguyên thủ trẻ nhất của Pháp từ thời Napoleon, và sẽ là vị Tổng thống thứ 8 của nước này.

Các chính sách của ông Macron là sự pha trộn giữa cắt giảm mạnh tay chi tiêu công và nới lỏng luật lao động, tăng cường đầu tư và hoạt động đào tạo, và cải cách dần hệ thống lương hưu. Với quan điểm ủng hộ hội nhập châu Âu và ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông không có dấu hiệu sẽ thay đổi các mối quan hệ liên minh truyền thống của Pháp hay điều chỉnh vai trò quân sự và gìn giữ hòa bình của nước này ở Trung Đông và châu Phi.

Việc ông Macron đắc cử cũng đánh dấu một sự thay đổi thế hệ đã được chờ đợi từ lâu trong nền chính trị Pháp, nơi chứng kiến sự ngự trị của những gương mặt tương tự suốt nhiều thập kỷ qua.

Ông Macron sẽ là nguyên thủ trẻ nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Ông cũng được so sánh với những nhà lãnh đạo trẻ hiện nay và trước kia, như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, và thậm chí cả cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Đọc tiếp »

Chân dung tân Tổng thống “phá vỡ mọi khuôn mẫu” của nước Pháp

Giành chiến thắng trong vòng quyết định của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào ngày 7/5, vài tháng trước khi tròn 40 tuổi, chính trị gia theo trường phái trung dung Macron đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thống trị của các chính đảng truyền thống lâu năm ở Pháp suốt mấy thập kỷ trở lại đây.

Ngoài ra, chiến thắng của ông cũng chặn đứng làn sóng dân tộc chủ nghĩa cả về kinh tế và chính trị - làn sóng dẫn tới sự kiện cử tri Anh chọn Brexit và ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Ông Macron sẽ là nguyên thủ trẻ nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Ông cũng được so sánh với những nhà lãnh đạo trẻ hiện nay và trước kia, như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, và thậm chí cả cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Niềm khao khát của người Pháp

Chỉ mất 3 năm, để Emmanuel Macron từ một chính khách ít tên tuổi trở thành Tổng thống đắc cử trẻ nhất trong lịch sử Pháp.

Nhiều người cho rằng sự nổi lên ấn tượng của ông Macron bắt nguồn từ sự khao khát của cử tri Pháp muốn có một nhà lãnh đạo mới mẻ, cộng thêm thông điệp lạc quan mà ông Macron đưa ra cho nước Pháp - quốc gia từ lâu đã bị ám ảnh bởi sự sa sút vị thế trên trường quốc tế.

“Chiến dịch tranh cử của ông ấy thống như một liệu pháp đám đông, đưa nước Pháp trở lại với sự lạc quan”, nhà văn Michel Houllebecq nhận xét.

Sự suy sụp bất ngờ của đối thủ đến từ các chính đảng lâu năm chắc chắn có một vai trò trong chiến thắng của Macron, nhưng bản thân Macron cũng có những những chiến thuật để nắm bắt cơ hội của mình. Ban đầu, tưởng như Macron sẽ đi lên trong hàng ngũ các chính trị gia dòng chính ở Pháp sau khi ông quyết định áp dụng kỹ năng thương thuyết của một nhà ngân hàng đầu tư vào thế giới chính trị.

Tuy nhiên, sau hai năm là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Macron chuyển sang đánh vào tâm lý khao khát muốn có nhà lãnh đạo mới mẻ của đông đảo cử tri Pháp bằng cách đưa ra thông điệp mạnh mẽ chống lại các chính đảng lâu năm.

Từng học ở những ngôi trường danh giá nhất của Pháp, từng môi giới những thương vụ có tổng trị giá 10 tỷ USD, và từng nắm chức Bộ trưởng, Macron đã thề sẽ thay đổi hệ thống mà ông xuất thân.

“Nước Pháp bị cản trở bởi chính khuynh hướng tư lợi của giới tinh hoa Pháp. Và tôi sẽ nói với các bạn một bí mật nho nhỏ. Tôi biết, vì tôi là một phần của bí mật đó”, ông nói với người ủng hộ trong một cuộc vận động tranh cử ở thị trấn Pau miền Nam nước Pháp.

Sinh ra ở vùng Amiens thuộc miền Nam nước Pháp, trong một gia đình có cha mẹ làm bạc sỹ, Macron kể rằng ông có một tuổi thơ yên bình, dành hầu hết thời gian “cho sách vở, có một chút tách biệt với thế giới”.

Năm 15 tuổi, Macron gặp người vợ tương lai của mình - cô giáo dạy văn Brigitte, người hơn ông 24 tuổi, đã kết hôn và có 3 con riêng. Mối quan hệ khác thường của họ đã trở thành đề tài nóng của giới truyền thông.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Macron chuyển đến Paris và theo học ở hai học viện là Sciences-Po và Ecole Nationale d'Administration (ENA), nơi được xem là cái nôi đào tạo của giới tinh hoa chính trị Pháp. Ngoài ra, ông còn giữ vai trò trợ lý nghiên cứu cho nhà triết học Paul Ricoeur.

Ra trường với số điểm gần cao nhất khóa, Macron có một thời gian làm công chức, trước khi làm việc tại mảng mua sắm và sáp nhập (M&A) của ngân hàng đầu tư Rothschild trong 4 năm. Tham gia môi giới vụ Nestle mua lại mảng thực phẩm trẻ em của Pfizer đã giúp Macron có một khối tài sản nho nhỏ.

Tiếp đó, vào năm 2012, ông tham gia ê-kíp của Tổng thống Francois Hollande, và sau đó trở thành Bộ trưởng Bộ Kinh tế. “Ông ấy luôn muốn làm chính trị. Ông ấy nói về điều đó suốt”, Gaspard Gantzer, một bạn học của Macron ở ENA, cho biết.

Những ý tưởng mới

Khi làm việc trong Chính phủ, Macron đã có ý tưởng phá bỏ một số nét chính của “mô hình xã hội” Pháp như 35 giờ làm việc mỗi tuần, chế độ bảo vệ việc làm chắc chắn, và văn hóa công việc trọn đời của công chức. Những thông điệp này của Macron không ngờ đã giành được sự ủng hộ lớn của cử tri Pháp.

Macron, người ngủ rất ít và thường xuất hiện online trên dịch vụ nhắn tin Telegram vào lúc 2h sáng, nói rằng tham vọng của ông là làm cầu nối hàn gắn sự chia rẽ tả-hữu vốn từ lâu ngự trị chính tường Pháp.

Khi Macron rời Chính phủ vào tháng 8 năm ngoái và xây dựng một phong trào chính trị mà ông mới chỉ thành lập 4 tháng trước đó, nhiều người chỉ xem ông như một ngôi sao vụt sáng và sẽ sớm tắt. “Ông ấy sẽ không tồn tại nổi 5 phút với những kẻ xấu trong chiến dịch tranh cử”, một trong những người tiền nhiệm của Macron tại Bộ Kinh tế Pháp phát biểu.

Tuy nhiên, trong lúc Đảng Xã hội cầm quyền đối mặt nhiều xáo trộn và ứng cử viên trung tả Francois Fillon gặp bê bối tài chính, ông Macron nổi lên thành một lựa chọn sáng giá.

“Điều ông ấy làm với chính trường Pháp giống như điều Uber làm với taxi truyền thống”, bà Laurent Bigorgne, một người bạn của ông Macron, hiện làm cho viện nghiên cứu Institut Montaigne, phát biểu. “Ngay từ đầu, có thể thấy rõ Uber sẽ khiến cho taxi trở nên lỗi thời. Chỉ có điều là taxi không nhận thấy điều đó”.

Macron tiếp tục khiến đối thủ và các học giả bối rối khi thu hút thêm được sự ủng hộ của đông đảo cử tri thuộc tầng lớp lao động và các chính trị gia trung tả và trung hữu rời bỏ đảng của họ.

Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào tuần trước, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, đối thủ của ông Macron trong vòng bầu cử quyết định, đã gọi ông là một “nhà ngân hàng giả tạo”, một “người điên rồ ủng hộ toàn cầu hóa và Uber hóa”.

Đáp trả sự chỉ trích của đối thủ, Macron nói: “Bà cứ ở lại trên TV nhé. Tôi muốn thành Tổng thống của nước Pháp”.

Đọc tiếp »

Chống tham nhũng và phục hồi kinh tế thành tâm điểm bầu Tổng thống Hàn Quốc

Với nhiều cử tri Hàn Quốc, mối quan hệ căng thẳng với Triều Tiên không phải điều khiến họ quan tâm nhất trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày mai (9/5), để chọn ra người thay thế cựu Tổng thống Park Geun-hye mới bị kết tội tháng trước.

Theo cuộc thăm dò dư luận của RealMeter, 27,5% người được hỏi cho biết vấn đề quan trọng nhất đối với họ là liệu tân Tổng thống “có ý định cải tổ bộ máy chính trị vốn chìm trong tham nhũng”, trong khi đó, 24,5% quan tâm tới “khả năng phục hồi nền kinh tế và cải thiện đời sống người dân”.

"Bảo vệ an ninh quốc gia và nền dân chủ tự do” là yếu tố được quan tâm thứ ba với 18,5% người được hỏi.

Sự vụ của cựu Tổng thống Park có tác động mạnh tới chính trường Hàn Quốc. Trong số những ứng viên Tổng thống, lãnh đạo đảng Dân chủ, ông Moon Jae In được hưởng lợi không ít từ những bê bối liên quan tới sự thiếu minh bạch và tham nhũng của bà Park. Hình ảnh “trong sạch” giúp ông Moon có lợi thế trước các đối thủ khác trong cuộc bầu cử.

Về kinh tế, dù nhiều dự báo về tăng trưởng trở lại trong năm 2017, nhiều người Hàn Quốc vẫn cảm thấy họ đang trong tình trạng khó khăn. Theo hãng tin Yonhap, chỉ số “chịu đựng” của nền kinh tế - được tính dựa trên tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát - của Hàn Quốc đang ở mức cao nhất 5 năm.

"Tôi làm nghề bán sữa và vì kinh tế khó khăn nên việc kinh doanh cũng rất tồi tệ”, bà Choi Seon Ok, 62 tuổi, cho biết. “Tôi muốn sẽ có nhiều thêm các chương trình phúc lợi cho người dân”.

Còn Nam Woo Hyu, 26 tuổi, sinh viên đại học, chia sẻ: "Gần đây, chúng tôi đã thấy rõ những mặt tối của bộ máy chính quyền”. Anh cũng cho biết đặc biệt quan tâm tới “thị trường việc làm cho người trẻ và tăng trưởng kinh tế”.

Không giống giới trẻ, đa phần những người lớn tuổi tại Hàn Quốc lại tỏ ra đặc biệt quan tâm tới an ninh quốc gia và vấn đề Triều Tiên.

Theo một thăm dò mới đây của Gallup/YTN, trong khi những cử tri ở độ tuổi 30 ủng hộ ông Moon Jae In, chỉ có 16% cử tri ở độ tuổi 60, ủng hộ ứng viên này. Đa số họ muốn các ứng viên Ahn Cheol Soo hoặc Hong Jun Pyo trở thành Tổng thống với những chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên.

“An ninh quốc gia nên là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong chính phủ mới, theo sau là phát triển kinh tế”, bà Bae Kyung-hwan, 72 tuổi, sống tại Seoul chia sẻ.

Theo CNN, bất kể mối quan tâm hàng đầu là gì, đa số cử tri Hàn Quốc cho biết sẽ “chắc chắn đi bầu” vào ngày mai. Còn khảo sát của Gallup cho biết 91% người được hỏi cho biết sẽ tham gia bầu cử.

Đọc tiếp »

Vai trò bà vợ hơn 24 tuổi trong chiến thắng của tân Tổng thống Pháp

Khi hai người lần đầu tiên gặp nhau, Emmanuel Macron mới là cậu học trò 15 tuổi, còn Brigitte Trogneux là cô giáo dạy văn 40 tuổi, đã yên bề gia thất. Cậu trò nhỏ đã đem lòng yêu cô giáo khi cô hướng dẫn cậu trong một vở kịch ở trường.

Giờ đây, với chiến thắng của Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 7/5, bà Trogneux chuẩn bị bước vào điện Elysee trên cương vị đệ nhất phu nhân. Ở vị trí mới này, chắc chắn bà sẽ tiếp tục giữ vai trò hướng dẫn Macron, nhưng trên một sân khấu lớn hơn.

Năm nay 64 tuổi, bà Trogneux, phu nhân Tổng thống đắc cử Macron, luôn sát cánh bên chồng trong suốt chiến dịch tranh cử của ông. Bà là một cánh tay đắc lực của chồng, giúp ông quản lý chương trình làm việc, biên tập các bài phát biểu của ông, và đưa ra lời tư vấn cho ông trước mỗi lần ông xuất hiện trên sân khấu.

Trong bài phát biểu chiến thắng sau vòng đầu tiên của cuộc bầu cử cách đây hai tuần, Macron đã đưa vợ lên đứng cùng trên bục sân khấu và nói lời cảm ơn với bà. Người ủng hộ có mặt đã dành cho cặp đôi những tràng vỗ tay không ngớt.

“Brigitte luôn có mặt bên tôi, và giờ đây cô ấy còn ở bên tôi nhiều hơn. Nếu không có cô ấy, tôi sẽ không phải là tôi bây giờ”, Macron nói đầy xúc động khi hàng trăm khán giả hô vang tên vợ ông.

Cặp đôi này gần như không được biết đến ở Pháp khi ông Macron được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande vào tháng 8/2014. Một năm sau, bà Trogneux nghỉ công việc giảng dạy để dành thời gian hậu thuẫn người chồng trẻ đầy tham vọng của mình.

Tại Bộ Kinh tế Pháp thời ông Macron làm Bộ trưởng, bà Trogneux dường như luôn có sự hiện diện ngầm trong các cuộc họp của bộ này.

“Bà ấy đã dành nhiều thời gian ở đây vì quan điểm của bà ấy có ý nghĩa đối với tôi. Bà ấy mang lại một bầu không khí khác, điều đó rất quan trọng… Tôi không thể làm việc nếu không hạnh phúc”, ông Macron nói về vợ trong cuộc họp cuối cùng ở Bộ Kinh tế Pháp khi ông rời khỏi Chính phủ của ông Hollande vào tháng 8/2016.

Phải ba tháng sau đó, vào ngày 16/11/2016, Macron mới chính thức tuyên bố chạy đua Tổng thống. Tuy nhiên, đến khi đó, ông đã bắt đầu đưa mối quan hệ với người vợ già trở thành một phần không thể tách rời trong hình ảnh của mình trước công chúng.

Trong khoảng thời gian mấy tháng trước khi ông Macron ra tranh cử, công chúng Pháp đã phát hiện ra Trogneux trong một loạt bài đăng trên tạp chí Paris Match, bao gồm một bức ảnh cặp đôi đi nghỉ ở biển. Trong bức ảnh đó, bà Trogneux, người phụ nữ tóc vàng mảnh mai với nước da rám nắng, mặc đồ tắm một mảnh, rạng rỡ bên người chồng trẻ.

“Kỳ nghỉ của cặp tình nhân trước cuộc tấn công”, bài báo giật tít.

Trong một bộ phim tài liệu được kênh France 3 phát sóng vào tháng 11/2016, chỉ vài ngày trước khi ông Macron tuyên bố tranh cử, cặp đôi chia sẻ một đoạn video trong đó cậu học sinh Macron xuất hiện trong vở kịch ở trường khi hai người gặp nhau. Tiếp đó là một đoạn video về đám cưới của họ vào năm 2007.

“Cảm ơn vì đã chấp nhận chúng tôi, một cặp đôi không bình thường lắm”, ông Macron nói trong đám cưới có sự tham dự của những người con đã trưởng thành của Trogneux. Khi đó, ông gần 30 tuổi còn bà đã 54.

Các họa sỹ biếm họa và các chương trình phát thanh, truyền hình châm biếm ở Pháp thường chế nhạo sự khác biệt tuổi tác của vợ chồng Macron. Họ phác họa chân dung của Macron là một cậu học sinh nghe theo sự chỉ dẫn của cô giáo.

Trong khi đó, những người ủng hộ Macron nói những câu chuyện đùa này là một sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Họ nhấn mạnh việc ông Macron kém vợ 24 tuổi cũng chẳng khác gì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hơn vợ ông, bà Melania, 24 tuổi.

Bà Trogneux thản nhiên đón nhận những lời châm chọc. Bà thậm chí còn nói vui rằng nếu Macron muốn chạy đua Tổng thống, thì ông nên làm sớm, khi ngoại hình của bà trông vẫn còn ổn. “Ông ấy nên tranh cử vào năm 2017, vì vào năm 2022, vấn đề của ông ấy sẽ là khuôn mặt của tôi”, một người bạn kể lại lời bà Trogneux trong một cuốn sách viết về đường đến điện Elysee của Macron.

Sinh năm 1953, bà Trogneux là con út trong một gia đình giàu có nhờ nghề làm chocolate truyền thống ở Amiens, thị trấn miền Nam nước Pháp. Bà kết hôn với một người làm nghề ngân hàng và sinh được ba người con.

Vào năm 1993, khi bà dạy môn văn tại trường Providence Jesuit, cậu học sinh Macron tham gia một vở kịch của trường dưới sự hướng dẫn của bà. Năm sau đó, hai người cùng nhau viết lại một kịch bản để có thêm nhiều vài diễn hơn. “Dần dần, tôi cảm thấy hoàn toàn bị thuyết phục bởi trí thông minh của cậu bé này”, Trogneux nói với kênh truyền hình France 3.

Tin đồn bắt đầu lan đi về mối quan hệ giữa hai người, khiến cha mẹ Macron phải đưa ông rời Amiens lên Paris để hoàn thành nốt năm học phổ thông cuối cùng. Tại đây, ông theo học ở ngôi trường quý tộc Lycee Henri IV.

“Cô sẽ không thể rời bỏ được em. Em sẽ quay lại và sẽ cưới cô”, Macron nói với Trogneux trước khi ra đi - theo các nhà viết tiểu sử về ông.

Khi được hỏi về vai trò của Trogneux tại điện Elysee nếu ông đắc cử, Macron đã nói: “Bà ấy sẽ có một sự tồn tại, một tiếng nói ở đó, một quan điểm về mọi thứ. Bà ấy sẽ ở bên tôi như đã luôn ở bên tôi, nhưng bà ấy còn có thêm một vai trò trước công chúng nữa”.

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Thêm một sắc lệnh của Trump bị tòa án Mỹ đình chỉ

Một thẩm phán Mỹ ngày 25/4 đã đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống mỹ Donald Trump về cắt ngân sách liên bang đối với những tiểu bang có chủ trương bảo vệ người nhập cư. Đây được xem là một đòn pháp lý nữa giáng vào những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm siết chính sách đối với người nhập cư.

Hãng tin Reuters cho biết, phán quyết của thẩm phán William Orrick III ở San Francisco nói rằng sắc lệnh của mà Tổng thống Trump ký hôm 25/1 nhằm vào đối tượng rộng các loại ngân sách liên bang dành cho những tiểu bang bảo vệ người nhập cư. Phán quyết cũng nói bên nguyên đơn kiện sắc lệnh này có thể thành công trong việc chứng minh sắc lệnh là không phù hợp với hiến pháp.

Những động thái của ông Trump đối với người nhập cư kể từ khi ông lên cầm quyền đã kéo theo hàng loạt đơn kiện từ các tổ chức ủng hộ người nhập cư, cũng như các thành phố và tiểu bang thuộc phe Đảng Dân chủ. Trước phán quyết nói trên của tòa án, hai sắc lệnh của ông Trump về hạn chế nhập cảnh đối với người tị nạn và công dân một số quốc gia Hồi giáo cũng đã bị thẩm phán liên bang đình chỉ. Chính phủ Mỹ hiện đang kháng cáo các quyết định này của tòa.

Ông Reince Priebus, chánh thư ký Nhà Trắng, nói với giới truyền thông rằng chính quyền Trump đang tiến hành các thủ tục nhằm kháng cáo phán quyết mà thẩm phán đưa ra ngày 25/1. “Đến lúc chúng tôi sẽ thắng ở Tòa án Tối cao”, ông Priebus tuyên bố.

Nhiều thành phố ở Mỹ từ lâu được coi là “hầm trú ẩn” đối với người nhập cư trái phép, và thường không sử dụng ngân sách hay nguồn lực địa phương để thúc đẩy việc thực thi luật nhập cư liên bang. Đến nay, đã có hàng chục thành phố, gồm New York, Los Angeles, và Chicago, gia nhập phong trào bảo vệ người nhập cư ngày càng gia tăng này.

Những người ủng hộ chính sách bảo vệ người nhập cư nói rằng việc điều cảnh sát bắt bớ và trục xuất người nhập cư sẽ xói mòn niềm tin của các cộng đồng vào lực lượng cảnh sát, nhất là trong cộng đồng người Mỹ Latin.

Ngược lại, chính quyền Trump nói rằng chính quyền các thành phố này đặt an toàn của người dân vào thế nguy hiểm khi không trục xuất những người nhập cư trái phép bị bắt giữ vì phạm tội.

Sắc lệnh của Trump - người đã hứa sẽ siết quản lý người nhập cư trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016 - yêu cầu cắt giảm ngân sách liên bang đối vói những bang và thành phố như vậy một khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác định được như thế nào là một địa phương đi ngược lại chính sách của Chính phủ liên bang về người nhập cư.

Hạt Santa Clara, gồm thành phố San Jose và một số cộng đồng nhỏ hơn ở Thung lũng Silicon, đã đâm đơn kiện sắc lệnh này của Trump vào tháng 2, nói rằng sắc lệnh không hợp hiến. Tiếp đó, San Francisco đâm đơn kiện tương tự.

Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ dọa sẽ cắt giảm ngân sách cho bang California và 8 thành phố và hạt khác trên toàn quốc. Cơ quan này chỉ rõ Chicago và New York là hai thành phố đang “oằn mình dưới áp lực của nhập cư trái phép và bạo lực”, cho dù New York đang có mức tội phạm thấp nhất trong nhiều thập kỷ và các chuyên gia nói bạo lực gia tăng gần đây ở Chicago không liên quan đến người nhập cư trái phép.

Hạt Santa Clara nhận khoảng 1,7 tỷ USD ngân sách liên bang mỗi năm, chiếm khoảng 35% ngân sách của hạt này. Chính quyền Santa Clara nói họ bị nợ hàng triệu USD ngân sách liên bang mỗi ngày và quy trình lên kế hoạch ngân sách địa phương bị đảo lộn vì sắc lệnh của Trump.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ nói các địa phương đã “nghiêm trọng hóa” khi diễn giải sắc lệnh của Trump. Bộ này nói sắc lệnh chỉ ảnh hưởng đến ngân sách từ Bộ Tư Pháp và Bộ An ninh Nội địa - tức chỉ một phần nhỏ ngân sách liên bang mà các địa phương được cấp.

Đọc tiếp »

Trump sắp công bố kế hoạch giảm mạnh thuế doanh nghiệp

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ngày 26/4 sẽ đề xuất một kế hoạch cắt giảm mạnh tay thuế doanh nghiệp và khuyến khích các công ty Mỹ đưa lợi nhuận cất giữ ở nước ngoài về nước.

“Chúng tôi sẽ có một tuyên bố lớn vào ngày thứ Tư liên quan đến cải cách thuế. Công việc này đã bắt đầu tư lâu, nhưng sẽ chính thức bắt đầu vào ngày thứ Tư”, trang CNBC dẫn lời Trump phát biểu tại Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước.

Một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/4 tiết lộ rằng Bộ trưởng bộ này, ông Steven Mnuchin, và Giám đốc kinh tế quốc gia Gary Cohn dự kiến sẽ có một cuộc họp báo chung vào đầu giờ chiều ngày 26/4 theo giờ Washington tại phòng họp báo của Nhà Trắng.

Nguồn tin là quan chức chính quyền Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu các trợ lý vạch kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập đối với các công ty đại chúng xuống 15% từ 35% hiện nay.

Một quan chức khác cho hay Trump sẽ đề xuất thuế đánh vào lợi nhuận mà các công ty Mỹ chuyển từ nước ngoài về nước ở mức 10%, từ mức 35% hiện nay.

Kế hoạch của Trump được dự báo sẽ không bao gồm “thuế biên giới” đánh vào hàng hóa nhập khẩu - loại thuế gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

Hiện chưa rõ kế hoạch này có sự khác biệt như thế nào so với những gì Trump vạch ra khi còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ hay kế hoạch mà Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan ủng hộ. Dù thế nào, các nghị sỹ Cộng hòa, những người kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ, sẽ phải vạch ra được các chi tiết cụ thể thì kế hoạch mới có thể được thông qua.

Đây được xem là chương trình cải tổ thuế lớn nhất của Mỹ kể từ năm 1986.

Ban đầu, Nhà Trắng đặt mục tiêu dự luật cải cách thuế sẽ được thông qua trước kỳ nghỉ của Quốc hội Mỹ vào tháng 8. Tuy nhiên, giới chức chính quyền Trump gần đây đã rút lại thời hạn này do nhận thấy đây là một thời hạn khó đạt được.

Trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ, Trump hứa cắt giảm thuế thu nhập, trong đó giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15%. Khi đó, vị tỷ phú bất động sản nói kế hoạch cắt giảm thuế của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp các công ty tạo việc làm.

Hầu hết các phân tích dự báo kế hoạch của Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ phình to do giảm thu ngân sách từ thuế. Trong khi đó, ê-kíp của Trump lập luận tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh nhờ kế hoạch sẽ giúp bù đắp khoản thu ngân sách bị hao hụt.

Trong khi Trump muốn mức thuế 15%, Chủ tịch Hạ viện Ryan lại đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, cộng thêm áp thuế biên giới để tăng thu ngân sách.

Đảng Cộng hòa của Trump dự định sẽ dùng cuộc đàm phán ngân sách để thông qua cải tổ thuế, đồng nghĩa với việc chỉ cần đa số phiếu để dự luật được thông qua. Trong khi đó, gần như toàn bộ phe Dân chủ có thể sẽ phản đối dự luật này nếu dự luật giảm mạnh thuế cho tầng lớp người giàu và các doanh nghiệp Mỹ.

Đọc tiếp »

Mỹ bắt đầu triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc

Quân đội Mỹ đã bắt đầu triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi tại Hàn Quốc, giữa lúc căng thẳng gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - hãng tin BBC cho hay.

Mỹ và Hàn Quốc vẫn nói rằng lá chắn tên lửa Thaad được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc là nhằm chống lại những mối đe dọa từ Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc phản đối việc triển khai lá chắn này ở Hàn Quốc, nói rằng làm như vậy sẽ đảo lộn thế cân bằng an ninh trong khu vực.

“Hàn Quốc và Mỹ đã làm việc cùng nhau để đảm bảo khả năng hoạt động sớm của hệ thống Thaad nhằm đáp trả mối đe dọa hạt nhân và tên lửa gia tăng từ Triều Tiên”, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có đoạn viết.

Mỹ và Hàn Quốc đạt nhất trí về triển khai Thaad ở Hàn Quốc vào năm ngoái. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói hệ thống này phải đến cuối năm 2018 mới có thể đi vào hoạt động.

Việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc trùng với sự kiện Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay sản xuất trong nước đầu tiên nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Địa điểm được chọn để triển khai Thaad từng là một sân golf ở Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 250 km về phía Nam. Hàng trăm cư dân địa phương đã biểu tình phản đối việc triển khai Thaad, khi đoàn xe chở thiết bị xuất hiện tại địa điểm này. Thaad được thiết kế để chặn và phá hủy các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn bay cuối cùng của tên lửa.

Hàng chục cảnh sát đã đứng hai bên đường, cố ngăn người biểu tình, trong đó có nhiều người ném chai nước vào đoàn xe chở thiết bị. Các nhà hoạt động nói hơn 10 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Trong số người biểu tình, có nhiều người là dân địa phương của hai thị trấn gần nhất với địa điểm triển khai Thaad.

Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc triển khai Thaad ở Hàn Quốc, theo đó kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc rút lại kế hoạch này. Kế hoạch triển khai Thaad đã khiến quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc, nước đối tác thương mại lớn nhất, trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp kinh tế được cho nhằm trả đũa Hàn Quốc, bao gồm hạn chế các công ty du lịch bán tour cho du khách đi Hàn Quốc, khiến lượng du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc giảm 40%.

Tháng trước, Hàn Quốc đã phản ánh vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc cho rằng những động thái gần đây của nước này có liên quan đến việc triển khai Thaad.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, Triều Tiên và Mỹ tiếp tục đưa ra những lời đe dọa, cảnh báo lẫn nhau.

Mấy ngày gần đây, Mỹ đã triển khai chiến hạm và một tàu ngầm tới gần bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh lo ngại Bình Nhưỡng có thể sắp thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa đạn đạo.

Bên cạnh hối thúc Trung Quốc cứng rắn hơn nữa với Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có một cuộc họp mật với các thượng nghị sỹ về vấn đề Triều Tiên tại Nhà Trắng trong ngày 26/4.

Ngày 25/4, Triều Tiên tổ chức một chương trình tập trận bắn đạn thật với sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nước này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã không thử hạt nhân hay phóng tên lửa vào ngày này như lo ngại trước đó.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kêu gọi các bên kiềm chế và tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Đọc tiếp »

Liên hiệp quốc đang cấm vận những gì với Triều Tiên?

Theo CNN, từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã áp nhiều lệnh cấm vận đối với Triều Tiên để trừng phạt nước này về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, những biện pháp này có vẻ không mang lại hiệu quả, bởi các cuộc thử nghiệm và phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên không có dấu hiệu dừng lại.

Lệnh cấm vận Liên hợp quốc đối với riều Tiên trải rộng từ hoạt động buôn bán vũ khí, dịch vụ tài chính cho tới thương mại.

Vũ khí

Theo lệnh cấm vận này, Triều Tiên bị cấm xuất, nhập khẩu mọi loại vũ khí, tàu chiến lớn nhỏ. Các nước thành viên của Liên hiệp quốc cũng bị cấm bán thiết bị hàng không, máy bay, tên lửa cho Triều Tiên. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Liên hiệp quốc công bố tháng trước, thông qua nhiều công ty bình phong và tổ chức quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn buôn bán vũ khí và nhận cả tiền mặt lẫn vàng.

Than đá, khoáng sản và nhiên liệu

Than đá là mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên và cũng là nguồn ngoại tệ chủ yếu của kinh tế nước này. Liên hiệp quốc đã cấm tất cả các nước thành viên nhập than đá từ Triều Tiên, cùng với các loại khoáng sản khác như quặng sắt, vàng và khoáng chất hiếm.

Phần lớn than đá Triều Tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của quốc gia này trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tháng 2 vừa rồi, Trung Quốc công bố kế hoạch dừng nhập khẩu than đá từ nước láng giềng trong năm 2017.

Hàng xa xỉ

Lệnh cấm hàng xa xỉ của Liên hiệp quốc nhắm tới giới thượng lưu của Triều Tiên. Theo đó, các nước thành viên Liên hiệp quốc không được phép bán hàng xa xỉ như du thuyền, trang sức cao cấp, thảm đắt tiền... cho Triều Tiên.

Dịch vụ tài chính

Trong nhiều năm, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc luôn tìm cách cắt nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Việc cô lập nước này khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu là biện pháp chủ yếu. Theo đó, tất cả các nước thành viên Liên hiệp quốc và công ty trên lãnh thổ nước đó, không được phép cung cấp dịch vụ tài chính cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, báo cáo trên của Liên hiệp quốc cho thấy Triều Tiên đã thông qua mạng lưới công ty bình phong để tiếp cận các ngân hàng trên thế giới.

Cấm nhập cảnh

Những người có liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc làm việc đại diện cho họ bị từ chối nhập cảnh vào các nước thành viên Liên hiệp quốc. Lệnh cấm này cũng áp dụng với những quan chức giúp lách luật.

Các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Triều Tiên cũng phải bị trục xuất. Đồng thời, Liên hiệp quốc cũng giảm số nhân viên của các phái đoàn ngoại giao tại Triều Tiên.

Động lực thực thi không đủ mạnh

Theo CNN, các biện pháp cấm vận trên chỉ được thực hiện hiệu quả khi các chính phủ có khả năng và sẵn sàng làm việc đó. Tuy nhiên, Liên hiệp quốc không có biện pháp độc lập nào để hối thúc thực thi các lệnh cấm vận, đồng thời các nước thành viên cũng không đủ nguồn lực và động lực chính trị để làm việc này.

"Các lệnh cấm vận này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và nhất quán”, báo cáo mới đây của tổ chức này về Triều Tiên cho biết.

Chính phủ các nước thành viên Liên hiệp quốc, gồm cả Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu, đã phải áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ buộc tội Triều Tiên là “mối nguy rửa tiền” và cấm ngân hàng Mỹ hợp tác với hệ thống công ty bình phong làm việc cho các tổ chức tài chính Triều Tiên.

Hôm 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp thêm các biện pháp trừng phạt mới lên Triều Tiên trước lo ngại Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Ông gọi nước này là “mối nguy thực sự với thế giới”.

Theo CNN, Mỹ đang lo ngại trong dịp kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập quân đội vào 2/5 tới, Triều Tiên có thể thử tên lửa hoặc hạt nhân.

Đọc tiếp »

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên

Trung Quốc ngày 26/4 đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do nước này tự sản xuất. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, sau một tàu sân bay khác đã qua sử dụng được mua lại của nước ngoài, theo Reuters.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng tàu sân bay vừa được hạ thủy - con tàu được thiết kế tại Trung Quốc và đóng tại thành phố cảng Đại Liên phía Đông Bắc nước này - sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2020. Từ nay đến thời điểm đó, con tàu sẽ được hoàn thiện và trang bị vũ khí.

Sự kiện này thu hút sự chú ý lớn bởi suốt mấy tháng qua, các nhà phân tích quân sự nước ngoài và truyền thông Trung Quốc đã liên tục công bố những bức ảnh, bao gồm ảnh chụp từ vệ tinh, và các bản tin về tiến trình sản xuất tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Bắc Kinh lần đầu tiên xác nhận về sự tồn tại của hàng không mẫu hạm này vào cuối năm 2015. Chương trình phát triển tàu sân bay là bí mật quốc gia của Trung Quốc.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói phần mũi tàu đã được làm xong, và các phần động cơ đẩy, hệ thống điện và các hệ thống chính khác của con tàu đã được lắp đặt. Sự kiện hạ thủy con tàu “cho thấy việc thiết kế và đóng hàng không mẫu hạm trong nước của chúng ta đã từng bước đạt được những kết quả to lớn”, Tân Hoa Xã viết.

Hình ảnh do kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát sóng cho thấy con tàu mới, với những lá cờ đỏ cắm trên boong, được tàu kéo đưa xuống nơi neo đậu. Ông Fan Changlong, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, là người chủ trì lễ hạ thủy này, Tân Hoa Xã cho hay.

Việc Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và những lo ngại xung quanh sự hung hăng của Trung Quốc trong các yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Sự kiện này cũng diễn ra sau khi Trung Quốc kỷ niệm 68 năm ngày thành lập lực lượng hải quân nước này vào Chủ nhật vừa rồi.

Chính phủ Trung Quốc cho biết thiết kế của tàu sân bay mới được dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của nước này - hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được Trung Quốc mua lại của Ukraine vào năm 1998 và mang về sửa chữa.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc chạy bằng năng lượng thông thường, có trọng lượng nước rẽ 50.000 tấn và có thể phục vụ loại chiến đấu cơ Shenyang J-15.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói nước này cần ít nhất 6 tàu sân bay, và một mạng lưới căn cứ trên khắp thế giới để hỗ trợ hoạt động của những con tàu này. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn tỏ ra ngập ngừng với những ý tưởng cho rằng nước này muốn có sự hiện diện quân sự toàn cầu để tương xứng với Mỹ - quốc gia hiện có 10 tàu sân bay.

Tàu Liêu Ninh trước đây đã từng tham gia vào các cuộc tập trận, bao gồm tập trận trên biển Đông và gần đây hơn là tập trận gần Đài Loan. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm này được cho là sẽ được sử dụng như một tàu huấn luyện thay vì có vai trò chiến đấu thực sự.

Đọc tiếp »

Lotte chuẩn bị chia nhỏ mảng kinh doanh để xử lý khủng hoảng

Theo Bloomberg, ngày 26/4, Tập đoàn Lotte công bố kế hoạch chia tách 4 mảng kinh doanh chủ chốt thành các công ty. Động thái này sẽ giúp chủ tịch tập đoàn Shin Dong Bin tăng cường quyền lực sau bê bối tranh chấp nhiều năm của gia đình và đang bị truy tố tội danh tham nhũng.

Theo kế hoạch sẽ được trình lên cổ đông vào 29/8 tới, 4 đơn vị kinh doanh đã niêm yết gồm mua sắm, bánh kẹo, thực phẩm và đồ uống của Lotte sẽ tách thành các công ty kinh doanh và công ty đầu tư. Trong đó, từ 1/10, các công ty đầu tư sẽ hợp thành một đơn vị duy nhất theo mô hình holdings. Holdings được dùng chỉ những công ty có chức năng nắm giữ cổ phần của các công ty khác chứ không trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cấu trúc công ty holding duy nhất và việc giảm cổ phần sở hữu chéo từ 67% xuống còn 18% sẽ giúp chủ tịch Shin Dong Bin, 62 tuổi, con trai thứ của nhà sáng lập Lotte, củng cố quyền lực của mình tại tập đoàn. Việc này cũng khiến anh trai ông, Shin Dong Joo, khó thuyết phục cổ đông để quay lại chiếm quyền lãnh đạo tập đoàn.

Năm 2015, Shin Dong Bin chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành quyền lực với anh trai và cha. Sau đó, cha ông lui về một vị trí danh dự trong tập đoàn còn anh trai Dong Joo bị “hất cẳng” khỏi ban lãnh đạo. Từ sau đó, Shin Dong Joo, 63 tuổi, luôn tìm cách gây khó dễ cho ban quản trị của em trai nhưng bất thành. Tuần trước, ông này cho biết sẽ đề xuất việc quay lại lãnh đạo tập đoàn.

Mối quan hệ thù địch giữ anh em họ Shin không phải là khó khăn duy nhất của Lotte. Với doanh thu gần gấp đôi Coca Cola Inc., tập đoàn Lotte đang phải hứng chịu làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc sau khi đồng ý dành một phần đất cho Mỹ xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ - động thái bị chính quyền Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Ngoài ra, chủ tịch Shin Dong Bin cũng đang bị truy tố không giam giữ vì tội danh tham nhũng.

Lotte cũng phải chịu nhiều chỉ trích từ chính phủ Hàn Quốc khi lượng cổ phần sở hữu chéo lớn cho phép các thành viên gia đình có quyền thao thúng hoạt động của các công ty con.

“Động thái này sẽ giúp xoa dịu những quan ngại về các tranh chấp của gia đình sáng lập, đồng thời củng cố quyền lực của chủ tịch đối với tập đoàn”, Park Ju Gun, chủ tịch công ty tư vấn CEOScore, nhận định trước khi kế hoạch chính thức được công bố.

Trong ngày 26/4, cổ phiếu của 4 công ty gồm Lotte Confectionery, Lotte Shopping Co., Lotte Food Co. và Lotte Chilsung Beverage Co. tạm ngừng giao dịch trước khi kế hoạch tái cấu trúc trên được công bố.

Theo Moneytoday, Shin Dong Bin dự định mua 3,27% cổ phần của Lotte Confectionery. Hiện ông nắm giữ 9,1% cổ phần của công ty sản xuất bánh kẹo, kem và rượu này, lượng cổ phần lớn nhất trong tay cổ đông cá nhân, theo số liệu từ Bloomberg.

Bất chấp những bê bối liên quan tới gia đình nhà sáng lập, cáo buộc tham nhũng và áp lực từ Trung Quốc, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tập đoàn này. Hai tuần qua, kết thúc phiên giao dịch hôm 25/4, cổ phiếu các công ty con của Lotte tăng 15%, giúp giá trị thị trường của tập đoàn này tăng thêm 1,6 tỷ USD.

Việc tái cơ cấu cũng có thể sẽ giúp mở đường cho đợt IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu) của Hotel Lotte Co. vốn bị hoãn lại khi công ty này bị điều tra tháng 6 năm ngoái. Mảng kinh doanh khách sạn Lotte dự kiến thực hiện IPO vào năm 2019, một lãnh đạo Lotte cho biết hôm 24/3.

“Bộ máy quản lý đơn giản hơn sẽ giúp Lotte thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu chính của Lotte dưới thời Shin Dong Bin”, ông Park của CEOScore nhận định.

Đọc tiếp »

Kế hoạch giảm thuế của Trump không gây ấn tượng với giới đầu tư

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 đã công bố bản kế hoạch dài 1 trang giấy đề xuất cắt giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp nước này. Nếu được thực thi, kế hoạch của Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh.

Hãng tin Reuters cho biết, sau khi được công bố, kế hoạch trên nhận được sự chào đón khá thận trọng của thị trường tài chính cũng như những người có quan điểm bảo thủ về tài khóa.

Những đề xuất giảm thuế của Trump được đánh giá là sẽ làm hài lòng những người hưởng lợi, bao gồm các công ty đa quốc gia và người đóng thuế giàu có. Tuy nhiên, kế hoạch này còn một khoảng cách lớn mới đạt tới một chương trình cải tổ thuế mà cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tìm kiếm suốt nhiều năm qua.

Đến ngày thứ Bảy tuần này, Trump sẽ khép lại “tuần trăng mật” 100 ngày cầm quyền đầu tiên, nhưng đến nay ông vẫn chưa cho thấy được những bước tiến rõ ràng trong các chính sách của mình. Kế hoạch cắt giảm thuế mà ông đưa ra phù hợp với lời hứa của ông trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống hồi năm ngoái, nhưng còn thiếu chi tiết cụ thể.

Giới đầu tư, những người đã chờ đợi một kế hoạch giảm thuế cụ thể suốt mấy tháng qua, gần như không ấn tượng với những gì được công bố. Nhiều người nói kế hoạch còn quá chung chung và sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể được thực thi. “Tôi chỉ quan tâm khi có một thứ gì đó thực sự được ký thành luật”, ông Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate.com, phát biểu.

Đảng Dân chủ cũng ngay lập tức chỉ trích kế hoạch của Trump - vị Tổng thống của Đảng Cộng hòa - là thiếu trách nhiệm về mặt tài khóa. “Kế hoạch thuế của Tổng thống Trump thiếu chi tiết và tập trung mang lại lợi ích cho các công ty lớn và các tỷ phú”, bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện phát biểu.

Trong khi đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện cùng lên tiếng ca ngợi những đề xuất của Trump, nói rằng kế hoạch sẽ được lên chi tiết cụ thể trong quá trình hình thành dự luật. “Những nguyên tắc mà chính quyền Trump vạch ra hôm nay sẽ giữ vai trò là kim chỉ nam quan trọng” khi Quốc hội và chính quyền làm việc để đưa ra những thay đổi về thuế - phe Cộng hòa nói trong một tuyên bố.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm bớt mức tăng điểm sau khi kế hoạch thuế của Trump được công bố. Chỉ số công nghiệp Dow Jones thậm chí đóng cửa phiên giao dịch với mức giảm 0,1%.

Theo kế hoạch được công bố tại Nhà Trắng bởi cố vấn kinh tế của ông Trump là ông Gary Cohn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, Trump đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 15%. Kế hoạch cũng kêu gọi sẽ giảm thuế từ mức 35% hiện nay đối với lợi nhuận mà các công ty Mỹ chuyển từ nước ngoài về nước, nhưng không nói rõ mức cắt giảm sẽ là bao nhiêu.

Theo ước tính, hiện các công ty Mỹ đang cất 2,6 nghìn tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài để tránh bị đánh thuế.

Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch của Trump là không có đề xuất đánh thuế biên giới (border tax) đối với hàng hóa nhập khẩu như ý tưởng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan.

Đối với người dân Mỹ, kế hoạch của Trump đề xuất tăng gấp đôi mức khấu trừ tiêu chuẩn đối với cá nhân đóng thuế không nêu từng khoản; đơn giản hóa hoàn thuế bằng cách giảm số rổ thuế từ 7 xuống còn 3; và giảm thuế cho những gia đình có con nhỏ và người phụ thuộc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mnuchin nói suy giảm ngân sách do giảm thuế sẽ được bù đắp thông qua xóa bỏ các lỗ hổng thuế hiện nay. Ông Mnuchin cho rằng kế hoạch của ông Trump sẽ xóa bỏ hầu hết việc khấu trừ thuế, ngoại trừ đối với các khoản từ thiện, tiết kiệm hưu trí, và tiền lãi khoản vay thế chấp nhà.

Đọc tiếp »

Tượng Pieta Việt Nam-Thông điệp xin lỗi gửi đến người dân Việt

Tượng Pieta Việt Nam đã được dựng như một lời xin lỗi cho những vụ thảm sát mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Tờ báo Hankyoreh của Hàn Quốc cho biết, cách đây 1 năm, vào ngày 27/4/2016, một mô hình bằng thạch cao của tượng Pieta Việt Nam đã được công bố tại Trung tâm Giáo dục Franciscan ở thủ đô Seoul. Một năm sau, vào ngày 26/4/2017, tượng Pieta Việt Nam bằng đồng đã chính thức được khánh thành tại Trung tâm Hòa bình St. Francis tại làng Gangjeong trên đảo Jeju, Hàn Quốc.

Lễ khánh thành bức tượng diễn ra trùng với dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là tác phẩm của hai nhà điêu khác người Hàn Quốc Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung, tượng Pieta Việt Nam là bức tượng về một phụ nữ đang ôm đứa con nhỏ, với ý nghĩa an ủi cho linh hồn những người mẹ và em bé mới chào đời đã chết trong những cuộc thảm sát của binh sỹ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam.

Trong tiếng Việt, tượng Pieta Việt Nam có tên là “Lời ru cuối cùng”. Trong tiếng Italy, “pieta” có nghĩa là nỗi buồn thương.

Bức tượng mang thông điệp xin lỗi sâu sắc gửi đến người dân Việt Nam vì những tội ác mà quân đội Hàn Quốc trước đây gây ra đối với miền Trung Việt Nam. Bức tượng cũng là một lời kêu gọi về sự cần thiết phải công khai và xác nhận sự thật về những tội ác mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Tờ Hankyoreh nói rằng có tổng cộng 320.000 binh sỹ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam trong thời gian từ 1965-1973.

Chủ trì lễ khánh thành tượng Pieta Việt Nam tại đảo Jeju là Quỹ Hòa bình Hàn-Việt. Đây là quỹ ra mắt vào tháng 4/2016 với mục tiêu hướng tới hòa bình, thúc đẩy sự hối cải của xã hội Hàn Quốc đối với những vụ thảm sát thường dân mà quân đội nước này gây ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Đọc tiếp »

Mỹ tuyên bố muốn siết trừng phạt để xử lý Triều Tiên

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 tuyên bố muốn buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua tăng cường lệnh trừng phạt quốc tế và áp lực ngoại giao, đồng thời vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng để đạt kết quả như vậy.

Lập trường này của Mỹ có thể được xem như một tín hiệu cho thấy Washington sẵn sàng sử dụng tất cả các biện pháp phi quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên, cho dù Mỹ cảnh báo liên tục rằng “mọi lựa chọn đang được đem ra cân nhắc” - ám chỉ bao gồm hành động quân sự.

Hãng tin Reuters cho biết, tuyên bố được đưa ra sau một cuộc họp bất thường về vấn đề Triều Tiên được tổ chức tại Nhà Trắng với sự tham gia của toàn thể Thượng viện Mỹ.

Tuyên bố từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis, và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats miêu tả Triều Tiên là “một mối nguy an ninh quốc gia khẩn cấp và ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu”.

Giới chuyên gia nói rằng sau năm 2020 Triều Tiên có thể đạt tới khả năng chế tạo một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vươn tới đại lục Mỹ.

“Chiến lược của Tổng thống là nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế và theo đuổi các biện pháp ngoại giao cùng với các đối tác và đối tác khu vực”, tuyên bố có đoạn viết. “Nước Mỹ tìm kiếm sự ổn định và giải trừ hạt nhân một cách hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi vẫn cởi mở với việc đàm phán để đạt mục đích đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn sẵn sàng tự vệ và bảo vệ đồng minh của mình”.

Thời gian qua, chính quyền Trump vẫn nói tấn công quân sự là một trong số những lựa chọn để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh rằng siết trừng phạt vẫn là chiến lược chủ chốt, bởi nguy cơ xảy ra sự trả đũa mạnh mẽ từ Triều Tiên, mà nạn nhân đầu tiên gần như chắc chắn sẽ là Hàn Quốc và lực lượng của Mỹ đóng tại nước này.

Điều này cho thấy chính quyền Trump buộc phải tiếp tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama trong vấn đề Triều Tiên - một chiến lược đã không thể khiến Bình Nhưỡng giảm tham vọng hạt nhân và tên lửa.

Theo dự kiến, ông Tillerson sẽ chủ trì một hội nghị cấp bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm bàn về tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Theo giới chức Mỹ, siết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng có thể bao gồm cấm vận dầu lửa, cấm hãng hàng không quốc gia Triều Tiên, chặn tàu chở hàng của nước này, và trừng phạt các ngân hàng có giao dịch với Triều Tiên.

Cùng ngày 26/4, trước khi có tuyên bố từ Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân thông qua cảnh báo quân sự và trừng phạt là “một giấc mơ hoang đường” và giống như “dùng chổi quét xuống biển”.

Đọc tiếp »